Để phát huy vai trò của truyền thông chính sách trong bối cảnh mới, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi làm rõ một số khái niệm và các vai trò của truyền thông chính sách; thực trạng vai trò của truyền thông chính sách và giải pháp phát huy vai trò của truyền thông chính sách ở nước ta trong bối cảnh mới.
MỘT SỐ KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH
Một số khái niệm
Truyền thông là quá trình trao đổi thông tin, tương tác thông tin giữa hai hoặc nhiều người với nhau nhằm tăng cường sự hiểu biết và thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm, của cộng đồng và của toàn xã hội[1].
Chính sách là một tập hợp các biện pháp của nhà nước nói chung và chính phủ nói riêng được thể chế hóa và bảo đảm thực thi để giải quyết các vấn đề xã hội hoặc phát triển xã hội[2].
Truyền thông chính sách, theo Hà Thị Thu Hương (2022), truyền thông truyền thông chính sách là quá trình chia sẻ thông tin về một chính sách cụ thể của chính phủ đến người dân nhằm thu hút người dân và các bên liên quan vào quy trình chính sách, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của công chúng để đạt được mục tiêu chính sách[3]. Theo PGS, TS. Trần Thị Thanh Thủy (2021), truyền thông chính sách là hệ thống các nỗ lực chủ động chủ trì và tương tác hai chiều của Nhà nước được thiết kế có chủ đích nhằm tiếp nhận và chia sẻ thông tin về chính sách cũng như quá trình chính sách (cách thức hoạch định, thực thi, đánh giá) đến đối tượng chính sách nhằm thúc đẩy hiểu biết, phản biện, đồng thuận, sự tin cậy qua lại giữa nhà nước nói chung và các chủ thể chính sách nói riêng vì lợi ích công cộng[4].
Trên cơ sở khái niệm truyền thông, khái niệm chính sách và các quan niệm trên, chúng tôi đồng ý với tác giả Nguyễn Đình Thành (2014), truyền thông chính sách là quá trình liên tục trao đổi thông tin về chính sách của Nhà nước để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm, của cộng đồng và của toàn xã hội[5].
Vai trò của truyền thông chính sách
Truyền thông chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội. Truyền thông chính sách tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng. Khi mà một ứng xử của công chúng được lặp đi lặp lại sẽ thành nề nếp, tập quán cuối cùng trở thành những chuẩn mực của xã hội. Nhờ truyền thông chính sách mà những vấn đề này được xã hội chấp nhận và lan truyền nhanh trong công chúng. Vai trò của truyền thông chính sách được thể hiện dưới các góc độ sau:
Thứ nhất, truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động chính trị và thúc đẩy cho xã hội trở nên công bằng, dân chủ hơn. Khả năng phản biện xã hội của truyền thông chính sách, vai trò diễn đàn công dân của truyền thông chính sách trong việc tạo ra một không gian thảo luận công cộng, ảnh hưởng của truyền thông chính sách và các phương tiện truyền thông chính sách mới đến nhận thức chính trị của người dân Việt Nam... sẽ là những vấn đề nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu truyền thông chính sách trên thế giới. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Chúng ta có rất nhiều vấn đề cần đương đầu như xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực... Ở các quốc gia như Việt Nam, truyền thông chính sách được xem là kênh hữu hiệu để đạt được các mục tiêu lớn liên quan đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Thứ hai, truyền thông chính sách là kênh giúp Nhà nước có khả năng xây dựng hình ảnh của mình để không bị “hòa tan” trong quá trình toàn cầu hóa. Xây dựng hình ảnh quốc gia là một trong các khía cạnh nghiên cứu khá thú vị hiện nay của truyền thông. Từ việc tìm hiểu các lý thuyết về việc xác lập một quốc gia (nation-states) đến việc xây dựng các chiến lược truyền thông chính sách và triển khai trên thực tế đều rất hữu ích không chỉ cho riêng giới nghiên cứu, mà còn cho chính các quốc gia. Truyền thông chính sách có tác động lớn đến các nhóm đối tượng lớn như:
- Đối với chính quyền nhà nước, truyền thông chính sách giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin đến người dân về các chính sách kinh tế, văn hóa xã hội, luật pháp đến với dân chúng, thuyết phục công chúng thay đổi về nhận thức và hành xử đúng pháp luật. Ngoài ra, chính phủ cũng nhờ truyền thông chính sách để thăm dò lấy ý kiến của dư luận trước khi ban hành các văn bản pháp lý. Nhờ truyền thông chính sách, nhà nước điều chỉnh các chính sách quản lý của mình và tạo ra sự đồng thuận cao trong dân chúng.
- Đối với người dân: Truyền thông chính sách giúp cho người dân cập nhật thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật trong và ngoài nước; Giúp người dân giải trí và học tập về phong cách sống những người xung quanh. Truyền thông chính sách đóng vai trò trong việc tạo ra các xu hướng về lối sống, văn hóa, thời trang... Ngoài ra, truyền thông chính sách còn giúp cho người dân phản hồi, nói lên tiếng nói của mình, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Nhờ có truyền thông chính sách mà doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm và dịch vụ, giúp cho người mua nhận biết và sử dụng sản phẩm và dịch vụ. Truyền thông chính sách cũng tạo ra nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ, giúp các công ty tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, giúp kinh tế phát triển.
Thứ ba, truyền thông chính sách góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Ở Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật đã quy định các quyền tự do ngôn luận, tự do truyền thông chính sách, tự do thông tin của con người, của công dân. Các quyền này được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội; các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hàng ngày trong đời sống của người dân Việt Nam.
Thứ tư, truyền thông chính sách góp phần phát huy quyền, vai trò và trí tuệ của xã hội trong nhận diện các vấn đề chính sách và cân nhắc các giải pháp chính sách… Lắng nghe ý kiến là một nhiệm vụ bắt buộc trong xây dựng chính sách, pháp luật. Thu thập thông tin từ đối tượng chính sách để các chủ thể chính sách hiểu biết tốt hơn các nhu cầu, nguyện vọng, các xu hướng phản ứng của đối tượng chính sách, nhất là trường hợp có quyền lợi vật chất bị ảnh hưởng. Đây cũng là phương thức có tính hệ thống để bảo đảm quyền của công dân, tiếp tục phát huy dân chủ, cung cấp cơ hội cho quyền biết, quyền bàn và quyền giám sát của nhân dân, các nhóm cộng đồng xã hội trong điều hành quốc gia, địa phương, hướng tới thay đổi thái độ, hành vi của công dân, cộng đồng, xã hội trong tuân thủ và xây dựng pháp luật, đóng góp vào bảo vệ chủ quyền và phát triển quốc gia, địa phương.
Thứ năm, truyền thông chính sách góp phần định hướng dư luận. Một chủ trương, chính sách chỉ hiệu quả khi nó được xã hội chấp thuận và khả thi trên thực tiễn để tạo ra các kết quả như trông đợi. Theo cách truyền thống, chính sách được khởi xướng từ các cơ quan công quyền. Với truyền thông chính sách tốt, ngay từ khâu nhận diện vấn đề chính sách, đề xuất chính sách đều có thể bắt đầu từ cộng đồng. Nói cách khác, truyền thông chính sách cung cấp cơ hội để chuyển quá trình chính sách từ độc quyền sang thành một quá trình nhà nước đồng hành cùng xã hội (đồng thiết kế chính sách). Trong bối cảnh của mạng xã hội, sự lên tiếng đồng tình, ủng hộ hay phản đối một cân nhắc hay quyết định chính sách nào đó tuy không phải là ý kiến quyết định nhưng cần được cân nhắc và thậm chí giải trình (ví dụ thông qua các hình thức truyền thông chính thức) để hạn chế sự lan rộng và leo thang của chống đối hay bất mãn xã hội.
Thứ sáu, truyền thông chính sách cung cấp thông tin giúp chủ thể chính sách tự rà soát các phương pháp, công cụ, cách tiếp cận và cách hành xử của mình đối với các vấn đề xã hội; nhờ đó, hỗ trợ quá trình cải cách thủ tục hành chính, đổi mới bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đặc biệt, để giám sát thực hiện, phát hiện vấn đề, bất cập, lợi dụng thẩm quyền… đưa nhà nước, chính phủ hay chính quyền nói chung đến gần công chúng hơn, tạo dựng và duy trì sự tin cậy của xã hội đối với Nhà nước nói chung hay các chủ thể chính sách nói riêng4.
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH
Trong những năm qua, truyền thông chính sách ở nước ta đã góp phần quan trọng vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần to lớn vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu lãng phí và suy thoái đạo đức, lối sống...
Truyền thông chính sách góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân... Bên cạnh những vấn đề trên, truyền thông chính sách ở nước ta trong quá trình đổi mới và hội nhập đã góp phần nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, góp phần quan trọng giới thiệu đất nước, văn hóa con người Việt Nam với bạn bè quốc tế; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng, đa phương hóa các quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước ta; góp phần nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn hạn chế, khuyết điểm của một số chủ thể truyền thông chính sách. Thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép; thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ cao. Xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội làm giảm tính trung thực của truyền thông chính sách. Một số chủ thể truyền thông chính sách chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo về thông tin, tình trạng giật tít câu khách, câu “view,” gây hiểu nhầm, trái với nội dung bài viết, giật tít phản cảm, thiếu chính xác, thiếu tính giáo dục... vẫn xảy ra[6].
Một số chủ thể truyền thông chính sách chưa đa dạng hóa các hình thức thông tin; chất lượng nội dung thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, chưa góp phần đáng kể nâng cao dân trí, hình thành và định hướng dư luận xã hội lành mạnh, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, chính trị và hành động của Nhân dân; chưa thường xuyên biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; chưa tích cực, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; chưa phát huy vai trò giám sát, phản biện của các chủ thể truyền thông chính sách, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội. Không ít chủ thể truyền thông chính sách chưa chủ động định hướng, cung cấp thông tin kịp thời để làm chủ thông tin, lấy thông tin tích cực, chính thống để đấu tranh chống lại các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, phản động trên mạng xã hội, internet. Chưa khuyến khích khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của thông tin điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet phù hợp với lợi ích công cộng. Chưa thường xuyên tuyên truyền tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; chưa làm tốt việc dự báo, định hướng phát triển xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam ổn định và phát triển, nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế còn hạn chế. Việc kết hợp đưa thông tin Việt Nam ra nước ngoài và thông tin chính thống từ thế giới vào Việt Nam chưa chặt chẽ, hiệu quả. Một số thông tin chưa có trọng tâm, trọng điểm về những chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản pháp luật, chính sách mới của Nhà nước. Chưa phát triển nhanh, mạnh, vững chắc với cơ cấu, quy mô hợp lý các loại hình thông tin theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển khoa học và công nghệ, thông tin, truyền thông thế giới, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của Nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngang tầm khả năng và trình độ phát triển thông tin của các nước trong khu vực và thế giới. Chưa kết hợp chặt chẽ các loại hình thông tin, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; một số thông tin chưa chính xác. Vẫn còn tình trạng thông tin thiếu cân đối, chưa đảm bảo sự đồng đều về phân bố và khoảng cách hưởng thụ thông tin của Nhân dân giữa các vùng, miền[7].
GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH TRONG BỐI CẢNH MỚI
Để phát huy vai trò của truyền thông chính sách trong bối cảnh mới cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ những giải pháp cụ thể sau đây:
Một là, bảo đảm kết cấu hạ tầng công nghệ, thông tin, truyền thông chính sách cho các chủ thể truyền thông chính sách và cơ sở truyền thông chính sách theo kịp xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời phù hợp với trình độ tiếp cận và sử dụng các thiết bị thông minh của công chúng. Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực ngành Truyền thông chính sách đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm đồng bộ hóa đội ngũ nhà báo Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhà quản lý truyền thông chính sách đủ bản lĩnh, nhân cách và năng lực tương ứng.
Hai là, xây dựng môi trường pháp lý cho truyền thông chính sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, bên cạnh báo chí chính thống còn rất nhiều “dòng chảy” thông tin khác, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội. Cần nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm tư vấn chính sách quản lý truyền thông chính sách trong môi trường truyền thông chính sách số một cách kịp thời và hiệu quả.
Ba là, phát triển kinh tế truyền thông chính sách dựa trên quy luật và thực trạng quan hệ cung - cầu và đặc thù công chúng truyền thông chính sách của quốc gia và địa phương để nghiên cứu, phân tích, dự đoán, sử dụng hệ thống mạng của các thành phần thông minh. Có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm cảm biến, nhận diện, giúp phân tích dữ liệu người dùng, tự động tạo và “nhảy ra” các pop-up quảng cáo phù hợp... giúp tối ưu hóa phân tích cạnh tranh, xây dựng chiến lược truyền thông chính sách tiếp thị tích hợp, quảng cáo sản phẩm truyền thông chính sách, “cá nhân hóa” sản phẩm truyền thông chính sách...
Bốn là, nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông chính sách hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Chủ thể truyền thông chính sách, cơ quan quản lý nhà nước và Ban Tuyên giáo các cấp cần nhận thức đúng về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tính tất yếu của sự đổi mới, có chiến lược nghiên cứu, thay đổi chính sách quản lý truyền thông chính sách trước thách thức của sự phát triển mạng xã hội, truyền thông chính sách xã hội, sự ra đời của nền báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu và báo chí sáng tạo, có chủ trương đổi mới ngay, không thể chờ đợi hay chậm trễ[8].
Năm là, truyền thông chính sách trong bối cảnh mới phải gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận; nâng cao chất lượng định hướng và hiệu quả quản lý mạng xã hội, củng cố thái độ kiên quyết, nâng tầm trình độ đấu tranh, phê phán của mỗi chủ thể, mỗi con người. Có chương trình giáo dục cơ bản nâng tầm cao trí tuệ, tư duy cho mỗi thế hệ để thực hiện chiến lược lâu dài, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao làm chủ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái trong chính trị, văn hóa[9].
Sáu là, quán triệt và vận dụng quan điểm Đại hội XII của Đảng về chủ trương củng cố, phát triển tính chủ động cho mỗi con người, mỗi tổ chức, đơn vị, từ Trung ương đến từng địa phương một cách tích cực, sát thực. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hướng đến mục đích, nội dung nhất quán là “bảo đảm được tính dân tộc, giữ gìn “bản sắc dân tộc” một cách vững chắc”; thường xuyên củng cố, kiên định mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thấm nhuần tinh thần dân tộc”[10]. Các chủ thể truyền thông chính sách phải tiếp nhận, chuyển hóa tinh thần dân tộc thành thái độ, động cơ, niềm tin, ý chí và hành vi ứng xử của mỗi con người Việt Nam một cách bền vững nhất. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để thống nhất về chuẩn mực giá trị làm tiêu chí đánh giá, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bảy là, quán triệt và vận dụng quan điểm Đại hội XIII của Đảng về chủ trương xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí[11].
Tám là, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc. Phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên. Chủ động hội nhập quốc tế và thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội[12]./.
[1]https://vietintravel.com/truyen-thong-la-gi-va-suc-manh-cua-truyen-thong-hien-nay/
[2]Trần Thị Thanh Thủy (2021). Vai trò và các yêu cầu đối với truyền thông chính sách, https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/01/05/vai-tro-va-cac-yeu-cau-doi-voi-truyen-thong-chinh-sach/, cập nhật ngày 05/01/2021.
[3]Hà Thị Thu Hương (2022). Thông điệp truyền thông chính sách qua một số nghiên cứu trên thế giới, https://nguoilambao.vn/thong-diep-truyen-thong-chinh-sach-qua-mot-so-nghien-cuu-tren-the-gioi-n54234.html, cập nhật ngày 18/02/2022
[4] Trần Thị Thanh Thủy (2021). Vai trò và các yêu cầu đối với truyền thông chính sách, https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/01/05/vai-tro-va-cac-yeu-cau-doi-voi-truyen-thong-chinh-sach/, cập nhật ngày 05/01/2021
[5] Nguyễn Đình Thành (2014). Ứng dụng truyền thông trong vận động chính sách, Bài trên trang của Thành: http://nguyendinhthanh
[6] Hoàng Hưng (2019). Một năm nhiều dấu ấn của Báo chí toàn quốc, truy cập từ https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/mot-nam-nhieu-dau-an-cua-bao-chi-toan-quoc
[7] Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 1497/QĐ-TTg, ngày 08/11/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030
[8] Đỗ Thị Thu Hằng, Trần Quang Diệu (2017). Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cách mạng công nghệ 4.0: Báo chí cần làm gì để không bị tụt hậu?, truy cập từ http://www.tapchicongsan.org.vn
[9]Nguyễn Văn Thanh (2018). Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của kỷ nguyên công nghiệp 4.0, truy cập từ http://tapchikhxh.vass.gov.vn
[10]Văn phòng Trung ương Đảng (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, tr. 126 - 127.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
[12] Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
PGS, TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo
Học viện Báo chí và Tuyên truyền