17/11/2024 lúc 05:31 (GMT+7)
Breaking News

Ứng xử đúng để phát huy tiềm năng khoa học

VNHN - Nước ta đang phấn đấu để trở thành một nước công nghiệp. Thời gian không còn nhiều cho mục tiêu đầy hứng khởi này. Đi theo kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phải xây dựng một nền kinh tế tri thức tương xứng. Điều đó đòi hỏi, cùng với những lĩnh vực phát triển khác, phải làm sao để có thể phát huy cao nhất những tiềm năng, tài năng, khả năng về khoa học và công nghệ,

VNHN - Nước ta đang phấn đấu để trở thành một nước công nghiệp. Thời gian không còn nhiều cho mục tiêu đầy hứng khởi này. Đi theo kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phải xây dựng một nền kinh tế tri thức tương xứng. Điều đó đòi hỏi, cùng với những lĩnh vực phát triển khác, phải làm sao để có thể phát huy cao nhất những tiềm năng, tài năng, khả năng về khoa học và công nghệ, bất kể tài năng và khả năng đó của tập thể hay cá nhân, “trong kế hoạch” hay tự phát, miễn là mang động cơ và mục đích phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển quê hương đất nước…

Công bằng mà nói, người Việt Nam ta không hề kém cỏi, không thiếu trí thông minh, sức sáng tạo, đất nước không phải không có những nhà khoa học giỏi. Nhưng cũng công bằng mà xem xét, khoa học công nghệ nước ta, sự phát triển của đất nước về nhiều mặt  đang ở vào tầng nấc thấp trong khu vực, càng thấp nếu so với thế giới. Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ.

Một trong những vấn đề mà lâu nay dư luận (kể cả các nhà khoa học) thường nhắc tới khi nói về những hạn chế trong phát triển KH&CN của nước ta, đó là cách ứng xử với KH&CN và với chủ thể của hoạt động đó.  Thời đại của khoa học - công nghệ mà vẫn còn nhiều câu chuyện trở nên khó hiểu, thậm chí là…khó chịu trong lĩnh vực vốn đòi hỏi tính “tự do và độc lập” rất cao này.  Việc ông Nguyễn Quốc Hòa, kỹ sư cơ khí kiêm doanh nhân ở Thái Bình có thể là một trường hợp: Ông đã lao tâm khổ tứ để chế tạo ra chiếc tàu ngầm mini và đã đạt được thành công bước đầu. Không chậm trễ, báo chí nước ngoài đã nhanh chóng đưa tin, dư luận trong nước cũng cảm thấy phấn khởi, hy vọng… Trong khi đó các cơ quan chức năng ở trong nước lại không “mặn mà” với sự việc đáng vui đó và còn cấm không cho ông Hòa đưa tàu ngầm ra biển để thử nghiệm mặc dù ông Hòa không yêu cầu bất cứ một sự “chịu trách nhiệm” nào của cơ quan chức năng. Lý do được đưa ra là do chưa có luật nào điều chỉnh loại phương tiện này…

Anh Nguyễn Văn Thắng (Long Biên - Hà Nội) vốn là một người thợ ham mê tìm tòi, nghiên cứu đến mức anh đã thiết kế và chế tạo cả một chiếc trực thăng cỡ nhỏ. Việc mấy lần thử nghiệm chưa thành công, máy bay bị gãy cánh khi thử nghiệm có lẽ cũng là chuyện thường gặp trong nghiên cứu khoa học, trong chế tạo máy móc thiết bị (huống hồ lại là công trình lớn và không ít phức tạp đối với một người thợ bình thường). Tất nhiên thất bại là điều không ai muốn. Nhưng, đã có quyết tâm mà được động viên khích lệ, được đầu tư giúp đỡ thì cơ hội thành công sẽ lớn hơn. Đáng tiếc trong trường hợp này, không những không có được điều đó, người sáng chế còn phải chịu áp lực ngược chiều từ cơ quan chức năng khi bị lập biên bản và cấm không cho tiếp tục chế tạo và thử nghiệm…

Như vậy, niềm đam mê và sự sáng tạo còn đâu chỗ đứng để tiếp tục phát triển?  Người nông dân ở An Giang chế tạo thành công máy phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa giúp an toàn cho người sử dụng; ông Lê Văn Đáo ở thôn Hương Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, suốt 30 năm trời tự mình mày mò nghiên cứu để chế ra loại thuốc trừ sâu bằng các loại thảo dược mà khi sử dụng không gây độc hại cho con người (để chứng minh sự vô hại, ông đã tự mình nếm thuốc đó) và cũng đã qua 10 năm ông Đáo áp dụng loại thuốc do mình tự chế để diệt trừ sâu trên thửa ruộng của nhà mình cho kết quả tốt.

Một người thợ khác trên đất Quảng Bình bỏ bao công sức, trí tuệ làm được chiếc xe lật gắn ben 180 độ, được nhiều nhà thầu xây dựng đánh giá cao khi dùng thử, nhưng cũng vẫn chỉ là “đơn thương độc mã”. Và, còn rất nhiều những con người đam mê và sáng tạo như vậy... Điều đáng nói là gần như tất cả, họ không  nhận được sự động viên, hỗ trợ của các cơ quan chức năng nếu không muốn nói là có trường hợp còn gây khó - chỉ riêng điều này cũng đủ thấy vẫn đang tồn tại những “vô cảm” đáng sợ đối với sự phát triển về KH&CN cũng như sự trân trọng chất xám của con người (điều này hiếm khi xảy ra ở nước ngoài). Hầu hết những sáng tạo khoa học kỹ thuật như thế chỉ ồn ào trong một thời gian ngắn rồi tắt lịm, không có cơ hội để tiếp tục phát triển, nâng cao, lan tỏa.

Vì sao lại như vậy? Có người bảo rằng vì đó là những trường hợp ở nước ta “chưa có tiền lệ”. Sáng tạo khoa học, cải tiến kỹ thuật mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho sự phát triển chung mà lại phải “có tiền lệ” mới được làm? Đó là sự bảo thủ phản khoa học. Bởi thông thường khoa học phát triển chính là từ những thứ “không có tiền lệ” như thế. Ngược lại, nếu chờ “tiền lệ” thì sẽ mãi mãi không thể có sản phẩm mới, công nghệ mới.  Cho nên mới có sự so sánh rất không muốn này: Trong khi ngành công nghiệp sáng tạo ở các nước trên thế giới đóng góp cho GDP đều trên dưới 10% thì ở nước ta hầu như chưa có gì, chủ yếu vẫn là nhập khẩu dây chuyền công nghệ từ nước ngoài - như thế không buồn sao được. Phải chăng cũng vì không có được sự khuyến khích thực sự cho phát triển khoa học công nghệ nên từ cái tăm, hạt muối đến cái kim, sợi chỉ Việt Nam đều nhập khẩu? Nói điều này ra quả thực cũng thấy xấu hổ.

Người Việt Nam ta vốn thông minh, ham học, chịu khó. Vấn đề ở đây không phải là Nhà nước không xác định rõ vai trò của KH&CN và thiếu quan tâm đến những chính sách cho lĩnh vực này. Thực sự trong những năm qua, nhiều chính sách, pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN. Chỉ trong vài năm gần đây, hàng trăm văn bản liên quan đã được ban hành, không ít giải pháp đã được đưa ra… Có thể nói, ở tầm vĩ mô, chủ trương, chính sách cho phát triển khoa học và công nghệ của nước ta đã thể hiện được sự quan tâm và quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị trí của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của đất nước (cùng với Giáo dục, KHCN là Quốc sách hàng đầu). Song, kết quả và hiệu quả của chính sách này trong thực tế vẫn chưa được thể hiện đúng mức như chúng ta mong muốn. Trong thực hiện chính sách, để thành công,  “chủ trương 1 thì biện pháp phải 10” - Vậy phải chăng những biện pháp thiết thực, cụ thể để đưa những chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN vào cuộc sống còn quá thiếu? Hay, thời gian chưa đủ để phát huy tác dụng của những cơ chế, chính sách mới về phát triển KH&CN? Hay còn những bất cập nào khác?

Thực tế luôn là thước đo của những chủ trương, chính sách mới. Cách ứng xử với những đam mê nghiên cứu khoa học, với những sáng chế công nghệ mới, với những sáng kiến cải tiến về kỹ thuật sẽ là chìa khóa đưa đất nước ta đến nhanh với mục tiêu đặt ra là trở thành một nước công nghiệp.