19/05/2024 lúc 04:40 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam chuẩn bị phóng vệ tinh tự chế tạo vào tháng 12 tới

VNHNO - Chiều 18/10, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội đã công bố thông tin rằng vệ tinh MicroDragon do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển sẽ được phía Nhật Bản hỗ trợ phóng lên không gian vào tháng 12/2018 tới.

VNHNO - Chiều 18/10, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội đã công bố thông tin rằng vệ tinh MicroDragon do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển sẽ được phía Nhật Bản hỗ trợ phóng lên không gian vào tháng 12/2018 tới.

Hoạt động này nằm trong dự án "Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất" do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thực hiện. Dự án này được triển khai thực hiện từ năm 2011 nhằm xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở thiết bị công nghệ giúp Việt Nam chủ động trong việc thu thập dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám để liên tục giám sát đất nước.

Qua đó sẽ góp phần vào việc chủ động phòng chống thiên tai, thảm họa, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đồng thời quản lý các nguồn tài nguyên cũng như các hoạt động trên biển. Dự án này được tài trợ bởi nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Vệ tinh MicroDragon nặng 50kg sẽ được phóng lên vào tháng 12 tới

Theo đó, vệ tinh thử nghiệm lần này là MicroDragon nặng 50kg sẽ được phóng lên vào tháng 12 tới dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản. Đây là vệ tinh được phát triển bởi đội ngũ 36 kỹ sư ngành Công nghệ vệ tinh của Việt Nam. Hệ thống vệ tinh này sử dụng rada có khẩu độ tổng hợp với độ phân giải cao từ 1m đến 16m cùng hệ thống trạm mặt đất để thu nhận và xử lý dữ liệu.

Theo đó, hệ thống cảm biến của vệ tinh này không phụ thuộc vào nguồn sáng mặt trời hay tình trạng mây mù nên giúp quan sát cả ngày lẫn đêm giúp mang đến hiệu quả vượt trội so với hệ thống quan sát quang học chỉ quan sát được vào ban ngày.

Với hệ thống vệ tinh quan sát trái đất này, chúng ta sẽ chủ động rút ngắn thời gian để có những hình ảnh cần thiết

Hiện nay, để có một ảnh chụp về khu vực nào đó, chúng ta phải đặt hàng ở các nước khác và ít nhất 2 ngày sau mới nhận được kết quả. Nhưng với hệ thống vệ tinh quan sát trái đất này, chúng ta sẽ chủ động rút ngắn thời gian để có những hình ảnh cần thiết.

Trong khuôn khổ dự án này, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng sẽ thực hiện một mục tiêu lớn nhất là chế tạo và phóng Vệ tinh LOTUSat-1 và xây dựng công trình Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc./.