22/12/2024 lúc 19:17 (GMT+7)
Breaking News

Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, sáng 22/6 tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với 468/477 phiếu tán thành (tương đương 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội).

Sau khi Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Theo đó, chính sách phát triển giao dịch điện tử nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tự nguyện lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử, hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch điện tử, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Đồng thời, phát triển giao dịch điện tử toàn diện để thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số; tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn so với các phương thức giao dịch khác. Áp dụng đồng bộ cơ chế, các biện pháp khuyến khích ưu đãi tạo điều kiện phát triển giao dịch điện tử; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực trong giao dịch điện tử, đặc biệt tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn… 

Pho-CT-QH-phat-bieu1.jpeg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phát biểu tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều có một số điểm mới so với luật hiện hành.

Về phạm vi điều chỉnh: Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.

Cac-dai-bieu-nhan-nut-thong-qua-Luat1_1.jpeg

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật

6 chính sách mới đáng chú ý của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi):

1. Một luật nhưng giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số. 

Luật nào trước đây chưa quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật Giao dịch điện tử. 

Giao dịch điện tử có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. 

Các cơ quan, tổ chức không thể viện dẫn việc chưa có quy định để từ chối giá trị pháp lý của giao dịch điện tử. 

2. Giao dịch điện tử toàn trình, tối ưu hóa, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khắc phục tình trạng giao dịch điện tử phức tạp hơn, lâu hơn, đắt đỏ hơn và vẫn phải thực hiện song song cả 2 hình thức, làm chậm tiến trình chuyển đổi số. Quy định về chuyển đổi giữa giấy và điện tử thông suốt, không rào cản. 

Dịch vụ tin cậy lần đầu tiên đưa vào Luật đóng vai trò tạo niềm tin thúc đẩy giao dịch điện tử. 

Chứng thư điện tử lần đầu tiên đưa vào Luật để đại diện chung cho tất cả các loại giấy phép, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận... giúp giải quyết điểm vướng mắc lớn nhất trong DVCTT toàn trình đó là kết quả giải quyết TTHC bằng điện tử.

Quang-canh-Hoi-truong.jpeg

3. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hợp đồng điện tử. Đây là cơ sở pháp lý để Bộ trưởng các Bộ có thể ban hành theo thẩm quyền quy định về hợp đồng điện tử trong ngành, lĩnh vực của mình. Ví dụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có thể ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hợp đồng lao động điện tử, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có thể ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về hợp đồng du lịch điện tử v.v....

4. Luật hóa vai trò của các nền tảng số quốc gia, là công cụ điều phối quan trọng của Bộ TT&TT là Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), Khung kiến trúc. Trước đây, chúng ta chưa có cơ sở pháp lý gì cho hoạt động này. 

5. Luật hóa việc cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hàng năm (kinh phí sự nghiệp) để  thuê tư vấn xây dựng CSDL; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Bước đầu tháo gỡ khó khăn về việc sừ dụng kinh phí sự nghiệp cho công tác duy trì, vận hành hạ tầng thông tin.

6. Chính sách chia sẻ dữ liệu, giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến. Đặt cơ sở pháp lý quan trọng trong việc QLNN sử dụng dữ liệu lớn thay vì QLNN theo cách truyền thống. Đặc biệt là công tác chia sẻ dữ liệu, giám sát các hạ tầng thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Với những nội dung như vậy, Luật này có thể coi là đạo luật cơ bản về chuyển đổi số. Việc thực thi Luật này sẽ tạo cơ sở thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Luật Chuyển đổi số ở giai đoạn sau./.

... Theo mic.gov.vn