21/12/2024 lúc 23:44 (GMT+7)
Breaking News

Xuất khẩu cà phê tiếp tục xu hướng tăng giá trị

Dù lượng cà phê xuất khẩu giảm nhưng trị giá vẫn tăng mạnh tới hơn 33%, lý do là giá cà phê tăng cao. Nhờ đó, xuất khẩu cà phê niên vụ qua đã đóng góp hơn 5,4 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Diện tích cà phê giảm nhưng giá vẫn tăng

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích cà phê tiếp tục giảm xuống do nhiều nông dân chuyển sang trồng một số loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ… cũng góp phần tiếp tục làm giảm sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024/2025. Nhiều khả năng sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024/2025 ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho hay: "Diện tích cà phê đang ngày càng bị thu hẹp do những năm trước giá cà phê thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên bà con đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Để tăng diện tích và tăng sản lượng cây cà phê trong thời gian tới là rất khó. Chúng ta nên tìm một biện pháp thích hợp để phát triển lâu dài chứ không thể trông đợi quá nhiều vào thị trường".

Theo ông Nguyễn Nam Hải, trong niên vụ 2023/2024 (từ 1/10/2023 đến 30/9/2024), Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê, giảm 12,1% so với niên vụ 2022/2023. Lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch lại tăng tới tới 33,1%, lên mức 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay.

Đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu cà phê trong một niên vụ cà phê vượt mốc 5 tỷ USD. Giá xuất khẩu tăng cao là động lực chính để xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc nói trên. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, riêng trong tháng 9 vừa rồi, giá xuất khẩu cà phê đạt bình quân 5.469 USD/tấn, là mức giá cao nhất trong lịch sử, tăng 5,8% so với tháng trước đó và tăng 68,7% so với tháng 9/2023.

Tính chung trong cả niên vụ 2023/2024, giá xuất khẩu cà phê đạt bình quân 3.673 USD/tấn, cao hơn gần 50% so với niên vụ 2022/2023. Với mức tăng như vậy, cà phê hiện là nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Về thị trường, Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục là khu vực thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2023/2024, với khối lượng đạt 563 nghìn tấn, trị giá 2 tỷ USD, giảm 8,6% về lượng nhưng tăng 41% về kim ngạch so với niên vụ trước, chiếm 38% về lượng và 37% về kim ngạch trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Đức, Italy và Tây Ban Nha là ba thị trường đơn lẻ lớn nhất của cà phê Việt Nam trong niên vụ vừa qua, với kim ngạch đạt lần lượt là 607 triệu USD, 417 triệu USD và 413 triệu USD, tăng lần lượt 37%, 30% và 75% so với niên vụ 2022/2023.

Một số thị trường lớn khác cũng tăng mạnh về kim ngạch trong niên vụ 2023/2024 dù giảm về lượng là Nhật Bản (tăng 38%) và Nga (tăng 20%).

Nguồn cung giảm trong niên vụ 2023/2024 không chỉ làm giá cà phê tăng cao mà còn ảnh hưởng tới lượng cà phê tồn kho chuyển sang đầu niên vụ 2024/2025. Thông tin từ một số thương nhân ngành cà phê cho hay, ngay từ tháng 5/2024, nguồn cung cà phê đã cạn. Do đó, lượng cà phê tồn kho để chuyển sang vụ mới 2024/2025 gần như bằng 0.

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá cà phê đầu niên vụ 2024/2025 (từ 1/10/2024 đến 30/9/2025) vẫn đang tiếp tục đứng ở mức cao. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên luôn ở mức hơn 110 nghìn đồng/kg, cao gần gấp 2 lần giá cà phê đầu niên vụ 2023/2024.

Xuất khẩu cà phê tiếp tục xu hướng tăng giá trị- Ảnh 2.

So với cùng kỳ năm ngoái, nửa đầu tháng 10/2024 đã tăng hơn 20% về lượng và tăng 98% về trị giá cà phê

Giá cà phê sẽ duy trì ở mức cao

Giá cà phê Việt Nam trong cả niên vụ 2024/2025 được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do sản lượng giảm. Theo nhận định của Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột, sản lượng cà phê niên vụ 2024/2025 có thể giảm 15% so với niên vụ 2023/2024. Tháng 5, tháng 6 hằng năm là thời điểm quả cà phê ở Tây Nguyên phát triển nhanh chóng và cần đủ nước cho quá trình này. Nhưng tháng 5 và tháng 6 năm nay, các vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên lại bị thiếu nước sẽ khiến cho hạt cà phê nhỏ lại, qua đó làm giảm sản lượng cà

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu tháng 10 năm nay đạt 21,5 nghìn tấn, kim ngạch đat 125,8 triệu USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với nửa đầu tháng 9; so với nửa đầu tháng 10/2023 tăng hơn 20% về lượng và tăng 98% về trị giá.

Thời gian qua, giá cà phê trên thế giới tăng cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu, dẫn đến giảm nguồn cung.

Ngoài ra, những cuộc xung đột quân sự trên thế giới cũng khiến chi phí vận chuyển và nhiều chi phí khác trong xuất khẩu tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê để đầu cơ cũng tác động lớn đến giá mặt hàng này.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, điều quan trọng khiến giá cà phê tăng là quy định chống phá rừng (EUDR) của EU. Hiện cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) nêu rõ, từ ngày 30/12, các công ty không thể xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp (trong đó có cà phê) vào thị trường này nếu không chứng minh được sản phẩm của họ không liên quan đến phá rừng. Tuy nhiên, với các công ty nhỏ, tính hiệu lực của quy định EUDR được lùi lại tới tháng 7/2025. Vì thế, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang tích cực thu mua cà phê. Theo nhận định của lãnh đạo VICOFA, thời gian tới, quy định này được áp dụng sẽ ảnh hưởng khá lớn đến thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Đỗ Hương - The VGP

...