30/04/2024 lúc 20:59 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam phát triển du lịch xanh bền vững

Chuyển đổi để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển du lịch bền vững là xu hướng chung của toàn thế giới. Cùng với các chủ trương của chính phủ, du lịch xanh đã trở thành điểm sáng tại một số địa phương, doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh còn nhiều thách thức.

Du lịch xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới cũng là chủ trương của Chính phủ để phát triển du lịch bền vững, hiệu quả. Du lịch xanh đang tạo nên một hệ sinh thái mới cho du lịch Việt, hướng tới sự chung tay của cộng đồng trong việc giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sống và các phong tục văn hóa bản địa.

Ý thức tầm quan trọng và cần thiết của du lịch xanh, nhiều năm trở lại đây, nhất là sau đại dịch COVID -19, yêu cầu chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch luôn được khuyến khích. Tại Việt Nam các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch đã chú trọng đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái trong phát triển du lịch. Tại các địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội…, nhiều cơ sở lưu trú chủ trương không sử dụng túi ni lông, vật dụng nhựa. Không ít địa phương đã có những phương thức du lịch gắn với bảo vệ môi trường, như: 

Tại phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Cô Tô đang là một trong những điểm đến được nhiều du khách ở trong và ngoài nước lựa chọn khi du lịch biển đảo. Cô Tô phấn đấu đến năm 2025, 100% các cơ quan, đơn vị, hộ dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn không phát sinh rác thải nhựa.

Huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Mỗi năm, nơi này đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch, với những nhu cầu của thị trường, của du khách, Cô Tô đã sớm nhận ra rằng du lịch xanh là nhu cầu của sự phát triển và phù hợp với lợi thế, tiềm năng của tài nguyên du lịch địa phương. Hiện nay, Cô Tô đã xây dựng mô hình du lịch xanh gắn với trách nhiệm cộng đồng đang được các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tích cực chuyển đổi.

Huyện đã áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon, đồ nhựa dùng một lần ra đảo và kêu gọi mỗi người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch trên đảo nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn, tham gia thu gom xử lý rác thải đại dương, xây dựng các mô hình “Phố không rác thải nhựa”, “Khu dân cư mẫu về phân loại rác tại nguồn”…

Huyện Gia Viễn nằm ở phía Bắc tỉnh Ninh Bình

Theo đó, tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, địa phương cũng đã nhận thức được tác hại to lớn của rác thải nhựa, sự quan trọng của bảo vệ môi trường với phát triển du lịch nên đã định hướng phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch xanh của Việt Nam. Năm 2023, UBND huyện Gia Viễn đã xây dựng kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa, phát động chiến dịch “Tuần lễ du lịch xanh” gắn với Đề án giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam. Chiến dịch nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường, hiểu rõ tác hại của chất thải nhựa, từ đó có những hành động cụ thể góp phần giảm phát thải chất thải nhựa, phân loại chất thải tại nguồn.

Tại Hội An, hiện nay, nhận thức về bảo vệ môi trường ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là đối với các điểm du lịch nổi tiếng như Hội An, Quảng Nam. Với hàng triệu du khách đổ về mỗi năm, nhu cầu cho các trải nghiệm du lịch xanh ngày càng tăng cao. Khách du lịch ngày nay không chỉ đơn thuần là những người muốn khám phá vẻ đẹp của một địa điểm du lịch mà còn là những người có nhận thức sâu sắc về tác động của họ đối với môi trường. Khách ưu tiên lựa chọn những trải nghiệm du lịch có trách nhiệm với môi trường, tham gia vào các hoạt động giáo dục và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch cam kết bảo vệ môi trường, tìm kiếm những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và văn hóa địa phương. Việc phát triển và thực hiện các công nghệ xanh trong ngành du lịch tại tỉnh Quảng Nam đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương, từ đó tạo ra một môi trường du lịch hấp dẫn và bền vững, định vị Quảng Nam là điểm đến du lịch xanh.

Hội An, Quảng Nam. 

Mặc dù, phát triển du lịch theo hướng phát triển xanh được khẳng định, đây là xu hướng tất yếu tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức về phát triển du lịch xanh còn chưa đầy đủ và thiếu cơ chế, hướng dẫn. Việc tiêu thụ năng lượng, tài nguyên nước khó có thể kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động du lịch. Xả thải của phương tiện vận tải, xả rác thải gia tăng tại các điểm đến. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch tự phát ở một số địa phương, gây ảnh hưởng tiêu cực tài nguyên và môi trường, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại. Việc gia tăng nhanh lượng khách du lịch vượt quá sức chứa của điểm đến. Các doanh nghiệp du lịch vẫn chủ yếu sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch. Nhiều cơ sở du lịch, đặc biệt là cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống chưa có biện pháp tích cực xử lý rác thải, nước thải. Một bộ phận khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng ở các khu, điểm du lịch còn xả rác bừa bãi, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường, cảnh quan…

Về giải pháp, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch, đảm bảo không phá vỡ, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, vì lợi ích trước mắt phá hủy tài nguyên, cảnh quan, môi trường. Khai thác tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch theo nguyên tắc “tôn trọng tài nguyên, bảo vệ môi trường”, “không làm tổn hại tài nguyên, phá vỡ cảnh quan và làm biến tướng, mất đi giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản”, “không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá”. Thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch và nơi có tài nguyên du lịch trước khi cấp phép hoạt động. Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch vào kinh doanh du lịch; chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng…

Du lịch Việt Nam phát triển nhờ rất nhiều vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch cần tập trung vào một số các vấn đề: Quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

Đoàn Hiếu 

...