23/12/2024 lúc 04:21 (GMT+7)
Breaking News

Vận hội mới cho khu công nghiệp

VNHN - Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn nhưng các DN đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Để đón vận hội mới này, nhiều dự án đầu tư xây dựng mới đang rục rịch khởi động…

VNHN - Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn nhưng các DN đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Để đón vận hội mới này, nhiều dự án đầu tư xây dựng mới đang rục rịch khởi động…

Vận hội mới cho khu công nghiệp

Cơ hội mới

Dù hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng không ít DN phát triển hạ tầng công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Trong báo cáo tài chính quý I/2020, doanh thu thuần của Tổng công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) đạt 1.078 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng tăng đến 42% so với cùng kỳ. Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên cũng có doanh thu thuần tăng 6,4%, đạt 41,7 tỷ đồng trong quý I/2020. Lợi nhuận sau thuế của Nam Tân Uyên đạt 85,3 tỷ đồng, tăng 22,4% so với lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Cũng như thế, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Long Hậu trong quý I/2020 cho thấy, doanh thu DN này đạt gần 159 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Với làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang khu vực, Việt Nam đang trở thành điểm đến để các DN đẩy mạnh đầu tư vào dịch vụ này. Cụ thể, giữa tháng 5/2020, hai khu công nghiệp (KCN) tại Long An là Việt Phát (huyện Thủ Thừa) và Đức Hoà III (huyện Đức Hoà) đã động thổ xây dựng. Mới đây, Công ty CP KCN Nam Tân Uyên (Bình Dương) cũng đã được Thủ tướng phê duyệt phương án nhận chuyển nhượng 345ha từ đất Công ty Cao su Phước Hoà để phục vụ mục đích xây dựng KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. Đây là quỹ đất Cao su Phước Hoà dùng để phát triển cao su nông nghiệp trước đây.

Theo ông Lê Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Thành Long An và là chủ đầu tư của KCN Việt Phát, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty đã khảo sát và nhắm đến tình huống chuyển dịch làn sóng đầu tư này. Tình hình covid-19 một lần nữa thổi bùng làn sóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Một lần nữa cơ hội lại mở rộng cửa hơn cho DN Việt Nam hợp tác, đón các dòng đầu tư từ các công ty quốc tế. Việc DN nhanh chóng chuẩn bị sẵn hạ tầng là bước đi chủ động để hấp thụ cơ hội mới này. 

Báo cáo thị trường của JLL Việt Nam cho thấy, bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu thuê đất ở các KCN những tháng đầu năm vẫn cao. Tỷ lệ lắp đầy ở khu vực miền Bắc đạt đến 73%. Tại miền Nam, giá đất trong quý I/2020 là 101 USD/m2, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, cơ hội đón dòng vốn đầu tư đã được hé mở từ năm ngoái khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được đẩy lên cao trào. Đến nay, Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn. Khu vực Đông Nam Á và Việt Nam càng hấp dẫn hơn cho các DN tương lai.

Đón sóng đầu tư 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ các năm 2016 - 2018. Riêng TP.HCM, trong quý I/2020, thu hút vốn đầu tư vào các KCX - KCN tăng đến 86,04% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 117,76 triệu USD. Trong đó, riêng vốn FDI đạt 65,98 triệu USD, tăng 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Đánh giá của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, bất động sản KCN sẽ hồi phục mạnh sau Covid-19, trong đó Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp. Tác động của đại dịch Covid-19 khiến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, về dài hạn, bất động sản KCN sẽ được hưởng lợi nhờ việc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam nhanh hơn dự kiến, các hiệp định kinh tế thu hút vốn FDI và thúc đẩy đầu tư công. 

Cùng nhận định này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nói thêm: "Bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc hưởng lợi trước kéo theo cơ hội phát triển cho bất động sản nhà ở hình thành quanh các KCN nhờ phát sinh nhu cầu ở thực của người dân, đội ngũ kỹ sư, chuyên gia. 

Trên thực tế, sự dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài đang tăng mạnh trong  thời gian qua. Ngay từ năm ngoái, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạt mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao. Sau dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục được xem là điểm sáng trong khu vực cho nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sản xuất.

Các chuyên gia cho rằng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các DN nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hoá danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia. Do đó, Covid-19 là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng Mỹ - Trung hồi năm ngoái. Khu vực Đông Nam Á và Việt Nam càng hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư trong tương lai. Không chỉ Mỹ mà các nước châu  u, Nhật Bản đều kêu gọi và cho biết sẽ hỗ trợ các công ty của mình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế này. Dự báo, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam và chảy mạnh hơn nữa vào nước ta trong thời gian tới. 

Cơ hội đã có nhưng làm thế nào để khai phá là vấn đề mà các DN nên quan tâm. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tranh thủ cơ hội chuyển dịch dòng vốn FDI chất lượng cao từ Trung Quốc và một số quốc gia khác vào Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn FDI. Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho DN Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao”, ông Vũ Tiến Lộc nói. 

Hồng Nga