24/12/2024 lúc 07:27 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Tài chính: Tăng tốc cổ phần hóa và thoái vốn DNNN

VNHN - Ngày 19/11, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.

VNHN - Ngày 19/11, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc họp báo chuyên đề tại Bộ Tài chính. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017, năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 DN thực hiện thoái vốn theo kế hoạch. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra. 

Trong đó, TP.HCM theo kế hoạch phải thực hiện cổ phần hóa 39 DN, chiếm 44% tổng số DN phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào. Còn Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 14 DN, chiếm 16% tổng số DN phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018 và cũng chưa có DN nào thực hiện được.

Theo số liệu của Cục Tài chính DN trực thuộc Bộ Tài chính thì tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN sau khi thực hiện cổ phần hóa có nhiều thay đổi trái chiều. Bên cạnh những DN tổng tài sản và lợi nhuận tăng thì vẫn có DN phát sinh lỗ.

Cụ thể, có 35 DN với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỷ đồng, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt 47.297 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó, một số DN cổ phần có số lỗ phát sinh lớn như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỷ đồng; Tổng công ty LICOGI lỗ phát sinh 59 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, một số DN cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng; Công ty cổ phần XNK Đà Nẵng âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN nhận định: Có thể theo Luật quản lý vốn để DN rà soát lại. Chế tài xử lý thế nào đối với người đại diện phần vốn nhà nước đều được quy định rõ. Hơn ai hết các cổ đông và họp đại hội đồng cổ đông có quyền phế truất luôn. Ví dụ như Công ty điện Quảng Ninh vừa qua khi hoạt động không hiệu quả, thua lỗ đã thay hết lãnh đạo.

Theo đại diện Bộ Tài chính, cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán… là những biện pháp nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là gia tăng hiệu quả của các DN, điều vẫn được đánh giá là chưa phù hợp với tiềm năng sẵn có của DNNN. Tuy nhiên, với những thống kê như trên, có vẻ như việc triển khai cách thức làm tăng hiệu quả DNNN lại đang tỏ ra không mấy hiệu quả.

Cũng theo Bộ Tài chính, các vướng mắc liên quan đến đất đai, tài chính là một trong những nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa tại các DN, đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai.

Ngoài ra, tỷ lệ vốn Nhà nước trong phương án cổ phần hóa còn cao, dẫn đến giảm sức hút đối với các Nhà đầu tư mua cổ phần. Ngoài ra, một số đơn vị còn chưa nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DN, vai trò của người đứng đầu còn chưa cao, một số DN chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, từ đó dẫn đến chậm đổi mới quản trị DN, nâng cao hiệu quả sản xuất./.