Tóm tắt:
Sau 35 năm Đổi mới, nhờ khắc phục được những hạn chế ở các giai đoạn trước: tìm lại được những gì đã mai một để kế thừa truyền thống đầy đủ hơn, điều chỉnh và từ bỏ dần những khuôn thước không phù hợp, giao lưu và tiếp biến có chọn lọc với những giá trị bên ngoài…, trên thực tế, văn hóa Việt Nam đã xác lập được các khuôn mẫu văn hóa mới, thực sự hội nhập tương đối sâu vào văn hóa nhân loại theo các chuẩn mực chung của cộng đồng thế giới, một vài hoạt động không thua kém các nước phát triển hùng mạnh, tình trạng không giống ai bớt dần... Điểm tích cực đáng kể nhất của văn hóa Việt Nam hôm nay được dư luận quốc tế đánh giá cao là văn hóa hội nhập, là khát vọng phát triển, và “Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh” (Quách Tương Uy, 2010).
Tuy nhiên đó chỉ là một mặt, mặt tích cực của văn hóa Việt Nam. Do xã hội Việt Nam hôm nay là một cơ thể đang phát triển năng động với nhiều mâu thuẫn chứa đựng trong nó nên văn hóa không tránh khỏi cũng là một thực thể đầy mâu thuẫn, với một diện mạo không thiếu những hiện tượng kém giá trị, phi giá trị, thậm chí phản giá trị. - cái chân đan xen với cái giả và không ít khi vẫn bị cái giả lộng hành; cái đẹp, cái thiện vẫn phải nhẫn nại sống chung với cái bất lương, cái xấu, cái ác… Mặt hạn chế đáng kể của văn hóa Việt Nam hiện nay là, ngay trong văn hóa đã nảy sinh những hiện tượng có vấn đề cản trở sự phát triển: đạo đức xuống cấp, con người bị tha hóa, giá trị xã hội lệch lạc, niềm tin suy giảm, giáo dục và y tế còn quá nhiều bất cập…
Những hiện tượng tiêu cực về văn hóa, không chỉ gây bức xúc trên báo chí hay mạng xã hội. Những tiếng nói gay gắt đã xuất hiện ngay tại một số diễn đàn Quốc hội từ vài năm gần đây. Nhiều trí thức, các nhà hoạt động xã hội, thậm chí các đại biểu Quốc hội đã trực tiếp mổ xẻ các vấn đề này với thái độ đầy tâm huyết (Nhandan.vn, 25/05/2018).
1. Văn hóa Việt Nam sau 35 năm Đổi mới: những chuyển biến tích cực
So với trước kia, văn hóa Việt Nam hiện nay, ở tất cả các dạng hoạt động và với tất cả các loại hình của nó, đều có những thay đổi, theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Ở chiều tích cực, những thay đổi đã đạt tới tầm một sự cải biến có ý nghĩa cách mạng. Nhưng ở chiều tiêu cực, những thay đổi lại rơi vào tình trạng được gọi là xuống cấp, khủng hoảng, tha hóa.
Cột mốc đánh dấu sự thay đổi để văn hóa Việt Nam có những bước phát triển đạt tới chất lượng mới và diện mạo mới so với trước kia, là từ khi Việt Nam tham gia Thập kỷ quốc tế về phát triển văn hóa (1987-1996) do UNESCO đề xướng.
1.1. Vượt ra khỏi khuôn khổ phương pháp luận có phần cứng nhắc về văn hóa giai đoạn trước “Đổi mới”, ngày nay, văn hóa không còn bị xem là sản phẩm thụ động của đời sống kinh tế, của cơ sở hạ tầng, mà đã thực sự trở thành nhân tố bên trong, quy định hành vi của con người, thậm chí quy định cả diện mạo sự phát triển, cả ở hoạt động quản lý, điều hành chính sách vĩ mô và cả ở phạm vi hoạt động thường ngày của mỗi con người.
Quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển, chủ trương xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ghi trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước ngay từ cuối những năm 90 (thế kỷ XX). Mặc dù trên bề mặt xã hội đôi khi vẫn bị chê là sáo mòn, không mấy thực chất, nhưng thực tế thì khác: bằng lối đi riêng của văn hóa, quan điểm đó đã xoay chuyển nhận thức, tạo nền cho văn hóa khởi sắc, kích thích sự hồi sinh của phần lớn những giá trị truyền thống trước đó còn bị bỏ quên, thậm chí bị kỳ thị, làm cho văn hóa Việt Nam trở lại với diện mạo bình thường của nó, nối được với quá khứ và rồi nhờ hội nhập mà bắt nhịp ngày càng sâu vào văn hóa thế giới, đóng góp được cho kho tàng văn hóa chung của cộng đồng thế giới.
1.2. Quan điểm Đổi mới về văn hóa đem lại cho con người và các tổ chức xã hội khả năng can thiệp, giải quyết các vấn đề xã hội từ nguyên nhân văn hóa, điều mà trước kia chưa được quan tâm. Chức năng điều tiết của văn hóa (Regulation, Self‐Regulation) cũng được thực hiện một cách thầm lặng và đôi khi nằm ngoài sự tính toán.
Bằng cách thức độc đáo của “sức mạnh mềm”, văn hóa đã ngày càng làm sâu sắc hơn ý thức dân tộc - quốc gia, làm rõ thêm lịch sử dân tộc, khẳng định giá trị thiêng liêng của độc lập và chủ quyền quốc gia. Trên cơ sở “Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh” (Healthy Nationalism, lời Joseph S. Nye, người đề xướng học thuyết về “sức mạnh mềm”, đánh giá về Việt Nam), văn hóa đã thực sự uốn nắn quan điểm cực đoan của một số chủ thể, làm xích lại gần nhau những quan niệm trước vốn xa nhau.
Không chỉ ở những hiện tượng bề ngoài thuộc hoạt động văn hóa, mà cả ở tầng sâu hơn, trong các nội dung thuộc phẩm chất nhân văn của phát triển, với các chiều cạnh thuộc về con người, về cộng đồng và về dân tộc, văn hóa Việt Nam cũng có những bước phát triển mà trước kia khó có thể đạt được.
1.3. Sau 35 năm, văn hóa truyền thống được tôn trọng và phục hồi rất căn bản (văn hóa truyền thống ở Việt Nam có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nhiều hơn lịch sử lập quốc của nhiều quốc gia, nghĩa là có độ bền vững và ảnh hưởng lớn hơn hình dung của không ít người). Quan điểm mới về văn hóa đã kích thích sự hồi sinh của phần lớn những giá trị truyền thống trước kia bị bỏ quên, thậm chí bị kỳ thị, làm cho văn hóa Việt Nam trở lại với diện mạo bình thường của nó, nối được với quá khứ.
Các giá trị và bản sắc văn hóa, gồm cả bản sắc văn hóa các địa phương, các tộc người, chẳng hạn văn hóa Chămpa, văn hóa Phù Nam… được nghiên cứu ngày càng sâu và khơi dậy được ý nghĩa nhân văn khách quan của sự tồn tại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong Quốc gia độc lập, thống nhất. Các thành tựu văn minh của nhân loại từng có mặt tại Việt Nam, chẳng hạn văn minh Pháp tại Việt Nam, thành tựu của các Vương Triều Nguyễn… đã được đánh giá ngày càng hợp lý, và là nhân tố được kế thừa của văn hóa người Việt. Nhận thức của xã hội, đặc biệt của các cơ quan có trách nhiệm về tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, được nhận thức và được triển khai ngày càng thực tế và có hiệu quả.
Truyền thống hiếu học, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước… được chú ý phát huy và được đông đảo người dân ở mọi tầng lớp tôn trọng và chủ động thực hiện.
Giáo dục gia đình cơ bản là tốt, gia đình vẫn đóng vai trò là tế bào lành mạnh nhất của xã hội. Trong hệ thống các thiêt chế xã hội, gia đình vẫn là thiết chế chứa đựng nhiều phẩm chất tốt đẹp nhất, đủ mạnh mẽ để đảm bảo cho xã hội phát triển trong ổn định và an toàn.
Khát vọng phát triển, ý chí làm người có ích cho xã hội, tâm huyết xây dựng đất nước giàu mạnh… được thể hiện mạnh mẽ ở nhiều tầng lớp cư dân, từ những người có trách nhiệm cấp cao đến người dân lao động bình thường.
1.4. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được xác định và đánh giá theo chuẩn quốc tế, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên và di sản ký ức thế giới được cộng đồng quốc tế ghi nhận (UNESCO 2021: Vietnam)*. Đời sống văn hóa, hàng ngày hàng giờ đang xác lập các khuôn mẫu văn hóa mới.
Ở khá nhiều loại hình thuộc hoạt động văn hóa, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã không còn lạc lõng, thu hẹp khoảng cách lạc hậu so với bên ngoài; giao lưu và tiếp biến văn hóa đặc biệt mở rộng; hầu hết các hoạt động văn hóa được hiện đại hóa; văn hóa công quyền, văn hoá thị trường, văn hóa ứng xử, văn hóa hội nhập… gần gũi hơn với khu vực và thế giới. Nhiều hoạt động văn hóa như văn hóa Showbiz - tổ chức sự kiện, văn hóa thời trang, văn hóa hội thảo, văn hóa du lịch - khách sạn, văn hóa ẩm thực, văn hóa sử dụng IT - mạng xã hội,… Việt Nam đã không còn thua kém bao nhiêu so với các nền văn hóa có kinh nghiệm. Thậm chí với một số hoạt động văn hóa cụ thể, Việt Nam còn tỏ ra là có đẳng cấp và đã tạo ra được ấn tượng tích cực trên trường quốc tế, không thua kém bao nhiêu so với các hiện tượng tương đương ở các nền kinh tế phát triển. Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều 2019, lực lượng quân đội tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ… là những hiện tượng văn hóa như vậy.
1.5. Về văn hóa chính trường, văn hóa công quyền, văn hóa đối ngoại (ngoại giao), văn hóa công an, văn hóa quân sự, văn hóa học đường… hệ giá trị văn hóa Việt Nam cũng đã có không ít điểm sáng, với những chuẩn mực gần với thế giới, dù những lĩnh vực này hiện vẫn bị chê trách nhiều cả từ phía bên trong và bên ngoài.
Khoa học, giáo dục mặc dù còn rất nhiều hạn chế, bất cập, nhưng đã có những bước phát triển tương đối rõ theo hướng hội nhập. Người Việt Nam vẫn được đánh giá là năng động, thông minh. Học sinh Việt Nam, trong các cuộc thi quốc tế về một số ngành khoa học cơ bản và công nghệ thông tin, vẫn liên tục đạt được thứ hạng rất cao. Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong không nhiều quốc gia có số lượng khoảng hai phần ba dân số sử dụng Internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh... một nền tảng công nghệ rất mạnh cho phát triển văn hóa.
1.6. Như vậy, về phương diện văn hóa, bằng sự rũ bỏ nhiều quan niệm công thức và cứng nhắc, đánh thức các giá trị và bản sắc truyền thống, tiếp thu những nhân tố hợp lý từ bên ngoài, sau hơn 35 năm Đổi mới và Hội nhập, Việt Nam đã thoát ra khỏi nhiều hạn chế của cách tiếp cận cũ và nhanh chóng hòa vào dòng chảy chung của văn hóa - văn minh nhân loại. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam đã được công nhận là di sản thế giới, di sản ký ức thế giới. Người Việt đã có tên trong Danh nhân văn hóa thế giới. Các tiêu chuẩn của hoạt động văn hóa thế giới đã được áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Tình trạng “không giống ai” bớt dần. Các loại hình của văn hóa Việt Nam ngày càng được cộng đồng thế giới biết đến và đánh giá tích cực.
Và, đời sống văn hóa của đại đa số cư dân đều có những chuyển biến theo chiều tốt lên, kể cả những người ở vùng sâu vùng xa. Từ một quốc gia nghèo đói, chậm phát triển, thu nhập và đời sống văn hóa của nhiều tầng lớp dân được cải thiện cả về trình độ và chất lượng. Việt Nam đã trở thành nước có GDP trung bình, với quy mô nền kinh tế có thứ hạng trên thế giới và có dự trữ ngoại hối năm 2020 cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam là một trong những nước có tiến bộ rõ rệt và liên tục về chỉ số phát triển con người (HDI). Xu hướng chỉ số phát triển con người cao hơn chỉ số kinh tế vẫn được giữ vững suốt 25 năm qua và vẫn đang tiếp tục. Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam được xếp hạng trong số 52 nước có Chỉ số phát triển con người cao (High Human Development Index: 0,700-0,800 – HDR 2020). Tuổi thọ bình quân khá cao không thua kém các nước có chỉ số HDI cao và vẫn tiếp tục tăng. Trong ba thập niên qua, khoảng 50 triệu người đã được xóa đói giảm nghèo. Việt Nam về đích sớm hơn cam kết với Liên Hợp Quốc về thực hiện mục tiêu Thiên Niên Kỷ (MDG) 10 năm, được cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh (ADB, 2021).
Dĩ nhiên, người nghèo ở vùng sâu vùng xa, người nghèo di tản vì mất việc làm trong 4 đợt dịch bệnh Covid vừa qua… cũng là những chỉ báo phản ánh mức độ bất cập của văn hóa quản lý và đời sống văn hóa nói chung. Nhưng thực tế buộc phải chấp nhận này cũng mới chỉ làm cho bức tranh tổng thể về thực trạng văn hoá hiện ra sáng tối rõ hơn, chứ chưa làm thay đổi được xu hướng chung của đời sống văn hoá.
Thực chất là văn hóa đã thấm vào phương thức phát triển đất nước - từ chỗ cứng nhắc, sách vở, chủ quan, giáo điều… sang phương thức mới, mềm dẻo hơn, thực tế hơn, năng động hơn - giải phóng được các nguồn lực nội sinh, sử dụng được ngoại lực, tiếp thu được sức mạnh và tinh hoa văn hóa, văn minh bên ngoài, gần gũi hơn với xu hướng và chuẩn mực của cộng đồng thế giới.
Đánh giá về văn hoá Việt Nam sau 35 năm Đổi mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhận thức về văn hoá, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hoá phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hoá trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hoá khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hoá, lối sống con người được chú trọng” (ĐCSVN, 2021: 64).
2. Văn hóa Việt Nam sau 35 năm Đổi mới: những hạn chế, bất cập cản trở sự phát triển
Việt Nam hôm nay là một xã hội đang chứa đựng trong nó không ít mâu thuẫn. Đất nước hội nhập sâu và phát triển tương đối nhanh, kể cả trong khủng hoảng tài chính trước đây và trong đại dịch Covid -19 hiện nay. Nền kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng được nhiều tổ chức quốc tế và cộng đồng thế giới đánh giá cao. Với những tiến bộ khó phủ nhận, uy tín quốc tế của Việt Nam trên thực tế ngày càng rộng mở. Nhưng nhìn từ một phía khác, bức tranh giá trị của xã hội Việt Nam lại có nhiều mảng tối rất đáng quan ngại với một diện mạo không thiếu những hiện tượng kém giá trị, phi giá trị, thậm chí phản giá trị.
Chỉ số phát triển con người cao, nhưng con người vẫn tha hóa, đạo đức vẫn xuống cấp. Kinh tế tăng trưởng, tầng lớp trung lưu tăng, nhưng phân hoá giàu nghèo lại gay gắt thêm, tỷ lệ nghèo ở vùng sâu vùng xa vẫn cao, nguy cơ tái nghèo rình rập. Chỉ số giáo dục và chỉ số y tế được cải thiện, nhưng chất lượng giáo dục vẫn yếu kém, quan hệ giữa người với người trong y tế vẫn quá nhiều vấn đề, người bệnh đôi khi là đối tượng bóc lột hơn là đối tượng phục vụ. Truyền thống được phục hồi, tinh hoa văn hoá thế giới được tiếp thu, nhưng giá trị lệch lạc, giả dối gần như được coi là bình thường. Chỉ số hạnh phúc tốt lên, nhưng số người hài lòng với cuộc sống của mình không tăng. Văn hoá du lịch, lễ hội, showbiz… phát triển, nhưng các hành vi ít văn hoá, phi văn hoá vẫn khá phổ biến. Đất nước phát triển năng động, nhưng thể chế, cơ chế vẫn tiềm tàng khả năng làm hỏng con người, làm suy giảm văn hoá. Niềm tin vẫn suy giảm nghiêm trọng...
Đánh giá về những hạn chế của văn hoá hiện nay, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Văn hoá chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người. Môi trường văn hoá, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền còn lớn, đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hoá còn nhiều bất cập, lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hoá. Đầu tư cho văn hoá chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hoá, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ và thương mại hoá; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hoá chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hoá trong thời kỳ mới. Việc giới thiệu, quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hoá nhân loại có mặt còn nhiều hạn chế” (ĐCSVN, 2021: 84-85).
2.1. Tội phạm xã hội là dấu hiệu điển hình của tình trạng con người tha hóa, đạo đức xuống cấp. Trước năm 2020, gần như hằng ngày, tội phạm liên tục xảy ra và điều đáng nói là mức độ tội phạm hình sự ngày càng nhức nhối hơn. Trong 4 đợt dịch Covid-19, tội phạm hình sự có giảm bớt, nhưng một vài tội phạm loại khác lại gây sốc đối với xã hội. Tình trạng này thể hiện rõ trong các báo cáo của Bộ Công an, của Ban Chỉ đạo phòng chống tham những, của Uỷ ban tư pháp Quốc hội, hay trong các bản tin báo chí về an ninh trật tự xã hội… Không tách rời hiện tượng gia tăng về tội phạm hình sự là nạn nghiện hút và buôn bán ma túy. Mặc dù luật pháp Việt Nam thuộc loại nghiêm khắc nhất đối với dạng tội phạm này, nhưng tệ nạn vẫn tăng. Từ năm 2019, Quốc hội đã phải lên tiếng về nguy cơ Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy quốc tế. Tội phạm ma túy trực tiếp hủy hoại những cố gắng của xã hội trong xây dựng con người. Tính nghiêm trọng của vấn đề là ở chỗ, theo Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên trả lời chất vấn Quốc Hội ngày 4/6/2019, khi tội phạm ma túy gia tăng, các loại tội phạm khác cũng tăng theo; cứ mỗi bánh ma túy vào Việt Nam, 10 gia đình có người đi tù. (baochinhphu.vn, 04/06/2019).
Chỉ báo thể hiện rõ nhất mức độ tha hóa con người và xuống cấp đạo đức, là những trường hợp cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước vi phạm pháp luật. Từ vài năm gần đây, khi các vụ đại án được khởi tố, phần lớn người dân không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng, trong số những tội phạm trọng án lại có cả những người đã từng là tướng công an, tướng quân đội, và cán bộ cấp rất cao của Đảng, Nhà nước như ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị… Tình huống mới nhất là kết luận của Ban Bí thư 1/10/2021 xem xét, thi hành kỷ luật 9 cá nhân và Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Uỷ ban kiểm tra TW 2-4/11/2021 đề nghị kỷ luật một số lãnh đạo Bộ Y tế và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trước đây khó ai dám nghĩ rằng, những người có vị thế và trách nhiệm xã hội đến như thế lại chính là những kẻ tội phạm thao túng trật tự xã hội và sẵn sàng gây hại cho đất nước... (Baochinhphu.vn, 1/10/2021 & 19/11/2021).
2.2. Giáo dục và y tế trước đây được hình dung là những khu vực không thể có con người hư hỏng thì lâu nay tình hình đã đến mức được gọi là “khủng hoảng”. Trong hoạt động giáo dục, nhiều vấn nạn rất khó tháo gỡ xuất hiện cả trong quản lý, điều hành và cả trong hoạt động học đường. Từ chương trình sách giáo khoa, chế độ tự chủ của các cơ sở giáo dục, những bê bối ở một số trường đại học… đến gian lận thi cử, mua bán bằng cấp, bạo lực học đường, sự xuống cấp đạo đức nhà giáo, tệ nạn ấu dâm, quấy rối tình dục trong trường học… đã liên tục xảy ra. Bộ giáo dục chưa kịp giải quyết vụ này thì đã thấy vụ khác xuất hiện. Nhiều năm nay giáo dục luôn là điểm nóng của chương trình nghị sự Quốc hội. Tình trạng mua bán bằng cấp, gian lận trong công bố quốc tế, thiếu trách nhiệm trong biên soạn sách giáo khoa lớp 1… là những hiện tượng bức xúc của giáo dục năm 2020. Năm 2021 vấn đề đặt ra đối với giáo dục là “Học thật thi thật nhân tài thật” và chất lượng học Online. Khủng hoảng giáo dục dường như vẫn chưa có lối thoát (Mpm.chinhphu.vn, 06/05/2021).
Với y tế, mặc dù vài năm gần đây hoạt động này được đánh giá là có nhiều tiến bộ cả về trình độ nghiệp vụ và cả về tổ chức theo các chính sách mới. Tuy nhiên, vấn đề của y tế Việt Nam vẫn là chưa khắc phục được sự xuống cấp ở chính quan hệ giữa thày thuốc với con bệnh. Chính sách về y tế có nhiều vấn đề rất khó tháo gỡ. Người bệnh vẫn là đối tượng “để quản lý” hơn là đối tượng “cần phục vụ”. Thái độ vụ lợi trong hoạt động y tế vẫn tìm thấy nhiều kẽ hở của chính sách - giữa đại dịch Covid 19, một số cán bộ y tế vẫn không ngần ngại tìm cách kiếm lợi bất chính. Tính nhân văn “bẩm sinh” của y tế vẫn bị vi phạm (Baochinhphu.vn 21/12/2021).
2.3. Trong bảng giá trị cộng đồng, hiện tượng lệch lạc về giá trị đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Nhưng những năm gần đây, hiện tượng này ngày một nhức nhối hơn. Hiện nay, vị trí của danh và thực, của lao động và sự giàu có, của địa vị và tài năng, của tiền bạc và tình người, của thói phô trương và đức khiêm tốn, của sự vô cảm và lòng vị tha, v.v… đã lệch lạc đến mức đáng ngại.
Trong tâm thức cộng đồng, vị trí của một số giá trị đã (vô tình) bị xếp sai, cả trong đời sống thường nhật và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều danh hiệu được tôn vinh rất xa thực tế; không ít danh hão vẫn được “háo danh”. Giàu có được sùng bái, nhưng lao động, kể cả lao động làm nên sự giàu có cũng bị xem nhẹ, rất ít được đánh giá đúng mức. Địa vị được tôn trọng, kể cả địa vị không xứng đáng, nhưng tài năng gắn liền với địa vị thì không mấy ai thật sự tôn vinh, thậm chí tài năng còn bị kỳ thị. Được coi là dân tộc trọng tình nghĩa, nhưng thói vô cảm lại rất phổ biến; lòng vị tha, đức khoan dung ngày càng trở thành của hiếm, nhất là ở cơ quan công quyền. Đã có quá nhiều trường hợp logic của tiền bạc phá vỡ giá trị của tình người; vì tiền bạc mà người thân sẵn sàng hãm hại lẫn nhau; tình người chủ yếu chỉ còn được thấy trong những khi hoạn nạn. Đức khiêm tốn rất ít khi thấy được tôn vinh, mà thường thấy rất dễ bị bị chèn ép; còn thói phô trương thì có ở khắp nơi, hàng ngày.
Nói cách khác, trong bảng giá trị hiện thời, thói háo danh vẫn được nuôi dưỡng, vì danh vẫn thường xuyên được cơ chế và được xã hội vô tình coi là quan trọng hơn thực. Lòng tham phi đạo đức vẫn tiếp tục tồn tại, vì vẫn không ít trường hợp lao động và giàu có chẳng phải là nhân quả của nhau - chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam không hề là chuyện bịa đặt, không ít doanh nghiệp quan tâm đến “đi đêm” nhiều hơn là quan tâm đến kinh doanh, sản xuất. Thói hám chức tước quan lộc và địa vị vẫn có đất sống vì vẫn có nhiều người tài năng chẳng hề xứng với địa vị - ở Việt Nam địa vị gần như bao giờ cũng được trọng vọng, trong khi đó, việc khuyến khích và sử dụng tài năng thì lại thường xuyên phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Phát biểu của người có trách nhiệm mà như “trên trời rơi xuống” năm nào cũng gặp. Sức mạnh của tiền bạc gần như chỗ nào cũng thấy cao hơn tình người - nhiều giá trị vẫn không có “cơ chế” để thực hiện, nếu không được đảm bảo bằng tiền bạc. Thói phô trương vẫn thường lấn át đức khiêm tốn và đôi khi còn được tiếp tay bởi phương tiện thông tin đại chúng. Tri thức vẫn bị xem nhẹ hơn bằng cấp, học trò đi thi ở một số nơi bị chính ngành giáo dục đối xử chẳng khác gì kẻ cắp trước lúc hành nghề. Sự vô cảm vẫn rất phổ biến cả trên đường phố và cả ở nơi công sở. Và, cái giả, sự giả dối vẫn hàng ngày có mặt khắp nơi, vẫn bị làm ngơ, vẫn được coi là bình thường, khi chưa bị truy tố trước pháp luật…
Vấn đề là ở chỗ, thói vụ lợi và thực dụng qua sự kích thích của mặt mặt trái kinh tế thị trường đã làm cho không ít người lầm tưởng rằng “tiền bạc” và “quan lộc” là giá trị đỉnh cao của đời sống; danh vọng, công lý và uy tín là có thể mua được. Giả dối đã phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thậm chí giả dối trong không ít trường hợp đã công nhiên lấn át sự tử tế và chân thật. Một khi bảng giá trị cộng đồng bị lệch lạc thì dĩ nhiên, một số giá trị sẽ bị truất khỏi vị trí thực của nó trong hệ thống giá trị; những giá trị ảo, phi giá trị, vô giá trị, thậm chí phản giá trị sẽ thế chỗ hoặc lên ngôi. “Lao động”, “Trung thực” và “Chân thiện” nếu vô tình bị “Tiền bạc” và “Quan lộc” trám chỗ, định hướng giá trị sẽ khó tránh khỏi kém tác đụng, “nhầm đường” hoặc mất phương hướng.
2.4. Khó mà phủ nhận được, lâu nay, đâu đâu trong đời sống xã hội người ta cũng bắt gặp cái giả dối. Giả dối đã phổ biến đến mức đã được coi là bình thường, làm nản lòng sự trung thực, tử tế. Bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả, công bố (khoa học) quốc tế giả, chất lượng sản phẩm giả, thuốc chữa bệnh giả, tuổi tác giả, số liệu thống kê giả, thanh toán với chứng từ giả, biểu quyết giả, đạo đức giả,… gần như có mặt khắp nơi và không còn là điều xấu hổ nữa. Rất tiếc là xã hội lại thừa nhận bằng cách làm ngơ coi như không thấy.
Ở không ít công trình, dự án… mục đích ghi trong văn bản thực tế chỉ là giả, vì đó chẳng qua chỉ là phương tiện, là công cụ cho bòn rút, tham nhũng. Làm bất cứ việc gì cũng nghĩ đến lách luật. Sẽ không còn động cơ hành động nếu công việc được tiến hành một cách ngay thẳng, không có lợi ích gì có thể xà xẻo được. Mọi đề án quốc kế dân sinh đều có nguy cơ đổ vỡ nếu ở đó tham nhũng hay mục đích vụ lợi không thực hiện được… Từ năm 2016 đến nay, tình trạng này có phần giảm bớt do sự quyết liệt của công cuộc chống tham nhũng, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Người dân có căn cứ để tin rằng, xử lý tham nhũng sẽ không còn vùng cấm như trước, kẻ phạm pháp trước sau cũng phải trả giá. Mặc dù vậy, tham nhũng tài sản công đến nay vẫn khó phủ nhận không phải là “động cơ ngầm” của không ít cán bộ có chức quyền. Thật khó hình dung, cái gì sẽ là động cơ thực sự của những người làm các dự án kinh tế - xã hội, nếu không có tham nhũng.
Con người tha hóa chỉ là một nguyên nhân của tình trạng này. Cơ chế, thể chế không có chỗ cho con người cống hiến và lao động bình thường mới là nguyên nhân căn bản hơn.
Vấn đề tất nhiên là do suy thoái phẩm chất làm người. Tuy vậy, nhìn xa hơn, vấn đề còn là ở chỗ, thể chế kinh tế, cơ chế xã hội từ quá lâu đã sinh ra tình trạng với hầu hết các công việc, lao động đều không được trả thù lao tương xứng, đặc biệt ở khu vực nhà nước. Gần như ở khắp nơi, trong mọi dạng lao động, nếu làm thật, trách nhiệm thật, hưởng thù lao thật… thì chắc chắn là thiệt thòi hoặc không được thụ hưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. Cơ chế này thuộc về thể chế bóc lột (Extractive Institutions). Xã hội mấy chục năm nay đã tự tìm đường đi cho mình bằng cách tồi tệ nhất - là giả dối. Đến lượt mình, thói giả dối lại tìm sự bênh vực ở những thể chế có khiếm khuyết, những kẽ hở của luật pháp, những quy định cứng nhắc hoặc vụ lợi trong các chính sách… bênh vực cho những cái sai, cái dở trong xã hội.
2.5. Một hiện tượng xã hội khác có thể là hệ lụy của tất cả những vấn đề nói trên, là niềm tin - niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ, vào tương lai của đất nước - đã suy giảm dẫn đến mai một dần. Từ lâu, hiện tượng này đã được báo chí và dư luận xã hội lên tiếng báo động. Nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ đã được chính Tổng Bí thư và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng cảnh báo (Baochinhphu.vn, 31/10/2016). Các nhà khoa học thường tìm nguyên nhân của khủng hoảng niềm tin trước hết ở sự vận hành của thể chế, ở bộ máy công quyền, ở đội ngũ quan chức, ở hệ thống luật pháp. Điều đó dĩ nhiên là hợp lý. Nhưng nhìn từ phía văn hoá, nguyên nhân cơ bản làm cho niềm tin trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam mai một rồi mất dần, theo chúng tôi còn là, đã quá lâu rồi ở Việt Nam lẽ phải ít được tôn trọng, thậm chí bị chà đạp.
Chủ yếu là vô tình, nhưng sự thật là thể chế đã tiếp tay, luật pháp đã tạo kẽ hở, bộ máy công quyền thường quan liêu, chính sách lại không sâu sát, đội ngũ cán bộ thì không ít người tham lam, vụ lợi… trong việc cư xử với lẽ phải - nên lẽ phải đã bị coi thường, đôi khi bị chà đạp… làm cho niềm tin rơi vào tình trạng như hiện nay. Trong một số trường hợp, lẽ phải bị đối xử như là thứ vô nghĩa. Mới rất gần đây, có những vụ việc rất bức xúc nhưng người có trách nhiệm vẫn ráo hoảnh trả lời công luận rằng “đúng quy trình” - Lẽ phải trong những trường hợp như vậy hoàn toàn bị xem thường. Niềm tin dù ở dạng nào thì cũng khó có cơ sở để tiếp tục tồn tại.
Về phương diện giá trị, cần thiết phải nói rằng việc định hướng giá trị trong thực tế luôn có hai xu hướng không mấy khi trùng nhau. Trong khi những giá trị lý tưởng, những giá trị kỳ vọng được nồng nhiệt đề cao, được tôn vinh có chủ ý nhằm định hướng tư tưởng và hành vi con người, thường không đạt được kết quả bao nhiêu, thì ngược lại, các giá trị ngầm định của bản thân đời sống xã hội lại âm thầm thể hiện sức mạnh của nó. Dòng chảy bản năng mãnh liệt của đời sống xã hội, nếu không được các thiết chế pháp lý đủ mạnh và nghiêm minh tạo hành lang đủ thông thoáng để vận động, thì sẽ luồn lách qua mọi kẽ hở để thỏa mãn nhu cầu chính đáng và không chính đáng của con người. Cái xấu, cái ác, cái bất hợp lý… trong những trường hợp như vậy đôi khi không kiểm soát được. Thực trạng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay ít nhiều rơi vào tình trạng như vậy.
Rất mừng là với những kết quả rõ rệt thể hiện thái độ kiên quyết hiếm thấy sau những năm thực thi công cuộc chống tham nhũng, chống xuống cấp đạo đức xã hội…, bầu không khí xã hội đã chuyển biến tích cực làm cho niềm tin của dân đã được khôi phục một phần. Thành công của công cuộc chống tham nhũng cùng với những thành tựu kinh tế - xã hội khác, cho phép hy vọng, với một cơ thể đang phát triển tương đối mạnh như Việt Nam, những vấn đề bức xúc, gay cấn và nan giải về phương diện văn hoá như đã trình bày ở trên, dù có nghiêm trọng, cũng không cản trở được sự phát triển bình thường của xã hội. Thậm chí, nếu nhìn từ một góc độ khác, việc xử lý những ung nhọt còn là cơ hội để xã hội Việt Nam giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong lòng nó, để rồi đạt tới những giá trị cao hơn, tốt đẹp hơn.
3. Thay lời kết
Nói đến văn hoá, thực chất là nói đến con người. Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, nghĩa là trong tầm nhìn dài hạn hoặc theo lát cắt lịch đại, thì văn hoá làm ra con người, con người là sản phẩm của văn hoá. Nhưng khi được coi là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, thì văn hoá lại được xem xét trong tầm nhìn ngắn hạn hoặc theo lát cắt đồng đại, nghĩa là văn hoá là sản phẩm sáng tạo của con người, con người là chủ thể sáng tạo ra văn hoá. Muốn sửa chữa, khắc phục những hạn chế, bất cập của văn hoá thì xuất phát điểm luôn phải bắt đầu từ con người, từ hành vi, hoạt động, kế sách của con người.
Với văn nghệ sỹ, người nắm vũ khí sáng tạo ra văn học - nghệ thuật, người có trách nhiệm tiên phong đánh thức và gợi mở cho xã hội hình dung con đường đi về tương lai, trước hết phải là người phản ánh trung thực đời sống văn hoá - xã hội; không nên tìm lý do để quay lưng lại với những số phận con người - từ người lao động mất việc làm do dịch bệnh đến những chiến sỹ, bác sỹ, người hảo tâm… xả thân vì cộng đồng, chống lại kẻ thù vô hình và hữu hình; từ những người cố tình hay không may bị vướng vòng lao lý vì tham nhũng, biến chất đến những người dám chết để làm điều tử tế; từ những vị tướng dám hy sinh quyền lợi cá nhân, rũ bỏ những tư duy cứng nhắc giáo điều đến những người lính âm thầm nơi biên cương, hải đảo giữ bình yên cho Tổ quốc… Rất nhiều số phận cần phải có mặt nhưng lâu nay gần như vắng bóng trong văn học nghệ thuật.
Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) khẳng định, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Điều ấy có nghĩa là, đối với nhà quản lý, đối với doanh nhân, hay đối với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu văn hoá phải được hoạch định ngay từ đầu bên cạnh mục tiêu kinh tế; các công trình không chỉ sinh lời về kinh tế, không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn phải bảo vệ được văn hoá, không làm hư hỏng con người, hoặc sinh lời về văn hoá.
Hiện nay, văn hoá làm người của “một bộ phận cán bộ, đảng viên”, như Nghị quyết TW 4 khoá XIII đã ghi, còn có vấn đề. “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật” (Dangcongsan.vn, 29/10/2021). Điều đó là nguyên nhân sâu xa làm tổn hại sự lành mạnh của các quan hệ xã hội, quan hệ giữa người với người - thày thuốc với con bệnh, thày với trò, công an với dân, dân với cơ quan công quyền, cấp trên với cấp dưới…
Trong sự nghiệp phát triển văn hoá, văn hoá làm người bao giờ cũng là mục tiêu sống còn của phát triển văn hoá. Nếu văn hoá làm người mờ nhạt hay cực đoan, xã hội giả dối hoặc bất an. Nếu văn hoá làm người lệch lạc hay méo mó, xã hội chệch hướng và hỗn loạn. Nếu văn hoá làm người lành mạnh, trung thực thì lẽ phải được tôn trọng, xã hội phát triển bình thường; con người không lo âu vì bất hạnh vô cớ; người giàu có niềm vui của sự giàu có; người thành đạt có hạnh phúc của sự thành đạt; kẻ nghèo, người lao động bình thường có niềm vui, điều dễ chịu của sự thanh bần, của người dân lương thiện.
Nhìn lại lịch sử phát triển hàng nghìn năm của xã hội Việt Nam, có thể thấy khả năng điều tiết của văn hóa Việt Nam ngay từ rất sớm đã tỏ ra là có đủ bản lĩnh và sức mạnh để đề kháng với những tác động tiêu cực từ bên trong và bên ngoài, tấn công lại và chiến thắng mọi cái cái xấu và cái ác. Trong số các dân tộc Bách Việt miền nam sông Dương Tử, chỉ có Việt Nam là không bị đồng hóa bởi văn minh Hán, dù phải trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc. Không có ngoại lệ, trong tất cả các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, Việt Nam đều chiến thắng, dù đó là Tần, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh hay Pháp, Mỹ. Trong khi cả châu Á không có truyền thống thám hiểm biển cả, thì từ rất sớm người Việt đã chinh phục được Biển Đông, làm chủ được Hoàng Sa - Trường Sa. Giữ vị trí giao điểm của các luồng văn minh, Việt Nam xưa nay luôn là mảnh đất dừng chân, lập nghiệp và hội tụ của nhiều tôn giáo, nhiều phương thức sống, nhiều dạng văn minh. Văn minh Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, Văn minh Đại Việt từ Đinh, Lê đến tận thế kỷ XX, trong tương quan với các nền văn minh - văn hóa bên ngoài đương thời, đều không thua kém bao nhiêu về trình độ phát triển.
Với nền văn hóa có bề dày truyền thống như vậy, các thế hệ con người Việt Nam hôm nay chắc chắn không hề thiếu những phẩm chất thông minh và sáng tạo, dũng cảm và bản lĩnh, hiếu học và cần cù, khoan dung và nhân hậu… cần thiết cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Có cơ sở để tin rằng, sau 35 Đổi mới, văn hóa và con người Việt Nam đã có đủ điều kiện, tiềm năng và sức mạnh để thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
GS.TS Hồ Sĩ Quý
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Tài liệu:
1. ADB (2021), Poverty Data: Vietnam. https://www.adb.org/countries/viet-nam/poverty
2. Baochinhphu.vn, 04/06/2019: QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Quoc-hoi-chat-van-Bo-truong-Bo-Cong-an-To-Lam/367474.vgp.
3. Baochinhphu.vn, 01/10/2021: Ban Bí thư kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cá nhân. http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Ban-Bi-thu-ky-luat-Ban-Thuong-vu-Dang-uy-Canh-sat-bien-Viet-Nam-nhiem-ky-20152020-va-mot-so-ca-nhan/448376.vgp
4. Chinhphu.vn, 19/11/2021: Kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021. http://baochinhphu.vn/Nhan-su/Ky-luat-canh-cao-Ban-can-su-Dang-Bo-Y-te-nhiem-ky-20162021/453465.vgp
5. Baochinhphu.vn 21/12/2021.Vụ Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh. https://baochinhphu.vn/Phap-luat/Vu-Viet-A-la-rat-nghiem-trong-can-phai-duoc-xu-ly-nghiem-minh/456704.vgp
6. Baochinhphu.vn 31/10/2016. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Nghi-quyet-Hoi-nghi-Trung-uong-4-khoa-XII-ve-tang-cuong-xay-dung-chinh-don-Dang/290392.vgp
7. Báo “Nhân dân” 25/5/2018. Cử tri ước đời sống kinh tế như ngày nay nhưng đạo đức xã hội như ngày xưa. https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/cu-tri-uoc-doi-song-kinh-te-nhu-ngay-nay-nhung-dao-duc-xa-hoi-nhu-ngay-xua-325180/
8. Dangcongsan.vn 29/10/2021. Toàn văn kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/toan-van-ket-luan-hoi-nghi-lan-thu-tu-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-595400.html
9. ĐCSVN (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. Nxb. CTQG.
10. Human Development Reporrt 2020
11. Mpm.chinhphu.vn 06/05/2021: Ngành giáo dục phải vươn lên mạnh mẽ, đổi mới tư duy quản lý. https://mpm.chinhphu.vn/hoat-dong/nganh-giao-duc-phai-vuon-len-manh-me-doi-moi-tu-duy-quan-ly-19976.html
12. Quách Tương Uy (BBC 26/1/2010). Sức mạnh mềm của Việt Nam? https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2010/01/100124_viet_softpower comment
13. UNESCO. Vietnam: http://whc.unesco.org/en/statesparties/vn