18/01/2025 lúc 17:03 (GMT+7)
Breaking News

Du học sinh Việt Nam: Những đại sứ văn hóa thầm lặng

VNHN-Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm để quảng bá, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, đội ngũ du học sinh Việt Nam cũng đang phát triển ngày càng lớn mạnh ở nhiều quốc gia, họ đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Vì vậy, rất cần có các chính sách hỗ trợ, những chương trình đào tạo bài bản cho các du học sinh để văn hóa Việt Nam bay cao, bay xa.

VNHN-Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm để quảng bá, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, đội ngũ du học sinh Việt Nam cũng đang phát triển ngày càng lớn mạnh ở nhiều quốc gia, họ đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Vì vậy, rất cần có các chính sách hỗ trợ, những chương trình đào tạo bài bản cho các du học sinh để văn hóa Việt Nam bay cao, bay xa.

Du học sinh Việt Nam trong một Lễ hội Văn hóa tại Hàn Quốc

Quảng bá văn hóa Việt

Hà Thị Hồng, cô gái trẻ dân tộc Sán Dìu, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, khoảng thời gian học tập tại Philippines và Đài Loan rất có ý nghĩa đối với em, vì em đã có dịp giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đặc biệt là đặc sản chè Thái Nguyên hay các món ăn, những bài hát, phong tục, tập quán của dân tộc Sán Dìu được các bạn quốc tế rất thích thú.

Hội nhập thành công theo Hồng đó là, em học được ở các bạn quốc tế nhiều điều bổ ích. “Em rất ấn tượng với những đất nước này bởi người nước ngoài có ý thức, kỷ luật rất cao như việc phân loại rác hay xếp hàng khi trả tiền tại các siêu thị. Em khâm phục họ bởi một tinh thần làm việc nghiêm túc. Những kiến thức và kỹ năng khi học tập tại nước ngoài rất quan trọng cho định hướng nghề nghiệp của em sau này”, Hồng chia sẻ.

Còn cậu thanh niên Mai Ngọc Hiến, dân tộc Tày, xã Trung Hội, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, từng là du học sinh học tại Trường Universitas Sriwijaya Indonesia cho biết, trong thời gian du học, Hiến có cơ hội để giao lưu và gặp gỡ bạn bè đến từ các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Anh, Đức…. “Em nhớ có lần mình đã nấu món ăn Việt Nam mời các bạn nước ngoài. Đó là món hoa chuối. Sau khi nếm thử, các bạn khen ngon và đã học để làm món đó. Khi em kể cho các bạn sinh viên quốc tế nghe về phong tục, tập quán của dân tộc Tày, các bạn rất thích thú được khám phá”, Hiến bộc bạch.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, du học sinh Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, như tham gia lễ hội văn hóa, triển lãm, tổ chức các sự kiện nhân ngày lễ lớn của Việt Nam, dạy tiếng Việt cho bạn bè quốc tế,… Những hoạt động bổ ích và ý nghĩa như thế không chỉ giúp các bạn du học sinh Việt ở những phương trời xa xôi giữ gìn được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn là một cơ hội để đưa niềm tự hào về một Việt Nam đa sắc màu văn hóa của 54 dân tộc anh em đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Cần những chính sách hỗ trợ

Thực tế cho thấy, nhiều hoạt động cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của du học sinh Việt Nam tại nước ngoài đã được triển khai có quy mô, rộng khắp nhưng để tự thân mỗi du học sinh ý thức được mình phải là một đại sứ văn hóa thì chưa có chương trình đào tạo, tập huấn hay có một chính sách nào hỗ trợ. Nhiều du học sinh chia sẻ, việc các em quảng bá văn hóa dân tộc mình cho bạn bè quốc tế là việc làm tự phát, hoàn toàn tự nhiên.

Ông Võ Xuân Hoài, nguyên Tổng Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp đã có bài viết đầy ví von: “Toàn cầu hóa giống như bão táp, luôn chực chờ cuốn đi mọi bản sắc. Du học sinh cần ý thức rằng, mình giống như những cây nhỏ bé giữa bầu trời dông bão mà bản sắc văn hóa dân tộc chính là cội rễ. Nếu rễ càng sâu thì cây càng vững, nếu rễ ngắn và ít, dĩ nhiên sẽ bị cuốn đi bởi bão táp của các nền văn hóa khác, và khi ấy họ sẽ tự đánh mất chính mình. Đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, tức đánh mất cái giúp họ phân biệt được mình với “phần còn lại của thế giới”.

Để mỗi du học sinh Việt Nam là những “sứ giả văn hóa”, bên cạnh ý thức của mỗi du học sinh về cội nguồn dân tộc, các ngành chức năng cần có những chính sách hỗ trợ đối với những du học sinh trong việc làm “sứ giả văn hóa”. Các Hội Sinh viên Việt Nam tại nước ngoài cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc trên đất khách. Nhiệm vụ làm “sứ giả văn hóa” cũng cần được đưa vào là một trong những nội dung của chương trình học tập, đào tạo du học sinh…/.

Theo Báo Dân tộc