21/01/2025 lúc 03:53 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết - Nền tảng vững chắc bảo vệ quốc gia trước những thách thức an ninh phi truyền thống

VNHN - Chủ tịch Hồ Chí Minh cả đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, cuộc đời và tư tưởng của người là ánh sáng soi rọi chúng ta không chỉ trong hoàn cảnh lịch sử thời đó mà còn có ý nghĩa thực tiễn đến ngày nay và cả tương lai. Trong đó có vấn đề về thách thức an ninh phi truyền thống.

VNHN - Chủ tịch Hồ Chí Minh cả đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, cuộc đời và tư tưởng của người là ánh sáng soi rọi chúng ta không chỉ trong hoàn cảnh lịch sử thời đó mà còn có ý nghĩa thực tiễn đến ngày nay và cả tương lai. Trong đó có vấn đề về thách thức an ninh phi truyền thống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Tổng quan về những thách thức an ninh phi truyền thống

Trong giới nghiên cứu về chủ đề an ninh quốc gia, có rất nhiều quan điểm khác nhau về an ninh phi truyền thống. Một học giả nổi tiếng phương Tây là Richard H.Ulman - ông có lẽ là một trong những người đầu tiên đưa ra quan niệm ngắn gọn và cô đọng nhất về an ninh phi truyền thống. Trong bài viết mang tính tiên phong của mình vào năm 1983, ông cho rằng: An ninh quốc gia không nên hiểu theo nghĩa hẹp là bảo vệ Nhà nước trước những cuộc tấn công quân sự qua biên giới lãnh thổ mà an ninh quốc gia còn phải đối mặt với những thách thức phi truyền thống, bao gồm: Khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, an ninh môi trường, di cư bất hợp pháp, an ninh năng lượng và an ninh con người[1].

Nhìn nhận dưới một góc độ khác, học giả Mely Caballero Anthony quan niệm mối đe dọa an ninh phi truyền thống có thể được định nghĩa là: Thách thức đối với sự tồn vong và thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc, xuất hiện chủ yếu trong các nguồn phi quân sự, chẳng hạn như thay đổi khí hậu, suy thoái môi trường xuyên biên giới và nguồn tài nguyên cạn kiệt, bệnh truyền nhiễm, thiên tai, di cư bất hợp pháp, tình trạng thiếu lương thực, buôn lậu, buôn bán ma túy và các hình thức khác của tội phạm xuyên quốc gia[2]. Từ định nghĩa này có thể thấy rằng, an ninh phi truyền thống thường có đặc điểm chung là bao hàm những yếu tố phi quân sự, không tồn tại trong phạm vi một quốc gia, dân tộc; nó phát triển, lan tỏa và được truyền đi nhanh chóng nhờ xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và đặc biệt là khi thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều đó cho thấy, những vấn đề an ninh phi truyền thống có số lượng nhiều hơn và hậu quả nguy hiểm đáng sợ không thua kém thách thức an ninh truyền thống.

Như vậy, mặc dù còn nhận thức khác nhau về thách thức an ninh phi truyền thống, nhưng về cơ bản, các quốc gia trên thế giới đều thống nhất với quan niệm của Liên Hợp Quốc, đó là: An ninh phi truyền thống không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp, bao gồm các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Nói cách khác, an ninh phi truyền thống là những vấn đề phi quân sự có ảnh hưởng lớn, không chỉ đe dọa sự tồn tại, phát triển của con người và xã hội trong phạm vi một hoặc một số quốc gia, mà còn đe dọa sự tồn tại, phát triển chung của toàn thể nhân loại[3].

An ninh phi truyền thống ra đời phản ánh sự thay đổi nhận thức của con người về an ninh và sự mở rộng nội hàm của khái niệm an ninh quốc gia. Vì thế, các mối đe dọa an ninh ngày càng mang tính đa dạng và phức tạp hơn, không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà còn mang tính xuyên quốc gia, đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của nhiều quốc gia để ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, an ninh phi truyền thống đã trở thành chủ đề quan trọng, mối quan tâm lớn của các quốc gia trên thế giới và được đề cập trong chiến lược quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia trên thế giới[4].

2. Tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống đến Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có vị trí địa lý đặc thù, nằm trên dải khí hậu xích đạo nhiệt đới, nên chịu tác động rất nặng nề từ an ninh phi truyền thống, nhất là những mối hiểm họa từ thiên tai, bão lụt, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, các loại dịch bệnh như: SARS, H5N1… và mới đây nhất là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta. Cùng với đó là những vấn đề về buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái pháp luật, ô nhiễm môi trường… đã và đang tác động mạnh mẽ đến an ninh của Việt Nam.

Trong lĩnh vực kinh tế, tác động xấu từ những hiểm họa của an ninh phi truyền thống làm cho nền kinh tế nước ta suy thoái, kém phát triển, gây ra những hệ lụy nguy hiểm, khó lường. Trong đó, biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ tăng, nước biển dâng… là nguyên nhân, “thủ phạm” gây nên các trận bão, lũ lớn, phá hoại mùa màng và các công trình giao thông, công trình xã hội, cơ sở sản xuất, làm ô nhiễm môi trường… chúng ta phải tốn kém nhiều tiền của để khắc phục. Cũng do biến đổi khí hậu, các địa bàn ven biển, nhất là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, mực nước biển dâng cao, diện tích canh tác, trồng trọt bị xâm mặn, ảnh hưởng lớn đến thu hẹp mục tiêu, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, thời tiết nhiều nơi, nhất là khu vực miền Trung, thường xuyên nắng nóng, hạn hán kéo dài, dẫn đến khan hiếm nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, làm cho mùa màng thất thu, đe dọa đến an ninh lương thực. Tóm lại, tác động của an ninh phi truyền thống trong lĩnh vực kinh tế để lại hậu quả rất nặng nề, nó làm cho giá cả các mặt hàng của đất nước ngày một leo thang, nhân dân lao động phải đối mặt với nạn thất nghiệp, đói nghèo, tham nhũng, tội phạm, dịch bệnh tràn lan, môi trường ô nhiễm... Nhà nước phải chi phí lớn về ngân sách để khắc phục. Mới đây nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã gây ra tổn thất lớn cho nền kinh tế thế giới nói chung và cho Việt Nam nói riêng. Các ngành công - nông nghiệp, dịch vụ đều chịu thiệt hại không nhỏ về kinh tế do phải ngưng sản xuất vì dịch bệnh.

Đối với lĩnh vực chính trị - tinh thần, tác động của an ninh phi truyền thống làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp, nhất là trong việc thực hiện các chủ trương, quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý nhân dân hoang mang, hoài nghi, thiếu niềm tin đối với chế độ.

Về văn hóa - xã hội, xu thế mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay là điều kiện cho các luồng tư tưởng, văn hóa khác nhau của nước ngoài du nhập vào nước ta. Vì thế, chúng ta phải chịu tác động không nhỏ từ thứ văn hóa, đạo đức, lối sống độc hại, không lành mạnh du nhập từ nước ngoài; thậm chí làm lệch chuẩn về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của giới trẻ và biến dạng bản sắc văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, những tác động từ các hiểm họa của an ninh phi truyền thống đã ảnh hưởng lớn đến nguồn lực tăng cường quốc phòng - an ninh, trực tiếp là xây dựng lực lượng, thế trận, các công trình phòng thủ và các mặt bảo đảm cho hoạt động của lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, hoạt động tác chiến khi đất nước có chiến tranh, xung đột. Mặt khác, trong điều kiện bùng phát của công nghệ thông tin, truyền thông, đang xuất hiện một loại tội phạm mới rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới quốc phòng - an ninh quốc gia, đó là: Tội phạm an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng này tìm cách đánh cắp các thông tin mật về an ninh quốc gia, về quân sự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế của ta đối với các quốc gia, khu vực. Thậm chí, tội phạm an ninh mạng có thể sử dụng những loại virus độc hại để phá hủy, làm tê liệt hệ thống máy tính, trung tâm chỉ huy, điều hành, gây ảnh hưởng lớn đến công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong hệ thống máy tính nối mạng ở các cơ quan, đơn vị trọng yếu. Đặc biệt, một số quốc gia phát triển còn sử dụng lực lượng “tình báo mạng”, ngoài việc xâm nhập đánh cắp thông tin còn có thể tiến hành tác chiến mạng, tác chiến điện tử khi cần thiết[5].

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và những giá trị cốt lõi trong việc bảo vệ quốc gia trước những thách thức an ninh phi truyền thống

Với tinh thần nhân văn cao cả và nhãn quan chính trị sắc bén, suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng, các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân. Trong các tác phẩm của mình, Bác có tới trên 400 bài nói và bài viết về đoàn kết. Tư tưởng về đoàn kết của Người được thể hiện nổi bật là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”; “Đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”; “… một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Đoàn kết không chỉ giúp dân tộc ta chiến thắng trong thời chiến mà ngày nay trước những thách thức an ninh phi truyền thống.

3.1. Đoàn kết trong Đảng - Kim chỉ nam cho mọi hành động

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đến việc thực hiện đoàn kết trong Đảng. Người coi đoàn kết trong tổ chức lãnh đạo là cơ sở, hạt nhân cốt lõi của đoàn kết nhân dân, dân tộc và quốc tế, là nguồn cội của mọi thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến rất nhiều vấn đề quan trọng cần phải làm, từ việc tiếp tục đấu tranh giành độc lập đến các vấn đề hậu chiến tranh, đối nội, đối ngoại, từ việc chung đến việc riêng... Tuy nhiên, vấn đề mà Người dành sự quan tâm hàng đầu là đoàn kết trong Đảng. Khi nói về đoàn kết trong Đảng, Người đã 05 lần nhắc đến cụm từ “đoàn kết”. Người chỉ rõ vai trò của đoàn kết đối với Đảng rằng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[6].

Có đoàn kết trong Đảng mới tạo ra sức mạnh lãnh đạo tập thể, đưa ra những đường lối, chủ trương đúng đắn đối phó với các tình hình phức tạp do những thách thức an ninh phi truyền thống gây ra như: Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia…

3.2. Đoàn kết dân tộc - Cội nguồn của sức mạnh trong việc bảo vệ quốc gia trước những thách thức an ninh phi truyền thống

Kế thừa những giá trị truyền thống dân tộc, cùng với việc nhấn mạnh đoàn kết trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Người chỉ rõ: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta, vì vậy trách nhiệm của mỗi đảng viên, mỗi người dân cần phải gìn giữ, phát huy truyền thống đó như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Muốn làm được điều đó, với tư cách là một Đảng cầm quyền trong điều kiện mới, Đảng ta phải có những chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước, thực tế khách quan của thế giới và phải đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Đó là cách tốt nhất để tập hợp lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng[7].

Một minh chứng rõ nét cho khẳng định đoàn kết dân tộc là cội nguồn của sức mạnh trong việc bảo vệ quốc gia trước những thách thức của an ninh phi truyền thống, đó là cuộc chiến của Việt Nam chống lại dịch bệnh Covid-19 vừa qua (như đã phân tích, dịch bệnh cũng là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống). Điểm lại tình hình dịch bệnh, ngày 29/01/2020, khi bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra mới chỉ lây lan ở 18 quốc gia trên thế giới, Trung ương Đảng đã nhận định đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, lây lan nhanh và chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao. Ban Bí thư đã ban hành Công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy, các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các Đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về công tác phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu phải coi đây là nhiệm vụ “trọng tâm, cấp bách” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra. Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. 

Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt, không một phút chần chừ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của nhân dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả thắng lợi bước đầu. Chúng ta đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn, cách ly triệt để, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả, nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Thế giới bày tỏ ấn tượng trước những kết quả Việt Nam đã làm được. Người dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng, chung sức với Đảng, Nhà nước trong việc đấu tranh chống lại thách thức an ninh phi truyền thống này[8].

Chiến thắng bước đầu này là chiến thắng của cả một quốc gia đoàn kết. Là chiến thắng từ các quyết sách đúng và dứt khoát của Đảng, Nhà nước và từ sự đồng lòng hưởng ứng, nỗ lực hợp tác của người dân.

Trong trận chiến chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân, các tầng lớp nhân dân tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng... Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid -19.  Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân… Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.

3.3. Đoàn kết quốc tế - Yếu tố then chốt giúp các quốc gia chung tay chống lại những thách thức an ninh phi truyền thống

Thực tiễn lịch sử cho thấy, chúng ta có thể chiến thắng được những kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần là do dân tộc ta luôn biết đoàn kết đồng lòng, đồng thời còn có sự ủng hộ, đoàn kết của các dân tộc trên thế giới cả về sức người, sức của. Chính vì vậy, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Những thắng lợi mà nhân dân Việt Nam giành được không thể tách rời tình đoàn kết giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Trên cơ sở đó, Người đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các dân tộc anh em trên thế giới đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và một trong những dự định đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc của Người là: “Tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”[9]. Đó chính là truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân tốt đẹp nhất của truyền thống đó[10]. 

Tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong các cuộc chiến chống lại những thách thức an ninh phi truyền thống, Việt Nam đã chủ động đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN cũng như các quốc gia trên thế giới. Minh chứng cho việc này đó là, trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, vai trò của đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được nêu cao và thể hiện rõ nét. Đặc biệt, các quốc gia thành viên ASEAN đã quan tâm hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tối đa công dân ASEAN ở nước mình. Điều đó cho thấy tinh thần đoàn kết và lớn hơn là sự hợp tác, phối hợp quốc tế là những thành tố thiết yếu hơn bao giờ hết. Là tổ chức đóng vai trò trung tâm ở khu vực, ASEAN chính là mái nhà chung để các quốc gia thành viên cùng nhau vượt qua cơn bão đại dịch này. Trong lịch sử hơn năm thập kỷ hình thành và phát triển, sau mỗi khó khăn, thách thức và khủng hoảng, chúng ta lại mạnh mẽ hơn trước. Nay chính là thời điểm ASEAN tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó và thể hiện sứ mệnh của mình là làm chỗ dựa cho các quốc gia thành viên trong lúc gian nguy nhất. Ngay từ đầu năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động, trước nhiều những thách thức an ninh phi truyền thống. Sự bùng phát bất ngờ và những hệ lụy, đảo lộn mọi mặt chưa từng có tiền lệ của Covid-19 cho thấy chủ đề và phương châm đó thật đúng lúc và đích đáng hơn bao giờ hết.

Đối với những thách thức an ninh phi truyền thống khác như tội phạm xuyên quốc gia, tội khủng bố… thì việc đoàn kết quốc tế là đặc biệt quan trọng trong đấu tranh với loại tội phạm này. Hiện nay, tội phạm khủng bố vẫn xảy ra và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công khủng bố do ảnh hưởng từ nhiều khu vực khác trên thế giới; tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vẫn đang đe dọa trực tiếp đến an ninh trật tự, sự an toàn của người dân; tội phạm công nghệ cao xảy ra ngày càng nhiều trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đang làm cho môi trường mạng trở nên kém an toàn, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra nhiều thách thức to lớn về vấn đề an ninh, an toàn. Vì vậy, đoàn kết quốc tế chính là yếu tố then chốt giúp các quốc gia chung tay chống lại những thách thức an ninh phi truyền thống.

[1] http://www.globalindiafoundation.org/nontradionalsecurity.htm.

[2] Saurabh Chaudhuri: Difining no-traditional security threats, http://www.globalindiafoundation.org

[3]http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/nhung-thach-thuc-tu-an-ninh-phi-truyen-thong-va-bien-phap-phong-chong/8737.html

[4] http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/nhung-van-de-an-ninh-phi-truyen-thong-va-tac-dong-cua-no-doi-voi-cac-nuoc.html

[5]http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/nhung-thach-thuc-tu-an-ninh-phi-truyen-thong-va-bien-phap-phong-chong/8737.html

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.503, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

[7]https://tcnn.vn/news/detail/35778/Tu_tuong_dai_doan_ket_trong_Di_chuc_cua_Chu_tich_Ho_Chi_Minhall.html

[8] http://tuyengiao.vn/y-te-cong-dong/doan-ket-la-suc-manh-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-127514

[9] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr.515, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

[10] https://tcnn.vn/news/detail/35778/Tu_tuong_dai_doan_ket_trong_Di_chuc_cua_Chu_tich_Ho_Chi_Minhall.html