25/11/2024 lúc 17:47 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong 50 năm qua

Về phương diện lý luận chuẩn mực con người còn rất ít được nghiên cứu ở nước ta, trong khi trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu, lý luận về chuẩn mực đã xuất hiện. Tuy vậy trong thực tiễn ở nước ta các chuẩn mực xã hội, chuẩn mực con người đã được vận hành từ rất lâu trong lịch sử.

Chuẩn mực con người thể hiện những quan hệ xã hội trong những hoàn cảnh cụ thể của con người, nhóm, cộng đồng, nói chung là của các chủ thể xã hội khác nhau, là những yêu cầu, đòi hỏi, tiêu chí, quy tắc, quy ước, quy định,… của nhóm hoặc tập thể, cộng đồng, xã hội đối với mỗi người và đối với nhau, xác định phạm vi, giới hạn, khả năng lựa chọn hành vi, suy nghĩ, kết nối, phối hợp của các chủ thể xã hội khác nhau trong những hoàn cảnh cụ thể, tạo nên “khung khổ”, “khuôn mẫu”, “mẫu số chung” cho các hành vi, hoạt động của các chủ thể, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, đảm bảo trật tự, kỷ cương, an toàn và phát triển.

Chuẩn mực con người có thể được hiểu với cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp. Nghĩa rộng nó bao hàm tất cả các loại yêu cầu, đòi hỏi, chuẩn mực, quy tắc, quy ước, quy định tòn tại trong xã hội, từ các quy định của luật pháp, pháp quy, của thông lệ lịch sử, của nhà nước đến các quy ước của tập thể, nhóm, các “lẽ phải thông thường”, tập quán, tập tục, v.v. Nghĩa hẹp với nội hàm chỉ là những quy định, quy ước, quy định, yêu cầu, đòi hỏi, chuẩn mực… nằm ngoài pháp luật, ngoài quy định của nhà nước và hệ thống chính trị (chuẩn mực quốc gia, chuẩn mực nhà nước,…).

Chuẩn mực con người luôn là chuẩn mực xã hội, mang tính xã hội, có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Trong đời sống xã hội luôn có nhiều hình thức/dạng chuẩn mực cùng tồn tại và chi phối các hành vi, hoạt động: có dạng chuẩn mực thành văn, có dạng bất thành văn, có dạng chính thức và phi chính thức, công khai và không công khai, có chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp, chuẩn mực nơi công cộng, chuẩn mực cơ quan, chuẩn mực gia đình, chuẩn mực văn hóa, chuẩn mực xã hội, chuẩn mực con người, v.v. Việc phân định các hình thức/dạng chuẩn mực có tính tương đối. Chúng thường giao thoa, chồng lấn và phụ thuộc lẫn nhau. Chuẩn mực con người nằm ở trung tâm, vòng tiếp theo là chuẩn mực gia đình, rộng ra là chuẩn mực văn hóa, chuẩn mực quốc gia, rộng ra nữa là chuẩn mực dân tộc – quốc gia.

Chuẩn mực và các/hệ giá trị có mối quan hệ với nhau. Giá trị là những sự vật, hiện tượng, quá trình, quan hệ, tất cả những thứ được con người xem là có ý nghĩa tích cực[1] ít nhiều, đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của con người, của xã hội, cũng như giá trị, chuẩn mực nằm ngay trong bản thân các sự vật, hiện tượng, quá trình, quan hệ. Chúng đều có khía cạnh khách quan, có nội dung khách quan. Nhưng, đồng thời chúng cũng có khía cạnh chủ quan, khi chứa đựng ý nghĩa, vai trò đối với con người, xã hội, tức chỉ khi được “đánh giá” và mang hình thái tinh thần. Cả giá trị lẫn chuẩn mực đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị chi phối và thể hiện lợi ích của cá nhân, tập thể, nhóm, cộng đồng ở những giai đoạn, thời kỳ xác định. Các chuẩn mực cũng như các giá trị đều là sản phẩm quá trình nhận thức của các chủ thể, đều có vai trò định hướng cho các chủ thể trong hoạt động hàng ngày. Chúng đều là khung khổ, “khuôn mẫu”, “hành lang” quy định suy nghĩ và hành động cùa các chủ thế. Cả giá trị lẫn chuẩn mực đều thể hiện chân - thiện - mỹ, hướng tới chân - thiện - mỹ. Các chuẩn mực cũng như giá trị không phải hình thành xong là bất biến, cố định vĩnh cữu mà là biến đổi tùy thuộc vào bối cảnh, điều kiện cụ thể, có thể được bổ sung nội dung, yếu tố, có thể bị loại bỏ dần, có thể được kết hợp, thống hợp với các chuẩn mực, giá trị khác.

Tuy vậy, chuẩn mực và giá trị không phải là một. Cũng có tác giả quan niệm chuẩn mực cũng là giá trị, hoặc là biểu hiện khác của các giá trị. Nhưng theo chúng tôi, quan niệm đó không đủ cơ sở lý luận và thực tiễn. Các giá trị ở “tầm” bao quát, bao phủ, khái quát rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, và vai trò định hướng cho các chủ thể dài lâu hơn, “vững bền” hơn, mỗi nội dung, yếu tố, hoặc mỗi giá trị có thể là chuẩn mực trực tiếp, có thể một giá trị được thể hiện thành nhiều chuẩn mực. Trong khi đó, các chuẩn mực ở “tầm” thấp hơn giá trị, gắn chắt với các hành vi, hoạt động cụ thể và tương thích cho những hoàn cảnh cụ thể. Chuẩn mực là cụ thể hóa các giá trị vào từng hoàn cảnh cụ thể. Giá trị mang tính định hướng, tính phương pháp luận, cần nhận thức và suy ngẫm trước khi quyết định thực hiện, còn chuẩn mực mang tính công cụ, sẵn có, cần lựa chọn, dùng ngay được. Các chuẩn mực biến đổi, thích ứng với hoàn cảnh, “phản ứng” với lợi ích nhanh hơn, linh hoạt, cơ động hơn các/hệ giá trị. Các chuẩn mực con người gắn chặt với lợi ích cụ thể và sự biến động của chúng. Trong vòng đời của mỗi cá nhân, người ta tiếp nhận và sử dụng chuẩn mực trước khi tiếp nhận và sử dụng các giá trị. Một đứa bé sinh ra và lớn lên đã phải tuân thủ chuẩn mực trước khi biết đến giá trị, trong gia đình nó được trao truyền các chuẩn mực trước khi hiểu được giá trị. Khi lớn lên, bước vào xã hội nó cũng được trao truyền các chuẩn mực trước khi được tiếp xúc và hiểu biết về giá trị. Con người thường thông qua các chuẩn mực để đạt tới các giá trị, khi đạt tới giá trị thì củng cố và “chuẩn xác” hóa hơn về chuẩn mực. Ở tầng lớp xã hội khác nhau có thể cùng chung các giá trị nhất định, nhưng lại có thể khác nhau về chuẩn mực.

Các chuẩn mực và giá trị đều có nguồn gốc là từ nhu cầu ổn định và phát triển xã hội, phải điều chỉnh các quan hệ xã hội. Các chuẩn mực lẫn giá trị đều thể hiện bản chất các quan hệ xã hội. Nhưng chuẩn mực thường hướng tới các quan hệ xã hội thông thường của đời sống thường ngày. Các giá trị như là những chuẩn mực chung hướng tới các quan hệ xã hội bản chất, sâu sắc và chậm thay đổi hơn. Các chuẩn mực và giá trị đều có một số chức năng giống nhau, như: nhận thức, chuẩn mực, định hướng, giáo dục, bảo vệ, giảm “sốc”. Nhưng, nội dung của từng chức năng ở các chuẩn mực và ở các giá trị lại không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn, với chức năng định hướng, ở các giá trị, quy mô, mức độ sâu rộng của nó lớn hơn, ở tầm gia đình, cộng đồng, quốc gia, dân tộc, với những nội dung sâu sắc, căn bản, có tính chất nền tảng, áp dụng cho mọi hoàn cảnh, mang tính nguyên tắc, còn các chuẩn mực thường chỉ ở cấp độ hành vi, áp dụng cho một hoàn cảnh xác định, cụ thể. Chuẩn mực tương tự như hình thức của giá trị với tính cách là nội dung của nó. Chuẩn mực có thay đổi trong khi giá trị được chuẩn mực đó thể hiện vẫn không thay đổi.

Thí dụ, yêu nước là một giá trị, nó có tính nguyên tắc phương pháp luận cho mọi hành vi, hoạt động của các chủ thể xã hội khác nhau. Nhưng, với mỗi loại chủ thể, với mỗi giai đoạn, thời kỳ, thời gian, mỗi hoàn cảnh cụ thể, các chuẩn mực thể hiện giá trị yêu nước được lại khác nhau và có những thay đổi theo bối cảnh, điều kiện khách quan và chủ quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa các chuẩn mực về yêu nước cho thiếu niên, nhi đồng bằng 5 điều Bác Hồ dạy rất cụ thể, khác biệt với 6 điều Bác dạy công an nhân dân và sáu chữ vàng năm 1946 cùng những lời huấn thị năm 1964 với Quân đội. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, ‘thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “lương y như từ mẫu”, v.v. là những chuẩn mực, tiêu chí của lòng yêu nước, khác với những chuẩn mực, đòi hỏi trong thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước.

Lúc sinh thời Hồ Chí Minh rất chú ý đến việc xây dựng các chuẩn mực cụ thể cho các tầng lớp xã hội khác nhau, từ công an, quân đội, đến các thương binh, cụ già, phụ nữ, trẻ em, giáo viên, v.v. Dường như các giá trị xã hội cao cả như độc lập, tự do, hạnh phúc, bình đẳng, v.v. là quá trừu tượng và khó hiểu chính xác, đầy đủ, khó thực hành đối với những người nông dân vừa được giải phóng nên Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa chúng thành những chuẩn mực ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành, sát, đúng, trúng vào mỗi tầng lớp xã hội khác nhau. Những chuẩn mực ấy được thể hiện dưới hình thức những tiêu chí, tiêu chuẩn, khẩu hiệu, phương châm hành động cụ thể, chi tiết cho từng đối tượng, từng loại chủ thể xã hội khác nhau đang làm những công việc nghề nghiệp khác nhau trong xã hội. Những chuẩn mực ấy không phải là điều luật, không phải là những khẩu hiệu, không phải là châm ngôn đạo đức, không phải là giá trị trực tiếp, càng không phải là tuyên ngôn chính trị, tư tưởng. Nhưng trong đó lại có tất cả những khía cạnh đó. Đây chính là phương thức chuẩn mực hóa các giá trị, yêu cầu, quan điểm chính trị, quản lý, quản trị xã hội của Hồ chí Minh trước đây mà trước đó chưa ai dùng. Hiện nay cũng chúng ta cũng chưa chú ý học tập, vận dụng trong thực tế.

Từ khi thống nhất Tổ quốc đến nay, đặc biệt từ khi đổi mới đến nay, sự phát triển kinh tế - xã hội có những bước phát triển cực kỳ quan trọng, xã hội chuyển đổi nhanh chóng, tác động mới của thời đại, của toàn cầu hoá, của hội nhập quốc tế và những thành tựu của cách mạng khoa học – công nghệ, của cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư vào nước ta ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Tất cả những tác động đó làm xuất hiện nhiều vấn đề xã hội bức thiết. Sự phát triển xã hội và các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng hơn, biến động nhiều hơn, nhanh hơn. Đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và cả con người đều chuyển đổi mạnh mẽ, sâu rộng và nhanh chóng Các giá trị và hệ giá trị cũng biến động mạnh mẽ. Những hiện tượng “lệch chuẩn” xuất hiện nhiều hơn, trở thành mối lo lớn trong dư luận xã hội, trong việc quản lý, quản trị các lĩnh vực cụ thể của xã hội, các địa bàn, vùng, miền của đất nước. Nhu cầu xác định các chuẩn mực nói chung, chuẩn mực con người, chuẩn mực nghề nghiệp, chuẩn mực cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, thanh niên, học sinh, v.v. trở nên cấp thiết.

Cũng từ khi thống nhất đất nước đến nay Đảng và Nhà nước ta dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác –Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh rất chú trọng việc xây dựng và phát triển con người. Quan điểm về xây dựng, phát triển con người được kế thừa, bổ sung và phát triển một cách sáng tạo vào hoàn cảnh, điều kiện của từng thời kỳ phát triển của đất nước luôn bao hàm những nội dung về đặc tính, phẩm chất, giá trị và chuẩn mực con người. Xuất phát từ mục tiêu xây dựng con người mới XHCN, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa”, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã chỉ ra:

“Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người lao động Việt Nam làm chủ tập thể. Đó là những con người kết tinh và phát triển những gì cao đẹp nhất trong truyền thống văn hoá Việt Nam; nhưng đó là những con người Việt Nam mới, xã hội chủ nghĩa, phù hợp với chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa và nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng. Đó là con người có tư tưởng đúng, có tình cảm cao đẹp, có đủ tri thức và năng lực để làm người lao động làm chủ tập thể: làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân mình.

Đó là con người có tinh thần tự giác cao, có đầy đủ quyết tâm và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Là con người lao động thật thà, ghét lối sống ăn bám, làm dối, nói dối. Là con người lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao, yêu lao động, quý trọng và bảo vệ của công, tôn trọng các quy tắc của đời sống công cộng. Là con người có tình thương yêu sâu sắc đối với nhân dân lao động đang cùng mình xây dựng cuộc đời mới.

Con người mới có lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa nồng nàn, đồng thời có tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.

Con người mới là con người phát triển toàn diện, có cuộc sống tập thể và cá nhân hài hoà và phong phú”[2]

Đây là quan điểm về con người với những đặc tính, phẩm chất, giá trị, chuẩn mực, tiêu chuẩn mà Đại hội Đảng đầu tiên sau khi thống nhất đất nước chủ trương xây dựng và phát triển. Những đặc tính, phẩm chất, giá trị hay chuẩn mực, tiêu chuẩn đó phù hợp với thời kỳ lịch sử đó, về sau được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và phát triển thêm trong các Đại hội tiếp theo. Từ sau Đại hội IV, tất cả các Đại hội Đảng đều nhấn mạnh đến chủ trương xây dựng con người với những nội dung xác định cụ thể theo từng giai đoạn phát triển của xã hội.

Ở phương diện xây dựng các chuẩn mực con người từ năm 1976 đến nay, có hai giai đoạn với hai cột mốc quan trọng về xây dựng và phát triển con người ở nước ta được thể hiện qua hai Nghị quyết TW chuyên về xây dựng con người với những đặc tính, phẩm chất, giá trị, chuẩn mực tương đối cụ thể cho từng giai đoạn phát triển đất nước. Đó là nghị quyết TW 5 khóa VIII năm 1998[3] về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong nghị quyết này lần đầu tiên có nội dung chuyên về con người với tư tưởng chủ đạo là “tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên”.

Nhiệm vụ đầu tiên trong 10 nhiệm vụ của giai đoạn mới – giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, được Nghị quyết TW 5 xác định, là: “Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính sau:

- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

- Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.

- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực”[4].

Nghị quyết thứ hai là nghị quyết TW 9 khóa XI năm 2014 về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”[5]. Trong Nghị quyết này ở ngay tiêu đề đã xác định nội dung xây dựng văn hóa, con người, khác với Nghị quyết TW 5 khóa VIII trong tiêu đề chỉ nói đến xây dựng văn hóa. Nghị quyết xác định mục tiêu chung của việc xây dựng nền văn hóa và con người nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Còn mục tiêu cụ thể trong xây dựng con người là: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước… Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

Nhiệm vụ đầu tiên để thực hiện các mục tiêu đó được Nghị quyết TW 9 khóa XI nêu rõ: “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn…. Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”.

Khác với Nghị quyết TW 5 khóa VIII, Nghị quyết TW 9 khoá XI này không nhấn vào các đặc tính, phẩm chất, chuẩn mực, tiêu chí con người mà là nêu lên những mục tiêu, nội dung, định hướng mà con người Việt Nam cần phải có, cần được xây dựng, cần đạt tới để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới. Cho đến nay, ngay cả gần đây, Đại hội XIII của Đảng, cũng vẫn tiếp tục và nhất quán về chủ trương, đường lối xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. “Nhận thức về văn hoá, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn… Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội... Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm”.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta hiện nay là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”…. “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới… Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.

Cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn trong xây dựng và phát triển con người Việt Nam các khía cạnh về phẩm chất tốt đẹp, các đặc tính, các giá trị, các yêu cầu, đã được chú ý nhiều, đã được xác định khá rõ ràng theo từng giai đoạn, thời kỳ gắn liền với các nhiệm xây dựng văn hóa, phát triển đất nước. Nếu hiểu chuẩn mực con người với nghĩa rộng, nghĩa bao trùm như đã nói thì chúng ta đã triển khai liên tục, nhất quán, ngày càng đầy đủ, toàn diện và rộng khắp. Nhưng nếu hiểu chuẩn mực theo nghĩa hẹp, trực tiếp, cụ thể, gắn với những yêu cầu, đỏi hỏi các hành vi, hoạt động của từng dạng chủ thể, trong từng ngành, nghề, lĩnh vực, thì chúng ta lại còn chưa chú ý đúng mực, chưa đảm bảo yêu cầu.

Như đã nói, trong bối cảnh xã hội đang vận động ngày càng nhanh, chịu ảnh hưởng, tác động của nhiều nhân tố mới cả từ bên trong lẫn bên ngoài, các hệ giá trị biến đổi nhanh, mạnh và sâu sắc, xã hội thiếu hệ thống chuẩn mực cho từng dạng chủ thể người khác nhau, thì hiện tượng ‘lệch chuẩn” trở nên phổ biến là tất yếu. Mặt khác, trong lúc xã hội và các hệ giá trị của nó vận động nhanh, biến đổi mạnh, các chuẩn mực cũ trở nên bất cập, lạc hậu, nhanh hơn, những chuẩn mực, giá trị mới xuất hiện “lạ lẫm”, chưa được tiếp nhận ngay. Do đó, dùng chuẩn mực cũ để “đo” và đánh giá chuẩn mực mới thì “lệch chuẩn” là tất yếu. Lý do thứ ba của tình trạng “lệch chuẩn” hiện nay là đã và đang có sự “đứt gãy” trong giáo dục các giá trị và các chuẩn mực. Trước đây, giáo dục, trao truyền các chuẩn mực thường là chức năng, nhiệm vụ của gia đình, họ hàng, làng xóm, của các thế hệ đi trước trong gia đình, họ hàng, làng xóm. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thời gian thế hệ trẻ, nhất là các thế hệ Z, thế hệ α đến trường và ra xã hội nhiều hơn, sớm hơn các thế hệ Y (Millennials) trở về trước. Gia đình không thể đảm nhận nhiệm vụ như ngàn năm xưa nữa, nhà trường và xã hội thì chưa chuẩn bị đầy đủ tâm thế và khả năng, hệ thống các chuẩn mực không được đảm bảo trao truyền đầy đủ và kịp thời, nên thế hệ trẻ “lệch chuẩn” như hiện nay là đương nhiên. Nhu cầu, đòi hỏi phải xác định, xác lập và trao truyền hệ thống chuẩn mực con người trong giai đoạn hiện nay là tất yếu và đang ngày càng trở nên cấp thiết, bức xúc hơn khi những hiện tượng tiêu cực trong xã hội gia tăng và đang trở thành nỗi bức xúc của dư luận xã hội và cả hệ thống chính trị.

Trong khoảng hơn một thập niên gần đây, do nhu cầu thực tiễn, nhiều đơn vị, cơ quan, đã xuất phát từ điều kiện cụ thể, xác lập và đề ra một số các chuẩn mực con người cho riêng cơ quan, đơn vị mình. Những chuẩn mực đó có tính chất cụ thể, áp dụng cho các hành vi, hoạt động, quan hệ xã hội của các chủ thể người trong thành phần cơ cấu của cơ quan, đơn vị. Chúng không thể phản ánh trọn vẹn, đầy đủ, toàn diện và bao phủ hết được các dạng hành vi, yêu cầu của thực tiễn, dù đó là thực tiễn nhỏ hẹp của cơ quan, đơn vị. Nhưng, những chuẩn mực đó trở thành công cụ, thước đo để đánh giá cán bộ, viên chức của đơn vị, cơ quan, ít nhiều làm thay đổi nhận thức, hành vi, cử chỉ, lối sống, quan hệ con người trong cơ quan, đơn vị đó. Tác dụng tích cực của các chuẩn mực đó là khá rõ ràng, là “điểm tựa” chung cho mọi người định hướng, đánh giá, phấn đấu, bình bầu, lựa chọn, v.v.

Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi hiện nay đã có khoảng hai chục bộ chuẩn mực, quy tắc ứng xử đã được ban hành hoặc đang thảo luận để xác định nội dung ở các tỉnh, thành, ngành, nghề, lĩnh vực. Tên gọi khác nhau, nội dung khác nhau, đối tượng áp dụng khác nhau. Thí dụ, ở Hà Nội Thành ủy và Sở Văn hóa đã ban hành 2 bộ Quy tắc ứng xử của người Hà Nội từ 2017; Bộ Tư pháp đã ban hành Chuẩn mực đạo đức chấp hành viên, từ năm 2002 và gần đây đã ban hành các chuẩn mực mới vào tháng 10/2021 có sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bản năm 2002; Bộ Nội vụ năm 2023 vừa qua đã soạn thảo, lây ý kiến về Mười chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của CBCCVC (đạo đức công vụ) để trình Chính phủ ban hành, trong đó có 5 chuẩn mực đạo đức; Ban TGTW đang hoàn chỉnh bản Chuẩn mực đạo đức của cán bộ đảng viên; Bộ Tài chính có bộ chuẩn mực kế toán Việt Nam là chuẩn mực nghề nghiệp, trong đó có 6 chuẩn mực cá nhân của người làm kế toán, từ năm 2002; Hiệp hội Ngân hàng đầu năm 2019 đã ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng gồm 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 loại quy tắc ứng xử (nội bộ; khách hàng và đối tác); Kho bạc Nhà nước năm 2007 đã ban hành Bộ chuẩn mực có 6 chuẩn mực lớn với 29 chuẩn mực nhỏ; Cục Thống kê Bình Định  năm 2013 đã ban hành bộ chuẩn mực đạo đức, lối sống của CBCC của Cục với 7 chuẩn mực; v.v. Các tỉnh như Ninh Thuận,  An Giang, Thanh Hóa, Bắc Giang, v.v. cũng đã có những hội nghị, hội thảo, nghị quyết, chỉ đạo về việc nghiên cứu, xây dựng các chuẩn mực hoặc quy tắc ứng xử của CBDV, CC, VC, NLD ở địa phưng mình.

Từ những phân tích và thực trạng nêu trên, xin có một số điểm nhận xét mang tính khuyến nghị như sau:

1. Đang tồn tại trong thực tế và gây bức xúc xã hội hiện tượng lệch chuẩn xã hội trên nhiều khía cạnh, từ con người, đạo đức, đến chuyên môn, chính trị. Nhu cầu xác định, xác lập các chuẩn mực con người là một thực tế bức thiết nhằm làm công cụ, thước đo để định hướng, đánh giá, giáo dục con người, để loại bỏ những “lệch chuẩn” phi lý, tiêu cực. Cần triển khai việc xây dựng các chuẩn mực con người trong tất cả các dạng chủ thể người trong xã hội, từ tầng lớp lãnh đạo, quản lý, đến học sinh, sinh viên, thiếu nhi, thầy, cô giáo, công an, quân đội, xuống tận cấp cơ sở, v.v.

2. Nhiều năm qua chúng ta tập trung và khuyến cáo, cỗ vũ, ngợi ca những đặc tính tốt đẹp, những phẩm chất, giá trị của con người và xã hội Việt Nam mà thiếu đi sự chi tiết hoá, cụ thể hoá các phẩm chất, giá trị chung đó thành những chuẩn mực chi tiết, cụ thể, sát hợp với từng dạng chủ thể, từng ngành nghề, địa bàn, cơ quan, đơn vị. Do vậy, tính chất trừu tượng, lý luận, chung, bao quát chỉ lắng đọng ở một vài tầng lớp của xã hội, không thấm sâu và ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo dân cư, cộng đồng. Đã đến lúc phải thay đổi tu duy, phương thức, cách làm, để các giá trị, phẩm chất, đặc tính có thể được trao truyền rộng rãi, trở thành chuẩn mực thực sự tác động trong cuộc sống thường ngày.

3. Sự đứt gãy giáo dục các chuẩn mực nói chung, đặc biệt là chuẩn mực đạo đức, giữa gia đình và nhà trường, xã hội cần phải nhanh chóng được xoá bỏ vì càng lâu càng nguy hại khôn lường. Những thế hệ thoát ly khỏi các giá trị truyền thống sẽ trở nên xa lạ với quốc gia, dân tộc, sẽ không thể phát triển bình thường về nhân cách, hệ lụy sẽ khôn lường.

4. Hiện nay có nhiều bộ chuẩn mực đã xuất hiện dưới các dạng khác nhau. Nhưng, dưới góc độ chung, có ba loại chuẩn mực theo nội dung: Thứ nhất là chuẩn mực đạo đức; Thứ hai là chuẩn mực ứng xử; Thứ ba là chuẩn mực nghề nghiệp. Trong thực tế, chuẩn mực nghề nghiệp gắn liền với chuyên môn, nghề nghiệp, với quy trình lao động, công tác, thậm chí gắn với quy phạm pháp luật, nên loại chuẩn mực này ít được ban hành riêng, trừ một số ngành nghề đặc thù. Xã hội dường như đang rất cần các chuẩn mực cụ thể về đạo đức. Vì vậy trong số các bộ chuẩn mực đã và sắp ban hành thì quá hai phần ba là chuẩn mực đạo đức. Điều này phản ánh đúng tâm thức và văn hoá người Việt, vốn coi trọng và khía cạnh đạo đức hơn nhiều khía cạnh khác, phản ánh đúng thực tế xã hội hiện nay đang có nhiều bức xúc về đạo đức, lĩnh vực đạo đức đang chịu tác động và biến đổi sâu, rộng, mạnh và nhanh. Vì vậy, nếu triển khai xây dựng các bộ chuẩn mực cho các chủ thể thì trước hết và cần tập trung cho các chuẩn mực đạo đức.

5. Chuẩn mực ứng xử cũng rất quan trọng vì chúng mang tính tổng hợp và thể hiện rõ ràng, chi tiết, cụ thể, trực tiếp các quan hệ xã hội, dễ vận dụng, nhất là ở các khu vực đô thị, cho nhiều loại chủ thể người khác nhau, cho các phạm vi quan hệ xã hội: quan hệ ứng xử trong gia đình, dòng họ, trong tổ dân phố, ở nơi công cộng, ở các đoàn thể, trong trường học, trong bệnh viện, v.v. Vì vậy có thể đồng thời tổ chức triển khai xác định, xây dựng đồng thời các chuẩn mực ứng xử hoặc chuẩn mực đạo đức ở tất cả các dạng chủ thể xã hội. Tùy thực tế cụ thể của từng chủ thể có thể phối kết hợp xây dựng chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực ứng xử trong cùng một bộ chuẩn mực.

6. Qua việc xây dựng và áp dụng các bộ chuẩn mực trong khoảng hai thập niên vừa qua mà chúng tôi được biết và từ bài học kinh nghiệm lịch sử có thể nên xây dựng các bộ chuẩn mực ngắn gọn, sát, đúng, trúng vào những nội dung, khía cạnh và vấn đề mà từng loại chủ thể người đang cần, đang thiếu, đang yếu.

7. Nên và cần thiết có sự chỉ đạo tổng kết chung về việc xác định và xây dựng các chuẩn mực con người trong 50 năm qua để có những kết luận và bài học kinh nghiệm, học tập phương pháp xây dựng chuẩn mực con người cho các chủ thể xã hội khác nhau của Hồ Chí Minh, xác định phương thức cách tổ chức thực hiện và tổng kết thực tiễn hiện nay, tạo nền tảng lý luận chung và thực tiễn sâu sát cho việc xây dựng các chuẩn mực con người.

8. Công tác tuyền truyền, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong điều kiện CMKHCN, cách mạng công nghiệp và các mạng xã hội hiện nay, thậm chí có thể nói là quyết định đến quá nửa sự thành công của việc xây dựng hệ thống chuẩn mực con người. Xem nhẹ việc sử dụng vai trò của tuyên truyền, truyền thông thì không thể thành công, nhất là khi đưa các chuẩn mực con người vào thực tiễn. Vì thế, nâng cao vai trò và đổi mới công tác tuyên truyền và truyền thông về các chuẩn mực con người đóng vai trò quyết định trên 50% sự thành công của việc xác lập, xây dựng các chuẩn mực con người trong giai đoạn hiện nay./.

PGS.TSKH. Lương Đình Hải,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Đảng cộng sản Việt Nam (1976), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H. 2021
  2. Đảng cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
  3. Đảng cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  4. Đảng cộng sản Việt Nam (1976), Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa III tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.
  5. Ban TGTW, VASS, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022) Kỷ yếu hội thảo quốc gia, Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H.
  6. Nguyễn Duy Bắc (2022) Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; https://tcnn.vn/news/detail/53219/Phat-huy-gia-tri-van-hoa-va-suc-manh-con-nguoi-Viet-Nam-theo-tinh-than-Dai-hoi-XIII-cua-Dang.html Ngày đăng: 04/01/2022   04:28
  7. Phạm Duy Đức (2018). Giá trị văn hóa và giá trị con người Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/gia-tri-van-hoa-va-gia-tri-con-nguoi-viet-nam-trong-qua-trinh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa.html;Ngày phát hành: 11/08/2018.
  8. Phạm Minh Hạc (2015). Tìm hiểu các giá trị dân tộc Việt Nam với tâm lý học và giáo dục học, H. 2015
  9. Lương Đình Hải (2009). Những tiêu chí cơ bản của con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. T/c Thông tin Khoa học xã hội, số 10 và số 11.
  10. Lương Đình Hải (2014). Xây dựng con người Việt Nam hiện nay: từ quan niệm đến thực tiễn. T/c Nghiên cứu Con người, sô 5.;
  11. Lương Đình Hải (2019). Xây dựng và phát triển con người Việt Nam hiện nay - Góp thêm một vài ý kiến.- T/c Nghiên cứu Con người, số 5 (104) –
  12. Lương Đình Hải (2022). Bàn về tính cách con người xứ Nghệ.- Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 1(118) – 2022;
  13. Lương Đình Hải (2023). Xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay.- T/c Nghiên cứu Con người, số 2 (125) – 2023
  14. Ngô Đức Thịnh (2010), Những giá trị Văn hóa truyền thống Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H.
  15. Trần Ngọc Thêm (2021). Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam; https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/xay-dung-he-gia-tri-van-hoa-va-chuan-muc-con-nguoi-gan-voi-phat-huy-y-chi-khat-vong-phat-trien-va-suc-manh-con-nguoi-viet-nam-641244/Thứ Năm, 08-04-2021, 02:36
  16. Trần Quốc Toản (2018). Về hệ giá trị con người, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội// http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/ve-he-gia-tri-con-nguoi-he-gia-tri-van-hoa-he-gia-tri-xa-hoi.htmlNgày phát hành: 05/09/2018

[1] Tích cực theo nghĩa là có ảnh hưởng duy trì sự tồn tại hoặc thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của con người, cộng đồng, xã hội. Ngược lại là tiêu cực

[2] Xem Bỏo cỏo chớnh trị của Ban Chấp hành trung ương khóa III tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Đảng tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-iv/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-khoa-iii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iv-cua-dang-1513, truy cập ngày 22/04/2024, 22:15

[3] Cũng gọi là Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII

[4] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương Đảng khóa VIII, ngày 16/7/1998 tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-03-nqtw-ngay-1671998-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-tai-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-viii-ve-xay-dung-va-phat-1692, truy cập 22/04/2024, 14:30

[5] Còn được gọi là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 06 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương IX khóa XI.