23/01/2025 lúc 01:00 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam với hoàn thiện Cộng đồng kinh tế ASEAN

Có thể nói, Việt Nam ngày càng thành công trong quan hệ với Cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng, Cộng đồng ASEAN nói chung. Điều đó góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chỉ đạo của Đảng về ngoại giao đa phương với các tổ chức quốc tế, trong đó ASEAN đóng vai trò ưu tiên, chiến lược.
Bài viết làm rõ những đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc phát triển và hoàn thiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ năm 2015 đến hết năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Khẳng định vai trò, vị trí,sự tham gia tích cực, chủ động của Việt Nam vào sự phát triển của AEC nói riêng và ASEAN nói chung; những đóng góp và kết quả đạt được trong quan hệ kinh tế Việt Nam - ASEAN (2015 - 2020) là minh chứng cho sự đúng đắn và từng bước thành công của đường lối ngoại giao đa phương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Việt Nam với việc hoàn thiện các tiêu chí của AEC (2015 - 2020)
Năm 2015, AEC chính thức được thành lập nhưng chưa hoàn chỉnh khi 105 trên tổng số 506 tiêu chí bị trì hoãn hoàn thiện. Mặc dù vậy, Kế hoạch tổng thể 2025 (AEC Blueprint 2025) đã xây dựng lộ trình hợp tác cụ thể giữa các nước thành viên ASEAN để hoàn thiện Cộng đồng vào năm 2025. Năm đặc trưng của AEC được đưa ra là: 1) một nền kinh tế có tính gắn kết và hội nhập cao; 2) một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; 3) nâng cao kết nối và hợp tác khu vực; 4) một ASEAN tự cường, phát triển toàn diện, hướng tới con người và coi con người là trung tâm; và 5) một ASEAN toàn cầu(1).

Mỗi đặc trưng có những lĩnh vực hoạt động cụ thể, giúp cho việc thực hiện Kế hoạch tổng thể 2025 được rõ ràng, có đủ tiêu chí đánh giá. Báo cáo giữa kỳ của AEC năm 2021 dựa trên việc đánh giá từ 23 lĩnh vực hoạt động trong 5 đặc trưng, 400 nghiên cứu ngoài về chính sách và ảnh hưởng của AEC, 1.700 dòng hành động và điều tra bảng hỏi của 645 doanh nghiệp ASEAN, lấy kết quả của 370 chỉ tiêu chính, nhận phản hồi của 15 Hội đồng kinh tế ASEAN và 17 tổ chức nghiên cứu khác nhau(2).

Kết quả tổng thể Kế hoạch AEC đã hoàn thành 54,1%, đang thực hiện 34,2%, chưa khởi động 9,2% và từ bỏ 2,5%. Trong đó, Đặc trưng 1 hoàn thành 60,3%, đang thực hiện 32,1%, chưa khởi động 6,8% và từ bỏ 0,8%. Đặc trưng 2 hoàn thành 47,8%, đang thực hiện 31,3%, chưa khởi động 12,6% và từ bỏ 8,3%. Đặc trưng 3 hoàn thành 52%, đang thực hiện 34,9%, chưa khởi động 10,8% và từ bỏ 2,3%. Đặc trưng 4 hoàn thành 43,5%, đang thực hiện 48,1%, chưa khởi động 8,4%. Đặc trưng 5 hoàn thành 54,5%, đang thực hiện 45,5%(3). Như vậy, AEC đã hoàn thành được hơn 50% trong nửa chặng đường thực hiện Kế hoạch tổng thể, thể hiện rõ sự quyết tâm của các quốc gia thành viên trong Cộng đồng về việc hợp tác và thúc đẩy kết nối kinh tế khu vực.

Báo cáo giữa kỳ không nêu tỷ lệ hoàn thành của từng quốc gia thành viên hay mức độ đóng góp của các nước trong quá trình thúc đẩy Kế hoạch tổng thể 2025, nhưng có thể nhận thấy rằng, Việt Nam được nhìn nhận là một trong những quốc gia chủ động, tích cực nhất, có trách nhiệm trong việc hoàn thiện các tiêu chí, hành động liên quan đến AEC, nhất là trong năm Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020.

Trong Kế hoạch tổng thể 2025, đặc trưng số 1 về một nền kinh tế gắn kết ở cấp độ cao; đặc trưng số 5 về một ASEAN toàn cầu đều nằm trong định hướng phát triển lâu dài của Việt Nam và ghi nhận những dấu ấn đóng góp rõ nét của Việt Nam. Vai trò của Việt Nam trong chuỗi hàng hóa khu vực có thể được định hình là nhà cung cấp lao động giá rẻ nhưng giá trị cao; từ đó giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn nữa vào trong chuỗi thương mại khu vực(4). Vì vậy, đây là hai đặc trưng nhận được sự quan tâm, đóng góp lớn hơn của Việt Nam.

Đặc trưng số 1 về việc gắn kết nội khối ASEAN ở cấp độ cao trong thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, môi trường đầu tư, các vấn đề tài chính, cơ sở vật chất và lao động chất lượng cao,… Việt Nam đã tích cực tham gia hoàn thiện AEC bằng cách nỗ lực đơn giản hóa hệ thống hành chính, thủ tục để tạo điều kiện cho việc thông thương giữa các nước cùng với việc xây dựng và sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại. Các thủ tục hải quan được tinh giản với hệ thống hải quan điện tử quá cảnh ASEAN. Khung pháp lý trong nước được cải thiện để bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi, đặc biệt trong việc tham gia Giải pháp ASEAN cho đầu tư, dịch vụ và thương mại (ASSIST).

Tính đến năm 2018, Việt Nam đã xóa bỏ 98% thuế quan đối với hàng hóa trong khu vực, đạt tỷ lệ cao nhất trong số 10 FTA mà Việt Nam tham gia ký kết(5). Cùng các nước thành viên khác, Việt Nam tham gia 9 gói cam kết về thương mại dịch vụ, 6 gói cam kết về tài chính, 8 gói về vận tải hàng không. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cùng các nước thành viên AEC ký kết các hiệp định quan trọng về thương mại, dịch vụ như Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA), Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về Thỏa thuận thừa nhận lẫu nhau (MRAs)(6). Các hiệp định thương mại nêu trên thể hiện sự tích cực tham gia của Việt Nam trong việc nâng cao gắn kết thương mại, kinh tế khu vực. ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam cam kết và hành động mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất.

Từ ngày 1-1-2018, Bộ Công thương và Bộ Tài chính Việt Nam đã kết nối Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) với bốn nước Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia và Thái Lan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ trong trao đổi thương mại với các nước trong khu vực.

Việc đi vào vận hành của cơ chế 1 cửa quốc gia, 1 cửa ASEAN để đơn giản hóa thủ tục hoạt động thương mại là một điểm sáng trong đóng góp của Việt Nam đối với AEC. Việt Nam đã kết nối cơ chế này với Brunei (ngày 1-4-2019), Campuchia (ngày 1-7-2019), Mianma (ngày 9-12-2019), Lào (ngày 23-12-2019) và Philíppin (3-2020). Tổng số trao đổi dữ liệu xuất xứ hàng hóa thông qua cơ chế này của Việt Nam với các nước trong AEC năm 2020 là 194.997 bộ hồ sơ(7). Tính đến giữa năm 2020, có 136 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là 373,1 tỷ USD và 31.862 dự án, trong đó vốn từ ASEAN đứng thứ ba(8).

Đặc trưng thứ 5 về một ASEAN toàn cầu, tức là việc kết nối ASEAN với các tổ chức quốc tế, khu vực khác trên thế giới cũng nhận được sự ủng hộ và đóng góp cao của Việt Nam. Việt Nam tham gia tìm cách ký kết các hiệp định thương mại ngoài ASEAN như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tính đến tháng 12-2019, Việt Nam đã ký kết được 13 FTA (bao gồm cả Hiệp định song phương giữa Việt Nam và các nước, và tham gia cùng ASEAN để ký với các nước ngoài khối như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Hong Kong, Canada, Anh, Hoa Kỳ, EU,…)(9).

Năm 2020, nổi bật với những dấu mốc đóng góp của Việt Nam cho AEC nói riêng, Cộng đồng ASEAN nói chung. Tại Hội nghị SEOM chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần 26, Việt Nam đã đưa ra thảo luận 13 sáng kiến, ưu tiên trong năm 2020 để thúc đẩy hơn nữa việc hoàn thiện cộng đồng. Một trong những đóng góp nổi bật của Việt Nam là hoàn thiện quá trình đàm phán và ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với 5 nước đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ôxtrâylia và Niu Dilân ngày 15-11-2020, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm. RCEP được bắt đầu đàm phán từ năm 2013 và trải qua 30 vòng đàm phán trong 7 năm trước khi được ký kết trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Hiệp định cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản các thủ tục hải quan. RCEP khi đi vào hiện thực sẽ có quy mô tới 30% dân số thế giới (2,2 tỷ người), GDP gần 27.000 tỷ USD (gần 30% GDP toàn cầu) nên là cơ hội và thuận lợi lớn cho Việt Nam và các nước trong AEC thiết lập một thị trường thương mại ổn định, phát triển(10). Ký kết thành công RCEP là một đóng góp, thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc phát triển và cụ thể hóa hơn nữa AEC.

Trong năm 2020, Việt Nam đã thúc đẩy AEC thảo luận các phương án nâng cấp Hiệp định AITIGA, thống nhất những nội dung của Nghị định thư nâng cấp về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Tháng 6-2020, Việt Nam thông qua Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và bắt đầu có hiệu lực từ 1-8-2020.

Trong năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành 11/13 sáng kiến hợp tác kinh tế ASEAN trên các lĩnh vực khác nhau với 3 định hướng chính là: 1) Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực nội khối ASEAN. 2) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững. 3) Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN. Việt Nam cũng đề xuất cùng ASEAN đưa ra Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19 và nhiều sáng kiến khác để ứng phó với Covid và phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng khu vực(11).

Việt Nam đưa ra sáng kiến và thúc đẩy tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37. Thành công này ghi dấu vai trò của Việt Nam, cũng như tạo cơ sở, nền tảng cho nước ta tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các sáng kiến liên quan đến ASEAN nói chung và AEC nói riêng.

Ba định hướng chính của Việt Nam trong việc hội nhập kinh tế ASEAN sau năm 2020 là: 1) cùng ASEAN khẳng định và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong điều phối hoạt động kinh tế khu vực. 2) Thực hiện Kế hoạch tổng thể 2025. 3) Phê duyệt RCEP; phối hợp với ASEAN để xây dựng khuôn khổ hợp tác mang tính ổn định, bền vững, dựa theo luật lệ với các đối tác ngoại khối để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư bên ngoài(12).

Nhìn chung, đóng góp của Việt Nam trong việc hoàn thiện và thúc đẩy AEC được nhìn nhận trên cả khía cạnh nội khối và hội nhập kinh tế toàn cầu. Có thể thấy rằng việc thương mại Việt Nam - ASEAN tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm; cơ cấu xuất nhập khẩu ngày càng nâng cao chất lượng và giá trị chính là một đóng góp, minh chứng quan trọng về việc Việt Nam muốn thúc đẩy AEC. Việt Nam luôn được các nước trong khu vực đánh giá cao trong việc nỗ lực thúc đẩy hoàn thiện AEC mặc dù gặp nhiều khó khăn trong tiến trình thực hiện, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid -19.

2. Trao đổi thương mại Việt Nam - ASEAN (2016 - 2020) dưới tác động của AEC

Xuyên suốt quá trình xây dựng và hiện thực hóa AEC, quan hệ kinh tế Việt Nam - ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Năm 2000, GDP của Việt Nam đứng thứ 7 ASEAN, năm 2010 đứng thứ 6 và đến năm 2020 đã tăng lên thứ 4 (chiếm 11,6% GDP của ASEAN). Tốc độ tăng GDP bình quân của Việt Nam là 12,54%/năm, là nước có tốc độ tăng thứ 3 trong tổng số các nước ASEAN(13). Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam đã tạo ra luồng thu hút lớn đối với hoạt động thương mại từ ASEAN. Việt Nam có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng AEC, và giá trị tuyệt đối của trao đổi thương mại Việt Nam - AEC tăng mạnh trong giai đoạn trước năm 2014.

Biểu đồ 1. Xuất nhập khẩu Việt Nam - ASEAN giai đoạn 1990 - 2014(14)

Theo biểu đồ 1, trong những năm đầu thập niên 1990, thương mại của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là vô cùng thấp, nhưng từng bước có sự tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục qua các năm (ngoại trừ năm 2009 và 2010 do hậu quả của khủng hoảng tài chính 2008).

Năm 2014, giá trị xuất khẩu đạt tới 19,09 tỷ USD trong khi giá trị nhập khẩu cũng đạt 23 tỷ USD. So với năm 2003, thương mại Việt Nam - ASEAN năm 2014 đã tăng gần 4,7 lần (đạt 42 tỷ USD), chiếm 14% tổng thương mại của Việt Nam với thế giới.

Cùng thời gian đó, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng 23%. ASEAN trở thành 1 trong 5 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam(15). Điều đó cho thấy tầm quan trọng và những bước tiến trong quan hệ Việt Nam - ASEAN. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp thương mại Việt Nam - ASEAN trong tổng chung của thương mại Việt Nam lại có xu hướng giảm, nhất là từ sau năm 2006. Năm 2014, hàng hóa từ Việt Nam xuất sang ASEAN chỉ chiếm 12,7% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ trọng nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam cũng giảm từ khoảng 30% trong giai đoạn những năm 1990 xuống còn 15,5% năm 2014(16). Có thể thấy quan hệ thương mại với ASEAN là rất quan trọng với Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng dần hướng đến các đối tác khác như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và EU.

Biểu đồ 2. Tăng trưởng thương mại Việt Nam (2011 - 2020) (triệu USD)(17)

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa rất lớn trong giai đoạn 2010 – 2020 (biểu đồ 2), từ 200 tỷ USD năm 2010 lên đến hơn 500 tỷ USD năm 2020. Trong đó, thương mại với các nước ASEAN tăng từ 34 tỷ USD lên hơn 50 tỷ USD, nhưng vẫn chiếm một tỉ lệ khá khiêm tốn trong tổng thương mại của Việt Nam với thế giới (dao động hơn 10%). Về xuất khẩu, năm 2010, Việt Nam xuất sang các nước ASEAN số hàng hóa trị giá 10,364 tỷ USD, năm 2015 tăng lên 18,253 tỷ USD và năm 2018 là 37,4 tỷ USD(18).

Điều đó cho thấy các nước trong Cộng đồng kinh tế ASEAN vẫn luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam, nhưng vẫn chưa thể đạt được vị thế lớn trong so sánh với Mỹ, EU, Trung Quốc hay Nhật Bản. Hoạt động thương mại của các quốc gia khác trong khối cũng có đặc điểm tương tự do thực tế thị trường Đông Nam Á vẫn chỉ là một phần trong so sánh với toàn bộ các thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong cán cân thương mại với các nước ASEAN Việt Nam thường nhập siêu. Năm 2015, nhập siêu là 5,6 tỷ USD, năm 2016 và 2017 là gần 7 tỷ USD, năm 2018 và 2019 là gần 7 tỷ USD(19).

Sau khi AEC được thành lập cuối năm 2015, thương mại Việt Nam - ASEAN đã có cú hích lớn, tăng từ hơn 41 tỷ lên 57 tỷ USD trong vòng vài năm. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của AEC trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, cũng như cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa việc buôn bán với các nước trong khu vực. Đến năm 2020, trao đổi thương mại Việt Nam - AEC đã có những bước tiến quan trọng, xuất khẩu của Việt Nam sang Đông Nam Á đạt 23,2 tỷ USD.

Biểu đồ 3. Tỷ trọng xuất nhập khẩu Việt Nam - ASEAN năm 2020(20)

Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Cộng đồng AEC năm 2019, chiếm 21% xuất khẩu của nước ta trong khối và chiếm 36,5% giá trị nhập khẩu(21). Một số thị trường tiêu biểu khác là Inđônêxia, Xinhgapo, Philíppin, Malaixia. Đây đều là những thị trường truyền thống của Việt Nam trong khu vực. Năm 2020, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong khối là Thái Lan, Campuchia, Philíppin, Malaixia, Xinhgapo. Việt Nam cũng nhập khẩu số lượng hàng hóa lớn nhất từ Thái Lan (36%), Malaixia (21,6%), Inđônêxia,…(22)

ASEAN đã xây dựng các khuôn khổ hợp tác đầu tư riêng như Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư ASEAN (IGA), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA). Các hiệp định trên đã thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư FDI vào ASEAN với 5 thị trường tiềm năng lớn là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Malaixia và Philíppin. Sau khi AEC hình thành, hoạt động đầu tư tiếp tục đạt được những thành tựu lớn. Đầu tư FDI nội khối ASEAN từ năm 2015 đến 2020 luôn dao động xung quanh 20 tỷ USD: năm 2015 là 20,8 tỷ USD, năm 2017 đạt đỉnh cao là 27,1 tỷ USD, và sau đó giảm dần, đặc biệt năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 nên chỉ còn 23,3 tỷ USD. Tỷ trọng đóng góp của FDI nội khối trong tổng số vốn FDI vào ASEAN cũng có những dao động trong giai đoạn 2015 - 2020, trong đó năm cao nhất là 2016 với 22,7%, năm thấp nhất là 2019 - 12,1%, trong khi năm 2020 có mức đóng góp ngang bằng năm 2015, 2017 với 17%(23). Đầu tư trực tiếp FDI vào ASEAN cũng tăng 35% trong giai đoạn 2015 - 2019, từ 118 tỷ USD lên 159 tỷ USD. Đầu tư FDI nội khối chiếm tới 13,8% tổng số đầu tư FDI của toàn ASEAN(24). Đáng chú ý, năm 2020, đầu tư FDI của ASEAN vào chính các nước khác trong khu vực đã cung cấp tới 16,6% vốn FDI, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ (25,5%), tức là đã có sự vươn lên rõ rệt về thứ hạng và đóng góp (năm 2018 ASEAN chỉ đóng góp 15,3% vốn FDI, năm 2019 là 12,1%; cả hai năm đều đứng thứ ba)(25).

Đầu tư FDI của các nước ASEAN vào Việt Nam cũng có sự tăng trưởng. Việt Nam ngày càng trở thành thị trường đầu tư của các quốc gia khác trong khu vực. Năm 1995, chỉ có 230 dự án với số vốn là gần 500 triệu USD đầu tư vào Việt Nam(26). Sau khi AEC được chính thức thành lập năm 2015, số vốn đầu tư từ ASEAN vào Việt Nam tăng lên gần 3 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2019, và tăng đột biến lên 6,278 tỷ USD năm 2020 dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Theo chiều ngược lại, đầu tư FDI của Việt Nam đối với các nước trong khối cũng có sự tăng trưởng đáng kể từ 290 triệu USD (2010) lên 399 triệu (2015) và 889 triệu USD (2020)(27). Tính từ năm 1995 đến năm 2019, Việt Nam nhận được 2.791 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 58,9 tỷ USD từ ASEAN(28). Năm 2019, Xinhgapo và Thái Lan trở thành hai trong 10 nước đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam(29). Có thể thấy, rõ ràng việc hình thành AEC đã thúc đẩy các cơ hội hợp tác và phát triển đầu tư kinh tế của Việt Nam - ASEAN lên một bước mới, giúp cho mối quan hệ trên ngày càng nâng cao, hoàn thiện.

Chính sự nâng tầm trong quan hệ kinh tế của Việt Nam với ASEAN, cụ thể là AEC đã góp phần giúp Việt Nam phát triển kinh tế. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 10 lần, từ 289 USD (năm 1995) lên 2.800 USD (năm 2019). Quy mô nền kinh tế tăng từ 20,8 tỷ USD (năm 1995) lên 266 tỷ (năm 2019) và trở thành 1 trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Thông qua AEC, Việt Nam cũng thúc đẩy các quan hệ đối tác với các nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia,…(30)

Có thể nói, Việt Nam ngày càng thành công trong quan hệ với Cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng, Cộng đồng ASEAN nói chung. Điều đó góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chỉ đạo của Đảng về ngoại giao đa phương với các tổ chức quốc tế, trong đó ASEAN đóng vai trò ưu tiên, chiến lược.

_________________

(1), (2), (3) Ban thư ký ASEAN: Tổng kết giữa kỳ Kế hoạch tổng thể 2025 (Mid-term Review ASEAN Economic Community Blueprint 2025), Jakarta, 2021, tr. 4, 5, 11.

(4) D. Sophie: “The Strategic Vision behind Vietnam’ International Trade Integration”, Journal of Current Southeast Asian Affairs, 37/2018, tr. 12-13.

(5), (7) Trần Thị Thanh Tâm, Đinh Ngọc Ruẫn: “Việt Nam tham gia hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ năm 2016 đến nay: kết quả, hạn chế và một số khuyến nghị”, Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương, 9-2020, tr. 19.

(6) Bích Ngọc: “Việt Nam trong Cộng đồng kinh tế ASEAN”, https://consosukien.vn/viet-nam-trong-cong-dong-kinh-te-asean.htm, truy cậpngày22-6-2022.

(8), (10), (18), (19), (20), (22) Bộ Công thương: Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2020, NXB Công thương, Hà Nội, 2021, tr. 141-142, 174, 86, 86, 92, 92.

(9), (27) Lê Minh Trường: “Phân tích mối quan hệ Việt Nam - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)”https://luatminhkhue.vn/phan-tich-moi-quan-he-viet-nam-cong-dong-kinh-te-asean-aec.aspx, truy cập ngày 22-6-2022.

(11) Bộ Công thương: Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công thương, Hà Nội, 2021, tr. 27.

(12) Nguyễn Hồng Diên: “Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Điểm tựa quan trọng cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”, https://congthuong.vn/cong-dong-kinh-te-asean-diem-tua-quan-trong-cho-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-cua-viet-nam-162223.html, truy cập ngày 31-08-2022.

(13), (18), (28) To Thi Kim Hong, Nguyen Anh Tuan, Tran Thi Kim Dao, Nguyen Minh Duc: “Improving Economic Position of Vietnam in ASEAN economic Community (AEC) from the Global Integration Perspectives”, Technium, 3-2021, tr. 139, 141, 141.

(14), (16) Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thị Thu Hằng: Tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam, NxbThế giới, Hà Nội, 2015, tr. 15, 15.

(15) Đỗ Thắng Hải: “Công tác chuẩn bị của Việt Nam về kinh tế cho việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm 2015”, Tạp chí Thông tin Đối ngoại, 3-2015, tr. 45.

(17), (25), (26), (27) ASEAN Secretariat: ASEAN Statistical Yearbook 2021, Jakarta, 2021, p. 53, 141, 140, 140.

(21) Bộ Công thương: Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2019, Nxb Công thương, Hà Nội, 2020, tr. 86.

(23), (24) ASEAN & UNCTADP: ASEAN Investment Report 2020 – 2021: Investing in Industry 4.0, Jakarta, 2021, tr. 25, 5.

(29) Lê Minh Trường, “Phân tích mối quan hệ Việt Nam - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)”,  https://luatminhkhue.vn/phan-tich-moi-quan-he-viet-nam-cong-dong-kinh-te-asean-aec.aspx, truy cập ngày 22-6-2022.

(30) Nguyễn Quốc Dũng: “Việt Nam - ASEAN: hai mươi lăm năm một chặng đường”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/viet-nam-asean-hai-muoi-lam-nam-mot-chang-duong, truy cập ngày 25-6-2022.

TS TRẦN NGỌC DŨNG

Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

VŨ THỊ THANH LOAN 

Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Ân Thi, Hưng Yên

...