15/01/2025 lúc 22:03 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy và tận dụng nguồn lực trí thức ở Việt Nam trong tình hình hiện nay

Phát huy và tận dụng nguồn lực trí thức Việt Nam đang trở nên cấp bách trước yêu cầu đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
trí thức
Nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc vật liệu Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - một trong những đơn vị có nhiều bài báo công bố quốc tế hằng năm - Ảnh: TRẦN HUỲNH

1Đánh giá chung về đội ngũ trí thức Việt Nam và những đóng góp của trí thức với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Lịch sử phát triển của xã hội loài người gắn liền với hoạt động của các trí thức, đây là thực tiễn đã được kiểm nghiệm từ “cổ đến kim”, từ “Đông sang Tây”. Quốc gia nào hình thành, phát triển được đội ngũ trí thức ngang tầm nhiệm vụ sẽ có nhiều cơ hội phát triển, bước nhảy vọt giành nhiều lợi thế trong đời sống quốc tế.Những quốc gia không hình thành, phát triển được đội ngũ trí thức thường sẽ nằm ở nhóm nước kém, chậm phát triển. Xét ở phạm vi rộng hơn, những bước phát triển vượt bậc của xã hội loài người đều gắn với sự xuất hiện của các trí thức lớn có tư duy, tầm nhìn vượt trội.

Trí thức là gì?Theo quan niệm của các nhà kinh điển Mác - Lênin, trí thức không phải là giai cấp, mà là "tầng lớp đặc biệt" trong xã hội. Trong mỗi một thể chế chính trị, trí thức thường được nhà nước của giai cấp thống trị giáo dục, đào tạo và sử dụng nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị.

Nếu không quá chú trọng đến tính hàn lâm của thuật ngữ có thể hiểu trí thức là những người có trình độ học vấn chuyên môn cao, có khả năng sáng tạo tri thức khoa học mới, đồng thời truyền bá và ứng dụng tri thức này vào thực tiễn, góp phần to lớn vào sự phát triển và trình độ văn minh của nhân loại. Thông qua lao động trí óc, đội ngũ trí thức tạo ra các sản phẩm lý luận khoa học, các sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ làm cơ sở để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, các hoạt động thực tiễn. Sản phẩm lao động của đội ngũ trí thức rất đặc biệt, có tính sáng tạo, ảnh hưởng tới nhiều phương diện đời sống xã hội, là động lực không thể thiếu cho sự phát triển của từng quốc gia,dân tộc và toànnhân loại.Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” xác định: “Trí thức là người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội[1].

Đối với Việt Nam, xuyên suốt chiều dài lịch sử, đội ngũ trí thức luôn được coi là hiền tài,nguyên khí quốc gia. Vận trình thăng trầm của quốc gia gắn liền với "hiền tài", với đội ngũ trí thức. Các bậc trí thức tên tuổi như: Nhà giáo Chu Văn An, Nhà chính trị - nhà nho Nguyễn Trãi, Trạng nguyên - danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà quân sự Đào Duy Từ, Nhà y học lỗi lạc Lê Hữu Trác, Nhà bác học Lê Quý Đôn… đã góp phần quan trọng tạo nên đất nước Việt Nam nghìn năm văn hiến, không chịu khuất phục trước các thế lực ngoại bang. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trí thức tiêu biểu nhất trong lịch sử trí thức Việt Nam, với tầm vóc “đại nhân, đại trí, đại dũng” trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn nhận rõ vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và trọng trí thức. Người đã nhấn mạnh: "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế". Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các trí thức Việt kiều yêu nước như: Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Văn Huyên, GS Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa... đã từ bỏ môi trường thuận lợi cho đời sống, hoạt động cá nhân ở nước ngoài, trở về Tổ quốc tích cực cùng với các trí thức trong nước tham gia kháng chiến, kiến quốc, góp phần xứng đáng vào thành công của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới, đội ngũ trí thức Việt Nam tiếp tục có những cống hiến, đóng góp vào sự thành công của công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để Việt Nam ngày càng có vị thế, uy tín cao trên trường quốc tế, tạo tiền đề cho quốc gia, dân tộc hướng tới tương lai với những thành công rực rỡ hơn.

Để có được đội ngũ trí thức với những đóng góp rất đáng ghi nhận như nêu trên trong sự nghiệp đổi mới là do Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng, phát huy và tận dụng nguồn lực trí thức. Theo đó trong các kỳ đại hội, Đảng ta đều nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng, sử dụng đội ngũ trí thức, cụ thể:

Đại hội VI: “Lực lượng khoa học và kỹ thuật cần được tổ chức lại, bố trí và sử dụng có hiệu quả. Có cơ chế, chính sách và biện pháp đúng đắn nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật phát huy lao động sáng tạo, hướng về cơ sở sản xuất, về các địa bàn kinh tế đang cần có sự có mặt của họ. Đảng và Nhà nước cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi để những người làm công tác khoa học, kỹ thuật hoạt động có kết quả, và đòi hỏi mọi người phải có cống hiến cho đất nước bằng những sáng chế, bằng kết quả đưa nhanh tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, bằng việc nghiên cứu giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội”.

Đại hội VII: “Mục tiêu giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội”.

Đại hội VIII: “Khơi dậy trong nhân dân lòng yêu nước, ý chí quật cường, phát huy tài trí của người Việt Nam, quyết tâm đưa nước nhà ra khỏi nghèo nàn và lạc hậu bằng khoa học và công nghệ”; “Xây dựng đội ngũ trí thức đồng bộ về các lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa văn nghệ, quản lý kinh tế, quản lý xã hội”.

Đại hội IX: “Có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc; khuyến khích cán bộ khoa học, kỹ thuật công tác tại các vùng khó khăn, vùng nông thôn; động viên các nhà khoa học bám sát cơ sở sản xuất, hướng dẫn nhân dân nắm bắt và làm chủ những tri thức mới về khoa học và công nghệ”.

Đại hội X: “Trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thuật viên lành nghề và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao. Có chính sách thu hút các nhà khoa học, công nghệ giỏi ở trong nước và ngoài nước, trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Đại hội XI: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hóa đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề”; “Thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học, công nghệ”; “Phát huy và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tri thức của con người Việt Nam và khai thác nhiều nhất tri thức của nhân loại. Xây dựng và triển khai lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020”.

Đại hội XII: “Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình”.

Đại hội XIII: “Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”.

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về trí thức Việt Nam, Nhà nước ta đã kịp thời ban hành chính sách, pháp luật tạo cơ sở pháp lý thực tiễn phát huy vai trò, tận dụng nguồn lực trí thức phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, đáng chú ý đã hình thành các quy định đãi ngộ tương xứng với hoạt động ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của xã hội về vật chất, tạo điều kiện về vật lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận của trí thức, cùng với đó là sự tôn vinh với những đóng góp của trí thức trong thực tiễn đổi mới của đất nước. Luật Thi đua Khen thưởng năm 2022 đã quy phạm hóa những nội dung này. Dưới phương diện xã hội, ngày 18/5 hằng năm được xác định là ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam - ngày tôn vinh trí thức. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã có bước cụ thể hóa và hình thành chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức đạt được những kết quả rất quan trọng, gắn với từng lĩnh vực, địa bàn. Có thể khẳng định sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của xã hội đã mang tính tạo động lực to lớn, để đội ngũ trí thức Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực lao động trí tuệ, bằng cống hiến khoa học cung cấp những luận cứ khoa học, lý luận phục vụ việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những phát minh, sáng chế, giải pháp khoa học tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Để đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay, đội ngũ trí thức Việt Nam có quyền tự hào vì những đóng góp của mình. Cội nguồn của thành công trong lao động của đội ngũ trí thức đó là sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, cùng sự cố gắng, nỗ lực, khát khao cống hiến của đội ngũ trí thức.

 2. Những vấn đề đặt ra

 Tuy nhiên, nhìn nhận, đánh giá khách quan, đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung chưa tương xứng và ngang tầm nhiệm vụ với đòi hỏi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Những vướng mắc trong quá trình hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự tụt hậu về kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn nhiều thách thức, trở ngại; những khó khăn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kì vọng của nhân dân trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội còn bỏ ngỏ, thiết nghĩ đều có phần trách nhiệm của trí thức Việt Nam.

Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều nhưng tựu chung đó là:

Thứ nhất, số lượng trí thức tăng nhanh nhưng chất lượng hạn chế, cơ cấu chưa phù hợp, thiếu hụt số trí thức giỏi, nhất là trong các lĩnh vực khoa học cơ bản; trí thức có năng lực vượt trội, có khả năng nghiên cứu, phản biện, đánh giá, dự báo chiến lược những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực. Năng lực sáng tạo, thực hành, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào các mặt công tác của một số trí thức chưa cao; trình độ ngoại ngữ, tin học còn hạn chế nên khó khăn trong giao lưu, tiếp nhận tri thức tiên tiến của nhân loại. Một bộ phận trí thức có ý thức học tập nâng cao trình độ nhưng chỉ để nhằm mục đích hưởng chế độ, chính sách chứ không vì mục đích cống hiến; tư tưởng an nhàn chi phối động lực cống hiến, động cơ phấn đấu, phát sinh tâm lý hưởng thụ, "tiêu dùng" thành quả đã đạt được. "Vô hình chung, họ mắc kẹt trong "bẫy trung bình", "giậm chân tại chỗ" trong khi các thành tựu tri thức ngày càng tiến bộ khiến họ tụt dốc so với chính họ"[2]. Đặc biệt, còn có những trí thức bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, “trở cờ”…

Thứ hai, cấp ủy Đảng, lãnh đạo tại một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của trí thức, dẫn đến chưa quan tâm, thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức. Có tình trạng đánh giá, sử dụng chưa đúng với năng lực, trình độ, làm hạn chế sự cống hiến của trí thức. Còn thiếu chính sách tạo động lực đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận. Có tình trạng buông lỏng quản lý, giáo dục về chính trị, tư tưởng với đội ngũ trí thức dẫn đến sự sa ngã về lập trường, quan điểm, các vi phạm pháp luật của một số ít trí thức.

Thứ ba, cơ chế, chính sách đối với trí thức chưa theo kịp tình hình. Chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ cao của một số lực lượng đặc thù chưa thật sự hấp dẫn; các chính sách tạo động lực chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản về điều kiện làm việc, nhà ở, phương tiện, trang bị phục vụ cho công tác chuyên môn của đội ngũ trí thức.Việc bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học, chính sáchphát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ còn khó khăn, có lúc chưa đầy đủ, kịp thời.

Thứ tư, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức chưa theo kịp sự phát triển và đòi hỏi của tình hình.Việt Nam có rất nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, tuy nhiên những cá nhân ấy có thật sự trở thành nhân tài của đất nước hay không vẫn là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.Sự tràn lan, thiếu quy hoạch, chưa chú trọng đến chất lượng trong đào tạo các trình độ sau đại học, công nhận các chức danh khoa học, học hàm dẫn đến “vừa thừa, vừa thiếu”, đó là nhiều cơ quan, đơn vị nghiên cứu thừa các thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư nhưng thiếu là còn có những cá nhân thực chất xứng đáng với các học vị, học hàm này.

Thứ năm, lao động trí thức là lao động của tư duy, sáng tạo, tuy nhiên không thể thiếu nguồn thông tin và thực tiễn. Để các sản phẩm của lao động trí thức bảo đảm tính thống nhất giữa khoa học, lý luận và thực tiễn, cần có cơ chế để cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, tạo điều kiện cho trí thức cọ xát, tìm hiểu thực tiễn. Đáng tiếc, đây là vấn đề chưa được giải quyết tốt dẫn tới tính tự biện trong nghiên cứu của trí thức Việt Nam còn cao, chưa kịp thời phát hiện được những vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi để hình thành ý tưởng nghiên cứu, đi sau thực tiễn khá xa.

Thứ sáu, một vấn đề cũng hết sức đáng quan tâm, Việt Nam có cộng đồng kiều bào ở nước ngoài lên tới hơn 5,2 triệu người, trong đó có nhiều cá nhân đã đạt tới trình độ và uy tín của trí thức lớn ở tầm thế giới, khu vực trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, dường như cho đến nay chúng ta còn thiếu chính sách tạo động lực, thu hút sử dụng nguồn nhân lực này. Cho dù trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta bài học có giá trị sâu sắc về thu hút và tận dụng đội ngũ tri thức Việt kiều với sự nghiệp cách mạng.

3. Một số định hướng giải pháp

Phát huy và tận dụng nguồn lực trí thức Việt Nam đang trở nên cấp bách trước yêu cầu đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để đạt được kết quả, một số định hướng giải pháp sau đây xin được nêu ra để các chủ thể có trách nhiệm tham khảo. Theo đó, về tổng quan cần có tổng kết và đánh giá kỹ về vấn đề này, chủ yếu làm rõ được những thành công và hạn chế cùng nguyên nhân trên cơ sở tổng kết, góp phần hoàn thiện thêm một bước chính sách, pháp luật và các quy định cụ thể liên quan tới phát huy, tận dụng nguồn lực trí thức. Một số điểm nhấn có ý nghĩa đó là:

(1) Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh tri thức. (2) Xây dựng môi trường và điều kiện thuận lợi, tạo động lựctốt hơn cho hoạt động của trí thức. (3)Tạo chuyển biến căn bản trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trong quá trình công tác, trong đó chú trọng đến hợp tác quốc tế về nội dung này. (4) Có giải pháp ứng dụng các kết quả nghiên cứu bảo đảm tính gắn kết với hoạt động thực tiễn. (5) Bảo vệ trí thức Việt Nam trước các tác động tiêu cực của xã hội, cuộc sống; giáo dục, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc và xác định trách nhiệm của trí thức Việt Nam với vận mệnh của đất nước. (6) Có đề án riêng về thu hút, tận dụng nguồn trí thức Việt Nam trong cộng đồng Kiều bào ta ở nước ngoài./.

Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Cục trưởng Cục khoa học , Chiến lược và Lịch sử Bộ Công an

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

2. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đây mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

4. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

5. Trần Vi Dân, Bàn về "bẫy tri thức trung bình" trong đội ngũ tri thức Công an nhân dân, Tạp chí Công an nhân dân số 4/2022.

6. Ngô Thị Phượng (2007), Đội ngũ tri thức khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.



[1]Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

[2] Trần Vi Dân, Bàn về "bẫy tri thức trung bình" trong đội ngũ tri thức Công an nhân dân, Tạp chí Công an nhân dân số 4/2022.