VNHN-Theo kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có hướng mở rộng kinh doanh và trên 67% doanh nghiệp thành lập từ trước năm 2010 cũng có kế hoạch đầu tư mở rộng.
Khảo sát được tiến hành trên tổng số 787 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, trong giai đoạn từ 9/10 đến 9/11/2018, cho thấy nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, trong tổng số 787 doanh nghiệp được hỏi, có 65,3% doanh nghiệp cho hay đang làm ăn có lãi, lãi cao hơn 0,2% so với năm 2017. Đặc biệt, doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 báo lãi ổn định ở mức trên dưới 80%. Khối doanh nghiệp chế tạo, xuất khẩu có thành tích kinh doanh tốt và doanh nghiệp ở khu vực Bắc Bộ có tỷ lệ lãi cao hơn so với các khu vực khác.
Cũng theo báo cáo, hiện có khoảng 69,8% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có phương châm "mở rộng kinh doanh". Đây là tỷ lệ tương đối cao so với nước khác, ví dụ: Trung Quốc (48,7%), Philippines 52,4%, Indonesia 49,2%...). Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010, cũng có 67,1% doanh nghiệp có phương châm mở rộng. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo JETRO, có nhiều điều kiện thuận lợi khiến doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, trong đó "quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng" là lợi thế lớn nhất. Cùng với đó, so với các nước khác, "chi phí nhân công rẻ", tình hình chính trị ổn định, môi trường sống cho nhân viên nước ngoài, dễ tuyển dụng cũng là các lợi thế được các doanh nghiệp Nhật Bản đề cập.
Bên cạnh những thuận lợi trên, khảo sát của JETRO cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc kinh doanh ở Việt Nam. Theo đó, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản là vấn đề tăng lương và mua nguyên vật liệu tại địa phương.
Khó khăn thứ hai đã có cải thiện đáng kể trong năm nay. JETRO cho hay: tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam năm nay là 36,3%, đạt mức tăng cao nhất trong các nước được khảo sát. Dù vậy, tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, như Trung Quốc (66,3%) hay Thái Lan (57,2%).
Ngoài ra, mặc dù đánh giá khá cao điều kiện và môi trường đầu tư của Việt Nam, song doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch vẫn là rủi ro lớn và chưa được cải thiện.
Theo JETRO, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018, với khoảng 8 tỷ USD. Tổng số dự án cấp phép đầu tư từ Nhật Bản là 630 dự án, tăng 3 năm liên tiếp và đạt con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, ngành lưu thông bán lẻ chiếm tỷ lệ cao nhất.
Ở lĩnh vực đầu tư mới, ngành chế tạo thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật tăng gấp 3,6 lần. Song song đó, hoạt động bổ sung vốn của doanh nghiệp Nhật Bản cũng tăng mạnh tại các tỉnh thành của cả nước.
Ngọc Linh