VNHN - Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đối với nền kinh tế Việt Nam, để đủ tiềm lực vươn ra biển lớn, thì ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khóa, và khẳng định Việt Nam có nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ khởi nghiệp, Chính phủ cần tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường.
Chính sách đã có, chỉ thiếu người dẫn dắt
Từ năm 2016, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao nhất về định hướng phát triển thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016. Chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam được khơi dậy rầm rộ như bây giờ với sự vào cuộc của hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Số lượng và chất lượng của các startup được cải thiện rõ rệt thông qua số lượng cũng như giá trị đầu tư trên mỗi thương vụ (ước đạt gần một tỷ USD trong năm 2018).
Tuy nhiên, trải qua vài năm hình thành và hoàn thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Vai trò của các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm bảo hộ bản quyền còn mờ nhạt. Yếu tố đổi mới sáng tạo, nền tảng vững chắc của bất kỳ hệ sinh thái khởi nghiệp nào trên thế giới, chưa được chú trọng. Doanh nghiệp lớn chưa có các hoạt động gắn kết, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các startup trong nước. Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước còn mờ nhạt trong việc dẫn dắt, kết nối ba nhà: Nhà nước - doanh nghiệp - trường đại học trong Hệ sinh thái.
Phần lớn các startup của Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ phát triển kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số chứ chưa thật sự là các khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Innovation Driven Enterprise Startup) đúng nghĩa. Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holding, sau hơn 10 năm hỗ trợ startup, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã phát triển và tiến bộ nhưng như một dàn nhạc còn thiếu nhạc trưởng dẫn dắt. Hệ sinh thái và chính sách cần chiến lược và chiến thuật đúng đắn. Ông Dũng nói: “Chúng ta hô hào có những doanh nghiệp tỷ USD nhưng không có chính sách, chiến lược bài bản, dài hơi mà chỉ làm ngắn hạn thì sẽ rất khó. Về mặt chiến lược phải nhất quán nhưng chiến thuật thì phải linh hoạt, hợp lý”.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, Võ Quang Huệ cũng cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm nếu sẵn sàng đổi mới sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại.
Vai trò của các vườm ươm
Thực trạng của khởi nghiệp Việt Nam hiện nay đang được chỉ ra là thiếu tính bền vững, với tỷ lệ “chết” lên đến 90% trong ba năm đầu tiên. Việc phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các trường đại học với sự tham gia của sinh viên, giảng viên sẽ là một phương thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam một cách toàn diện. Để thực hiện điều này thì vai trò tiên phong của các trường đại học thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhằm cung cấp cho xã hội những nhân tố được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cùng các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng giải quyết các bài toán cụ thể cho thị trường, mang lại giá trị cho xã hội phải được chú trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp hiện nay tại hầu hết các trường đại học tại Việt Nam còn tồn tại các hạn chế về mô hình tổ chức, nhận thức của sinh viên, giảng viên và nhà trường chưa cao, sự hỗ trợ khởi nghiệp của các bên liên quan chưa tốt, đặc biệt sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường, thiếu thông tin và cơ chế, cũng như hành lang pháp lý cho quá trình khởi nghiệp dựa vào đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ.
Theo các chuyên gia, hiện nay chúng ta nói quá nhiều về việc kéo các quỹ đầu tư lớn về Việt Nam nhưng việc này chưa quá cần thiết vì số lượng các startup khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa còn rất ít, cái chúng ta cần hơn hiện nay là nguồn vốn giai đoạn sớm từ Nhà nước, doanh nghiệp hay các nhà đầu tư thiên thần. Việt Nam cần một chiến lược dài hơi, xây từ gốc lên. Chính phủ đã đưa ra đề án rất tốt, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp với nỗ lực lớn từ Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng vẫn cần một “nhạc trưởng” cao hơn. Trong khi chờ các thể chế thì cần một môi trường đặc biệt, chẳng hạn sandbox (khung điều chỉnh thử nghiệm), để thử nghiệm trong quy mô nhỏ trong các Trung tâm đổi mới sáng tạo thành phố hay quốc gia. Ở đó, các startup có thể tự do sáng tạo, thử nghiệm.
Đề xuất ý kiến nhằm hoàn thiện môi trường của hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Trần Trí Dũng, Cố vấn khởi nghiệp tại Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ chia sẻ cần thúc đẩy các đơn vị trung gian. Chúng ta đã có các vườn ươm, chương trình tăng tốc, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học. Nhưng có một thực tế là năng lực của các tổ chức này còn nhiều mặt cần bồi dưỡng.
Một số khuyến nghị
Theo các chuyên gia, Nhà nước phải định hướng rõ về việc khởi nghiệp gắn liền với đổi mới sáng tạo thông qua chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành giáo dục, khoa học công nghệ, lan tỏa xuống tới các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và cuối cùng là tới từng sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên. Chính vì vậy, việc gắn kết đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với kết quả nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phải được xác định là điều kiện tiên quyết. Hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của các trường đại học cần sự định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tránh làm theo phong trào “nhà nhà khởi nghiệp, ngành ngành khởi nghiệp”. Cấu trúc về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của ngành giáo dục phải mang tính chất phân tầng, chia thành nhiều cụm (cluster), đầu tư trọng điểm cho các cụm trung tâm (cluster head) để trở thành điểm tập trung đổi mới sáng tạo (innovation hub). Và cuối cùng sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất phát từ chính nhu cầu của các doanh nghiệp sẽ là chất xúc tác phát triển quá trình đổi mới sáng tạo một cách thiết thực và hiệu quả. Để phát triển được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sự sáng tạo, đặc biệt là các tài năng trẻ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, đồng thời có chính sách đặc biệt để hỗ trợ họ phát triển ý tưởng sáng tạo trở thành sản phẩm thương mại hóa.