17/09/2024 lúc 02:22 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc – Một nhân tố quan trọng trong phát huy sức mạnh thời đại

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết với phong trào giải phóng dân tộc đối với cách mạng Việt Nam cho thấy giá trị và ý nghĩa của sự đoàn kết, góp phần tạo điều kiện giúp cho cách mạng Việt Nam mau đi tới thắng lợi. Đến nay, qua gần 40 năm đổi mới, kế thừa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, phát huy sức mạnh thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng bổ sung, phát triển hoàn thiện đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, vì hoà bình, hợp tác.

Tóm tắt: Cách mạng giải phóng dân tộc muốn đi tới thắng lợi, ngoài lựa chọn con đường đúng đắn, phương pháp khoa học, sự nỗ lực của Đảng cách mạng và ủng hộ của quần chúng còn rất cần sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của các nước dân chủ tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hoà bình, độc lập trên thế giới, đặc biệt là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Đoàn kết trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã trở thành lực lượng to lớn, một nội dung mang ý nghĩa quan trọng của thời đại đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa.

Từ khoá: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đoàn kết; Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc; Sức mạnh thời đại.

Đặt vấn đề

Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy yếu của phong trào đấu tranh yêu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam cũng như các nước thuộc địa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là do sự biệt lập để tìm ra giải pháp khắc phục, đưa cách mạng từng bước tới thắng lợi. Đó là phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa còn thiếu sự đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ, thiếu sự liên kết giữa các nước có cùng cảnh ngộ, thiếu sự phối hợp giữa chính quốc và thuộc địa trong khi chủ nghĩa thực dân, các nước đế quốc câu kết với nhau trên phạm vi quốc tế để thống trị, để đàn áp phong trào đấu tranh nổi dậy. Người nhận thấy rằng: Con đường giải phóng dân tộc ở Việt Nam phải đi theo quỹ đạo cách mạng vô sản, cần đưa Việt Nam hội nhập với trào lưu chung của thời đại.

1.Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức thấy rõ tầm quan trọng của yếu tố thời đại đối với cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người khẳng định: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả. Đã là đồng chí, thì sung sướng cực khổ phải có nhau. Huống gì, dân An Nam là đương lúc tranh đấu với đế quốc chủ nghĩa Pháp, chắc là về sau có nhiều người cách mệnh phải hy sinh, phải khốn khổ, phải cần anh em trong thế giới giúp giùm”[1].

Người đã nhận thức sâu sắc vấn đề đế quốc thực dân chia rẽ các dân tộc thuộc địa để thống trị, bóc lột vì lợi ích của chúng. Các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động ở chính quốc có cùng điểm chung là đều bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, bóc lột nên họ đều mong muốn có hoà bình, độc lập, tự do, bình đẳng và ấm no hạnh phúc. Đó là cơ sở để thực hiện đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh quốc tế chống áp bức bất công. Phát huy sức mạnh thời đại là thực hiện đoàn kết quốc tế, trong đó đặc biệt coi trọng đoàn kết với các nước cùng chung cảnh ngộ để tạo nên sức mạnh to lớn chống kẻ thù chung. Hồ Chí Minh đã tham gia hoạt động và sáng lập các tổ chức đoàn kết quốc tế, là người xây đắp mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Hồ Chí Minh là người hoạt động tích cực cho phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi và thực hiện đoàn kết quốc tế giữa nhân dân các nước thuộc địa với nhau và giữa vô sản chính quốc với nhân dân thuộc thuộc địa. Thực tiễn trong đại chiến thế giới thứ nhất cho thấy các cường quốc tham chiến đã huy động một lực lượng rất lớn những người dân kể cả chính quốc lẫn thuộc địa tham gia quân đội, dùng vô sản các nước chém giết lẫn nhau, không chỉ lợi dụng người dân ở thuộc địa về mặt quân sự mà còn tăng cường bóc lột kinh tế một cách tinh vi, gây chia rẽ. Hồ Chí Minh chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ trong cuộc đấu tranh cùng chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc ở thuộc địa và chính quốc. Vì vâỵ, Người đã đảm nhận thành lập ngay một tổ chức đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa để cùng nhau chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Được sự đồng tình và ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp, Hồ Chí Minh vận động thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, là hình thức sơ khai của Mặt trận các dân tộc bị áp bức theo xu hướng vô sản. Đây là hình thức liên minh các dân tộc bị chủ nghĩa đế quốc thống trị, xuất hiện lần đầu tên trong đấu tranh giải phóng của nhân dân thuộc địa. Hội được thành lập vào cuối năm 1921, gồm khoảng gần một trăm hội viên, Điều 2 trong “Điều lệ trích yếu” của Hội có ghi “Đoàn kết”, “hướng dẫn cho mọi người dân các xứ thuộc địa hiện sống trên đất Pháp”, “Thảo luận, nghiên cứu tất cả những vấn đề chính trị và kinh tế của thuộc địa”, Điều 13, 14 cùng khẳng định “Hội sẵn sàng giúp đỡ và cứu trợ cho mọi thành viên của các nhóm đã gia nhập Hội”; “cung cấp cho tất cả hội viên những báo chí và tài liệu liên quan” đến đời sống hay bảo vệ quyền lợi cho thuộc địa.[2] Tư tưởng chỉ đạo chung của Hồ Chí Minh được Hội tán thành là các dân tộc tộc thuộc thuộc địa phải tự giải phóng bằng sự nỗ lực của bản thân, đoàn kết quốc tế của vô sản chính quốc và nhân dân các dân tộc thuộc địa khác là điều quan trọng. Hình thức hoạt động của Hội rất phong phú: báo chí và mít tinh, nói chuyện và các biện pháp có thể làm được. Trong phát huy sức mạnh thời đại, Hồ Chí Minh không chỉ chăm lo công việc cứu nước cho dân tộc Việt Nam, không chỉ hoạt động trong hội những người Việt Nam mà còn xuất hiện trên vũ trường chính trị như một chiến sĩ quốc tế để đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa, mở rộng phạm vi hoạt động của mình trong đông đảo những người dân thuộc địa Pháp đang cư trú tại Pari. Phát huy sự ủng hộ, đoàn kết này đã có hiệu quả tác động tích cực đến cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Sự ủng hộ của nhân dân quốc tế là một trong những nhân tố quan trọng đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh xác định vai trò của mình là một trong những người lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Người có quan hệ rộng rãi với nhiều người quan tâm đến vấn đề thuộc địa như những người ở Pháp, người Nhật, các nhà yêu nước châu Á, châu Phi. Và những người yêu nước này cũng tin tưởng Hồ Chí Minh có thể giúp họ trong đấu tranh giành độc lập, chống áp bức bất công. Để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, đẩy mạnh việc giáo dục nhân dân một cách  sâu rộng hơn, phù hợp với điều kiện và trình độ của nhân dân các nước thuộc địa, vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân, Hội Liên Hiệp thuộc địa đã chủ trương xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) năm 1922 băng 3 thứ tiếng (Pháp, Ả Rập, Trung Quốc) được xem là diễn đàn của nhân dân thuộc địa.

Hồ Chí Minh cũng góp phần vào việc đấu tranh chống các xu hướng sai lầm trong Đảng Cộng sản, trước hết là những nhận thức thái độ sai lầm về vấn đề thuộc địa, phê phán chủ nghĩa yêu nước ôn hoà, phê phán sự manh động; thức tỉnh nhân dân bị áp bức vùng lên đấu tranh có tổ chức, có hướng dẫn, đấu tranh chống sự xem nhẹ thuộc địa của Đảng, phê phán một số đảng viên không hiểu gì về thuộc địa và tầm quan trọng của thuộc địa. Trong Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh thẳng thắn phê bình các Đảng Cộng sản của Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ và của nhiều nước khác hầu như chưa làm gì trong việc giáo dục giai cấp công nhân nước mình hiểu biết về thuộc địa, có tinh thần quốc tế chủ nghĩa chân chính, trong khi đó giai cấp tư sản hiểu rất rõ về vấn đề dân tộc và thuộc địa không thể tách rời nhau. Người đã nêu nguyên tắc gắn với hành động, lời nói trong thực hiện chính sách đúng đắn về vấn đề thuộc địa và đề xuất những biện pháp cụ thể, thiết thực trong tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, tổ chức. Người đề nghị Quốc tế Cộng sản phải giúp đỡ cách mạng ở các nước thuộc địa, giúp đỡ họ tổ chức lại vì họ thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo, cần cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng.

Trong tình thế hết sức khó khăn, phức tạp xen lẫn một số thuận lợi của cách mạng trong nước và trên thế giới. Quốc tế thứ hai bộc lộ rõ sự thoả hiệp với giai cấp tư sản để chống giai cấp vô sản và nhân dân các nước thuộc địa, phụ thuộc, Đảng Xã hội Pháp cử A.C. Varen nhậm chức Toàn quyền Đông Dương để tìm cách đàn áp phong trào yêu nước ở đây. Giai cấp tư sản dân tộc ở các nước Đông Dương non yếu, không đủ sức đảm đương được vai trò lãnh đạo trong sứ mệnh giải phóng dân tộc của mình trước những thủ đoạn đàn áp, lừa bịp của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, làm cho khuynh hướng cải lương, thoả hiệp càng thể hiện rõ, một bộ phận giai cấp tư sản ở một số nước gắn bó lợi ích với chủ nghĩa đế quốc phản bội, đầu hàng phản cách mạng. Quốc tế ba xuất hiện mở rộng tầm ảnh hưởng và quan tâm hơn tới phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, trong đó có Đông Dương. Ở Việt Nam, diễn ra cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (tháng 6/1925) đã đánh dấu sự chuyển biến bước đầu của giai cấp công nhân Việt Nam từ tự phát sang tự giác, làm cho phong trào yêu nước có thêm những nhân tố, sắc thái và bước phát triển mới. Phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng xuất hiện thế hệ các nhà cách mạng trẻ tuổi theo sự dẫn dắt của Hồ Chí Minh, hướng theo chủ nghĩa cộng sản trở thành những nhà cách mạng tiên phong của cách mạng Việt Nam. Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập đã làm cho phong trào yêu nước ở Việt Nam thực sư có những bước chuyển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên cương vị là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã tiến hành truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng. Người đã theo dõi và chỉ đạo phong trào ở một số nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển chủ nghĩa cộng sản và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa ở phương Đông. Giai đoạn những năm 1924-1929, Người còn trực tiếp chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hồ Chí Minh khi về đến Trung Quốc đã cùng với các đồng chí Trung Quốc thành lập “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” (1925). Đây là một đoàn thể mang tính chất quốc tế giống như Hội Liên hiệp thuộc địa được Người tổ chức năm 1922 ở Pháp, Người được bầu làm Bí thư kiêm phụ trách công việc tài chính của Hội, đồng thời là người trực tiếp phụ trách chi bộ Việt Nam của Hội. Trong thời gian ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh tham gia mở lớp huấn luyện ở Quảng Châu, xuất bản “Đường Cách mệnh”, ra báo “Thanh niên” tuy mục đích chính là phục vụ cách mạng Việt Nam, song có tác dụng không nhỏ đến cách mạng các nước thuộc địa và phụ thuộc mà Người có trách nhiệm với cương vị cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Thông qua những việc làm của Người đã góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, phát triển phong trào cộng sản Quốc tế.

Trên cương vị là cán bộ Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Người đã gửi tới Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản các báo cáo phản ánh sâu sát tình hình cách mạng Đông Dương và tình hình cách mạng thế giới cùng đề xuất những chủ trương quan trọng để đẩy mạnh phong trào cách mạng ở phương Đông.

Người cũng luôn theo dõi và ủng hộ, cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Phi và Mỹ latinh. Người đã từng tiếp nhiều đoàn đại biểu, nhiều nguyên thủ quốc gia các nước mới giành độc lập cũng như những người lãnh đạo các tổ chức kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân. Người coi trọng việc thiết lập và củng cố mối quan hệ, trao đổi kinh nghiệm đấu tranh, cổ vũ, khuyến khích các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc; quan tâm tới hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, văn hoá của nhân dân toàn thế giới nói chung và các nước Á- Phi nói riêng, như Hội nghị hoà bình thế giới, Đại hội nhân dân Á - Phi, Hội nghị các nhà văn Á- Phi, Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới, tổ chức thống nhất châu Phi. Tất cả những hoạt động của Hồ Chí Minh, của nhân dân, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chống chủ nghĩa đế quốc gây chiến bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh, trong đó có sự ủng hộ tích cực đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Muốn tranh thủ sức mạnh thời đại phải có đường lối đúng đắn, phát huy độc lập tự chủ, kết hợp chăt chẽ mục tiêu đấu tranh cho độc lập, thống nhất của dân tộc với mục tiêu của thời đại: Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn là tích cực thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình “Phải coi cuộc đấu tranh của bạn cũng như cuộc đấu tranh của ta…, giúp bạn là tự giúp mình”.

Hồ Chí Minh coi trọng thiết lập mối quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực và trên thế giới có chế độ chính trị khác nhau. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), nhất là từ sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), Người đi thăm và thiết lập mối quan hệ với Ấn Độ, Mianma, Inđônêxia, nhiều nước khác nhau, góp phần xây dựng và phát triển sự đoàn kết các nước thuộc thế giới thứ ba, nâng cao vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế. Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hoà bình”; “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường (Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc-TG) là một thái độ bạn bè”[3].

Về kêu gọi đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh thời đại, Hồ Chí Minh coi trọng công tác tuyên truyền đối ngoại nhằm tạo nên sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh tác thành và ủng hộ nghị quyết của Đại hội hoà bình thế giới (11/1953) đòi chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, cảm ơn Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ 3 (10/1953) đã quyết định tổ chức “Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh hùng”. Tháng 10/1953, Người viết thư kêu gọi nhân dân Pháp sát cánh cùng nhân dân Việt Nam đấu tranh kiên quyết chống kẻ thù chung là thực dân Pháp, can thiệp Mỹ, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước là tự do, độc lập, dân chủ và hoà bình.

Ngay sau năm 1945, Hồ Chí Minh đã có những thư từ, điện văn gửi tới Liên Hợp quốc, những người đứng đầu các nước lớn cùng với Chính phủ và nhân dân nhiều nước, kêu gọi sự ủng hộ đối với nền độc lập của Việt Nam; sự giúp đỡ về vật chất đối với nhân dân Việt Nam, chủ động bày tỏ tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Pháp, Mỹ và thái độ sẵn sàng hợp tác trên tinh thần tin cậy lẫn nhau.

Chuyến đi thăm chính thức nước Pháp năm 1946 của Hồ Chí Minh theo lời mời của Chính phủ Pháp cũng nhằm mục đích giương cao ngọn cờ độc lập và thiện chí hoà bình của dân tộc Việt Nam. Người đã làm hết sức mình để tránh cuộc chiến đổ máu cho cả hai dân tộc nhưng kẻ thù vẫn quyết thực hiện dã tâm cướp nước ta một lần nữa. vì vậy, tình thế buộc dân tộc Việt Nam phải cầm súng đứng lên bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được. Trong khi tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh vẫn luôn chú ý gửi điện văn, thư từ tới các nước Đồng minh, nhân dân và tù binh Pháp, Hoa kiều tỏ rõ thiện chí hoà bình của Việt Nam và có hành động thiết thực để sớm kết thúc cuộc chiến do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương.

Sau năm 1954, bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới có nhiều điểm mới. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đất nước tạm thời bị chia cắt, miền Nam nằm dưới sự thống trị của chính quyền tay sai Mỹ. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới tạo điều kiện thuận lợi cho miền Bắc đi vào khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, những khó khăn thách thức đặt ra đối với Việt Nam, đó là thực hiện nhiệm vụ mới chưa từng có trong tiền lệ, nhất là đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ nhằm tiến tới hoà bình, độc lập, thống nhất nước nhà. Tình hình mới đó đòi hỏi Việt Nam thay đổi trong nhận thức và chính sách đối ngoại. Hồ Chí Minh phân tích cục diện tình hình thế giới, xác định rõ đường lối và phương châm của Việt Nam: “Đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn, nhân dân hai nước Cao Miên, Lào, nhân dân châu Á, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới; và thực hiện 5 nguyên tắc lớn chung sống hoà bình”[4]. Đồng thời, Hồ Chí Minh cho rằng sức mạnh của Liên Xô, phe xã hội chủ nghĩa kết hợp với lực lượng dân chủ trong cuộc đấu tranh chống chính sách xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ hoà bình và mục tiêu cả của thời đại.

Trong hoạt động ngoại giao của mình, Thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam Người đã đi thăm các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô; tham dự các hội nghị: Hội nghị 12 Đảng Cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa (7/1957), Hội nghị 64 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế; tiếp đón các nguyên thủ, chính khách nước ngoài đến thăm, các đoàn đại biểu của các nước sang thăm Việt Nam, đáp từ, trả lời phỏng vấn của phóng viên trong và ngoài nước về công tác đối ngoại của Nhà nước Việt Nam; gửi điện văn chúc mừng những thành tựu trong phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật của nhiều nước. Người còn gửi thư chia buồn với những người thân của những nhà khoa học trên thế giới vừa mới từ trần. Với những hoạt động đó, Hồ Chí Minh đã góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa; tăng cường sự hợp tác kinh tế và văn hoá; vun đắp tình hữu nghị, củng cố tình đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước trên thế giới; làm cho nhân dân ta cũng như nhân dân các nước anh em thêm phấn khởi. Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Nâng cao địa vị quốc tế của Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, muốn phát huy sức mạnh quốc tế cần coi trọng, chăm lo cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, nhất là với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước bạn bè khác, giữa Đảng Lao động Việt Nam với các Đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới. Người coi đó là một trong những nhân tố quan trọng không chỉ làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam mà còn đưa lại thành công cho cách mạng thế giới.

Hồ Chí Minh chân thành bày tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu của nhân dân các nước. Người lưu ý, không bao giờ được tách rời Việt Nam khỏi dòng chảy trong tiến trình chung của nhân loại, cần luôn nhớ rằng những thắng lợi của mình không tách rời sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em, bạn bè khác đó chính là sự ủng hộ tích cực của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Theo Hồ Chí Minh, sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế cũng là một trong những nguyên nhân quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam: “mỗi thắng lợi của cách mạng trên thế giới đều thúc đẩy cách mạng Việt Nam tiến lên. Đồng thời, mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng góp sức đẩy mạnh cách mạng thế giới”[5]

Trong phát huy sức mạnh thời đại, Hồ Chí Minh lưu ý phải nhận diện và phân biệt rõ đối tượng đấu tranh, kẻ thù của cách mạng. Phát huy sức mạnh thời đại hay sức mạnh quốc tế cũng cần phải giải quyết, khắc chế mâu thuẫn giữa các mối quan hệ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Người viết thư kêu gọi thanh niên Pháp sát cánh cùng nhân dân Việt Nam đấu tranh kiên quyết chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước là tự do, độc lập, dân chủ và hoà bình (10/1953). Phân biệt rõ nhân dân tiến bộ Mỹ là bạn, các thế lực hiếu chiến của mỹ là kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Người khẳng định, nhân dân Việt Nam rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Mỹ đang đấu tranh cho hoà bình và dân chủ. Người đã cảm ơn và đánh giá cao những tấm gương dũng cảm đấu tranh của những người bạn Mỹ như Môrixơn, Hecdơ, Lapotơ và các chiế sĩ hoà bình đã nhiệt tình ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền đối ngoại, nhằm phá thế cô lập về ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới và dư luận thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Người tán thành và ủng hộ Nghị quyết của Đại hội hoà bình thế giới (11/1953) đòi chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, cảm ơn Đại hội công đoàn thế giới lần thứ ba (10/1953) đã quyết định tổ chức “Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh hùng”. Trong bài báo “Nhân dân Bắc Phi chống thực dân Pháp” đăng trên Báo Nhân dân số 90 năm 1953, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Nhân dân Bắc Phi cũng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhân dân Bắc Phi đấu tranh, làm cho thế lực Pháp - Mỹ yếu đi một phần. Vì mục đích chung là giải phóng dân tộc, vì chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nên nhân dân Việt Nam ta sốt sắng đồng tình với anh em Bắc Phi”[6].

Nắm bắt được xu hướng vận động và dòng chảy của lịch sử nhân loại, Hồ Chí Minh khẳng định: “Thời kỳ đế quốc thực dân làm mưa làm gió ở Á - Phi đã qua rồi… Thời đại ngày nay là thời đại của chủ nghĩa thực dân tan rã và phong trào độc lập dân tộc nhất định thắng lợi”[7].

Người nhìn thấy những khó khăn trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc ở các nước Đông Nam Á, nhất là sau khi giành được độc lập để kêu gọi sự đoàn kết, hợp tác, ủng hộ lẫn nhau: “Hiện nay, bọn đế quốc đang cố sức gây ra tình hình căng thẳng trong khu vực Đông Nam Á. Chúng câu kết với nhau trong khối Đông Nam Á để can thiệp vào nội trị các nước, tiến hành những hoạt động lật đổ, chia rẽ các dân tộc, nhằm lập nên những chế độ độc tài làm tay sai cho chúng. Hành động điên cuồng đó của bọn đế quốc đang đe doạ nền độc lập và nền hoà bình của nhân dân các nước Đông Nam Á. Nhân dân Việt Nam, nhân dân Inđônêxia cùng nhân dân Á- Phi kịch liệt phản đối khối quân sự xâm lược Đông Nam Á và kiên quyết chống lại mọi âm mưu thâm độc của đế quốc thực dân”[8].

2. Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, phát huy sức mạnh thời đại được xem là một nội dung quan trọng của chiến lược đại đoàn kết trong bối cảnh hiện nay

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết với phong trào giải phóng dân tộc đối với cách mạng Việt Nam cho thấy giá trị và ý nghĩa của sự đoàn kết, góp phần tạo điều kiện giúp cho cách mạng Việt Nam mau đi tới thắng lợi. Đến nay, qua gần 40 năm đổi mới, kế thừa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, phát huy sức mạnh thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng bổ sung, phát triển hoàn thiện đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực hiện chính sách đối ngoai đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.

Việt Nam thực hiện đoàn kết, hợp tác với các nước, các tổ chức trên thế giới nhằm bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, vì sự phát triển phồn vinh của các dân tộc. Đoàn kết với các nước nhằm hợp tác, xây dựng hoà bình, ổn định và phát triển.

Trong quá trình hoạch định, thực hiện đường lối đối ngoại hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định rõ: Đoàn kết, hợp tác quốc tế phải bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc; phải thống nhất hai mặt của mối quan hệ biện chứng: vừa hợp tác, vừa đấu tranh; vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa Việt Nam với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, cô lập, phụ thuộc.

Trong đoàn kết, luôn coi trọng phát huy sức mạnh nội lực và ngoại lực. Sức mạnh nội lực được xem là yếu tố quyết định nhất, song không xem nhẹ mà luôn coi trọng và đánh giá đúng ngoại lực, nhất là sự ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ về mọi mặt của các nước, các tổ chức trên thế giới với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam hiện nay.

TS. Nguyễn Thị Phương Nam

Học viện Chính trị khu vực I

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T1, 2, 4, 5, 12, 14.
  2. ĐCSVN (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG ST, HN, T1-2.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T2, tr.329.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T1, tr.482-483.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T5, tr.163.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T9, tr.383.

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T14, tr.27

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T8, tr.10-11.

[7] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T12, tr.112.

[8] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T12, tr.112.

...