(VNHN) - Chỉ khi thực hiện tốt đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chuyển dịch cơ cấu và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, chúng ta mới vượt qua được nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 01/11/2016 về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, với 22 mục tiêu cụ thể tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, đó là: cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, báo cáo đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết 24 của Chính phủ cho thấy, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã thực hiện quyết liệt và thực chất ở tất cả các cấp, các lĩnh vực, bám sát nghị quyết của Đảng và Quốc hội, vừa tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế trước đây, vừa chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô với mức tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2016 - 2018 ước đạt 6,57%, kiểm soát lạm phát với lạm phát bình quân hai năm 2016 - 2017 giảm xuống 3,1%.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số nhiệm vụ cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Trong 22 nhóm chỉ tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2020, có 9 chỉ tiêu đã hoàn thành và 8 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành, chiếm 77% số mục tiêu và 5 chỉ tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Trong 64 chỉ tiêu định tính và định lượng về cơ cấu lại nền kinh tế đã có 28,13% mục tiêu dự kiến hoàn thành, 40,63% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 31,25% mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành như thể hiện tại biểu đồ tổng hợp kết quả thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế trong báo cáo của Chính phủ.
Nguồn: Báo cáo số 506/BC-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ gửi Quốc hội
Theo biểu đồ này thì một số mục tiêu như: cơ cấu lại DNNN, cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại ngành dịch vụ là những lĩnh vực còn có khá nhiều nội dung cần các giải pháp để thúc đẩy hoàn thành.
Mặc dù Chính phủ đã điều hành, chỉ đạo quyết liệt nhưng một số mục tiêu cơ cấu lại DNNN có nguy cơ không hoàn thành và cần giải pháp thực hiện như thoái toàn bộ vốn ở các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ hay thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định, cơ cấu lại vốn đầu tư vì lũy kế 2 năm vừa qua mới chỉ có 30 đơn vị thực hiện thoái vốn, chiếm 1% số doanh nghiệp; hay mục tiêu xử lý dứt điểm các dự án của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DNNN. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến năm 2020, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với nhiệm vụ cơ cấu lại đầu tư công, bước đầu đã xác lập và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, giảm mạnh tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn đến 28,5% khối lượng công việc cần có các giải pháp để thúc đẩy hoàn thành. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Chính phủ đang tích cực sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và các văn bản có liên quan để sớm khắc phục những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành và địa phương, thực hiện đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Cũng theo biểu đồ trên thì cơ cấu lại hai ngành nông nghiệp và dịch vụ cũng còn khá nhiều khối lượng công việc còn phải thực hiện, lần lượt là 44,44% và 42,85%. Đây là các lĩnh vực đã hội nhập sâu, rộng và chịu nhiều tác động của thị trường toàn cầu. Đây cũng là hai lĩnh vực tuy là thế mạnh và có lợi thế so sánh nhưng chủ yếu vẫn đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, nơi năng suất lao động và giá trị gia tăng thấp, trong khi cũng là hai lĩnh vực thu hút nhiều lao động nhất trong nền kinh tế với tỷ lệ lao động làm việc trong nông nghiệp là 32,21%, và trong dịch vụ là 35,17% theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 2 năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Như vậy, có thể nói, hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh của một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế chưa cao đã ảnh hưởng đến năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philipines và 87,4% của Lào.
Số liệu thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 4 năm 2018 cho thấy, tuy quy mô của nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng khá tốt, với tổng thu nhập quốc dân (GDP) theo giá thực tế năm 2018 ước khoảng 240,78 tỷ USD, đứng thứ 49 trên thế giới, còn tính theo sức mua tương đương (PPP) là 705,77 tỷ USD, đứng thứ 34 của thế giới, nhưng thu nhập bình quân đầu người thực tế chỉ đạt 2.546 USD, đứng thứ 137 trên thế giới và tính theo sức mua tương đương là 7.463 USD, đứng thứ 127 của thế giới.
Trong khía cạnh nào đó, số liệu thể hiện hiệu quả sử dụng các nguồn lực công của chúng ta còn hạn chế và cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chậm chuyển dịch sang các lĩnh vực có năng suất và thu nhập cao hơn. Đó chính là nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình” mà bất kỳ quốc gia đang phát triển nào đều muốn tránh. Chỉ khi thực hiện tốt đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chuyển dịch cơ cấu và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, chúng ta mới có cơ may vượt qua được thách thức này.
Trần Văn, ĐBQH khóa XII, XIII/ĐCS