24/12/2024 lúc 01:41 (GMT+7)
Breaking News

Ðẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn

VNHN - Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QÐ-TTg phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Nhìn chung, quá trình cổ phần hóa có chuyển biến tích cực, nhưng đến thời điểm này, tốc độ thoái vốn có xu hướng chậm lại và xuất hiện nhiều áp lực mới. Ðiều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, có chính sách tháo gỡ phù hợp, nhằm đẩy nhanh tiến trình, đem lại hiệu quả.

VNHN - Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QÐ-TTg phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Nhìn chung, quá trình cổ phần hóa có chuyển biến tích cực, nhưng đến thời điểm này, tốc độ thoái vốn có xu hướng chậm lại và xuất hiện nhiều áp lực mới. Ðiều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, có chính sách tháo gỡ phù hợp, nhằm đẩy nhanh tiến trình, đem lại hiệu quả.

Dây chuyền sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Anh Sơn.

Ði vào chất lượng

Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 cả nước phải hoàn thành cổ phần hóa (CPH) ít nhất 85 doanh nghiệp (DN). Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2018, có 15 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 29.934 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 15.543 tỷ đồng. Về thoái vốn, năm 2018, có 181 DN phải thực hiện, nhưng đến nay mới chỉ có 18 DN thoái được 7.885 tỷ đồng, thu về 18.334 tỷ đồng. Có 21 đơn vị thực hiện bán cổ phần lần đầu (IPO) với tổng giá trị bán ra là 13.808 tỷ đồng, thu về 21.644 tỷ đồng. Như vậy trong năm 2018, tổng giá trị bán ra từ CPH và thoái vốn nhà nước là 21.693 tỷ đồng, tổng giá trị thu về 39.978 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, so với mục tiêu đề ra, tiến độ CPH, thoái vốn còn chậm, không đạt kế hoạch. Tuy nhiên, quá trình CPH có điểm mới chuyển biến tích cực, khi số lượng DN được CPH, thoái vốn ít nhưng quy mô lại rất lớn, đạt kết quả tốt, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và tạo hiệu ứng cho thị trường. Ðơn cử như thương vụ đấu giá cổ phần Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex-VCG) của Tổng công ty Ðầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel).

Theo đó, SCIC đã đấu giá thành công 255 triệu cổ phần VCG, tương đương 57,71% vốn với mức giá trúng cao hơn so với giá khởi điểm và cao hơn giá thị trường, thu về 7.366 tỷ đồng, vượt kỳ vọng ban đầu 1.936 tỷ đồng. Viettel cũng bán thành công trọn lô 94 triệu cổ phần VCG với giá trúng gần bằng giá khởi điểm. Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng gây được hiệu ứng khi "xông đất" thị trường đầu năm với kết quả vượt hơn mong đợi, bán thành công toàn bộ 241,55 triệu cổ phần (tương đương 7,79% vốn) với giá cao hơn 57% giá khởi điểm, thu về cho ngân sách hơn 5.566 tỷ đồng, trong đó 60% từ đầu tư nước ngoài và đưa cổ phiếu lên giao dịch ở sàn UPCoM. Theo Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh, năm 2018, PVN đã CPH được ba DN lớn, thu về cho nhà nước hơn 16 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác CPH là vướng mắc về xác định giá trị DN, nhất là những DN phân tán nhiều nơi, nhiều chỗ, có phức tạp về đất đai.

Có thể thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiến hành CPH, bán vốn ít, chậm so với kế hoạch, nhưng đều là những DN có quy mô lớn, số vốn nhà nước thu về nhiều. Ðây là chiều sâu của CPH hiện nay, khác với trước đây khi CPH, bán vốn ở nhiều DN nhưng số vốn nhà nước thu về lại nhỏ. Phó Tổng giám đốc SCIC Lê Song Lai cho rằng, quá trình thoái vốn nhà nước đã đi vào thực chất và chiều sâu. Ðây cũng là năm thoái vốn thành công của SCIC với kết quả bán vốn thành công tại chín DN với tổng giá trị doanh thu 7.639 tỷ đồng, trong đó, giá chênh lệch bán vốn là 5.706 tỷ đồng trên giá vốn 2.617 tỷ đồng.

Gỡ nút thắt, truy trách nhiệm cá nhân

Bên cạnh các kết quả đạt được, tiến trình CPH, thoái vốn còn một số hạn chế, nhất là áp lực đang dồn vào hai năm 2019-2020 do không chỉ có khối lượng DN phải hoàn thành theo tiến độ mà còn có những DN chưa hoàn thành được chuyển tiếp sang và một số DN đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, việc các địa phương chậm phê duyệt phương án sử dụng đất đã ảnh hưởng đến tiến độ CPH của DN. Các quy định về CPH cũng như một số vướng mắc liên quan các nội dung về xác định giá trị DN như giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai,... chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến thời gian xây dựng phương án CPH kéo dài, không hoàn thành đúng kế hoạch.

Bộ Tài chính cho biết thêm, đến nay cơ chế, chính sách về CPH DNNN đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hạn chế thất thoát vốn tài sản nhà nước. Ðồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH. Hầu hết các DNNN chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Thực tế nêu trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác CPH, thoái vốn DN trong thời gian tới. Ngay trong tuần làm việc đầu tiên của năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể và ấn định thời gian hoàn thành, báo cáo Thủ tướng đối với từng bộ, ngành, địa phương và DN. Theo đó, trước ngày 15-1 phải hoàn thành phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN. Những trường hợp cần điều chỉnh danh mục, tiến độ CPH phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-1. Trường hợp không triển khai đúng tiến độ phải được chuyển giao về SCIC trước ngày 31-3 để tổ chức thoái vốn theo đúng quy định. Thủ tướng cũng yêu cầu định kỳ công bố công khai thông tin về CPH, thoái vốn DN làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trước thực trạng kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan quản lý xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để chậm trễ trong công tác CPH, thoái vốn, đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán…, có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.

Theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ CPH, thoái vốn phải bảo đảm ít nhất 250 nghìn tỷ đồng nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Từ năm 2016 đến 2018, đã có 155 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN được chuyển vào ngân sách nhà nước trong đó, riêng năm 2018 quỹ đã chuyển về ngân sách nhà nước 65 nghìn tỷ đồng./.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Theo Nhandan.com.vn