22/12/2024 lúc 20:39 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình quốc tế

Trang Moderdiplomacy có trụ sở tại châu Âu đăng bài viết của Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và an ninh (Đại học toàn cầu Jindal Ấn Độ) Pankaj Jha cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách tiếp cận hòa bình quốc tế đặc biệt và cách phương Tây nhìn cuộc cách mạng và sự trỗi dậy, đặc biệt trong thời kỳ thuộc địa, khác với những gì nhân dân mong muốn.
Bác Hồ và Tổng thống Ấn Độ trong chuyến thăm Ấn Độ của Người năm 1959.

Ông lưu ý đến sự phát triển trong các xã hội thuộc địa, đặc biệt khi phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ phản đối sự xâm lược của các quốc gia phương Tây và chủ nghĩa đế quốc, đồng thời, đề cập đến các cuộc biểu tình của phụ nữ Ấn Độ chống lại cách thức thống trị của Anh năm 1912. Trên thực tế, năm 1918, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng hành động bảo vệ của Ấn Độ là để trấn áp những bất bình thực sự trong nước vì đảm bảo quyền bắt và giam giữ những người Ấn Độ bị tình nghi. Ông rất ủng hộ phong trào công nông trên khắp thế giới.
Khi chúc mừng Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru tại Hội nghị quan hệ châu Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố, Trung Quốc và Ấn Độ là anh em lớn của Việt Nam và là hai nền văn minh lâu đời nhất. Ngày 25/3/1947, Hồ Chí Minh viết rằng sự đoàn kết khiến 3 nước trở thành những người bảo vệ mạnh mẽ nhất cho hòa bình và dân chủ. Ông cho rằng Việt Nam có khát vọng thống nhất và độc lập, đồng thời hy vọng các nước châu Á ủng hộ. Ông tuyên bố các nước láng giềng cần có quan hệ hữu nghị và ám chỉ 5 nguyên tắc (Panchsheela) của Tuyên bố chung Nehru-Chau Enlai. Ông nói thêm, 5 nguyên tắc chính được đưa vào Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ và Myanmar và Trung Quốc cần được nhân rộng trong bối cảnh châu Á rộng lớn hơn. Sau khi kết thúc cuộc chiến với Pháp năm 1954, Hồ Chí Minh nói rõ những thách thức lớn đối với Việt Nam là thực hiện đúng Hiệp định Geneva và duy trì nền kinh tế nâng cao mức sống của người dân Việt Nam. Trả lời câu hỏi của một nhà báo liên quan đến việc thực thi Hiệp định Geneva ở Việt Nam, ông cho rằng Pháp là nước lớn và là một cường quốc thuộc địa nên hiệp định ngừng bắn được thực hiện đầy đủ và điều này đảm bảo sự tin cậy giữa các bên ký kết. Điều quan trọng nữa là sự thận trọng trong thỏa thuận như vậy để mang lại hòa bình.
Hồ Chí Minh nhiều lần nêu ra 5 nguyên tắc của Panchsheela bất cứ khi nào trả lời phỏng vấn của các nhà báo và học giả. Ông nêu rõ cần tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không vi phạm biên giới lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ, đối xử bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình. Ông cho rằng lấy cảm hứng từ thỏa thuận Ấn Độ-Trung Quốc, Việt Nam sẵn sàng thực hiện 5 nguyên tắc tương tự với các nước khác, chủ yếu là Campuchia và Lào. Liên quan đến việc Bồ Đào Nha chiếm đóng trái phép Goa, ông chỉ trích việc người Bồ Đào Nha chiếm đóng bất hợp pháp Goa và sự hỗ trợ mà Mỹ dành cho Bồ Đào Nha để tiếp tục chiếm đóng bất hợp pháp.
Đề cập tình đoàn kết giữa người dân châu Á và châu Phi, ông cho rằng để hòa bình tồn tại, Hiệp định Geneva cần được thực hiện đầy đủ. Sau chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Hồ Chí Minh nói rằng điều quan trọng là hòa bình theo các quy định của Panchsheela phải được thực hiện ở tất cả các cấp. Ông luôn đưa ra dẫn chứng của Đức Phật và Mahatma Gandhi khi nói về hòa bình, phân định rõ ràng vai trò của văn hóa và tôn giáo trong việc duy trì hòa bình. Trong một bức thư viết gửi cho người dân New Delhi ở Ấn Độ, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng tình hình thế giới, đặc biệt là sau khi nền độc lập của nhiều nước đang phát triển có lợi cho phong trào hòa bình. Hồ Chí Minh cho rằng hơn 1.200 triệu người gốc Á Phi đã đứng trong hàng ngũ lực lượng hòa bình và những người này đã được giải phóng, bao gồm cả những người ở Liên Xô trước đây và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Ông ca ngợi vai trò của các nước Á Phi trong việc bảo vệ hòa bình và luôn ủng hộ cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân và sự đoàn kết của người dân châu Á. Ông hoàn toàn chống lại việc chạy đua vũ trang, cấm vũ khí hạt nhân và bom khinh khí, giải giáp các lực lượng quân sự cực đoan và phá bỏ các căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về việc cắt giảm vũ khí và hợp tác giảm thiểu tai họa của bom hạt nhân rất cụ thể. Đáp lại bài phát biểu chào mừng trong bữa tiệc do Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad chiêu đãi năm 1958, ông tuyên bố: “các lực lượng hùng cường âm mưu đẩy nhân loại đến sự tàn phá của chiến tranh. Người dân đang không ngừng chiến đấu để giành độc lập và hòa bình, Ấn Độ đã đóng góp rất lớn. Lực lượng hòa bình có khả năng ngăn chặn chiến tranh mạnh mẽ hơn nhưng lực lượng hùng cường không từ bỏ âm mưu tiến hành chiến tranh của chúng”. Hồ Chí Minh đánh giá cao sáng kiến hòa bình do bất kỳ quốc gia nào thực hiện và ông đã nhiều lần cảm ơn Ủy ban quốc tế do Ấn Độ làm chủ tịch giám sát và kiểm soát việc thực hiện hiệp định Geneva tại Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao tinh hoa văn hóa Phật giáo củng cố tinh thần yêu Tổ quốc, đoàn kết dân tộc, gắn kết hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Ông cho rằng về mặt đạo Phật, triết lý cốt lõi là hòa bình và xây dựng đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Người cho rằng nhân dân phải thực hiện nếp sống thánh thiện, giản dị của đạo Phật. Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết và phản ánh về Phật giáo nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với triết lý cốt lõi của Phật giáo. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm lòng nhân từ, không vị kỷ, vị tha, tự hoàn thiện bản thân, rèn luyện đạo đức và tinh thần đoàn kết dân tộc. Việc thừa nhận đạo Phật là cốt lõi của cuộc sống đã được người dân Việt Nam dần thừa nhận và Người cũng đã tiếp thu những tư tưởng Phật giáo từ gia đình, truyền thống dân tộc và con đường giải phóng đất nước của đạo Phật./.

... Theo TTXVN