23/12/2024 lúc 09:19 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình và con đường tổng quát phát triển Việt Nam

Mang trong mình ý chí, khát vọng tìm con đường giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm đến, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, từng bước định hình con đường cách mạng của dân tộc, trong đó có quan điểm về mô hình và con đường phát triển của Việt Nam.

Bài viết trình bày khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình và con đường tổng quát phát triển Việt Nam - cơ sở lý luận quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa

1. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - mô hình tổng quát phát triển Việt Nam

Có thể khái quát nội dung cơ bản nhất của mô hình phát triển Việt Nam do Hồ Chí Minh khởi xướng là độc lập dân tộc và CNXH. Nghiên cứu toàn bộ di sản của Người có thể thấy: con đường cách mạng của Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người nói rõ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Khi nói chuyên với các nhà báo, Hồ Chí Minh chia sẻ: cả đời Người “chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(2).

Theo Hồ Chí Minh, trước hết phải làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành được độc lập, tiếp đó là xây dựng CNXH; nước có độc lập thì dân phải được hưởng tự do, hạnh phúc, vì tự do, hạnh phúc là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Muốn có tự do, hạnh phúc thì độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH. Người nhấn mạnh: chỉ có trong chế độ XHCN thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình, chăm lo cho con người và con người có điều kiện phát triển toàn diện. Khi Hồ Chí Minh xác định giành độc lập theo con đường cách mạng vô sản tức là đã khẳng định độc lập dân tộc đi tới CNXH.

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, CNXH không phải là mong muốn chủ quan, không tưởng, mà là sự vận động lịch sử tất yếu, hiện thực, xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ đặc điểm Việt Nam và xu thế của thời đại.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam để đạt được mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên suốt đường lối và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Người cho rằng, CNXH là chế độ xã hội làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, ai cũng có việc làm, được tự do, ấm no và hạnh phúc; giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít, ai không làm không hưởng.

Tự do, hạnh phúc - theo quan điểm Hồ Chí Minh - là người dân được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ CNXH đem lại. Đời sống vật chất là, trên cơ sở một nền kinh tế phát triển dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người dân từ chỗ có ăn, có mặc, có chỗ ở đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc; người đủ ăn thì vươn lên khá giàu; người khá giàu thì giàu thêm. CNXH là cùng với việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất, phải không ngừng nâng cao đời sống tinh thần. Trong điều kiện nước ta, nhiều khi đời sống tinh thần, văn hóa phải đi trước. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo L’Humanité về nhân tố nào biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến, Hồ Chí Minh trả lời: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa. Chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm nhân dân chúng tôi trong vòng ngu muội để chúng dễ áp bức. Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”(3). Từ rất sớm, ngay khi còn phải tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã nhìn thấu ý nghĩa và sức mạnh của văn hóa, của đời sống tinh thần. Người cho rằng, con người cần có đời sống văn hóa tinh thần, vì đó là lẽ sinh tồn và mục đích cuộc sống.

Trong đời sống tinh thần, yếu tố quan trọng hàng đầu là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi vì, CNXH là do quần chúng nhân dân tự xây dựng lấy, là công trình tập thể của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trong điều kiện đó, chỉ có phát huy quyền làm chủ của nhân dân mới có sáng kiến và động lực. Hồ Chí Minh khẳng định “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”(4). Đảng cầm quyền, Nhà nước quản lý, nhưng nhân dân là chủ và để nhân dân làm chủ. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là giá trị lớn nhất mà cách mạng do Đảng lãnh đạo đem lại cho người dân. Vì vậy, dân chủ trong chế độ dân chủ nhân dân đến chế độ XHCN vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng.

Xã hội XHCN là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột, đem lại cho con người tự do, hạnh phúc thật sự. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống. Văn hóa nói chung, văn hóa trong CNXH nói riêng, không dừng lại ở trình độ học vấn, ở bề nổi, mà đó là “chất người”, “trình độ người” trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên. Văn hóa là lối sống, là quyền con người, là cái chân, thiện, mỹ giữa người với người. Thống nhất với cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh rất chú trọng phát triển sản xuất, chú trọng kinh tế, coi đó là nhân tố quyết định thắng lợi của CNXH. Nhưng, điều đặc biệt trong tư tưởng của Người là chú trọng tiếp cận chủ CNXH về phương diện đạo đức. Con người có hạnh phúc trong chế độ XHCN phải là những con người được giáo dục và có đạo đức. Chế độ XHCN mang lại hạnh phúc cho con người phải là chế độ xa lạ với chủ nghĩa cá nhân, với những gì phản văn hóa và đạo đức. Hồ Chí Minh chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, là trở lực trên con đường xây dựng CNXH. Vì vậy, thắng lợi của CNXH không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

2. Con đường thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Theo Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam phải trải qua các giai đoạn cách mạng gắn bó mật thiết với nhau: giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc và giai đoạn xây dựng CNXH. Nhìn một cách tổng quát, có thể hiểu mô hình phát triển xã hội Việt Nam theo quan điểm của Hồ Chí Minh là: Tổ quốc bị đô hộ thì phải đấu tranh giải phóng dân tộc; không giành được độc lập dân tộc sẽ không có gì hết; nhưng, nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Như vậy, thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa Tổ quốc được giải phóng và nhân dân được tự do, hạnh phúc; giữa độc lập dân tộc và CNXH.

Xuất phát từ một người dân thuộc địa, Hồ Chí Minh đã nhận rõ mâu thuẫn đối kháng giữa thực dân đế quốc và dân tộc thuộc địa; còn ách nô lệ, còn áp bức dân tộc thì không thể nói tới phát triển. Nói cách khác, giành cho được độc lập là tiền đề, điều kiện tiên quyết cho sự phát triển dân tộc.

Có độc lập dân tộc rồi thì phải đi lên CNXH mới thực hiện được mục tiêu phát triển, mới làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng, nhận thức thế nào về triết lý phát triển Việt Nam khi bàn về CNXH?

Phát triển là một quá trình từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và không bao giờ là một con đường thẳng tắp, bằng phẳng cho mọi dân tộc, trong mọi thời đại. Lịch sử loài người là một quá trình lịch sử - tự nhiên, vì vậy phát triển không bao giờ là sự phát triển theo ý muốn chủ quan duy ý chí của con người, mà phát triển dựa trên năng lực nhận thức, tôn trọng và hành động theo các quy luật khách quan của con người. Phát triển, bao giờ cũng phải xuất phát từ thực tế. Phát triển từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh, nhưng không có nghĩa là chỉ theo một đường thẳng, ngược lại bao hàm trong đó một số giai đoạn phát triển có cả đường cong, đường dích dắc; vừa liên tục, vừa đứt đoạn; vừa tuần tự, vừa có bước nhảy vọt; vừa có tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù. Đó là một quá trình tích lũy và chuyển hóa không ngừng giữa lượng và chất, thông qua sự đấu tranh giữa các mặt đối lập theo con đường phủ định của phủ định.

Trong quá trình phát triển xã hội, cần nhận thức đúng đắn, phân biệt giữa phương tiện, những nấc thang và tiêu chuẩn của sự phát triển. Không thể phủ nhận vai trò của lực lượng sản xuất. Bởi vì, “do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình... Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản đại công nghiệp”(5); “những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”(6). Sản xuất bằng cách nào là xét về mặt lực lượng sản xuất, gắn rất chặt với toàn bộ sự phát triển xã hội. Nhưng, đó là cơ sở khách quan, khoa học đánh giá sự phát triển của từng giai đoạn lịch sử. Cũng như vậy, yếu tố con người - lực lượng sản xuất quan trọng nhất, năng suất lao động đều liên quan đến sự phát triển xã hội, nhưng đó chưa phải là tiêu chuẩn của sự phát triển. Phải chăng, khoa học công nghệ, quan hệ sản xuất, trình độ quản lý, kể cả luật pháp, là tiêu chuẩn, mục đích của phát triển? Phải coi đó là những nấc thang của sự phát triển và tiến đến mục đích của sự phát triển. Rốt cuộc, chất lượng dân sinh, hạnh phúc mới là tiêu chuẩn của sự phát triển. C.Mác viết: “Trong thời đại chúng ta, mọi sự vật đều tựa hồ như bao hàm mặt đối lập của nó... những máy móc có sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới, ... dường như do một sức mạnh thần kỳ nào đó, lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ. Những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá là sự suy đồi về mặt tinh thần... Tất cả những phát minh của chúng ta và tất cả sự tiến bộ của chúng ta tựa hồ như đang dẫn tới chỗ là những lực lượng vật chất thì được ban cho một đời sống tinh thần, còn đời sống của con người vốn đã bị tước mất cái mặt tinh thần rồi thì nay lại bị hạ thấp xuống trình độ những lực lượng vật chất đơn thuần”(7). Như vậy, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, gắn với nó là năng suất lao động là những nấc thang của sự phát triển. Sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, trước hết và quan trọng nhất phải đạt được “phát triển sự phong phú của bản chất con người, coi như là một mục đích tự thân”(8).

Trên cơ sở kế thừa và phát triển sáng tạo những quan điểm của các nhà kinh điển Mác - Lênin, Hồ Chí Minh quan niệm CNXH vừa là phương tiện, nấc thang, vừa là mục tiêu của sự phát triển, trong đó điều quan trọng nhất: CNXH là mục tiêu của toàn bộ tiến trình cách mạng. Hồ Chí Minh rất quan tâm tới khoa học công nghệ, tăng trưởng kinh tế, sự giàu có, quản lý nhà nước, năng suất lao động..., nhưng tất cả những điều đó chỉ là phương tiện và nấc thang cho chất lượng dân sinh và hạnh phúc của con người - mục tiêu cao nhất của sự phát triển.

Cần nhìn nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH như là mục tiêu phát triển xã hội Việt Nam ở ba phương diện: phương diện vật chất - kinh tế; phương diện chính trị; phương diện văn hóa - xã hội. Trên thực tế, đi tới CNXH là một quá trình lâu dài, trải qua một một thời kỳ quá độ với nhiều bước trung gian quá độ. Cách mạng XHCN chứa đựng nhiều cuộc cách mạng, phản ánh các mặt của đời sống tư tưởng, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vì vậy, quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam cũng cần đạt được mục tiêu trong các lĩnh vực đó.

Trong lĩnh vực chính trị, đó là chế độ chính trị dân chủ, nhân dân là chủ và làm chủ. Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra; Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; mọi công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan nhà nước, có quyền kiểm soát đối với đại biểu của mình; v.v.. Chế độ chính trị do nhân dân làm chủ thì người dân phải có nghĩa vụ đối với Nhà nước. Người chủ thì phải chăm lo việc nước như việc nhà, tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ. Là người chủ, nên mọi người phải có nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng và chấp hành pháp luật; tôn trọng và bảo vệ của công; có nghĩa vụ học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt; v.v..

Chế độ chính trị do nhân dân làm chủ vừa là mục tiêu của CNXH, vừa là động lực của sự phát triển. Dân chủ và thực hành dân chủ thật sự, rộng rãi là cái chìa khóa vạn năng thúc đẩy xã hội tiến bộ và phát triển. Hồ Chí Minh cho rằng, để một xã hội phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững phải có sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Nhưng, nhân tố có ý nghĩa quyết định là con người. Bởi vì, như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, mọi việc đều do người làm ra; mọi sự thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, để hiện thực mô hình phát triển Việt Nam, Hồ Chí Minh hết sức chú trọng nhân tố con người, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó chính là động lực của sự phát triển.

Trong lĩnh vực kinh tế, chế độ chính trị XHCN phải dựa trên nền kinh tế phát triển cao, với lực lượng sản xuất hiện đại, công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến... Trên cơ sở kinh tế XHCN ngày càng phát triển, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Cùng với phát triển lực lượng sản xuất, Hồ Chí Minh cũng quan tâm đến chế độ sở hữu. Theo Người, trong thời kỳ quá độ tồn tại bốn hình thức sở hữu chính: “- Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân.  - Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động. - Sở hữu của người lao động riêng lẻ. - Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”(9).

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Cách mạng tư tưởng - văn hóa là một cuộc cách mạng trong cách mạng XHCN. Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng và phát triển nền văn hóa mới với đầy đủ các yếu tố về tri thức, tâm lý, luân lý, lối sống... Nền văn hóa đó phải dựa trên nền tảng kinh tế, nhưng đồng thời lại tác động tích cực trở lại kinh tế. Không những thế, tiếp cận theo quan điểm phát triển, văn hóa có sứ mệnh to lớn, “soi đường cho quốc dân đi”. Theo Hồ Chí Minh, văn hóa phải để lên hàng đầu để biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến, văn minh. Ở đây, vai trò của văn hóa được đặt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, mà hàng đầu là nhanh chóng đào tạo cán bộ cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vì, muốn xây dựng CNXH, trước hết phải có con người XHCN; muốn có con người XHCN phải có tư tưởng XHCN. Người chỉ rõ, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Văn hóa phải làm cho mỗi người và mọi người hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình cùng với hạnh phúc chung của dân tộc. Văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.

Cùng với văn hóa, các chính sách xã hội cũng được Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Người quan tâm tới việc chăm lo hạnh phúc của đồng bào nói chung, trong đó đặc biệt lo toan cho người nghèo, “làm cho người nghèo thì đủ ăn và ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; quan tâm đến sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ, đến thiếu niên nhi đồng, thương binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình và người có công với cách mạng, đồng bào các dân tộc ít người, đồng bào tôn giáo.

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, CNXH là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người, trước hết khỏi sự bất công. Vì vậy, Người rất quan tâm tới quyền con người, đạo đức, lối sống, tâm hồn, nhân cách. Nền văn hóa trong xã hội XHCN phải lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Vì vậy, văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ; làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do.

Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, trong đó yếu tố hàng đầu là tính chất dân tộc. Dân tộc phải có ý thức độc lập, tự cường và mỗi người phải biết hy sinh mình làm lợi cho xã hội thì mới xứng đáng hưởng độc lập, tự do. Về mặt chính trị, nền văn hóa Việt Nam đề cao dân quyền, về mặt xã hội là quan tâm tới phúc lợi của nhân dân. Đó chính là nội dung mới của nền văn hóa và vì vậy nền văn hóa đó đậm tính nhân văn, tính dân tộc.

Cốt lõi và hạt nhân của văn hóa là con người. Con người là chủ thể, là sản phẩm của văn hóa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Bản chất của mô hình xã hội mới là phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Đó phải là những con người có lòng yêu nước, có đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần và năng lực làm chủ, có kiến thức khoa học kỹ thuật, nhạy bén với cái mới, có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần trách nhiệm vì nước, vì dân, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

__________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.187.

(2), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.171, 372.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.190-191.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.434.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.187.

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.269.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.10.

(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.26, phần II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.168.

PGS, TS DOÃN THỊ CHÍN

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

...