VNHN - Trước những diễn biến phức tạp của nạn xâm hại trẻ em hiện nay, Bắc Ninh đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ, phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất những nguy cơ xâm hại có thể xảy ra với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của gia đình, thì việc phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Nguyên nhân từ sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ
Bà Nguyễn Thị Tuyền, 57 tuổi (khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh) đang sinh sống chung với gia đình người con trai cả. Do đặc thù công việc kinh doanh bận rộn của các con nên phần lớn thời gian trong ngày, 4 đứa cháu nội (lớn nhất 8 tuổi, bé nhất 3 tuổi) đều được ông bà chăm sóc. Từ 7 giờ sáng đến 20 giờ, hai ông bà tất bật với việc đưa đón đi học, chuẩn bị đồ ăn, vệ sinh, tắm rửa cho các cháu. “Chăm sóc liền lúc 4 đứa trẻ cũng thấy vất vả nhưng vì bố mẹ các cháu bận rộn suốt nên chúng tôi đành phải cố gắng vừa làm ông bà, vừa làm cha mẹ. Các cháu đều đang tuổi hiếu động, thích khám phá nên để trông nom, chăm sóc chu đáo không hề đơn giản” - Bà Tuyền trải lòng.
Cùng chung nỗi niềm là bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Chi Hồ, xã Tân Chi, huyện Tiên Du). Vợ chồng con trai làm công nhân tại khu công nghiệp với đặc thù nghiêm ngặt về thời gian, lại thường xuyên tăng ca nên 3 con nhỏ chủ yếu một tay bà Hoa chăm sóc. Tuổi đã cao, lại phải xoay vần giữa 3 đứa trẻ khiến bà đôi lúc không thể để mắt, bao quát được hết mọi việc. Đã có lần vì bà bận nấu ăn ở bếp, cháu trai 2 tuổi trong lúc chơi đùa bị ngã ra ngoài cửa sổ phải đi cấp cứu, rất may chỉ chấn thương phần mềm.
Đây là 2 trường hợp điển hình trong số rất nhiều gia đình hiện nay, cha mẹ vì nhiều lý do bận rộn mưu sinh khiến ông bà bất đắc dĩ phải trở thành người chăm sóc chính của trẻ em. Dù nhiều kinh nghiệm nhưng do tuổi tác lớn, không còn linh hoạt, không ít ông bà gặp khó khăn trong việc chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ. Cá biệt, có trường hợp vì thiếu sự quan tâm, sát sao của cha mẹ, ông bà thiếu kiến thức về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em nên vô tình khiến nhiều em nhỏ đứng trước nguy cơ tai nạn thương tích, rơi vào các tệ nạn xã hội, bị bạo lực, xâm hại.
Ðiều đáng quan tâm, địa bàn xảy ra các hành vi xâm hại thường là tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để đạt được mục đích của mình. Ða phần đối tượng xâm hại trẻ em là người có mối quan hệ thân quen với trẻ, lợi dụng lòng tin, sự hồn nhiên, trong sáng, không cảnh giác của trẻ, cũng như cha mẹ trẻ để thực hiện các hành vi xâm hại.
Qua đánh giá của các cơ quan chức năng, mặc dù phương thức thủ đoạn của đối tượng không mới, nhưng do nhận thức, đặc điểm tâm lý còn non nớt, cho nên trẻ em vẫn là nhóm tuổi dễ bị xâm hại. Có những trường hợp bị xâm hại không tố giác ngay, dẫn tới khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ. Một lý do khiến tội phạm liên quan đến việc xâm hại trẻ em chưa được xử lý nghiêm do có một số quy định mới của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 đến nay chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực thi, gây những khó khăn cho công tác đấu tranh, điều tra, truy tố, thậm chí là oan sai, bỏ lọt tội phạm đối với các vụ việc xâm hại trẻ em.
Trực tiếp tham gia tuyên truyền tại các buổi truyền thông tại các xã phường, thị trấn, bà Phạm Thị Hồng Quyên, Trưởng Phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng, việc trẻ em ở nhà thiếu vắng sự chăm lo của cha mẹ là một hiện tượng xã hội tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là một trong những vấn đề đặt ra trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay.
Cán bộ Phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) phát tờ rơi tuyên truyền về Luật Trẻ em cho phụ huynh, ông bà tại phường Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh).
Nhiều biện pháp tích cực đã được chính quyền tỉnh Bắc Ninh thực hiện
Từ thực tế trên, bà Quyên nhấn mạnh: “Giải pháp thiết thực nhất là chúng ta cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh, ông bà, người chăm sóc thay thế về quyền trẻ em, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chủ động tham gia phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực, xâm hại trẻ em, chấm dứt các hình thức bạo lực thể chất, tinh thần, tạo dựng môi trường phát triển lành mạnh, an toàn cho trẻ”.
Với mục đích này, Sở LĐ-TB&XH vừa phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hơn 20 buổi truyền thông về quyền trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các địa phương trong tỉnh. Những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em được truyền đạt một cách chi tiết dễ hiểu tới hơn 4 nghìn lượt ông bà, cha mẹ, người chăm sóc trẻ.
Quy tắc 4 vòng tròn.
Bên cạnh đó là những kiến thức, kỹ năng thiết thực trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại gia đình và cộng đồng hiện nay cũng được chính quyền tỉnh thực hiện tuyên truyền như: Cách tương tác, giáo dục kỹ năng cho trẻ những năm đầu đời; cảnh báo nguy cơ và cách phòng chống xâm hại trẻ em; giới thiệu về quy tắc “4 vòng tròn”, “5 ngón tay”, “vùng cấm trên cơ thể”; giới thiệu đường dây nóng 111, trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý khi gặp trường hợp xâm hại trẻ em.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác truyền thông về quyền trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt hướng tới đối tượng ông bà, cha mẹ, người chăm sóc trẻ ở vùng nông thôn nhằm truy tải thông tin tới cộng đồng nhiều hơn về số lượng và thiết thực hơn về chất lượng, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em gia tăng và đang diễn phức tạp hiện nay.
Quy tắc 5 ngón tay.
Trước sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa của Bắc Ninh trong thời gian tới, cũng như sự phát triển như vũ bão của thế giới công nghệ số đã và sẽ tiếp tục tác động rất lớn tới tư duy, nhận thức, quan điểm, hành vi, đạo đức, lối sống của cả người lớn và trẻ em, cả mặt tích cực và tiêu cực. Chính vì vậy, cần có quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hệ thống các giải pháp đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến cơ sở, tập trung giảm đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ em bị xâm hại ở tất cả các môi trường mà trẻ em đang sinh sống, học tập. Từ đó, góp phần giảm bớt các vụ xâm hại trẻ em, không để tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp hơn không chỉ ở Bắc Ninh mà ở tất cả các địa phương khác trên cả nước.