27/11/2024 lúc 19:23 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam đang định hình một hệ sinh thái khởi nghiệp hấp dẫn nhất khu vực

VNHN - Bài viết trên trang mạng techinasia.com mới đây nhận định Việt Nam đang sở hữu một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

VNHN - Bài viết trên trang mạng techinasia.com mới đây nhận định Việt Nam đang sở hữu một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Bài viết dẫn nhận định của Eddie Thai, một đối tác chung tại Quỹ 500 Doanh nghiệp Khởi nghiệp Việt Nam cho biết, từ một quốc gia chưa từng được coi là một điểm đến đầu tư về công nghệ trước đây, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người trên 2.000 USD (theo Ngân hàng Thế giới) và phải nỗ lực để tạo ra một môi trường sinh thái cho rất ít các nhà khởi nghiệp không có tính kết nối, thậm chí có rất ít các doanh nghiệp tích cực và các nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capitalists - VC), Việt Nam hiện nay gần như đã đuổi kịp tốc độ tăng trưởng khởi nghiệp của Singapore, nước được đánh giá đã đi trước từ 5 - 7 năm và Indonesia, phát triển hơn Việt Nam từ 2 - 5 năm.

Theo Eddie Thai, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư cảm thấy Đông Nam Á là một thị trường tiềm năng cho các công ty khởi nghiệp như doanh nghiệp cung cấp ứng dụng gọi xe Grab và Go-Jek hay như các doanh nghiệp thương mại điện tử như Lazada và Tokopedia…, là có ít nguy cơ khi đầu tư vào khu vực này. Động lực thu hút khởi nghiệp trong khu vực này mạnh lên khi Singapore và Malaysia đã phát triển và trở nên bão hòa, còn Indonesia có lẽ đã phát triển quá nóng. Các số liệu chỉ ra một trong những điểm đến nổi bật là Việt Nam. Theo dữ liệu của Tech in Asia, tổng nguồn vốn đầu tư cho tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt nam chỉ khoảng 6 triệu USD vào năm 2013. Tuy nhiên, 5 năm sau đó, vào năm 2018, các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã ghi nhận kỷ lục tới 193 triệu USD, xuất phát từ một loạt các hợp đồng tại các công ty lớn.

Năm 2018, nguồn vốn đầu tư lớn nhất được rót cho Yeah1 Network (một hệ thống mạng nội dung đa kênh) lên tới khoảng 100 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư. Công ty cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến Topica EdTech Group và doanh nghiệp thương mại điện tử Sendo cũng đã được nhận rất nhiều sự quan tâm chú ý và nguồn vốn đầu tư, lần lượt là 50 triệu USD và 51 triệu USD. Năm 2019 cũng đang được định hình là một năm lớn, với việc tập đoàn tư nhân Warburg Pincus đầu tư nguồn vốn khoảng 100 triệu USD vào doanh nghiệp thanh toán Momo. Việc hoàn tất các hợp đồng lớn này là một chỉ dấu quan trọng: Nó giúp cho các nhà đầu tư từ giai đoạn sơ khai có được cơ hội bán cổ phần của họ và thu về lợi nhuận, đồng thời cuối cùng có thể hướng lái các nguồn đầu tư nhiều hơn khác vào Việt Nam.

Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Người sáng lập Topica (TFI), một chương trình thúc đẩy khởi nghiệp có trụ sở tại Việt Nam và Thái Lan, cũng phác thảo một bức tranh tích cực với các con số ước tính thậm chí còn lớn hơn nữa. Theo Bobby Liu, giám đốc cấp cao tại Topica Edtech, công ty quản lý TFI, tổng giá trị các hợp đồng cho các công ty công nghệ của Việt Nam trong năm 2018 là gần 900 triệu USD, so với con số 291 triệu USD trong năm 2017. Và trong số 92 hợp đồng, 10 giao dịch lớn nhất đã chiếm tới 734 triệu USD. Các số liệu của TFI cũng tính đến các doanh nghiệp khởi nghiệp có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng không có trụ sở tại nước này. Rõ ràng, mọi dữ liệu được các bên cung cấp đều chỉ ra Việt Nam đang trên con đường tăng trưởng khởi nghiệp không ngừng.

Bài viết nhận định khi nhìn nhận sự tăng trưởng của Việt Nam, rất khó có thể tìm ra một yếu tố chi phối bao trùm, đơn lẻ. Thay vào đó, điều quan trọng là làm thế nào để các yếu tố khác nhau này kết hợp được với nhau. Việt Nam là nước đông dân số với khoảng 97 triệu người, chỉ sau Indonesia và Philippines trong khu vực. Nước này cũng có số lượng lớn người sử dụng thông thạo internet. Theo báo cáo của Google và Temasek, tổng giá trị kinh tế các mặt hàng liên quan đến internet của Việt Nam tính theo tỷ lệ phần trăm so với GDP ở mức cao nhất trong khu vực.

Có được “rất nhiều tài năng công nghệ cao giá rẻ” cũng là một lợi thế của Việt Nam. Hãng công nghệ khổng lồ IBM của Mỹ ước tính rằng Việt Nam có thể đứng trong top 3 thê giới về số lượng các kỹ sư trong 5 năm nữa. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 250,000 kỹ sư và số lượng các công việc liên quan đến công nghệ cũng đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 3 năm qua. Một ưu điểm nữa là trên thực tế trong khi mức lương cũng tăng trong các công việc liên quan đến công nghệ, nhưng chi phí lao động trong ngành IT của Việt Nam tiếp tục chỉ rơi vào khoảng 40% so với Trung Quốc và Ấn Độ.

Sự hỗ trợ và ủng hộ từ Chính phủ Việt Nam cũng là một lợi thế đáng kể. Ví dụ như Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan trị giá 11 triệu euro (12,5 triệu USD), tập trung vào các công ty đổi mới sáng tạo địa phương vốn đang tìm kiếm sự phát triển và mở rộng ra tầm quốc tế.

Một hình thức hỗ trợ khác là thông qua Quỹ Đổi mới Sáng tạo Công nghệ Quốc gia (một cơ quan chính phủ đồng thời là một tổ chức tài chính) dưới sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Quỹ này cung cấp nguồn hỗ trợ và các khoản vay ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới và sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Chính phủ cũng đầu tư nhiều vào Trung tâm Thành phố Silicon Saigon, một khu phức hợp rộng 52 hécta vốn sẽ là nơi đặt trụ sở của các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung vào công nghệ và các công ty/doanh nghiệp quốc tế. Trung tâm này cũng được kỳ vọng đến năm 2020 sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư trị giá tới 1,5 tỷ USD.

Bài viết nêu rõ các chính sách hỗ trợ tốt cũng đã được thực thi. Năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Dự án Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia đến năm 2025, hay còn gọi là Dự án 844. Trong những mục tiêu của dự án này có mục tiêu phát triển một hệ thống pháp lý và cổng điện tử quốc gia cho khởi nghiệp đến năm 2020 và cung cấp hỗ trợ vốn cho khoảng 200 doanh nghiệp khởi nghiệp

Vào tháng 1/2018, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng bắt đầu có hiệu lực. Luật này quy định chi tiết, cụ thể cách thức các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nhận hỗ trợ trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, đào tạo, khuyến khích thương mại, đầu tư, các nguồn vốn vay ưu đãi và các ưu tiên/ưu đãi cho các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, bài viết trên cũng lưu ý con đường tăng trưởng khởi nghiệp ở Việt Nam cũng không tránh khỏi các thách thức phía trước. Đầu tiên, Việt Nam cần phải chứng minh được rằng nước này có thể tạo ra được các làn sóng nối tiếp nhau của các công ty công nghệ giá trị cao, tương tự như Singapore và Indonesia đã làm.

Dữ liệu của Tech in Asia cũng hé lộ một số dấu hiệu hứa hẹn. Những hợp đồng từ sau khi giai đoạn đầu tư ban đầu cho đến giai đoạn tăng trưởng seri B đã trở thành cao nhất trong lịch sử tại Việt Nam trong năm 2018, và xu hướng đó chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong năm nay. Dữ liệu của TFI cho thấy  đã có 48 hợp đồng đầu tư trong giai đoạn hai (giai đoạn Seed) trong năm ngoái.

Thời gian tới, ông Eddie Thai cho rằng những tín hiệu tích cực xung quanh bối cảnh khởi nghiệp của Việt Nam có thể vô tình hu hút các chuyên gia trẻ, ít kinh nghiệm. Ông cũng lo ngại rằng một số nhà khởi nghiệp cuối cùng có thể chỉ tập trung vào việc “kiếm tiền dễ dàng” hơn là việc tạo ra một sản phẩm có chất lượng thuyết phục hay một sự đột phá trong mô hình kinh doanh. Ngoài ra, các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm có thể sẽ bỏ quá nhiều tiền vào những hợp đồng sai lầm. “Tại thời điểm nào đó, tất cả các yếu tố đó sẽ kết hợp lại và tạo ra một số những trở ngại/cản trở trong lĩnh vực công nghệ".

Ông Eddie Thai cũng gợi ý rằng các quy định và quy trình xoay quanh hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương có thể được tinh giản hơn nữa để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng và mạnh mẽ để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Trong khi đó, Binh Tran, một đối tác chung tại Quỹ 500 Doanh nghiệp Khởi nghiệp Việt Nam, tin rằng ngay cả khi hệ sinh thái của Việt Nam đã trưởng thành, bối cảnh khởi nghiệp “vẫn còn đang non trẻ”. Tỷ lệ “nhiễu sóng” vẫn còn tương đối cao và không có đủ sự tập trung vào chất lượng. Ông Binh Tran hy vọng rằng các doanh nhân “mới chớm nở” sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong khi họ vẫn còn trong quá trình học tập nhằm duy trì sự tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Như rất nhiều các trường học của Mỹ đúc rút những bài học vào cuối những năm 1990, cung cấp cho các kỹ sư những kỹ năng kinh doanh cơ bản, như là marketing và kế toán, đã giúp tạo ra được sự bùng nổ các công ty công nghệ có giá trị. Các sinh viên hiểu rằng học thuật không phải là con đường danh giá duy nhất sau khi tốt  nghiệp. Các trường đại học tại Việt Nam cũng đang đi qua quá trình chuyển giao đó./.