05/11/2024 lúc 02:09 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong bối cảnh mới

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những yêu cầu của phát triển và bối cảnh thời đại diễn biến phức tạp, khó đoán định, đội ngũ trí thức vẫn sẽ tiếp tục là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Ảnh minh họa - TL

1. Đặc điểm của đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay

Đội ngũ trí thức

Xét dưới góc độ xã hội, trí thức là một tầng lớp gồm tập hợp các cá nhân có hoạt động chuyên môn nghề nghiệp chuyên nghiệp mà các hoạt động này chủ yếu là các hoạt động tư duy trí tuệ hay là hoạt động lao động trí óc. Dưới góc độ cá nhân, trí thức chỉ một con người cụ thể, có trình độ học vấn nhất định, thường là học vấn cao, hiểu biết sâu rộng, được đào tạo bài bản, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo để tìm kiếm, nghiên cứu, làm giàu và truyền bá tri thức cho người khác, trực tiếp tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Sản phẩm do trí thức tạo ra thường không phải là các sản phẩm vật chất như hàng hóa, dịch vụ mà người lao động trực tiếp trong nhà máy, trong doanh nghiệp tạo ra. Sản phẩm do trí thức tạo ra rất đa dạng, khác biệt, đó là những con người được đào tạo, những công trình nghiên cứu ở các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho tới nghệ thuật…Trí thức cũng là đội ngũ quan trọng trong tham mưu xây dựng và hoàn thiện đường lối phát triển, pháp luật, chính sách của các quốc gia.

Trí thức có thể xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong xã hội, từ chính các gia đình có truyền thống là trí thức, từ công nhân và nông dân…Ở Việt Nam, nếu so sánh với các giai cấp khác như công nhân và nông dân thì đội ngũ trí thức có số lượng ít hơn nhiều. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đội ngũ trí thức nước ta có tinh thần yêu nước, có lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng do Ðảng lãnh đạo. Sau khi đất nước được giải phóng, đội ngũ trí thức trưởng thành hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua hoạt động lao động sáng tạo, đội ngũ trí thức nước ta đã có nhiều đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đội ngũ trí thức làm nghiên cứu đã tạo ra nhiều sản phẩm là các nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng thành công trong thực tiễn, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho sản phẩm; đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Việc xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở đều có sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức. Ðội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đội ngũ trí thức đã sáng tạo nhiều công trình có chất lượng, có giá trị về tư tưởng, văn hóa và nghệ thuật.

Đội ngũ trí thức làm công tác đào tạo đã góp phần trực tiếp góp phần nâng cao dân trí, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đội ngũ trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực trong hệ thống chính trị các cấp đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên nhiều lĩnh vực; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng, trình độ quản lý của Nhà nước; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đội ngũ trí thức trẻ được đào tạo bài bản, khá năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều trí thức là kiều bào Việt Nam về nước làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, góp phần lan tỏa tri thức, công nghệ, kỹ năng… tạo ra nhiều đóng góp có giá trị, có ý nghĩa cho đất nước cũng như tạo cầu nối kết nối giữa trong nước và nước ngoài.

Đặc điểm đội ngũ trí thức ở nước ta

Trong bối cảnh hiện nay, có thể nhận thấy rõ một số đặc điểm trong xu hướng phát triển đội ngũ trí thức ở nước ta.

Một là, sự phát triển nhanh về số lượng, và chất lượng ngày càng tăng đã tạo nên một đội ngũ trí thức đông đảo, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đa dạng của đời sống, kinh tế - xã hội, như chính trị, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn học - nghệ thuật…

Hai là, ngoài trí thức trong nước, còn có đội ngũ trên 400.000 trí thức Việt kiều, trong đó có hơn 6.000 tiến sỹ và hàng trăm trí thức tên tuổi được quốc tế đánh giá cao. Đội ngũ trí thức Việt kiều sinh sống và làm việc ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ba là, tuy chưa nhiều, tuy nhiên đã xuất hiện một lực lượng trí thức làm việc trong khu vực tư nhân, trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo của tư nhân. Đội ngũ này có kiến thức giỏi, tư duy khoa học, sáng tạo nhưng rất thực tiễn, thực tế và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đội ngũ này có tư duy phản biện, tinh thần khoa học khách quan, độc lập.

Về chính sách của Đảng, Nhà nước với đội ngũ trí thức

Nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức. Ðảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài... để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức. Nhà nước đã thực hiện các chính sách xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống đào tạo, nghiên cứu; đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ; các chính sách sử dụng và tạo môi trường phát huy vai trò của trí thức; chính sách đãi ngộ, tôn vinh trí thức, lập các giải thưởng quốc gia, phong tặng các chức danh khoa học và các danh hiệu cao quý; thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài...

Trong đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tạo ra động lực quan trọng trong phát triển đội ngũ trí thức nước ta trong giai đoạn vừa qua.

Tuy vậy, có thể đánh giá chung là chính sách phát triển đội ngũ trí thức còn nhiều điểm hạn chế. Những hạn chế này ít nhiều đều đã được nhận diện nhưng chưa được khắc phục trong thời gian dài.

Thứ nhất, chính sách thu hút và đãi ngộ về vật chất, cơ chế khuyến khích, tạo động lực về tinh thần, tôn vinh dành cho đội ngũ trí thức chưa tương xứng với nhận thức, đặc biệt trong khu vực công. Tiền lương, tiền công nói chung còn thấp, đặc biệt trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong khu vực công. Thiếu chính sách và cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức chuyên tâm cống hiến, phát triển và được xã hội tôn vinh bằng chính kết quả hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp. Cơ chế và chính sách tài chính hiện hành trong các hoạt động khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ còn nhiều bất cập, gây khó khăn, dẫn đến một số trường hợp trí thức phải tìm cách đối phó, làm giảm chất lượng của các công trình sáng tạo, lãng phí thời gian, công sức, tiền của, ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của trí thức. Chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí của trí thức; đánh giá, sử dụng trí thức không đúng năng lực và trình độ, ngay cả với những trí thức đầu ngành, dẫn đến tâm tư nặng nề trong đội ngũ trí thức. Ngại tiếp xúc, đối thoại, không thực sự lắng nghe, thậm chí quy chụp, nhất là khi trí thức phản biện những chủ trương, chính sách, những đề án, dự án do các cơ quan lãnh đạo và quản lý đưa ra.

Thứ hai, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nêu rõ quan điểm lấy khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo làm "quốc sách hàng đầu", nhưng đầu tư trên thực tế chưa tương xứng và chưa gắn với các giải pháp phát huy vai trò đội ngũ trí thức trên nhiều lĩnh vực. Đầu tư cho khoa học công nghệ chưa chú trọng phát triển đội ngũ trí thức và chưa gắn kết với đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Nguồn lực cho giáo dục đào tạo chưa dành đủ mức cho đào tạo nguồn trí thức chất lượng cao. Chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên sư phạm chưa thực sự hiệu quả và theo đúng mục tiêu chính sách, không tuyển chọn được sinh viên giỏi do việc làm và thu nhập trên thị trường lao động sau khi ra trường không hấp dẫn.

Thứ ba, đội ngũ trí thức ở các địa phương chưa được chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Có khoảng cách rất xa giữa trình độ, lực lượng của đội ngũ trí thức ở Trung ương và địa phương; ở các khu vực thuận lợi và điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, trong khi thực tiễn đòi hỏi phát triển lại diễn ra sôi động và đòi hỏi cấp bách ở cơ sở. Địa phương cần có đội ngũ trí thức am hiểu địa phương và nghiên cứu, tư vấn chính sách phù hợp với địa phương cũng như có tính khả thi với địa phương. Trong khi, đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn sâu và cao ở các địa phương còn khá mỏng.

Thứ tư, chưa xây dựng được cơ chế tuyển chọn, bồi dưỡng, tập trung đầu tư cho trí thức trẻ, trong khi xu hướng thị trường lao động có nhiều thay đổi khiến cho việc làm trong các lĩnh vực hoạt động dành cho trí thức không hấp dẫn, không thu hút được người giỏi. Lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của giới trí không thu hút được nhân lực trẻ. Nhân lực trẻ trong các viện nghiên cứu, trường đại học không chỉ rời khu vực công sang khu vực tư làm việc, mà đáng quan ngại hơn là họ chuyển hẳn sang làm công việc khác để có thu nhập tốt hơn.

Thứ năm, cơ chế lắng nghe đối thoại thường xuyên giữa nhà nước với đội ngũ trí thức trong các vấn đề chiến lược, định hướng phát triển, pháp luật, chính sách phát triển đất nước chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả và thực chất. Thực tế này ảnh hưởng đến việc phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức trong tham mưu, tư vấn và nghiên cứu phục vụ phát triển.

Thứ sáu, kết nối giữa đội ngũ trí thức ở trung ương với địa phương; ở các địa phương; đặc biệt giữa trong nước và quốc tế chưa chặt chẽ, chưa thực chất nên chưa tạo thành một lực lượng mạnh và có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước.

Thứ bảy, cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã được hình thành và triển khai thực hiện cơ bản là đúng xu hướng, thông lệ quốc tế và đúng thực tiễn. Tuy vậy, cơ chế này được áp dụng chung cho các đơn vị sự nghiệp công lập là chưa phù hợp trong bối cảnh các đơn vị rất khác biệt về lĩnh vực hoạt động, đóng góp. Không phải sản phẩm khoa học nào cũng dễ thương mại hóa, không phải lĩnh vực nghề nghiệp nào cũng hấp dẫn sinh viên nếu nhìn từ góc độ thu nhập sau khi ra trường, trong khi đó lại là những lĩnh vực không thể thiếu.

Thực tế đó dẫn tới những bất cập đã được nhận diện nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Xin điểm lại một số bất cập chính đã được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như sau:

- Số lượng và chất lượng trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước. Cơ cấu đội ngũ trí thức có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính... Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế. Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa xuất phát và gắn bó mật thiết với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống.

- Trong khoa học tự nhiên và công nghệ, số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn ít. Trong khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra, chưa có những công trình sáng tạo lớn, nhiều công trình còn sơ lược, sao chép. Trong văn hóa, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị xứng tầm với những thành tựu vẻ vang của đất nước, sự sáng tạo và hy sinh lớn lao của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế.

- Trình độ của trí thức ở nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học vẫn còn tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước tiên tiến trong khu vực, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin.

- Một bộ phận trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao, còn thiếu tự tin, e ngại, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có liên quan đến chính trị. Một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác. Một số trí thức không thường xuyên học hỏi, tìm tòi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, thiếu chí khí và hoài bão. Nhiều trí thức trẻ có tâm trạng thiếu phấn khởi, chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên về chuyên môn.

2. Giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong bối cảnh mới

Tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp đã đề cập trong Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; để Nghị quyết đi vào cuộc sống, tránh rơi vào tình trạng “chủ trương, đường lối, chính sách tốt nhưng thực thi kém” hoặc “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Sau đây xin nhấn mạnh một số giải pháp.

- Với đội ngũ trí thức trong nước làm việc trong khu vực công cần tiếp tục cải thiện điều kiện sống thông qua chính sách tăng lương, giảm bớt các thủ tục hành chính trong công tác tài chính; nâng định mức chi tiêu các hoạt động nghiên cứu, đào tạo… từ nguồn ngân sách nhà nước.

- Với các viện nghiên cứu, trường đại học tư nhân cần các chính sách ưu đãi tối đa, khuyến khích và tạo điều kiện về thể chế một cách tối đa để phát triển các cơ sở này như đất đai, tín dụng, thuế… để từ đó phát triển đội ngũ trí thức trong các cơ sở này.  

- Thực sự cầu thị, lắng nghe, không quy kết quan điểm, không đánh giá để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tư vấn, phản biện, giám định đối với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ...Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Xây dựng kế hoạch định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với trí thức và tổ chức các buổi gặp mặt theo yêu cầu của đội ngũ trí thức để lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng.

- Thực sự tôn vinh trí thức, nhà khoa học tiêu biểu có những đóng góp tích cực cho sự phát triển. Tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác; công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, trong triển khai ứng dụng khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội.

- Phát triển đội ngũ trí thức đòi hỏi các giải pháp đồng bộ trong phát triển các ngành liên quan đến môi trường hoạt động của trí thức như giáo dục đào tạo; khoa học công nghệ; văn hóa nghệ thuật. Trong đó, ngoài môi trường làm việc dân chủ; tôn vinh cần tăng cường đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các đơn vị sự nghiệp KHCN phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN phục vụ sản xuất và đời sống; đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, phòng thí nghiệm thực hành…

Ngoài các biện pháp từ phía Đảng, Nhà nước, các tổ chức hội trí thức cần chủ động nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng để đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp sức mạnh và trí tuệ của đội ngũ trí thức, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội... Chủ động phát hiện, thu hút, tập hợp, trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp vào các tổ chức hội.

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những yêu cầu của phát triển và bối cảnh thời đại diễn biến phức tạp, khó đoán định, đội ngũ trí thức vẫn sẽ tiếp tục là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Mục tiêu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới đòi hỏi phải phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức. Chính vì vậy, cần tiếp tục thực hiện, triển khai các biện pháp để phát triển đội ngũ tri thức trong bối cảnh và tình hình mới. Các giải pháp không thực sự mới mà cần đột phá trong cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện để đảm bảo tính thực tiễn, khả thi.

PGS.TS Bùi Văn Huyền

Viện trưởng Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

...