12/01/2025 lúc 18:00 (GMT+7)
Breaking News

Vai trò của chuyển đổi số trong hoạt động du lịch

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến mọi ngành và lĩnh vực đời sống của xã hội. Ngành Du lịch không phải chịu sự tác động nhiều nhất và trực tiếp nhất nhưng cũng không nằm ngoài xu thế phát triển. Đặc biệt là khi đại dịch covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Sự dịch chuyển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ cũng như xu hướng tiêu dùng thay đổi bắt buộc ngành du lịch phải chuyển mình thích ứng với sự phát triển bùng nổ của internet.

Chuyển đổi số - Digital transformation - là khái niệm mới ra đời gần đây nhưng đã trở nên phổ biến trong cộng đồng các doanh nghiệp du lịch. Hoạt động du lịch được xây dựng trên nền tảng của công nghệ số hóa và hệ thống công nghệ thông tin phát triển cụ thể là đường truyền internet. Nhờ đó, giúp cho sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách, đồng thời giúp cho hoạt động của doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn. Các hình thức kinh doanh truyền thống đang dần dần được thay thế bởi các hình thức mới bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IOT). Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch đã trở thành một yêu cầu cấp thiết. Theo đó, các doanh nghiệp buộc phải số hóa các sản phẩm, dịch vụ theo hướng tối đa hóa trải nghiệm của khách du lịch. Giờ đây, chỉ với một chiếc smartphone, du khách dễ dàng thiết kế chương trình tour cho bản thân và gia đình. Việc đặt, hủy hoặc thay đổi một phần hay toàn bộ chương trình tour chưa bao giờ dễ dàng hơn thế.

Ứng dụng trí thông minh nhân tạo - Chatbot hiện đang được các doanh nghiệp du lịch khai thác để phục vụ hoạt động kinh doanh đã góp phần cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Ứng dụng cho phép con người tương tác, giao tiếp với một trí thông minh nhân tạo được thiết lập sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của khách hàng từ sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp cho đến các vấn đề thời tiết, giao thông, các tiện ích khác tại điểm đến như hệ thống cửa hàng, dịch vụ ngân hàng (cây ATM)… Ưu điểm của trí thông minh nhân tạo là trong quá trình hoạt động giao tiếp AI sẽ thu thập các thông tin của khách hàng về nhu cầu, sở thích, thói quen tiêu dùng… Từ đó, doanh nghiệp sử dụng dữ liệu để cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm cũng như tối ưu hóa được qui trình phục vụ.

Nhiều ứng dụng chuyển đổi số đã được ngành du lịch sử dụng như công nghệ thực tế ảo, kết nối IOT để chuẩn hóa qui trình và gia tăng các hiệu suất hoạt động. Mới đây, Chat GPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một trợ lý trò chuyện AI được phát triển bởi OpenAI ra đời đem đến cho người dùng một công cụ tìm kiếm thông tin, giải đáp câu hỏi và hỗ trợ công việc một cách nhanh chóng và chính xác.

Các doanh nghiệp du lịch lớn đã nhanh chóng ứng dụng Chat GPT điển hình như Vietravel đã ngay lập tức đăng tải hướng dẫn khách hàng cách sử dụng công cụ trí thông minh nhân tạo để có được chuyến du lịch như ý.

Vừa qua, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) chính thức ra mắt phiên bản mới tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số trong ngành Du lịch “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động” gồm các giải pháp tổng thể và bước đi cụ thể để triển khai chuyển đổi số. Tài liệu này sẽ là khung hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ trong ngành du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành.

Ngày 24/02/2023 Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 405/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2023. Kế hoạch đuợc ban hành nhằm tiếp tục thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bám sát định hướng chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, tập trung thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tăng cường sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số, duy trì các hoạt động chuyển đổi số đã có và nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cùng với đó, Kế hoạch còn nhằm triển khai hiệu quả, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong năm 2023.

Kế hoạch đề ra 09 nhiệm vụ cụ thể gồm: (1) Nhận thức số; (2) Thể chế số; (3) Hạ tầng số; (4) Dữ liệu; (5) Nền tàng số; (6) Nhân lực số; (7) An toàn thông tin mạng; (8) Chính phủ số; (9) Kinh tế số) và 03 giải pháp: (1) Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; (2) Nghiên cứu, hợp tác để ứng dụng hiệu quả các công nghệ; (3) Thu hút nguồn lực CNTT.

Khánh Vân

...