25/04/2024 lúc 06:07 (GMT+7)
Breaking News

Vườn Quốc gia Vũ Quang - Nơi trở về của những “Mảnh đời” động vật hoang dã

Vườn Quốc gia Vũ Quang là “Vườn di sản ASEAN”. Từ năm 2020 đến nay,Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận và thả về rừng gần 700 cá thể động vật, trong đó, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hoạt động này góp phần làm phong phú thêm hệ sinh thái cũng như bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên ở Việt Nam.

Tất cả vì mục tiêu tái hòa nhập thiên nhiên

Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang được xác định là vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực trung Trường Sơn Việt Nam. Do đó ngoài việc thực hiện chức năng nhiệm vụ chính là bảo tồn hệ sinh thái rừng, sự đa dạng sinh học của rừng tự nhiên phía tây tỉnh Hà Tĩnh, VQG Vũ Quang còn thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, góp phần duy trì cân bằng sinh thái, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của các tỉnh thuộc khu IV. Đây là một việc làm có ý nghĩa rất thiết thực thể hiện tính nhân văn cao cả, được các cá nhân và tổ chức đánh giá cao.

Giám đốc Vườn quốc gia Nguyễn Danh Kỳ  “thăm hỏi, động viên” cá thể Voọc chà vá chân nâu sau khi được người dân tự nguyện đem đẽn để nhờ Vườn chăm sóc, phục hồi giúp đối với cá thể Voọc quý hiếm này, sớm tái hòa nhập “cộng đồng”.

Thời gian qua, thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động vật nguy cấp quý hiếm, VQG Vũ Quang đã hướng tới nhiều đối tượng như cộng đồng dân cư vùng đệm, các em học sinh, sinh viên.. làm cho mọi người hiểu rõ hơn ý nghĩa tầm quan trọng của công tác cứu hộ, bảo vệ và phát triển động vật hoang dã. Vì vậy, những năm gần đây nhiều người dân đã chủ động đến giao nộp các cá thể động vật để nhờ vườn thả về tự nhiên.

Là cán bộ của ngành điện lực Hà Tĩnh, Anh Phạm Việt Thắng thường xuyên đi công tác, khảo sát đường dây tại các vùng biên giới ở các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, thấy nhiều người dân bán các loại động vật quý hiếm, anh đã mua lại và bàn giao 44 cá thể rùa quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB cho VQG Vũ Quang để trả lại chúng về với môi trường tự nhiên. Không riêng gì Anh Thắng, thời gian qua còn có rất nhiều người dân Hà Tĩnh đã vận động những đối tượng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã giao nộp lại cho cơ quan chức năng, hoặc bỏ tiền ra mua để nộp lại cho VQG Vũ Quang chăm sóc.

Đầu năm 2022, sau khi biết tin có hai người đàn ông lạ mặt đang rao bán khỉ vàng và trăn đất là những động vật quý hiếm, anh Nguyễn Đức Đan, ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân) đã tìm mọi cách để vận động người bán đưa chúng trở về với tự nhiên. Biết được ý tốt của anh Đan nên bà con lối xóm cũng ra sức thuyết phục hai người lạ mặt bán lại cá thể trăn đất, khỉ vàng cho anh Đan. Sau khi “giải cứu” thành công hai cá thể động vật từ tay người lạ, anh Đan đã báo ngay cho Hạt kiểm lâm huyện Nghi Xuân đến tiếp nhận và bàn giao cho VQG Vũ Quang chăm sóc, tái thả về môi trường tự nhiên. Được biết, đây không phải là lần đầu anh Nguyễn Đức Đan mua lại động vật hoang dã thả về tự nhiên.

Trao đổi với Pv, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang, ông Thái Cảnh Toàn cho biết: Do làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn các loại động vật quý hiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong cộng đồng dân cư, nên thời gian gần đây, hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn đã giảm đáng kể, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường tự nhiên, nhất là các động vật quý hiếm được nâng lên rõ rệt. Chỉ tính riêng trong năm 2021 đến giữa năm 2022, VQG Vũ Quang đã tiếp nhận trên 200 cá thể động vật hoang dã do người dân và các lực lượng chức năng bàn giao. Sau khi tiếp nhận, hầu hết các cá thể động vật đã được chăm sóc, huấn luyện tập tính hoang dã, trước khi được thả về với môi trường tự nhiên để sinh tồn, phát triển.

Vườn cũng đã tiếp nhận nhiều động vật hoang dã do người dân tự nguyện giao nộp

Việc hợp tác, phối hợp trong công tác cứu hộ, tái thả động vật hoang dã với các tổ chức khác trên cả nước, thời gian qua cũng được VQG Vũ Quang thực hiện thường xuyên, nhằm đưa lại hiệu quả trong công tác bảo tồn như: Phối hợp với Trung tâm cứu hộ và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng liên - Lào Cai) tiến hành khảo sát và tái thả 12 cá thể Linh trưởng vào khu vực VQG Vũ Quang; Chuyển giao cá thể Cò mỏ thìa quý hiếm (Platalea minor) cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) để tái thả về vùng phân bố; Chuyển giao cá thể Gà đẩy Java ( Leptoptilos javanicus) cho Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng), bàn giao cá thể Vượn đen Má trắng (Nomascus leucogenys) cho Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình)…

Với nhiều biện pháp triển khai tích cực, thời gian qua, VQG Vũ Quang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu hộ, nuôi dưỡng, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên hàng trăm cá thể động vật hoang dã. Trong đó có nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB. Bên cạnh việc làm tốt công tác cứu hộ, bảo tồn, chăm nuôi động vật hoang dã, đơn vị còn tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phân loại, bảo quản tang vật là động vật hoang dã, giúp các cơ quan chức năng trong việc xử lý các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn bán động vật hoang dã, giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường trong khu vực đơn vị quản lý.

Những “Bác sỹ” hết lòng với những “mảnh đời bất hạnh”

Nhận thức rõ ý nghĩa tầm quan trọng của công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, cuối năm 2018, VQG Vũ Quang đã thành lập Đội chăm sóc động vật hoang dã trực thuộc Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế với mục tiêu bảo tồn các loài động vật quý hiếm, nguy cơ bị tuyệt chủng, đồng thời gìn giữ tính đa dạng sinh học của Vườn. Đội chăm sóc động vật hoang dã có 6 người, họ được mọi người đặt biệt danh là những “bác sỹ” không chuyên, bởi công việc hằng ngày của họ là tiếp nhận, theo dõi sức khỏe, nuôi dưỡng và chăm sóc những loài động vật hoang dã. Ngày cũng như đêm, bất kể khi nào người dân hay cơ quan chức năng gọi báo có động vật cần được hỗ trợ chăm sóc, tái thả là 6 thành viên của đội sẵn sàng lên đường tiếp nhận.

Từ năm 2020 đến nay Vườn QG Vũ Quang đã tái thả hơn 700 cá thể động vật, trong đó, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới

Khu chăm sóc động vật hoang dã là một ngôi nhà nhỏ, xung quanh thưng bằng lưới sắt, phía bên trong là những chiếc chuồng sắt có mắt lưới, phía trong gác ngang, dọc những thân cây để động vật thỏa sức leo trèo. Những cá thể động vật được đưa đến VQG Vũ Quang thông qua hai hình thức: Người dân tự nguyện giao nộp hoặc cán bộ tuần tra phát hiện khi chúng đang mắc bẫy, bị thương. Do chưa có trung tâm cứu hộ, nên trong nhiều tình huống khẩn cấp, các thành viên của Đội chăm sóc động vật hoang dã đã trở thành những “bác sỹ” bất đắc dĩ, đảm nhiệm việc sơ cứu, xử lý, can thiệp sâu vào vết thương cho chúng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết công việc cứu hộ, chăm sóc sức khỏe cho động vật hoang dã của các nhân viên ở đây rất vất vả, có khi còn nguy hiểm nữa. Mỗi ngày, họ bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến tận 6 giờ tối, có khi đến tận đêm khuya. Công việc tuy có phần vất vả, nhưng việc cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã đã mang lại nhiều niềm vui và những kỷ niệm khó quên cho họ.

Anh Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế cho biết, đa số các loài động vật mà đơn vị tiếp nhận đều gặp phải những vấn đề về sức khỏe, cơ thể bị thương tích nên anh chị em phải tiến hành kiểm tra tổng quát để lên kế hoạch chăm sóc cho phù hợp. “Được chăm sóc, bảo tồn các loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng là niềm vinh dự đối với tôi. Bản thân tôi luôn xem đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Hơn 10 năm gắn bó ở VQG Vũ Quang, tôi có  rất nhiều kỷ niệm, cứ mỗi lần có một cá thể động vật được giải cứu, được tái hòa nhập về tự nhiên, với tôi, đó lại là một ký ức, cảm xúc đặc biệt” - anh Hùng chia sẻ.

Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ, trực tiếp thả các cá thể động vật hoang dã về lại nơi chúng sinh sống bao đời tha hương, nay được về lại với núi rừng Vũ Quang

Tâm sự với chúng tôi, anh chị em trong đội cứu hộ,chăm sóc động vật hoang dã đã nói những điều rất thật: Làm bác sỹ của động vật nuôi vốn đã khó, với những loài động vật hoang dã càng khó và dễ phát sinh tai nạn nghề nghiệp hơn. Ðiều quan trọng là cứu chữa, chăm sóc nhưng không làm mất đi bản tính hoang dã để thả chúng lại môi trường tự nhiên. Những cá thể bị nuôi nhốt lâu không đủ điều kiện sinh tồn, mất tập tính hoang dã, mất chức năng, nên chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi tập tính sinh thái và chức năng vận động cho chúng, rồi đưa ra khu thả bán hoang dã một thời gian để thích nghi dần, sau đó mới thả ra môi trường tự nhiên.

Thời điểm hiện tại, VQG Vườn Quốc gia Vũ Quang đang chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho hơn 70 cá thể động vật hoang dã, gồm: 3 cá thể khỉ; 1 cá thể cầy; 7 cá thể cầy vòi hương; gần 50 cá thể rùa các loại. Tất cả đều được chăm sóc, theo dõi sức khỏe thường xuyên. Mỗi một loài đều có thức ăn đặc trưng riêng theo môi trường sống, vùng phân bố và độ cao địa lý của từng loài. Vì vậy, việc đáp ứng thức ăn cho các loài cần đa dạng và tương ứng với môi trường của chúng, công việc này rất quan trọng và đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị. Đối với những “bác sỹ” chăm sóc động vật hoang dã không chuyên ở VQG Vũ Quang, khó khăn nhất là những lúc tiếp nhận nhiều loài động vật khác nhau, bởi phải cùng lúc thực hiện việc chăm sóc, điều trị, huấn luyện bằng các chương trình riêng biệt. Dẫu vậy, bằng tình yêu động vật, thiên nhiên, những cán bộ ở Vườn Quốc gia Vũ Quang vẫn luôn nỗ lực vượt khó, để “hồi sinh” những loài động vật hoang dã, giúp chúng sớm hòa nhập với “cộng đồng”.

Thả động vật về rừng là việc làm đầy trách nhiệm của mỗi người dân

Theo giám đốc VQG Vườn Quốc gia Vũ Quang ông Nguyễn Danh Kỳ chia sẻ:

Từ năm 2020 đến nay, VQG Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận, chăm sóc 657 cá thể động vật, tiến hành tái thả về rừng 645 cá thể với 20 loài. Trong đó, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ngoài khỉ, rùa, đơn vị cũng đã từng tiếp nhận chăm sóc các loại động vật động vật hoang dã thuộc nhóm IIB được quy định trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Đối với cán bộ, nhân viên nơi đây, việc chăm sóc, nuôi dưỡng những cá thể động vật quý hiếm là nhiệm vụ rất thiêng liêng. Họ luôn xem đó là trách nhiệm, một phần của cuộc sống để cố gắng gìn giữ, bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Kết thúc bài viết này tác giã xin được đăng ý kiến của một “Lâm tặc” một thời tung hoành ngang dọc nơi chốn Trường Sơn để săn bắt các loài động vật quý hiếm, nay ông đã “gác kiếm” nói: “Sau khi có chủ trương của đảng, chính phủ đóng cửa rừng tất cả trên mọi phương diện, kể cả việc săn bắt các loài thú rừng. Tôi là một trong những tay chân “đậu nậu” nhận thức ra chủ trương trên, đã đến lúc buộc phải “gác kiếm” vĩnh viễn, làm người lương thiện, không bao giờ vào lại rừng để săn bắt các loài động vật hoang dã nữa. Tôi rất cảm phục CBCS kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang luôn gìn giữ, bảo vệ đồng thời kêu gọi trong toàn dân, ai còn nuôi nhốt động vật hoang dã nên tranh thủ đến trình báo Vườn quôc gia vũ Quang, khai báo đem các loài thú đang bị nuôi nhốt ddeeer CB chăm sóc, thả chúng về rừng, về lại nơi mái nhà chung của chúng, giống như con người chúng ta được trở về với mái ấm gia đình hạnh phúc nhất trên đời.

Các cá thể động vật hoang dã sau khi được thả nhanh chóng hòa nhập với môi trường tự nhiên, sinh trưởng và phát triển tốt.

Đánh giá về vấn đề này, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn khẳng định, những nỗ lực trong việc chăm sóc, cứu hộ và tái thả động vật hoang dã về tự nhiên của Vườn quốc gia Vũ Quang thời gian qua đã và đang góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều loài động vật hoang dã, làm phong phú thêm hệ sinh thái cũng như bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên ở Việt Nam.

Những nỗ lực của cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang trong việc tiếp nhận, chăm sóc, tái thả động vật hoang dã đã làm phong phú, dày thêm hệ sinh thái, động thực vật của một trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, xứng danh là “Vườn di sản ASEAN”.

Anh Bình - Trọng Thắng

...