16/12/2024 lúc 09:34 (GMT+7)
Breaking News

Vai trò của phụ nữ gắn với những hoạt động phát triển kinh tế địa phương

Trong những năm qua, phụ nữ luôn thể hiện sự tự tin và sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả trong công tác quản lý. Bài viết này sẽ giới thiệu một trong những thể hiện như vậy với việc quản lý các mô hình hợp tác xã, phát triển sản xuất nông nghiệp và khởi nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội tại nhiều địa phương, mà phụ nữ có vai trò quan trọng.

Vừa qua, các học viên của khóa học bổng ngắn hạn “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo - Lần 6” do Chính phủ Australia tài trợ đã ứng dụng kiến thức từ khóa học trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, nâng cao năng lực quản lý và lãnh đạo cho cán bộ nữ tại các hợp tác xã ở các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Yên và Gia Lai. Nhiều nhà lãnh đạo nữ địa phương đã tích cực nâng cao năng lực, bổ sung kiến thức về kỹ năng lãnh đạo và quản lý, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, khởi nghiệp và du lịch.

Kiến thức có được không chỉ tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng về vai trò của phụ nữ mà còn mở ra cơ hội mới cho sự phát triển, gia tăng vai trò điều hành của phụ nữ trong các chiến lược phát triển bền vững.

Xây dựng mô hình phát triển thương hiệu

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, công tác tại Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là người đã thực hiện việc kết nối các hợp tác xã (HTX) tại tỉnh Tuyên Quang với các chương trình hỗ trợ từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Nhờ sự kết nối này, chị em phụ nữ trong HTX đã có cơ hội tiếp cận với các nội dung về quản trị hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng và triển khai phương án sản xuất kinh doanh, phát triển liên kết chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại sản phẩm của HTX và bảo vệ môi trường. Điều này giúp phụ nữ nông thôn phát huy vai trò nâng cao năng lực và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Từ đó, các giải pháp hỗ trợ đã được xác định, tập trung vào việc nâng cao năng lực cho phụ nữ trong vai trò quản lý, tăng cường khả năng nắm bắt thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.

Giới thiệu sản phẩm HTX qua phiên chợ đặc sản vùng miền

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, ngành chăn nuôi đã có sự phát triển đáng kể. Tuy nhiên, một số giống vật nuôi bản địa đã bị thoái hóa và có nguy cơ tuyệt chủng. Mặc dù đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Việc sử dụng giống vật nuôi lai tạp ngày càng tăng; giống vật nuôi đặc sản của địa phương cũng không còn nhiều, chất lượng con giống thuần chủng bị suy giảm do hiện tượng cận huyết ngày càng tăng, dẫn đến năng suất thấp và chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Mặc dù tỉnh Hưng Yên đã chú trọng nâng cao chất lượng giống vật nuôi thông qua việc cải tiến giống tại địa phương, nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Một số giống vật nuôi, đặc biệt là giống gia cầm và lợn, đã được cải tiến với sự hỗ trợ của công nghệ chọn giống tiên tiến. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về kỹ thuật chăn nuôi và quản lý giống vẫn là một thách thức lớn. Ngoài ra, việc phát triển thương hiệu cho các giống vật nuôi đặc sản của tỉnh Hưng Yên chưa được quan tâm đúng mức; các sản phẩm chăn nuôi của địa phương vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ với thị trường, thiếu sự nhận diện và quảng bá mạnh mẽ, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Những vấn đề nêu trên đã và đang được giải quyết một phần thông qua dự án "Hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi năng suất cao mang thương hiệu Việt Nam", do TS. Trương Thu Loan, cán bộ Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ, tổ chức ứng dụng tại tỉnh Hưng Yên. Dự án góp phần nâng cao chất lượng giống vật nuôi, thúc đẩy kinh tế địa phương và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Các hoạt động chính của dự án gồm: đào tạo, chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

TS.Trương Thu Loan cùng với chuyên gia Hoàng Thị Thu Hiền và cựu thành viên từ Khóa hành trình 5 khảo sát thực tế cơ sở tại tỉnh Hưng Yên

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Hưng Yên đã tổ chức tập huấn cho người chăn nuôi về mô hình sản xuất giống vật nuôi đạt chuẩn VietGAP và an toàn sinh học, góp phần nâng cao chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi. Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đang phối hợp tích cực để phát triển giống vật nuôi năng suất cao, đạt chuẩn chất lượng, hướng tới xây dựng thương hiệu chăn nuôi của tỉnh.

Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch địa phương

Hiện nay, xu hướng tổ chức cho khách du lịch tham quan các danh lam, thắng cảnh gắn với tìm hiểu các nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của các vùng miền nhằm giúp khách du lịch tham gia trải nghiệm các hoạt động tại địa phương, đang được phát triển nhiều.

Sở hữu nhiều tiềm năng du lịch với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét văn hóa đặc sắc và giá trị truyền thống quý báu của cộng đồng người Jrai, cùng các sản phẩm nông sản phong phú, nhưng hạ tầng du lịch hiện nay của xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, còn hạn chế. Trong khi việc bảo tồn và phát huy các giá trị này không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà còn là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, tạo ra cơ hội để cộng đồng Jrai nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

“Với vai trò là công chức phối hợp với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam quản lý lĩnh vực phụ nữ khởi nghiệp theo quyết định của Thủ tướng, tôi mong muốn tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia làm kinh tế, thay đổi cuộc sống của bản thân và phát triển xã hội của địa phương” - Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Cán bộ Vụ Quan hệ Địa phương, Văn phòng Chính phủ, chia sẻ.

Bà Thủy cũng cho biết, bà và các thành viên đang xây dựng mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng nhằm giới thiệu không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, ẩm thực của người Jrai đến với du khách ở các vùng miền trong và ngoài nước. Mục tiêu là tăng cường tính liên kết, hỗ trợ các thành viên tạo việc làm cho hội viên khó khăn, người già, phụ nữ sau học nghề, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững tại địa phương. Du lịch cộng đồng phát triển còn giúp tạo động lực thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương – Bà Thủy nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy và các thành viên Tổ liên kết cùng bà con dân tộc Jrai tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong các chiến lược phát triển là một bước tiến quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Phụ nữ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý gia đình và tham gia lao động sản xuất mà còn có khả năng đóng góp hiệu quả vào quá trình hoạch định, lãnh đạo, và điều hành các hoạt động phát triển tại cộng đồng và quốc gia./.

Hà Hiền – Khắc Từ

...