Đặc biệt, năm 2022 đánh dấu tròn 10 năm mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện. Chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại những diễn đàn khoa học ở Nga từng thảo luận về chủ đề Việt Nam.
Các trường đại học RUDN và MGIMO
Ngày 25/2/2022, Trường Đại học Hữu nghị các dân tộc Nga cùng với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VAON) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến “Hợp tác Nga-Việt trong bối cảnh địa chính trị hiện nay ở Đông Á”. Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng Nga có thể đóng vai trò đối tác chiến lược và công nghệ cao quan trọng với Việt Nam bằng kinh nghiệm phong phú trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, kỹ thuật-quân sự, kỹ thuật số, khoa học và giáo dục. Các diễn giả đánh giá toàn diện về quan hệ của Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc và Mỹ, cho rằng Việt Nam đang thể hiện đầy đủ nghệ thuật cân bằng giữa các cường quốc, tận dụng lợi thế cạnh tranh địa chính trị đồng thời xây dựng tiềm lực phòng thủ cho mình.
Trong tháng 4, sự kiện “Ngày Việt Nam” lần thứ 7 đã được tổ chức tại Học viện MGIMO của Bộ Ngoại giao Nga. Trong năm nay, sự kiện này tổ chức đầu tiên tại Đại học St. Petersburg, sau đó diễn ra tại MGIMO. Cuộc hội thảo khoa học và thực tế của sinh viên là một phần trong chương trình Lễ hội thành phố trên sông Neva, trong đó sinh viên chuyên ngành Việt Nam học từ các trường Đại học St. Petersburg, Học viện MGIMO, viện Á Phi trực thuộc Đại học MGU, Đại học MGLU, Đại học Kinh tế HSE và Đại học Hũu nghị các dân tộc RUDN đã bàn luận các vấn đề về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn học, văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay. Tại Học viện MGIMO cũng đã diễn ra tổ chức hội thảo khoa học “Việt Nam đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21: nhận thức mới về quan hệ Nga-Việt”, ngoài các sinh viên và nghiên cứu sinh của nhiều trường đại học Nga còn có sự góp mặt của các nhà khoa học đáng kính. Họ thảo luận về triển vọng hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng hạt nhân, về phân khúc kinh tế nói tiếng Nga ở Việt Nam, về “sức mạnh mềm” của Việt Nam, về chương trình nghị sự bảo vệ môi trường, chương trình Việt Nam giảm phát thải carbon, về yếu tố lựa chọn nơi du học của thanh niên Việt Nam, về sự phát triển truyền thống tôn giáo ở Việt Nam và về sự phát triển của tiếng Việt.
Bà Elena Zubtsova, giáo viên dạy tiếng Việt, phó giáo sư tại Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moskva cho biết: “Hội nghị cho thấy sinh viên Nga thực sự quan tâm đến Việt Nam và sẵn sàng trở thành những chuyên gia thực thụ. Ngành Phương Đông học của Nga rất có tương lai”.
Năm 2022, nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ASEAN, tại Nga đã tổ chức các diễn đàn khoa học quy mô lớn về sự kiện này. Cuộc hội thảo vào tháng 5 “ASEAN trên con đường hội nhập: thành tựu, tiến thoái lưỡng nan, thách thức” do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Trung Quốc và châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (CIVAS IKSA RAS) cùng Trung tâm ASEAN của MGIMO thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang Nga tổ chức, với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia Nga và nước ngoài, nhân viên các trường đại học, cũng như đại diện Đại sứ quán các nước thành viên ASEAN, đã xem xét tất cả các chủ đề liên quan đến Hiệp hội này, do đó, cũng liên quan đến Việt Nam, một trong những quốc gia hàng đầu của Hiệp hội ASEAN.
Một thập niên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam
Trong tháng 9, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam của Viện Trung Quốc và các nước châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga đã tổ chức hội nghị bàn tròn với các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu châu Âu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về kết quả một thập niên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam. Một khía cạnh thời sự của chủ đề này được thảo luận tại hội thảo quốc tế của Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga và đối tác Việt Nam nói trên diễn ra vào tháng 10 vừa qua nói về tác động của các biện pháp trừng phạt chống Nga đối với hợp tác song phương Nga-Việt. Các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học Nga, đã đánh giá khách quan về tình trạng hợp tác Nga-Việt hiện nay. Họ ghi nhận sự suy giảm ảnh hưởng của Nga ở Việt Nam trên mọi lĩnh vực, điều này càng trở nên rõ hơn sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Bất chấp đại dịch COVID-19 và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, đối thoại cấp cao vẫn được tiếp tục, hợp tác cấp cao trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn được duy trì, nhưng hợp tác kinh tế thương mại là điểm đặc biệt yếu kém.
Các yếu tố như hàng rào phi thuế quan, cạnh tranh từ các quốc gia khác, đa dạng hóa trong thương mại và đầu tư thấp dẫn đến việc không đạt được các mục tiêu đặt ra vào năm 2020 và các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã làm việc vận chuyển hàng hóa và thanh toán tiền trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam e ngại chính mình sẽ bị trừng phạt nên đã giảm hoặc ngừng mua hàng hóa của Nga để không gặp rủi ro khi giao thương với các đối tác phương Tây. Chuyên gia Nga đề xuất một số biện pháp cải thiện tình hình. Trong đó có việc sửa đổi cơ chế hoạt động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU, thanh toán giữa hai bên bằng đồng tiền quốc gia, tăng cường hợp tác trong chế biến gỗ và thành lập các tổ hợp chăn nuôi, tiếp tục thăm dò các lĩnh vực mới trên thềm lục địa Việt Nam, xây dựng nhà máy điện khí đốt tại tỉnh Quảng Trị, phát triển các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Bà Đặng Thị Phương Hoa, quyền Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu châu Âu tổng kết tại cuộc thảo luận: “Vai trò của Việt Nam trong ASEAN đối với Liên bang Nga đã tăng lên. Tình hình ở Việt Nam ổn định, chính sách đối ngoại cân bằng và điều này có tác động tích cực đến Nga. Sự quan tâm đến Nga tại Việt Nam đủ cao để tiếp tục hợp tác”.
Khảo cổ, thơ ca và gốm sứ men lam
Vào cuối tháng 10, sau một thời gian dài ngừng lại, hội nghị toàn Nga tiếp theo “Việt Nam truyền thống” đã được tổ chức tại Viện Trung Quốc và các nước châu Á đương đại của Viện Hàn lâm khoa học Nga. Hội nghị này tiếp tục truyền thống tổ chức các hội thảo tương tự, đầu tiên tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Viện Á Phi (IAAS) thuộc MGU, sau đó là tại Viện nghiên cứu phương Đông thực tiễn. Hội thảo đã trình bày các báo cáo rất thú vị về lịch sử, nghệ thuật, văn học và ngôn ngữ Việt Nam do các nhà khoa học đến từ Moskva, St. Petersburg và Vladivostok thực hiện. Họ trình bày về thơ ca Việt Nam thế kỷ 11-14, về những phát hiện quan trọng nhất của các nhà khảo cổ Nga tại miền Trung Việt Nam, về hình tượng Nguyễn Trãi trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, về cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ thế kỷ 19 Nguyễn Đình Chiểu, về men lam xứ Huế và về văn hóa ẩm thực Việt Nam được thể hiện qua ca dao tục ngữ, hình ảnh con cò, con hạc trong văn học, mỹ thuật Việt Nam, về số phận của người Việt Nam ở nước ngoài, về phần đóng góp của đạo Công giáo cho công cuộc xâm lược của Pháp ở Việt Nam, hoạt động của đạo Cao Đài, vị trí của người phụ nữ trong xã hội truyền thống và cơ chế chuyển giao quyền lực thời nhà Trần. Hội nghị đã thể hiện tầm hiểu biết sâu rộng và sự quan tâm sâu sắc của các nhà nghiên cứu Nga về Việt Nam.
Việt Nam - một phần của Đông Nam Á
Trong tháng 10, Học viện MGIMO đã tổ chức hội nghị quy mô lớn về ASEAN với chủ đề “Nga và ASEAN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương: tốc độ phát triển tương tác, các tiến trình khu vực và bối cảnh toàn cầu”. Trong ba ngày, hàng chục diễn giả đến từ các quốc gia và trung tâm nghiên cứu khác nhau của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phát biểu tại hội nghị, thảo luận về sự phát triển vai trò của Việt Nam trong ASEAN, đóng góp của Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa ASEAN và Nga, cũng như những cơ hội và rủi ro trực tiếp của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Năm 2022 kết thúc với hội nghị của Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhan đề “Khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương: những vấn đề thực tế của sự phát triển”. Hội nghị đã thu hút các nhà khoa học đến từ các trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Moskva, St. Petersburg và Siberi. Ông Dmitry Mosyakov, người đứng đầu Trung tâm Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương của Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý rằng các quốc gia Đông Nam Á không có quan điểm chống Nga, không áp đặt cũng như không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Các báo cáo về Việt Nam đáng chú ý vì tính đa dạng và nghiên cứu sâu về các chủ đề.
Việt Nam đã và đang là người bạn thực sự, đối tác tin cậy của Liên bang Nga, là đất nước có tiềm lực kinh tế to lớn, lịch sử vẻ vang và nền văn hóa phong phú. Việt Nam có thể đóng vai trò vô giá trong việc thực hiện chính sách “Hướng Đông” của Nga. Để làm được điều này, cần nghiên cứu về đất nước Việt Nam, vốn là những gì các nhà khoa học Nga đang làm. Ứng dụng thành công kết quả nghiên cứu của họ chính là nhiệm vụ của chính phủ và doanh nghiệp./.