VNHN - Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng, song chưa nộp phạt theo quy định.
Việc các đơn vị vi phạm chây ì không nộp tiền phạt, vẫn ngang nhiên hoạt động đã làm thất thu ngân sách nhà nước, có biểu hiện “nhờn” luật và tạo tiền lệ xấu đối với công tác quản lý. Sở dĩ để xảy ra tình trạng trên, trước hết là do các chủ doanh nghiệp (DN) không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, phớt lờ “lệnh” xử phạt của cấp có thẩm quyền.
Một góc nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH Giấy Bình Dương.
Một trong những đơn vị “cứng đầu” nhất trong việc chống đối, phải kể đến Công ty TNHH Giấy Bình Dương, trụ sở tại Cụm công nghiệp Nội Hoàng (huyện Yên Dũng). Đây là DN chuyên sản xuất giấy Kraft. Ngày 31/3/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang trong quá trình kiểm tra đã phát hiện đơn vị này không có hồ sinh học xử lý nước thải phát sinh từ quá trình “xeo giấy” (một công đoạn sản xuất giấy) trước khi thải ra môi trường. Đồng thời, xả nước thải có thông số độc hại vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, gây ô nhiễm môi trường nước mặt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định xử phạt Công ty này 300 triệu đồng; Năm 2015, Công ty TNHH Giấy Bình Dương tiếp tục bị Sở Xây dựng xử phạt 30 triệu đồng do xây dựng công trình sai phép. Năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh phạt Công ty 95 triệu đồng vì sử dụng đất không đúng mục đích.
Đầu tháng 12/2018, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có thông báo Kết luận, giao cho Sở TN&MT phối hợp với Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đôn đốc Công ty TNHH Giấy Bình Dương khắc phục các tồn tại và nộp tiền theo các quyết định xử phạt xong trước ngày 20/12/2018. Thế nhưng theo nguồn tin của phóng viên, đầu tháng 7/2019, Công ty vẫn hoạt động, đang cho một số đơn vị khác thuê đất sản xuất kinh doanh nhưng chưa nộp bất cứ khoản tiền phạt nào(?).
Một DN khác là Công ty TNHH một thành viên Đường Tuyết (chuyên tái chế dầu thải) tại thôn Mai Phong, xã Mai Trung (huyện Hiệp Hòa) không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại, làm tràn dầu thải ra ruộng canh tác. Tháng 5/2014, đơn vị này đã bị cơ quan chức năng xử phạt 900 triệu đồng. Nhưng chủ DN này không thực hiện chấp hành nộp phạt, mà còn dùng kế “ve sầu thoát xác” tuyên bố giải thể doanh nghiệp ngay sau đó và xin thành lập Công ty An Lạc Bắc Giang, với ngành nghề thu gom, xử lý rác thải và phế liệu. Theo một lãnh đạo UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, việc thành lập công ty khác là nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm nộp phạt. Mới đây, cơ sở tái chế dầu nhớt, xử lý rác thải này lại tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài các DN trên, trong lĩnh vực xây dựng, còn nhiều DN chưa chấp hành nộp phạt theo quy định, chậm từ 1 - 3 năm. Mỗi đơn vị này bị phạt 30 - 35 triệu đồng do không thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin định kỳ về Sở Xây dựng; thi công sai thiết kế được phê duyệt,...
Trước thực trạng trên, mới đây các Sở: Xây dựng, Công Thương, TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với các DN chưa nộp tiền phạt, yêu cầu khẩn trương chấp hành. Riêng Sở TN&MT đang làm việc với Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng để thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định đối với Công ty TNHH Giấy Bình Dương.
Đã đến lúc các Sở TN&MT, Xây dựng cần thiết lập hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức kê biên tài sản để bán đấu giá đối với các DN không nghiêm túc chấp hành quy định./.