Tuy nhiên, sự cố môi trường và mối liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhìn nhận là những hạn chế cần khắc phục của Việt Nam.
Nói về 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, cho rằng thu hút FDI chính là một trong những điểm sáng nhất của kinh tế - xã hội Việt Nam trong vòng một thập kỷ qua.
CÂU CHUYỆN SAMSUNG
Có lẽ phải bắt đầu câu chuyện thu hút FDI sau 10 năm gia nhập WTO bằng một dự án được cấp phép vào năm 2006, khi đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đang trong giai đoạn nước rút. Đó là dự án sản xuất chipset 1 tỉ USD của Intel tại TP.HCM.
Vào thời điểm đó, khi Chính phủ Việt Nam công bố việc Intel - một đại gia công nghệ hàng đầu thế giới - đầu tư vào Việt Nam, dư luận không khỏi ngỡ ngàng.
Trong một báo cáo được công bố vào cuối năm 2016 về 10 năm đầu tư tại Việt Nam của Intel, nhóm nghiên cứu của Chương trình kinh tế Fulbright cũng đã nhắc đến sự kiện này và nhấn mạnh rằng việc Việt Nam công bố một dự án lớn, một tên tuổi lớn đầu tư vào Việt Nam lúc đó chính là minh chứng cho chính sách mở cửa và sự năng động của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng loạt đại gia công nghệ đã đầu tư những dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Samsung, Microsoft/Nokia, Canon, LG, Fuji Xerox... cũng đã được nhắc đến như những ví dụ điển hình.
Thực tế rất ít chuyên gia, cả giới quản lý, tưởng tượng được Samsung đến giờ này đã đầu tư tới trên 17,3 tỉ USD vào Việt Nam (nếu tính cả dự án mở rộng thêm 2,5 tỉ USD của Samsung Display ở Bắc Ninh mới đây).
Cũng ít người dự đoán được Việt Nam sản xuất tới 35% tổng sản lượng điện thoại của Samsung trên toàn cầu. Năm 2016, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu của Samsung đã lên tới 46,3 tỉ USD, đóng góp gần 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Theo TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhờ các đại gia công nghệ như Samsung, Việt Nam đã tiếp cận được nấc thang phát triển cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng đã bắt đầu được các tập đoàn này triển khai tại Việt Nam. Đó là cái được rất lớn.
VÀ... HẠN CHẾ?
Nhưng mất cũng không hề nhỏ. Dù kể từ sau tổng kết 25 năm thu hút FDI vào năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã luôn nhất quán quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá và sẽ ưu tiên thu hút đầu tư trong những lĩnh vực công nghệ cao, nhưng đây lại cũng chính là thời điểm mà Việt Nam đang phải trả giá.
Sự cố Formosa năm 2016 gây thảm họa môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung là một ví dụ điển hình, mà theo GS Nguyễn Mại là đã để lại “rất nhiều bài học cho Việt Nam” trong thu hút FDI.
Thực tế Formosa chỉ như giọt nước làm tràn ly. Bởi trước đó dư luận từng rất bức xúc với chuyện Vedan xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải, Hyundai nhập khẩu xỉ đồng độc hại hay Tungkuang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Ngay cả dự án của Lee&Man ở Hậu Giang cũng được coi là có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn lợi thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Và đó chính là mặt trái của “tấm huy chương” thu hút FDI thời gian qua. Dự án Formosa được cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2008, năm đỉnh cao của thu hút FDI kể từ trước tới nay, năm mà vì thành tích thu hút đầu tư, người ta có thể dễ dàng bỏ qua nhiều yếu tố liên quan.
“Sự dễ dãi trong lựa chọn dự án đầu tư của các địa phương, có một thời đâu đâu cũng trải thảm đỏ mà chưa soát xét kỹ những tác động tiêu cực do các dự án mang lại chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này” - TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đã nói như vậy. Bài học Formosa tuy đau đớn nhưng cũng là lời cảnh tỉnh kịp thời cho Việt Nam trong thu hút FDI sau này.
NHỮNG TRĂN TRỞ MỚI
Thực ra, đây cũng không phải là câu chuyện mới hay trăn trở mới. Bởi kể từ sau những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi mà khu vực nội địa gặp nhiều khó khăn phải thu hẹp sản xuất, còn khu vực FDI - với những lợi thế về tiềm lực tài chính và thị trường của mình - trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã giật mình nói về nguy cơ “FDI hóa” nền kinh tế.
Thậm chí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc đến những rủi ro về việc có tới hai nền kinh tế trong một quốc gia, đó là nền kinh tế của doanh nghiệp nội địa và nền kinh tế của doanh nghiệp FDI. Và nguy cơ này được TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Briston (Anh), cho là “đang dần trở thành hiện thực”.
Một bằng chứng được ông Hồ Quốc Tuấn viện dẫn và thực tế cũng đã được các chuyên gia kinh tế nhắc đến, đó là sự lấn át ngày càng rõ ràng của khu vực FDI đối với khu vực trong nước trong xuất khẩu hàng hóa.
Năm 1995, khu vực FDI chỉ chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng năm 2016 con số đã lên tới trên 70%. Ở góc khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đã nhiều lần nhấn mạnh xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt, rõ nhất là trong lĩnh vực bán lẻ.
Điều này trái ngược với kỳ vọng ban đầu của Việt Nam trong thu hút FDI, đó là khu vực FDI sẽ kéo khu vực trong nước phát triển.
LIÊN KẾT CHƯA GẮN KẾT!
Những điểm yếu như thiếu liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, chưa thực sự có chuyển giao công nghệ, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển... được cho là nguyên nhân chính của tình trạng này.
Ngay trước Tết Nguyên đán 2017, tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam Han Myoung Sup đã lại một lần nữa cùng các đồng sự của mình lên đường “tìm kiếm” các nhà cung cấp Việt.
Ông Han cho biết hiện có 198 doanh nghiệp Việt đang tham gia cung ứng linh kiện cho 3 nhà máy Samsung tại Việt Nam, gồm 20 nhà cung ứng cấp 1 và 178 nhà cung ứng cấp 2. Dự kiến tổng doanh nghiệp cấp 1 của Samsung sẽ tăng lên con số 29 trong năm 2017. Samsung, có thể nói, những năm qua đã rất nỗ lực trong hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Thậm chí, nhờ Samsung, nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực điện tử đã được hình thành. Nhưng trong tổng số 22.792 dự án FDI còn hiệu lực tính đến hết tháng 1-2017, không nhiều dự án làm được điều này, nếu không muốn nói là rất hiếm hoi.
Với dự án của Intel, con số doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung ứng cho tập đoàn này không được cải thiện mấy. Sau 10 năm, số doanh nghiệp cung ứng cho Intel vẫn dừng lại ở bao bì hay dịch vụ nhỏ lẻ, lọt vào danh sách nhà cung ứng vòng trong vẫn là các doanh nghiệp FDI.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, không thể không nhắc tới sự yếu kém và thiếu nỗ lực của các doanh nghiệp nội địa trong quá trình trở thành “cánh tay nối dài” của các doanh nghiệp FDI. Nhưng thời gian qua, sự kết nối này là lỏng lẻo.
“Vấn đề cốt lõi trong rủi ro hai nền kinh tế trong một quốc gia chính là do FDI không tạo ra hiệu ứng lan tỏa theo chiều dọc ra nền kinh tế. Nghĩa là doanh nghiệp FDI không kéo theo một sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi giá trị của họ” - TS Hồ Quốc Tuấn nói.
WTO và có lẽ là các hiệp định thương mại tự do khác nữa khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đã đến lúc Việt Nam cần khôn ngoan hơn trong thu hút, quản lý và sử dụng vốn FDI, bởi nếu không sẽ không thể tối ưu hóa lợi ích mà dòng vốn FDI mang lại.