25/06/2024 lúc 12:57 (GMT+7)
Breaking News

Vấn đề đạo đức cách mạng trong tác phẩm " Sửa đổi lối làm việc" - Ý nghĩa với việc rèn luyện đạo đức lối sống của thanh niên hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là một tấm gương sáng chói và mẫu mực về đức hy sinh cao cả cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, trăn trở là giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Vấn đề này được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết của Người mà một trong số đó là tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.

Ảnh minh họa - Internet

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tháng 10/1947, giữa lúc cuộc kháng chiến toàn quốc đang ở năm đầu tiên, việc quan, việc nước còn nhiều khó khăn, bộn bề. Điều đó khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc sửa đổi lề lối làm việc đối với mọi thành bại của cách mạng. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việccó kết cấu 6 phần. Vấn đề đạo đức cách mạng được nhắc tới nhiều lần trong toàn bộ tác phẩm và Người dành riêng mục III: “Tư cách và đạo đức cách mạng” để viết về đạo đức cách mạng.

1. Vấn đề đạo đức cách mạng trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Mở đầu mục III “Tư cách và đạo đức cách mạng”, Người viết: “Người đảng viên, người cán bộ muốn trở nên người cán bộ chân chính không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn là do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm ngày càng ít mà những tính tốt ngày cành thêm”[1].

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng được coi là đức tính tốt mà mỗi người cách mạng cần phải có. Hồ Chí Minh đã tiếp thu có chọn lọc và vận dụng sáng tạo những giá trị quan niệm về đạo đức của Nho giáo. Hồ Chí Minh đã khái quát đạo đức của người cán bộ gồm: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

Nội hàm của năm tính tốt ấy được người giải thích với một tinh thần rất mới, rất khoa học, hiện đại, nhưng cũng rất dân tộc:

NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổtrước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được.

NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

TRÍ vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.

LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Kết hợp nhuần nhuyễn và tài tình những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc với quan niệm đạo đức tiến bộ của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã xây dựng quan niệm về đạo đức cách mạng. Theo Người: “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”[2].

Người nhấn mạnh vai trò căn bản của đạo đức: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc,giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[3].

Có thể khẳng định rằng: vấn đề đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là sự tiếp thu có chọn lọc những giá trị đạo đức tinh hoa của nhân loại trên cơ sở đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Cũng trong mục III của tác phẩm, Hồ Chí Minh đã liệt kê những khuyết điểm sai lầm mà cán bộ, đảng viên ta thường mắc phải là bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương , óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh, vô thực”, bệnh kéo bè kéo cánh, bệnh cận thị , bệnh “cá nhân”, bệnh lười biếng, bệnh tị nạnh - Cái gì cũng muốn “bình đẳng”, bệnh xu nịnh, a dua. Ở mỗi bệnh, Người đều chỉ ra những biểu hiện cụ thể và đưa ra cách sửa chữa. Đồng thời, người cũng chỉ ra nguyên nhân của những khuyết điểm đó là do: “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trongxã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”[4]. Lý giải của Hồ Chí Minh xuất phát từ nguyên lý về sự quyết định của tồn tại xã hội với ý thức xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin. Khẳng định những sai lầm, khuyết điểm đó rất nghiêm trọngnhưng không vì thế mà kinh sợ. Người khẳng định: “Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”[5].

Việc tổng kết khá đầy đủ những sai lầm khuyết điểm của cán bộ, đảng viên thường gặp là một trong những đóng góp cơ bản của tác phẩm Sửa đổi lối làm việcgóp phần hoàn thiện quan điểm về đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh. Quan điểm này vừa mang giá trị lịch sử, vừa mang tính thời đại và có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng khi xem xét, phân tích những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

2. Ý nghĩa của quan điểm “đạo đức cách mạng” đối với việc rèn luyện đạo đức, lối sống của thanh niên hiện nay

Từ nội dung “Tư cách và đạo đức cách mạng” trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việccho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức. Đối với người đạo đức là nền tảng và sức mạnh của người cách mạng, có đạo đức mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người viết: “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[6].

Quan tâm đến vấn đề rèn luyện đạo đức, lối sống của thanh niên - thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”[7]; đồng thời, Người còn cho rằng, thanh niên phải tiếp cận những tri thức mới, hiểu những vấn đề thuộc về trách nhiệm của mình trước đất nước, xác định được mục đích, động cơ học tập, sẽ xây dựng quyết tâm trong học tập. Quan điểm trên thể hiện chiến lược của Hồ Chí Minh đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam và trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên xuốt trong quá trình Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên nhằm chăm lo bồi dưỡng, phát huy sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện lời dạy của Chủ tich Hồ Chí Minh, Đảng thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thanh niên toàn diện về mọi mặt. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[8].

Bằng việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng; hoàn thiệnhệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước về thanh niên đã không ngừng tăng cường và đổi mới chất lượng giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên.Tuyệt đại bộ phận thanh niên giữ vững đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, giản dị, lành mạnh, biết vươn lên. Thanh niên sống có hoài bão, có lý tưởng, có niềm tin ở tương lai tươi sáng của dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng.

Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường, những thách thức của hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt những âm mưu thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch đang tác động mạnh mẽ đến thanh niên, khiến chomột bộ phận thanh niên có nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lười học tập và rèn luyện, giải quyết các mối quan hệ còn chưa hài hòa, có hiện tượng gây gổ, mất đoàn kết; phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Điều nguy hiểm hiện nay là đã xuất hiện một số thanh niên có biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, buông thả, không khép mình vào tổ chức; nghiêm trọng hơn, còn một số ít thanh niên sa vào các tệ nạn xã hội, bị lôi kéo, kích động, truyền bá các sản phẩm văn hóa xấu độc…

Để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện đạo đức lối sống cho thanh niên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Trong phạm vi bài viết tác giả xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Trước tiên, cần quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”.Nội dung giáo dục thanh niên tập trung giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; tăng cường giáo dục cho thanh niên nắm vững tính cách mạng, khoa học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc; về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế trong sáng của thanh niên.

Quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên cần chú trọng vấn đề nêu gương và nâng cao ý thức rèn luyện và tu dưỡng của mỗi cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Không có lĩnh vực nào mà tác dụng nêu gương lại quan trọng bằng lĩnh vực đạo đức. Trong gia đình, đó là tấm gương của cha mẹ đối với con cái, của anh chị đối với các em; trong xóm làng khu phố, đó là tấm gương của các bậc cao niên, các thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ; trong cơ quan Đảng và Nhà nước đó là tấm gương của các đồng chí lãnh đạo với nhân viên, trong các đơn vị lực lượng vũ trang đó là tấm gương của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đối với cán bộ, chiến sĩ; trong xã hội đó là những tấm gương “người tốt, việc tốt” đối với thanh niên và mọi đối tượng tầng lớp nhân dân.

Thứ hai,nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình để làm trong sạch về tư tưởng và kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một số thanh niên. Thực hiện đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phê bình và tự phê bình, nghĩa là phê bình cốt giúp nhau tiến bộ chứ không phải để hạ thấp uy tín hay làm cho đồng chí đồng đội mình nản lòng.

Thứ ba, Kiên quyết đấu tranh chống tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu vén cá nhân. Cần nghiêm khắc, triệt để xử lý những vi phạm, đặc biệt là những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng của cán bộ, đảng viên. Điều này vừa giúp loại ra khỏi tổ chức những phần tử thoái hóa, biến chất, vừa mang tính răn đe cho toàn thể cán bộ, đảng viên đặc biệt là những thế hệ cán bộ trẻ.

Thứ tư, tăng cường giáo dục cho thanh niên hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam và những ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường đối với các mặt của đời sống chính trị, xã hội; giáo dục thanh niên có ý thức xây dựng tình bạn, tình yêu chân chính, trong sáng, lành mạnh; xây dựng ý thức công dân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giá trị nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam..., từ đó làm cho thanh niên có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về những vấn đề lý luận, thực tiễn xã hội đặt ra, củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thứ năm, các cấp ủy, tổ chức đảngcần tạo mọi điều kiện thuận lợi để thanh niên có cơ hội phấn đấu, rèn luyệntự tu dưỡng đạo đức, lối sống từ đó hình thành nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắncho thanh niên, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định bản thân; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên trong quá trình rèn luyện đạo đức, lối sống.

Thứ sáu, Đoàn Thanh niên là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt, học tập, rèn luyện của đoàn viên, thanh niên. Do đó, phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, cải tiến phương thức hoạt động của Đoàn; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng theo nội dung định hướng của Trung ương đoàn; đồng thời, đặt ra những yêu cầu, nội dung, biện pháp cụ thể về xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống và quá trình ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong đoàn viên, thanh niên. Phấn đấu xây dựng tổ chức Đoàn trở thành“cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[9].

Thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, phù hợp với tâm lý của đoàn viên thanh niên như: diễn đàn thanh niên; các hoạt động văn hóa văn nghệ; sinh hoạt giáo dục truyền thống, giao lưu kết nghĩa;… thu hút sự tham gia và hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo đoàn viên, thanh niên. Qua đó, xây dựng bảnlĩnh chính trị, củng cố niềm tin, nâng cao nhận thức, đạo đức, lối sống, phương pháp tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật; bồi dưỡng kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, thị hiếu thẩm mỹ trong đoàn viên, thanh niên.

Tác phẩm sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tác phẩm đã góp phần quan trọng trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Cho đến nay, những nội dung của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị và mang ý nghĩa thực tiễn to lớn trong xây dựng đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên đặc biệt là thanh niên - thế hệ trẻ tương lai của đất nước.Mỗi thanh niên thực hiện tốt những điều Người dạy về đạo đức cách mạng và vận dụng trong đời sống hàng ngày và công tác, học tập góp phòng, chống suy thoái đạo đức lối sống đối với thanh niênvà đây cũng chính là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay.


[1]Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 291.

[2]Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 292

[3]Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.293

[4],Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 302

[6]Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 292

[7]Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 612

[8]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,tập I,Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021.

[9]Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 420

TS.Trần Hồng Quyên - Khoa Lý luận Chính trị & KHXHNV

Học viện An ninh nhân dân

...