18/04/2024 lúc 13:42 (GMT+7)
Breaking News

Về với miền văn hóa Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Nghi Xuân là một địa danh nằm trong thế tam hợp châu tuần của núi, sông và biển, tạo nên một vùng quê non nước hữu tình, có nhiều danh thắng và di tích, với trên 200 di tích văn hóa - lịch sử, trong đó có 83 di tích đã được cấp bằng di tích cấp tỉnh, cấp Quốc gia, gồm 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp Quốc gia và 74 di tích cấp tỉnh.

Non nước Hồng Lam

Quê hương Hà Tĩnh nói chung, Nghi Xuân nói riêng là vùng đất địa linh nhân kiệt. Đã trở thành truyền thống quý báu, con người nơi đây có tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên trung, bất khuất trước kẻ thù, một lòng vì đất nước, vì dân tộc. Từ xưa, vùng đất này đã là nơi dừng chân thưởng ngoạn và là nơi che chở cho nhiều đoàn xa giá của nhà vua. Những người được nhân dân Hà Tĩnh lập đền thờ nhiều nhất là Lý Nhật Quang và Tô Hiến Thành, Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo), công chúa Liễu Hạnh, quan Hoàng Mười, Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, vua Hàm Nghi… Nhiều người con của quê hương Hà Tĩnh với khát vọng giữ gìn đất nước đã đứng lên chống giặc ngoại xâm, như Mai Thúc Loan chân đất áo vải xưng đế; 2 cha con Đặng Tất, Đặng Dung vì nghĩa lớn mà phò vua đánh giặc Minh, được Lê Lợi phong “Tiết liệt cương trung, trung thần hiếu tử”…Truyền thống lịch sử cách mạng và bề dầy văn hóa đã làm nên một Nghi Xuân “bề thế” hôm nay; đang hướng đến Xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”, như Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Theo sử sách, vùng đất Nghi Xuân đã có dấu vết của con người thuộc hệ văn hóa Bàu Tró cách đây hơn 5.000 năm trước, tức vào thời kỳ hậu đồ đá mới. Các di chỉ khảo cổ được tìm thấy tại Phối Phối bãi Cọi (xã Xuân Viên) và Xuân An cũng khẳng định có sự giao thoa giữa nền văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh cách đây khoảng hơn hai ngàn năm… Đó là một vùng đất cổ đã để lại nhiều dấu tích xa xưa và những trầm tích văn hóa quý báu.

Nếu như núi Hồng sông Lam được xem là biểu tượng của vùng đất văn hóa, văn hiến xứ Nghệ, thì Nghi Xuân có thể coi là một trong những vùng “cốt lõi” của biểu tượng chung đó. Núi Hồng Lĩnh có 99 đỉnh nhấp nhô, thấp thoáng giữa màn sương bao phủ, kỳ bí đến lạ thường, đỉnh cao nhất trong 99 đỉnh là 678m. Dưới chân núi Hồng Lĩnh là những hồ nước ngọt trong xanh, quanh năm không bao giờ cạn. Truyền thuyết còn kể rằng, có đàn chim hồng 100 con định về yên tọa nơi đây, nhưng chỉ có 99 đỉnh núi, vì đỉnh thứ 100 dù là đỉnh Ngọc, nhưng lại tách ra đứng một mình, nên con chim còn lại không xuống đậu, làm cả đàn cùng bay đến nơi khác; để lại bài học “Phải biết đoàn kết trong một cộng đồng” và 99 ngọn núi Hồng ra đời từ đó.

Từ lâu rồi, Nghi Xuân đã tự hào có 8 cảnh đẹp nổi tiếng (nên có câu nói “Nghi Xuân bát cảnh”), đó là: Hồng Sơn liệt chướng (Núi Hồng dựng thành), Đan Nhai quy phàm (Buồm về Cửa Hội), Song ngư hý thủy (Đôi cá giỡn nước), Cô độc lâm lưu (Nghé lẻ lội rào), Giang Đình cổ độ (Bến cũ Giang Đình), Quần Mộc bình sa (Bãi cát bằng Quần Mộc), Uyên Trừng danh tự (Chùa đẹp Uyên Trừng), Hoa Phẩm thắng triền (Chợ đẹp Hoa Phẩm). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, một số danh thắng đã bị mai một, nhưng Nghi Xuân đã cố gắng tôn tạo, gìn giữ, lưu truyền cho đời sau những danh thắng  và  trở thành điểm du lịch về với cội nguồn lịch sử.

Hàng tuần, tại sân Khu di tích nhà thờ Nguyễn Công Trứ, CLB ca trù Nguyễn Công Trứ đều tổ chức biểu diễn phục vụ du khách

Đất Nghi Xuân là vậy. Người Nghi Xuân cũng nghĩa khí truyền đời. Cho dù trong hoàn cảnh nào thì họ vẫn luôn khẳng định dấu ấn của mình trong lòng dân tộc; là một vùng đất cần cù hiếu học, lễ nghĩa nhân văn, yêu ghét rõ ràng, không khuất phục trước ngoại xâm, trước cường quyền. Là miền quê chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Nho học và tư tưởng Phật giáo nên ngày nay, dấu xưa vẫn còn lưu lại với những trầm tích văn hóa, di chỉ khảo cổ và hàng trăm đền chùa miếu mạo, di tích danh thắng dày đặc và nổi tiếng. Đình Hội Thống, đền Củi, đền Huyện, di tích Đại thi hào Nguyễn Du (tư gia họ Nguyễn Tiên Điền), di tích Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, chùa Phong Phạn, chùa Thanh Lương, chùa Đà Liễu, danh thắng núi Hồng sông Lam… như những hiện thân giữ nguyên linh khí cho vùng đất này.

Cho nên, thời nào ở Nghi Xuân cũng có những người tài cao, chí lớn, làm nên sự nghiệp lẫy lừng. Tính từ người khai khoa đầu tiên của đất học Nghi Xuân là Hoàng giáp Phạm Ngữ, người làng Phan Xá, thi đậu năm Quý Mùi (1463) thời Lê sơ, đến khoa thi chữ Hán cuối cùng của nhà Nguyễn (1919), Nghi Xuân đã có 22 tiến sĩ (trong đó có 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 5 hoàng giáp), 14 đồng tiến sĩ và 1 phó bảng. Một vùng đất học, góp phần làm rạng danh nơi xứ Nghệ dọc dài nắng gió.

Một trong những vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử tiêu biểu ở Nghi Xuân là Làng cổ Tiên Điền. Vùng đất này đã có cư dân đến sinh sống từ rất sớm; trong đó dòng họ Nguyễn gốc Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội) đã vào định cư ở Tiên Điền từ đầu thế kỷ XVII. Trước đó, đã có nhiều dòng họ như họ Hà, họ Đặng… định cư trên mảnh đất này. Khi họ Nguyễn về lập nghiệp đã bồi đắp thêm bề dày truyền thống hiếu học, khoa bảng và văn chương ở Tiên Điền, rồi trở nên nổi danh xứ Nghệ.

Trên quê hương Tiên Điền, đời nào cũng có những người đỗ đạt và làm quan. Chỉ tính riêng hai triều đại Lê - Nguyễn, làng Tiên Điền đã có 6 vị đỗ đại khoa, 32 vị đỗ hương cống, cử nhân. Trong đó, có những con người có đóng góp rất lớn trong tiến trình phát triển của đất nước như cha con Tể tướng Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775) và con là Nguyễn Khản (1734 - 1786).  Đặc biệt, đại thi hào Nguyễn Du, với một khối lượng tác phẩm đồ sộ cả chữ Hán lẫn chữ nôm, đặc biệt là truyện Kiều-thi phẩm vượt tầm thời đại với những giá trị cho muôn đời, không chỉ làm rạng danh dòng họ Nguyễn, vùng đất Tiên Điền, mà còn đưa nền văn học Việt Nam xứng tầm với thế giới từ cổ chí kim.

Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du - Di tích Quốc gia đặc biệt

Khu di tích văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du nằm ngay bên đường, thuộc xã Tiên Điền, được hình thành và tôn tạo từ những năm đầu thập kỷ 60, trên khuôn viên rộng hơn 40.000m2 với kiến trúc xây dựng hài hòa, nhiều cây xanh, cây cảnh tỏa bóng mát...; đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan, nghiên cứu và khám phá để được sống trong không khí văn hóa thi vị đậm đà bản sắc Nghệ Tĩnh.

Sự đa dạng, phong phú của văn hóa Nghi Xuân còn được phản ánh trên bình diện di tích đình, chùa, đền miếu và nhà thờ của nhiều dòng họ và công trình văn hóa, nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Không một ngôi đền nào ở Nghi Xuân không gắn với sự nghiệp công lao của một nhân tài, không một di tích thắng cảnh nào không gắn với một truyền thuyền đẹp về tình người tình đất nơi đây, không một dòng họ nào không sản sinh cho quê hương những bậc hiền tài.

Trong thời đại mới, Tiên Điền cũng đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước, như Giáo sư, nhà Khảo cổ học Hà Văn Tấn; Tiến sĩ Y khoa Hà Văn Quyết; Nhà sử học, nhà thơ Đặng Duy Phúc với nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị, đặc biệt cuốn: "Lịch sử Việt Nam viết bằng thơ" và một số tác phẩm viết về quê hương như "Về Tiên Điền nhớ Nguyễn Du", "Nguyễn Du với Thăng Long - Hà Nội"...

Xuất phát từ nền tảng văn hóa và lợi thế của miền di sản, huyện Nghi Xuân đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án “Xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”.

Trích đoạn Tiếng đàn Thúy Kiều qua 8 lần gảy theo thể loại dân ca ví, giặm tại Chương trình khai mạc Tuần văn hóa Nguyễn Du 2023

Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương trong thời kỳ mới, ngày 08/8/2022, UBND huyện Nghi Xuân đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh của người dân. Bộ quy tắc gồm 3 phần chính: quy tắc ứng xử chung; ứng xử gia đình và ứng xử nơi công cộng, và được chia thành 16 điều nên làm và 12 điều không nên làm trong cộng đồng xã hội. Ngoài những quy tắc ứng xử chung giúp mọi người sống thượng tôn pháp luật, biết tôn trọng bản thân và người khác, biết bảo vệ môi trường, sống văn minh lịch sự thì bộ quy tắc này hướng đến những quy tắc ứng xử trong gia đình như ứng xử vợ chồng; cha mẹ với con; ông bà với cháu; con với cha mẹ; cháu với ông bà; anh, chị, em với nhau và ứng xử trong cộng đồng, nơi công cộng.

Tiếp nối truyền thống của miền quê văn hóa, các thế hệ người Nghi Xuân ngày nay vẫn không ngừng học tập và vươn lên. Những thành tựu đạt được trong hành trình xây dựng và phát triển chính là món quà quý giá, ý nghĩa nhất mà người Nghi Xuân hôm nay tự hào dâng lên các bậc tiên tổ, những người đã có công tạo lập, dựng xây và mang lại bao tự hào cho quê hương./.

Nguyệt Hằng