20/04/2024 lúc 12:11 (GMT+7)
Breaking News

Tuyển sinh năm 2023: Trường đại học top đầu nào tăng chỉ tiêu

Tính đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố chỉ tiêu cũng như phương án tuyển sinh dự kiến trong năm 2023. Trong đó, có trường tăng đến cả 1.000 chỉ tiêu.

Trường Đại học Ngoại Thương có tổng chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của Trường Đại học Ngoại thương là 4.100 sinh viên cho cả trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc, tăng 110 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Trường giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2022. Điểm khác biệt đó là nhà trường sẽ bắt đầu tuyển sinh một số ngành mới là Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại trụ sở chính Hà Nội.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 50 ngành/chương trình đào tạo ở mùa tuyển sinh 2023, tăng 380 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Trong đó, các ngành/chương trình đào tạo dự kiến mở mới gồm: Năng lượng tái tạo; Kỹ thuật sản xuất thông minh; Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh; Ngôn ngữ học. Nhà trường giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy.

Theo phương án tuyển sinh, trường Đại học Mở Hà Nội tuyển 3.800 sinh viên, tăng hơn 500 so với năm ngoái.

Năm nay, các ngành xét tuyển kết quả bài thi đánh giá tư duy 2023 gồm: Thương mại điện tử, Luật Kinh tế, Công nghệ thông tin (với bốn chuyên ngành Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Công nghệ đa phương tiện, Mạng và an toàn hệ thống).

Bên cạnh đó, trường cũng sử dụng phương thức xét học bạ; xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, kết hợp điểm học bạ hoặc thi tốt nghiệp với điểm năng khiếu.

Các ngành yêu cầu môn năng khiếu (Hình hoạ, Vẽ mỹ thuật, Bố cục màu) gồm Thiết kế công nghiệp, Kiến trúc. Thí sinh có thể tham gia kỳ thi năng khiếu do trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức, hoặc thi tại trường khác, sau đó nộp phiếu điểm. Hạn đăng ký thi năng khiếu là 15/3.

Năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển 5.860 sinh viên (tăng 30 chỉ tiêu so với năm ngoái) vào 43 ngành học, tăng điểm nhận hồ sơ xét học bạ từ 20 lên 21.

Bốn phương thức xét tuyển được giữ ổn định. Ở phương thức xét học bạ THPT, trường xét tuyển những thí sinh đạt 21-23 điểm ở tổ hợp ba môn theo kết quả lớp 11 hoặc 12, thay vì từ 20 điểm trở lên như năm ngoái. Riêng nhóm ngành Sư phạm Công nghệ, thí sinh phải đạt học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.

Phương thức thứ hai là xét tuyển kết hợp, áp dụng với ba nhóm thí sinh: đạt loại khá năm lớp 11 hoặc 12, IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương; xét học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo 2023.

Trong đó, nếu thuộc hai nhóm sau, thí sinh tham gia xét tuyển phải đạt 21-23 điểm (với tổng ba môn theo học bạ) và 18-20 điểm (theo điểm thi tốt nghiệp THPT); điểm quy đổi kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo 2023 tối đa là 2 điểm.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến mở thêm bốn ngành, chỉ tiêu tăng từ 3.820 lên 4.280.

Năm 2023, trường có bốn ngành mới gồm: ngành Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao).

Bốn phương thức tuyển sinh được giữ ổn định, nhưng thay đổi tỷ lệ chỉ tiêu. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến dành 55% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp, 15% chỉ tiêu từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Còn lại, trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển theo đề án riêng và theo quy định của Bộ GD&ĐT. So với năm 2022, chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp giảm 10%.

Với phương thức xét tuyển theo đề án riêng, thí sinh nộp hồ sơ phải thuộc một trong bốn nhóm điều kiện.

Nhóm một là những thí sinh đạt điểm SAT từ 1130/1600, điểm ACT từ 25/36 ACT trở lên.

Nhóm thứ hai là thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5, TOEFL iBT 65, TOEFL 513 trở lên.

Nhóm thứ ba là học sinh giành giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh môn Toán, Lý, Hóa, Tin. Cả ba nhóm này đều phải có điểm trung bình ba năm bậc THPT hoặc kỳ I lớp 12 tối thiểu 7,5, hạnh kiểm từ khá trở lên.

Nhóm bốn là những học sinh chuyên Toán, Lý, Hóa, Tin của các trường chuyên, có điểm trung bình ba năm hoặc kỳ I lớp 12 từ 8 trở lên, hạnh kiểm tối thiểu khá.

Với phương thức sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, thí sinh được tham gia xét tuyển nếu đạt ít nhất 80 điểm bài thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, 700 điểm bài thi của Đại học Quốc gia TP HCM hoặc 60 điểm bài thi của Đại học Bách khoa Hà Nội. Điểm xét tuyển sẽ được quy đổi về thang 30 cộng với điểm ưu tiên.

Tương tự, năm 2023, Trường Đại học Thuỷ lợi dự kiến tuyển sinh tổng 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022. Trường mở thêm 2 ngành dự kiến là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh có tổng chỉ tiêu dự kiến là 6.610, tăng 1.310 chỉ tiêu so với năm 2022.

Trường dự kiến thực hiện đồng thời 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023; Xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy.

Mùa tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh 5 chương trình mới gắn liền với kỷ nguyên số gồm: Công nghệ tài chính, Công nghệ Marketing, Kinh doanh số, Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo, Kỹ sư Công nghệ Logistic. Ngoài ra, trường cũng tuyển sinh 1 chương trình song bằng mới về Kinh tế chính trị - Luật và quản trị địa phương.

Tổng chỉ tiêu năm 2023 là 7.650 chỉ tiêu tại cơ sở TP. Hồ Chí Minh và 600 chỉ tiêu tại Phân hiệu Vĩnh Long, tăng hơn 1.000 chỉ tiêu so với năm ngoái.

PV