21/12/2024 lúc 17:26 (GMT+7)
Breaking News

Về thăm Nữ Biệt Động Sài Gòn - Gia Định Ni Cô Huyền Trang

Vừa qua trong chuyến công tác tại tỉnh An Giang chúng tôi có ghé thăm và tặng quà cho Nữ Biệt Động Sài Gòn Ni Cô Huyền Trang (Phạm Thị Bạch Liên – Pháp danh: Diệu Thông) tại chùa Thất Bửu Châu Thành tỉnh An Giang.

Những cái bắt tay niềm nở đón khách phương xa về thăm, Ni cô vui vẻ kể cho chúng tôi những câu chuyện của một thời oanh liệt mà khán giả Việt Nam đã từng say đắm với hình ảnh của Ni cô Huyền Trang thể hiện trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” là một nhân vật gây ấn tượng với mọi tầng lớp khán giả. Người ta ngưỡng mộ, khâm phục Huyền Trang, bộ phim đề cập đến một lực lượng nổi tiếng có những trận đánh xuất quỷ nhập thần ngay chính giữa sào huyệt Sài Gòn những năm chống Mỹ cứu nước. Nhưng ít ai biết được rằng, có một “Huyền Trang” ở ngoài đời đã lập nên nhiều chiến tích oanh liệt, góp phần vào cuộc tổng tiến công giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Nữ Biệt Động Sài Gòn - Gia Định Ni Cô Huyền Trang cùng các Lãnh đạo đến thăm tại tại tỉnh An Giang
Nữ Biệt Động Sài Gòn - Gia Định Ni Cô Huyền Trang cùng các Lãnh đạo đến thăm tại tại tỉnh An Giang

Phạm Thị Bạch Liên Sinh năm 1931, quê quán Tân Dương, Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Hiện là Ni trưởng Ni Bộ Phật giáo Việt Nam – Thích Nữ Diệu Thông, tại chùa Thất Bửu (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành tỉnh An Giang). Ngay từ lúc 7 tuổi, ni cô đã theo cha mẹ vào tu ở một ngôi chùa nhỏ ở xã Dương Hòa, huyện Thạnh Hưng Đồng Tháp, năm 24 tuổi được đi học trường tu hành ở Huế và gặp được những người giác ngộ cách mạng – từ vị sư Diệu Hoa chùa Phước Huệ, cho đến giám đốc Phật học đường thầy Thích Trí Thủ. Năm 1959 Bạch Liên về Sài Gòn và móc nối ngay với các tổ chức cách mạng và đã trở thành thành viên nòng cốt trong các cuộc đấu tranh chống Diệm của tăng ni phật tử. Trước khi dấn thân vào con đường cách mạng, ni cô Diệu Thông đã từng trăn trở rất nhiều. Nhưng bà thấy rằng, trong cuộc chiến trường kỳ và gian khổ, nhiều nhà sư yêu nước cũng đã có hành động như mình. Lúc bấy giờ may mắn cho ni cô Diệu Thông trụ trì của ngôi chùa – thầy Viên Hảo cũng là một tu sĩ yêu nước, thương dân, nhiệt tình tham gia cách mạng, chiến tranh chẳng chừa một ai, nó đã khiến những người tu hành như thầy Viên Hảo, ni cô Diệu Thông không hề an phận nơi cửa Phật.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Sài Gòn là điểm nóng, Ni cô Diệu Thông (Huyền Trang) đã từng là một cán bộ giao liên và trinh sát Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ni cô Huyền Trang tìm mọi cách để móc nối, liên hệ với các tổ chức yêu nước trong thành phố, đồng thời nghĩ đến chuyện lập ra một ngôi chùa để làm “căn cứ” hoạt động cách mạng tại chùa Tam Bảo số 82B đường Trần Quốc Toản (Nay là đường 3-2, phường 12 quận 11). Diệu Thông chính thức trở thành đội viên đội chính trị 14, chùa Bổn Nguyện trở thành nơi lo quân lương, may cờ, in ấn các truyền đơn, tài liệu, âm thầm nuôi giấu chiến sĩ cách mạng và tham gia nhiều trận đánh chống Mỹ ngụy cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975 và sau này không thể nào kể hết những chiến công to lớn về tinh thần dũng cảm, lòng yêu đất nước và thành tích đáng kích lệ của nữ Biệt Động Sài Gòn Huyền Trang.

Nữ Biệt Động Sài Gòn - Gia Định Ni Cô Huyền Trang
Ni Cô Huyền Trang cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo, cùng đoàn đã đến thăm hỏi và Ni Cô gửi lời chúc bình an các thành viên của đoàn.

Đến nay dù tuổi cao sức yếu, Ni cô Huyền Trang vì tiếp nối hậu lai, báo Phật ân đức vẫn tham gia làm công đức từ thiện giúp người và còn tham gia đảm nhiệm chức giám viện Ni trưởng Từ Nghiêm, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. HCM.
Được nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng nhất, và nhiều phần thưởng cao quý khác trong đội quân Biệt động  Sài Gòn-Gia Định, đơn vị Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân với 16 chữ vàng “Doàn kết một lòng- Mưu trí vô song -Dũng cảm tuyệt vời- Trung kiên bất khuất.”

 

Vũ Đình Chiến - Phạm Minh Hòa