Bên kia cánh đồng là làng Văn Tập cùng xã. Bên Hậu Luật có một luỹ tre, bên Văn Tập có một lũy tre. Chúng tôi nhìn qua cánh đồng sang làng Văn Tập như nhìn sang một thế giới khác, xa lắc xa lơ. Đôi lần chúng tôi đánh liều rủ nhau băng qua cánh đồng đi sang làng Văn Tập, thường chỉ vào dịp Tết vì bên đó có biểu diễn văn nghệ, chơi đu, đánh cờ người. Những chuyến “vượt biên” sang làng Văn Tập đối với chúng tôi là “hành động đáng kể” và mang lại nhiều cảm xúc. Thật ra, cánh đồng giữa hai làng Hậu Luật và Văn Tập chỉ rộng cỡ... 200 mét. Sau này mỗi lần về quê, nhìn cánh đồng này và nhớ lại những kỷ niệm “vượt biên” thời xưa, tôi phì cười. Nhưng trong đôi mắt và trên đôi chân của những đứa con nít chúng tôi, làng Hậu Luật là cả một thế giới. Luỹ tre làng là biên giới của nó với những thế giới khác và làng Văn Tập là một thế giới khác.
Ảnh minh họa
Năm 1980, ở tuổi 17, tôi là học viên trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự). Đơn vị tôi đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất. Công việc chủ yếu của chúng tôi là học tiếng Nga. Thời gian còn lại là tập quân sự, trồng rau, có một đợt đi gặt lúa, bắt cá tận Hậu Giang. Cái “làng”, cái thế giới của tôi đã rộng ra rất nhiều so với cái làng Hậu Luật quê tôi. Nhưng, cũng giống như khi xưa đứng ở luỹ tre làng Hậu Luật, tôi lại nhìn thấy một thế giới khác. Cái thế giới đó xuất hiện vào cuối chiều Thứ 5 hàng tuần, khi chiếc máy bay Boeing 747 của Air France chuẩn bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi và đồng đội thường đứng sẵn ở sân doanh trại chờ máy bay của Air France xuất hiện và nhìn theo cho đến khi nó đáp xuống sân bay, khuất tầm nhìn. Giống như làng Văn Tập đối với làng Hậu Luật, cái máy bay của Air France là một “thế giới khác”, cái thế giới mà chúng tôi chưa biết.
Năm 1981 tôi sang Liên-xô học hàng không. Tôi có dịp đi dọc ngang Liên-xô trong các dịp nghỉ hè, nghỉ đông. Cái “làng” của tôi đã rộng hơn nhiều mảnh đất hình chữ S. Nơi đó tôi không chỉ học chữ, mà được biết thêm rất nhiều những thứ khác. Đó là một thế giới lớn và thú vị. Chỉ riêng ngành hàng không Liên-xô đã là cả một thế giới rồi. Hè năm 1985, tôi theo các nhân viên của sân bay Pulkovo (Leningrad) “đột nhập” vào chiếc máy bay DC-10 của hãng hàng không Pan Am từ Mỹ sang. Đứng ở trong chiếc máy bay DC-10 đó, tôi lại cảm nhận được về một “thế giới khác” mà nó đại diện, một thế giới tôi còn chưa biết và muốn biết. Năm 1990 tôi về nước làm việc cho một hãng hàng không. Rồi tôi phụ trách việc mở rộng mạng đường bay và hợp tác quốc tế của hãng hàng không đó. Công việc đó cho tôi cơ hội đi dọc ngang châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Australasia. Mặc dù tôi chưa có dịp đến Nam Mỹ và châu Phi, nhưng cái “làng” của tôi qua năm tháng làm hàng không đã được mở ra rất rộng. Tôi được thấy, được biết thêm nhiều điều. Với những chuyến đi, tôi có cảm giác trái đất như nhỏ đi. Một vòng trái đất chỉ 50 giờ bay, có nhiều nhặn gì đâu? Điều tôi muốn nói là cái gì và ai đã làm cho trái đất nhỏ đi với tôi và những người khác như vậy? Tôi chợt nhận ra: đó chính là nhờ kiến thức con người. Nói đúng hơn - nhờ hành trình đi tìm kiến thức của con người, đặc biệt là của những người châu Âu, của “Tây”. Tại sao tôi lại nghĩ về người châu Âu, đến “Tây”? Có hai thứ làm tôi nghĩ như thế. Đó là Biển và Trời. Tôi cảm thấy sự ứng xử của người châu Á và người châu Âu đối với hai thứ đó có những điểm giống nhau, nhưng có những điểm rất khác nhau. Người châu Á và người châu Âu đứng trước biển. Cả hai đều thấy biển có muối và cá. Họ lấy muối và cá về nhà ăn. Họ thấy nước biển có thể nâng thuyền và gió biển có thể đẩy thuyền đi. Họ đóng thuyền để đánh bắt cá, đi lại và vận chuyển hàng hoá. Nhưng người châu Á không ra xa. Họ nhìn thấy đường chân trời và nghĩ biển là phẳng và vô tận. Với người châu Á, đi về hướng đó là đi vào cõi hư vô bất tận. Người châu Á không đi. Họ chỉ ra xa chừng nào còn nhìn thấy đất liền để biết đường quay về. Hơn 2.500 trước, Pythagoras, một nhà toán học và triết học châu Âu, cho rằng trái đất (kể cả biển trên nó) là hình cầu, đồng nghĩa với việc nó không vô tận, mà hữu hạn. Nếu trái đất hình cầu, theo logic, cứ đi thẳng mãi về một hướng, sớm muộn gì cũng sẽ trở về điểm xuất phát. Nếu đi mãi về hướng chân trời, sớm muộn gì sẽ tìm thấy cái-gì-đó, chứ không phải là đi vào cõi hư vô bất tận (như người châu Á nghĩ).
Với niềm tin sắt đá và ý chí phi thường, vào thế kỷ thứ 11, Leif Erikson, người Iceland, và đoàn thám hiểm Norse đã “Tây tiến” vượt Đại Tây Dương và đến được châu Mỹ tại nơi sau này được đặt tên là Newfoundland, cực Đông của Canada. Gần 500 năm sau, Christopher Columbus, người Genoa (nay thuộc Italya), cùng đoàn thám hiểm của ông lại giương buồm “Tây tiến” vượt Đại Tây Dương và đến được châu Mỹ, nơi họ lúc đầu tưởng lầm là Ấn Độ, với những thổ dân da đỏ mà họ gọi là người Ấn Độ (Indians). Sau này, khi đã biết rõ hơn châu lục đó, người ta gọi nó là “Tân Thế Giới” (“New World”). Người châu Âu tìm ra Oceania, châu Bắc Cực và châu Nam Cực. Nghĩ thì hơi buồn cười, nhưng người châu Âu cũng “khám phá” ra châu Á để đến giao thương. Người châu Âu “khám phá” ra Việt Nam, tìm đến Vân Đồn ở miền Bắc, Hội An ở miền Trung, chứ họ mà ngồi chờ người Việt Nam đến thì lâu lắm! Với bầu trời, hằng đêm, người châu Á và người châu Âu ngước nhìn lên trăng sao. Họ có cảm hứng làm thơ. Họ tìm được những quy luật chuyển động của các vì tinh tú ảnh hưởng đến khí hậu, nghề nông, nghề ngư. Người châu Á chỉ dừng lại ở đó. Nhưng người châu Âu lại khác. Họ muốn lên tận “trên đó” xem chúng như thế nào, có cái gì. Họ muốn khám phá và quyết khám phá vũ trụ. Năm 1957 người Nga phóng vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo. Cũng trong năm đó, họ đưa chó Laika bay vào vũ trụ. Chỉ 4 năm sau, Gagarin đã trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên. Không chịu “kém miếng”, năm 1969, người Mỹ (gốc cũng là người châu Âu) đưa người lên mặt trăng, với câu nói bất hủ của nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong: “Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại”. Mặt trăng đã được người Âu - Mỹ chinh phục đầy ngoạn mục. Họ đã và đang hướng đến một mục tiêu xa hơn và khó hơn nhiều: Sao Hoả! “Mars One”, một công ty có trụ sở tại Hà Lan, bắt đầu tuyển dụng hành khách cho các “chuyến bay một chiều” lên Sao Hoả. Chỉ có chiều đi, ngày đi, không hề có chiều về. Khám phá trái đất và vũ trụ để mở mang kiến thức con người là công việc nguy hiểm. Nhiều nhà thám hiểm đã bỏ mạng trong hành trình đi tìm kiến thức. Hầu hết họ là người châu Âu hoặc người Mỹ gốc Âu.
Năm 25 tuổi, Fukuzawa Yukichi đến Tokyo. Ở cảng Yakohama, Fukuzawa nhìn thấy những con tàu biển của “Tây” đồ sộ, chạy bằng máy hơi nước. Ông rất ngợp. Với vốn tiếng Hà Lan ít ỏi, ông tiếp xúc với “Tây”, nhưng “họ không hiểu. Nghe họ nói, tôi cũng không hiểu. Nhìn vào hàng chữ trên các bảng quảng cáo, các tờ cáo thị, tôi không đọc được”. Cảm giác ngỡ ngàng của Fukuzawa ở cảng Yakohama rất giống cảm giác của tôi khi năm 1981 đặt chân xuống sân bay Sheremetyevo ở Moscow. Mặc dù biết chắc “Туалет” trong tiếng Nga là nhà vệ sinh, nhưng tôi vẫn bị choáng khi mở cửa nhìn vào một phòng ốp gạch men trắng toát, với những buồng xí bệt bằng sứ trắng toát. Trong tiềm thức của tôi, nhà vệ sinh cứ phải là cái hố xí hai ngăn cơ. Fukuzawa đã khám phá thế giới văn minh Âu, Mỹ trong các chuyến đi của mình. Ông nhận ra rằng xã hội và con người Âu, Mỹ vượt trội so với nước Nhật của ông đang bị chìm đắm trong nền giáo lý Khổng giáo. Ông khởi xướng phong trào “Tây học” nhằm “Thoát Á”. Với sự hậu thuẫn cải cách giáo dục của Minh Trị Hoàng Đế, nước Nhật đã theo “Tây” để xây dựng một quốc gia công nghiệp trong lòng châu Á. Học sinh được tách khỏi nhà trường thuộc chùa, vào học ở trường “Tây”, theo sách giáo khoa “Tây”, với giáo viên Nhật du học ở “Tây” về, thậm chí với cả giáo viên “Tây”. 50% ngân sách của Bộ Công nghiệp Nhật Bản để thuê “Tây” dạy cho người Nhật làm công nghiệp.
Soi vào các nước phát triển hiện đại ở châu Á, tôi đều thấy “Tây học”. Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore đều học “Tây”. Tôi nghĩ, Việt Nam ta muốn phát triển hiện đại cũng chỉ có con đường “Tây học” như mấy nước kia.