09/01/2025 lúc 19:48 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tư tưởng

Tuyên truyền là một bộ phận, một tác nghiệp của công tác tư tưởng có vị trí hết sức quan trọng, bởi vậy, Người định nghĩa và xác định rõ mục đích của tuyên truyền “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”
Ảnh: TL

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bởi theo Người “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”; rằng “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”(1). Công tác tư tưởng tự bản thân nó đã hàm chứa những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đa chiều, liên quan đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân; liên quan đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”(2). Trong báo cáo tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá II (15-7-1954), trong mười công tác được xác định thì công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất (3). Hồ Chí Minh luôn yêu cầu “Cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành, tư tưởng phải thông, phải thật thông. Phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”(4). “Phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân. Mọi người quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được”(5). Mỗi lần về thăm các nhà máy, công trường, hợp tác xã, Bác Hồ luôn nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên, nhân viên “Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng”.

Trên cơ sở quy luật của công tác tư tưởng, Người đã trù liệu hệ quả khi đảng viên chưa thông suốt tư tưởng sẽ dẫn tới những biến dạng khôn lường “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”(6). Do đó mà Người luôn canh cánh kỳ vọng làm sao tư tưởng tiên tiến, tư tưởng XHCN phải trở thành chủ đạo, trường tồn cùng với Đảng, với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người chỉ rõ “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt. Phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng, tư tưởng cá nhân hoàn toàn thất bại”(7).

Tuyên truyền là một bộ phận, một tác nghiệp của công tác tư tưởng có vị trí hết sức quan trọng, bởi vậy, Người định nghĩa và xác định rõ mục đích của tuyên truyền “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”(8). Người nói “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”(9). Do mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhất là tính chính xác và sức lay động lan toả đối với dân chúng nên Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ tuyên truyền “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”(10); rằng: Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại. Khi tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số, Người lưu ý: Phải nói thiết thực, rõ ràng để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu và làm được tốt.

Với sự quan sát và thông qua nhiều kênh tiếp nhận, với tình cảm chân thành mà Người nhắc nhở, phê phán một số báo cáo viên thiếu chủ động, đầu tư trong việc chuẩn bị bài nói, thuyết trình “Nhiều người trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lắp đi lắp lại cái mình đã nói rồi”(11); hoặc “Nhưng viết một cách cao xa, mầu mè, đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu, mà cả cán bộ cũng không hiểu”(12). Đặc biệt Người còn phê phán một số người sính dùng chữ, nhất là thích dùng chữ Hán “Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ hán. Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to”(13). Vì vậy, Hồ Chí Minh mong muốn làm sao trong mỗi bài nói, bài viết phải thấu cảm được ý tưởng và mong ước của nhân dân. Người yêu cầu “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(14). Có như vậy công tác tư tưởng mới đạt được mục tiêu “được người, được việc, được tổ chức” như nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định. “Phải đạt được mục đích tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong quân đội”(15).

Hơn lúc nào hết đội ngũ cán bộ Tuyên truyền “Phải có lòng tự tin, tin vào mình, tin Đảng, tin giai cấp, tin nhân dân mình”(16), thiếu nó thì khó có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng nên Người luôn mong muốn “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Đến một địa phương nào cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và để hiểu biết tình hình địa phương”(17). Người còn chỉ giáo “Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”(18). Cán bộ Tuyên truyền cần phải chủ động học tập nâng cao trình độ, kiến thức, nếu không sẽ lạc hậu, thoái bộ; luôn nắm vững chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập quán, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng “nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng; phải đi sát thực tế, phải liên hệ mật thiết với quần chúng”(19). Đồng thời Người còn căn dặn: Cán bộ, đảng viên phải nâng cao chí khí chiến đấu, nâng cao lòng tin tưởng. Trong kháng chiến rất khó khăn nếu chí khí chiến đấu của bộ đội, cán bộ, nhân dân mà sụt thì sẽ thất bại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa chúng ta nhưng tư tưởng của Người nói chung, về công tác tư tưởng nói riêng vẫn còn sống mãi với thời gian, với Đảng ta, và đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo hôm nay. Đó là hành trang, phương pháp luận quý báu để Đảng ta, đội ngũ làm công tác tuyên truyền vững tin hơn, trí tuệ sắc sảo hơn nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác tư tưởng của Đảng lên một tầm cao mới. Đặc biệt càng có ý nghĩa cấp bách khi Đảng ta thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập; khi các lực lượng thù địch chưa từ bỏ mưu toan chống phá cách mạng nước ta, hòng chia rẽ Đảng với nhân dân; khi “Công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, tính chiến đấu còn hạn chế…; chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, những quan điểm mơ hồ, sai trái; thiếu quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống”(20). Khắc phục và thực hiện tốt các nhiệm vụ đó là nhân tố để “Đảng ta là một tập thể lớn, tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí” trong tiến trình kiến tạo đất nước theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

TS Nguyễn Thế Tư, Học viện Chính trị- Hành chính khu vực III

Tài liệu tham khảo

(1); (2); (3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr.319; tr.466; tr.319
(4); (5); (6); (7) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 9, tr.224; tr.246; tr.288; tr.277
(8); (9); (10); (11); (12); (13); (14); (17); (18) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 5, tr.162; tr.300; tr.162; tr.301-302; tr.304; tr.305; tr.306; tr.163; tr.163
(15); (16); (19) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, tr.353; tr.385; tr.157
(20) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm ban chấp hành Trung ương khoá X, Nxb CTQG, H, 2007, tr.36

...