22/12/2024 lúc 09:52 (GMT+7)
Breaking News

Nữ doanh nhân biến “đất thép” Quảng Trị thành những cánh đồng lúa hữu cơ giá trị ngàn vàng

Những cánh đồng hằn sâu bom, đạn của cuộc chiến, nay trở thành những cánh đồng lúa hữu cơ vươn lên trong nắng mới mang thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị” giá trị ngàn vàng đối với sức khỏe con người khi sử dụng gạo hữu cơ Quảng Trị và các sản phẩm OCOP nông nghiệp sạch.

Đó là lời ghi nhận, tự hào của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng khi tiếp xúc với cánh nhà báo chúng tôi. Và nhân vật chính được (Việt Nam hội nhập) nhắc đến đó là doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ - Người đã làm nên kỳ tích thương hiệu “gạo hữu cơ Quảng Trị” qua sử dụng phân bón Ong Biển khiến người Nhật cũng như các nước trên vùng lãnh thổ ngả mũ thán phục.

Khi doanh nhân xuống đồng làm nông nghiệp công nghệ cao

Những ngày giữa tháng 3, chúng tôi cùng đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình hình sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 ở huyện Hải Lăng, cùng đi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng. Khi tiếp cận với cánh đồng huyện lúa Hải Lăng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện nói: “Đây là cánh đồng hữu cơ rộng nhất huyện, tính đến nay, cũng đã SX được 7 năm rồi”. Nhìn những cánh đồng lúa xanh ngát, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Sỹ Đồng phụ trách ngành nông nghiệp Quảng Trị cười, nói: “Lúa hữu cơ Quảng Trị không có công chị Lệ chắc không thể có được ngày hôm nay”.

Doanh nhân Phan Thị Diễm Lệ và niềm vui được mùa

Kể cũng đúng thôi, bởi gạo hữu cơ Quảng Trị thương hiệu nổi tiếng đạt cả 821 chỉ tiêu về chất lượng mà chưa có loại gạo nào có được. Đặc biệt trong gạo hữu cơ Quảng Trị có được 2 hợp chất Molecules A và Molecules B (MA và MB) là các hợp chất chống tiểu đường, chống béo phì, gút thông qua khả năng ức chế hoạt động của các enzymes liên quan đến các chứng bệnh này.

Chia sẻ với Việt Nam hội nhập, doanh nhân Phan Thị Diễm Lệ nói: “Nếu nói đến chặng đường 7 năm làm nên thương hiệu “gạo hữu cơ Quảng Trị” tôi phải nói đến hai chữ “Hữu duyên” bởi tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Bình “khoai khoai rành khoai”, quanh năm bão lũ, thiên tai nên thấu hiểu được sự cơ cực của người nông dân, bao nhiêu vốn liếng, công lao bỏ ra chăm bón gần đến ngày thu hoạch chỉ cần một cơn bão, trận lũ đi qua là hầu như mất trắng. Những nỗi khổ đó, luôn đau đáu trong tôi và tôi mong muốn sau này sẽ làm nên được điều gì đó để đền đáp cho quê hương. Có lẽ đó chính là cái duyên đưa tôi hướng đến với ngành nông nghiệp chất lượng cao, để tìm lại thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị một thời.

TGĐ Trần Ngọc Nam (bên phải), người nghiên cứu sản xuất ra loại phân bón Ong Biển về quy trình canh tác nông nghiệp hữu cơ trên các loại cây trồng cùng với giáo sư Trần Đăng Xuân, nhà khoa học đầu tiên phát hiện trong gạo hữu cơ Quảng Trị có được 2 hợp chất Molecules A và Molecules B (MA và MB)

Cũng theo Diễm Lệ: cơ hội cũng đã đến với tôi, khi Chủ tịch tỉnh Võ Văn Hưng đang là “Tư lệnh” ngành nông nghiệp Quảng Trị 3 lần anh cùng đoàn công tác trực tiếp lặn lội vào Vũng Tàu, tìm đến Công ty Đại Nam, gặp Tổng giám đốc Trần Đại Nam về đầu tư cho nông nghiệp Quảng Trị.

Những lần “ghé thăm” của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tại trụ sở Công ty đã làm lãnh đạo doanh nghiệp “mềm lòng” trước khó khăn của vùng “đất lửa”. Bởi đầu tư để làm nông nghiệp hữu cơ lại cực kì khó khăn hơn nhưng với tinh thần sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vất vả với nông dân, vì thế lãnh đạo Công ty Đại Nam đã đồng ý cho Công ty cổ phần Nông sản Hữu cơ Quảng Trị (QT Organic), đơn vị thành viên của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam liên kết với Quảng Trị làm lúa hữu cơ. Và từ đó, câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Trị đã mở ra những trang đầu, trong đó vui buồn lẫn lộn.

Từ gian nan đổi lấy những mùa vàng bội thu

Để có được thương hiệu sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị, vào năm 2017, công ty bước vào giai đoạn sản xuất, yêu cầu nông dân phải dùng phân bón OBI Ong Biển, tuyệt đối không dùng phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong quá trình canh tác. Ngoài ra, nông dân luôn phải tuân thủ kỹ thuật thâm canh đúng với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty, của Sở NN-PTNT.

Sau khi được nông dân góp đất, đổi lại, công ty bao tiêu sản phẩm, cam kết mua thóc tươi, trả tiền tươi ngay tại chân ruộng. “Nếu đến kỳ thu hoạch, diện tích nào có sản lượng dưới 2,5 tạ/sào (50 tạ/ha), Công ty sẽ bù phần lỗ mất mùa đó cho bà con”, đại diện Công ty chia sẻ. QT Organic đã chọn một số địa phương ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong,… làm mô hình gạo hữu cơ theo chuỗi liên kết với bà con nông dân.

Niềm vui khi cá, tôm về đầy đồng khi đồng ruộng không còn thuốc bảo vệ thực vật

Nhưng lúc đầu khó khăn vô cùng, vì người dân đã quen với truyền thống sản xuất cũ không muốn thay đổi. Sau bao buổi họp dân, kêu gọi nông dân cùng đồng sức, đồng lòng, chung tay vào cuộc SX lúa hữu cơ, cuối cùng dự án cũng được triển khai với diện tích ban đầu 20 ha, năng suất mùa đầu bình quân đạt từ 40 tạ/ha. Khi những hạt thóc hữu cơ đầu tiên ra thành phẩm thì mọi người thở phào nhẹ nhõm. “Cho dù lúc đó, năng suất cũng chỉ đạt 40 tạ/ha, nhưng doanh nghiệp chúng tôi và bà con nông dân cũng đã kết nối được lòng tin ban đầu lại với nhau”.

Có được những kinh nghiệm từ vụ đầu, các HTX xuống mùa vụ thứ hai trong khí thế mới. Cây lúa trên đồng cứng cáp vươn lên trong nắng gió khắc nghiệt nơi đây. Năng suất thu hoạch mỗi vụ cứ tăng dần lên đến 50 tạ/ha, rồi 60 tạ/ha,... Cho đến vụ Đông Xuân năm 2020, khi sản lượng trên từng cánh đồng được xác định trung bình đạt 6,5 tấn/ha.

Từ đó được đà nông dân phấn khởi thi nhau SX lúa hữu cơ theo mô hình QT Organic tại một số các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Sản lượng lúa tươi thu được gần 4.000 tấn/năm. Tổng thu từ mô hình có năm đạt gần 24 tỷ đồng, lãi toàn mô hình là 5 tỉ đồng nông dân rất phấn khởi. Doanh nhân Diễm Lệ cho hay, với giá gạo công ty bán với giá 55.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, sang cả một số nước trên vùng lãnh thổ...

Ông Nguyễn Ngọc Thành, một nông dân có 1,5 ha diện tích làm lúa hữu cơ hồ hởi: “Đúng là như trong lúc nằm ngủ mơ thấy. Cây lúa khi vào canh tác thì cũng dễ chứ không phải khó khăn như lúc đầu tưởng tượng. Với giống lúa ST25 được mệnh danh gạo ngon nhất thế giới, vả lại sâu bệnh càng ngày càng ít xuất hiện năng suất hiếm có công nghệ trồng lúa nào chạy theo kịp, hạt lúa chắc, đẹp. Đó là chưa kể đến nông dân chúng tôi còn có thêm nguồn thu nhập ngoài lúa gạo lá cá tôm về đầy khi đồng ruộng không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nữa.

Thương hiệu là trên hết

Dự án đến nay đã bước sang năm thứ 7. Diện tích canh tác của chúng tôi chưa được nhiều nhưng lại mang lại lợi ích rất lớn cho bà con nông dân và nền nông nghiệp tỉnh Quảng Trị. Dự án gạo hữu cơ Quảng trị đã xoá bỏ định kiến của người tiêu dùng đối với vùng đất Quảng Trị rằng “đây là vùng đất bom đạn chiến tranh thả xuống, xem như vùng đất chết làm sao có thể canh tác nông nghiệp hữu cơ” bằng các kết quả kiểm nghiệm khoa học tiên tiến có một không hai đối với hạt gạo hữu cơ Quảng Trị hôm nay.

Doanh nhân Diễm Lệ trước quầy hàng sản phẩm tại hội chợ quốc tế Thái Lan

Giờ đây khi nói đến gạo hữu cơ Quảng Trị, người tiêu dùng trên toàn quốc không chỉ biết đến loại gạo ST25 ngon nhất thế giới mà còn biết đến mảnh đất tâm linh, mảnh đất thân thương hiền lành giản dị đã cho ra đời các sản phẩm nông sản OCOP từ 3-4 sao lên 5 sao như đặc Cao cà gai leo Cam Lộ, Hạt tiêu Cùa Cam Lộ, Dầu lạc nguyên chất Super, Khe Sanh Coffee dạng bột 100% Arabica”,…những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao  dâng cho đời.

Dẫu biết rằng, làm nông nghiệp vốn đã vất vả, ngược lại làm nông nghiệp tại miền Trung còn vất vả gấp nhiều lần. Chính thời tiết khắc nghiệt bão, lũ thất thường nên từ khi triển khai dự án đến nay, cũng đã nhiều mùa gặp bão, lụt về sớm chúng tôi chưa kịp thu hoạch lúa bao phen mất trắng, hoặc lúa trổ bông đúng đợt hạn hán, rét đậm rét hại là vụ đó lại mất mùa nặng, rồi thời tiết đỏng đảnh nắng mưa thất thường dẫn đến sâu bệnh mò đến. "Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết hướng dẫn nông dân tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật có khi mất trắng cả mấy chục hecta vì mục đích của dự án Gạo hữu cơ Quảng Trị là hỗ trợ người nông dân ổn định kinh tế bằng việc canh tác Nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng nên những thương hiệu nông sản sạch, hữu cơ", Doanh nhân Diễm Lệ khẳng định.

Nông sản sạch Quảng Trị cất cánh bay ra thế giới

 Nói về những dự định trong tương lai, nữ doanh nhân Diễm Lệ chia sẻ: “Vùng đất Quảng Trị hoàn toàn đủ điều kiện để sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Vùng đất ấy đã hồi sinh và cho ra mắt trăm loài hoa thơm trái ngọt, góp phần nâng tầm vị thế của nông sản Việt Nam.

Từ gạo hữu cơ Quảng Trị, danh nhân Phan Diễm Lệ đã chế biến ra nhiều sản phẩm ăn liền phục vụ các bữa ăn đầy chất dinh dưỡng

Hiện nay, sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị đã có mặt trên thị trường các siêu thị trong và ngoài nước. Tiến tới, doanh nghiệp đang đàm phán để xuất khẩu gạo hữu cơ Quảng Trị sang Mỹ, các nước Châu Âu, Nhật Bản. QT Organic cũng đã thực hiện quảng bá sản phẩm tại Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc với sản phẩm chủ lực là gạo hữu cơ Quảng Trị. Tại Hội chợ, lượng gạo mang đi tham gia đã được khách hàng mua hết qua những chuyến đi.

Ngoài sản phẩm gạo hữu cơ, theo bà Diễm Lệ, doanh nghiệp cũng sẽ lồng ghép quảng bá thêm các sản phẩm cà phê, tiêu, cà gai leo, trà lá vằng, muối đậu sả, tinh bột cám gạo, các loại đậu lạc, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen,… Đó là những sản vật đặc trưng của vùng đất Quảng Trị được sản xuất theo phương pháp hữu cơ đến với khách hàng trên thế giới.

Đến thời điểm hiện tại, gạo hữu cơ Quảng Trị đã có mặt tại hơn 500 nhà phân phối, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm cao cấp trên cả nước. Đây được xem là bước tăng trưởng đáng kể, là động lực để gạo hữu cơ Quảng Trị tiến đến chinh phục các thị trường khác trên thế giới.

Chia tay doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ tôi nhớ mãi câu nói đổi tự hào của Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng: Mỗi chuyến ra Hà Nội họp hành mình thường mang theo mấy cân gạo hữu cơ QTOrganic Quảng Trị làm quà biếu bạn bè. Nói đến gạo hữu cơ Quảng Trị bạn bè ai nấy tấm tắc khen lấy khen để.

Anh Bình