VNHNO - Việc Ủy ban châu Âu (EC) thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) ngay trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12), nơi quy tụ sự tham dự của nguyên thủ 53 quốc gia châu Á và châu Âu là một thông điệp mới, mạnh mẽ và là hành động cụ thể khẳng định với cộng đồng quốc tế về nỗ lực đẩy mạnh kết nối, hợp tác liên khu vực giữa châu Âu và châu Á.
Vào lúc 12h trưa ngày 17/10, EC đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn (đầu năm 2019).
Ngay chiều ngày 17/10, EC đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này vào thực thi trong thời gian sớm nhất.
Ảnh minh họa
Đây là kết quả của cả quá trình phối hợp tích cực những nỗ lực về chính trị, đối ngoại, đàm phán, hợp tác… của cả hai bên, là tin vui cho toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU.
Trong thông báo của EU nêu ý kiến của Chủ tịch EC Jean Claude Junker nhấn mạnh Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam là ví dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU, mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân châu Âu và Việt Nam.
Chủ tịch EC nêu rõ việc trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu ngay trước thềm ASEM 12 là sự khẳng định cam kết của EU mở cửa thương mại với châu Á và đề nghị EP cũng như các nước thành viên thực hiện các bước cần thiết để Hiệp định này nhanh chóng có hiệu lực.
Cao ủy Thương mại EC, bà Cecilia Malstrom nhấn mạnh Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và một thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu, bày tỏ tin tưởng EP và các nước thành viên EU sẽ nhanh chóng thông qua Hiệp định này để cho phép doanh nghiệp và người dân hai bên có thể sớm hưởng lợi những lợi ích từ EVFTA.
Chủ tịch EP Antonio Tajani đặc biệt vui mừng khi EC thông qua việc trình EVFTA lên EP và nhấn mạnh EP sẽ nỗ lực để hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) ngay trong đầu năm 2019, khẳng định đây là lợi ích quan trọng của cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại châu Âu và châu Á.
Thỏa thuận thương mại mới giữa Việt Nam và EU sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, dù một số sẽ theo thời gian và lộ trình cụ thể, và một số sẽ bị giới hạn về hạn ngạch. Ví dụ, Việt Nam sẽ miễn thuế (hiện đang là 78%) đối với xe ô tô nhập khẩu từ EU trong 10 năm tới, miễn thuế (hiện là 50%) đối với rượu vang trong 7 năm. Các công ty EU cũng sẽ có thể được đấu thầu các hợp đồng công của Việt Nam. Việt Nam cam kết bảo vệ 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU, như rượu sâm panh hoặc pho mát Parmigiano Reggiano.
Ngược lại, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm đối với một số sản phẩm của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép.
Thỏa thuận trên cũng sẽ bao gồm một chương về phát triển bền vững, như thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về quyền của người lao động và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.