VNHN - Tự chủ đại học là lĩnh vực mà giới nghiên cứu học thuật các nước đã bàn nhiều ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX. Họ quan niệm tự chủ là thuộc tính của đại học, có thế đại học mới có cơ hội phát triển.
Ảnh minh hoạ
Ở Việt Nam, vào những năm đầu của thế kỷ XXI, những vấn đề tự chủ đại học cũng đã được đề cập đến nhưng đã không đi đến kết quả. Bên cạnh Luật Giáo dục, các nhà nghiên cứu và giảng dạy đại học đã nhận ra đã đến lúc cần phải có Luật Giáo dục đại học cho riêng mình, nhưng rồi mãi đến ngày 18- 6 - 2012, Quốc hội 13 mới thông qua được Luật Giáo dục đại học và ngày 1-1-2013, Luật này mới chính thức được thi hành. Ngay sau khi luật ra đời và có hiệu lực, nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến sự ăn khớp, nhất quán, mối liên hệ giữa Luật Giáo dục (LGD), Luật Giáo dục đại học (LGDĐH) và nhiều văn bản pháp lý khác
Riêng với LGDĐH, cho đến nay đã gần 5 năm luật được chính thức thi hành, nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng Luật có nhiều điểm chưa phù hợp, không theo kịp với tình hình. Có luật rồi nhưng nhiều trường đại học vẫn không chịu thực hiện theo luật. Vấn đề tự chủ là vấn đề lớn trong luật nhưng chưa được thể hiện đầy đủ, còn rối, cần phải sửa đổi.
Tại một số diễn đàn học thuật về giáo dục đại học gần đây, nhiều diễn giả đã phát biểu, sau hơn ba mươi năm đổi mới nhưng các lĩnh vực văn xã nói chung và giáo dục nói riêng vẫn còn mang đậm nét của cơ chế quan liêu bao cấp trong quản lý. Đó là lý do tự chủ đại học chậm được xác lập. Theo các nhà giáo dục,mô hình tự chủ đại học phải đáp ứng đầy đủ một số tiêu chí cơ bản sau:
Tự chủ về tổ chức – quản trị
Căn cứ vào mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp, nhà trường tự quyền quyết định về cơ cấu tổ chức các Khoa, Bộ môn, Phòng, Ban, các bộ phận trực thuộc... Tự quyền quyết định tiêu chuẩn tuyển sinh; Tự quyền quyết định số lượng sinh viên tuyển sinh; Tự quyền quyết định lựa chọn thành viên bên ngoài trường tham gia Hội đồng trường (với trường công lập) hoặc tham gia Hội đồng quản trị (với trường tư thục); Tự quyền quyết định chu trình, tiêu chí bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư và tổ chức thực hiện theo đúng quy trình của nhà nước.
Tự chủ về nhân sự
Tự quyền xác định các tiêu chí để tuyển dụng hiệu trưởng và tổ chức tuyển dụng hiệu trưởng. Thông qua Hội đồng trường, tổ chức bầu Hiệu trưởng, quyết định nhiệm kỳ của Hiệu trưởng và ra quyết định của Hội đồng trường, báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm.Thông qua Hội đồng trường, quyết định tiêu chí, quy trình tuyển chọn, sa thải nhân sự, quyết định miễn nhiệm Hiệu trưởng, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tự quyền tuyển dụng các nhà khoa học, giảng viên và nhân viên có năng lực phù hợp với cơ cấu tổ chức, học thuật và mục tiêu đào tạo của trường. Tự quyền quyết định mức lương theo năng lực của giảng viên, nhân viên. Tự quyền quyết định các tiêu chí tăng lương, thăng chức vụ, thưởng cho những người có cống hiến sáng tạo trong đào tạo, những người có công tham gia đóng góp xây dựng uy tín cho trường.
Tự chủ về tài chính
Tự quyền quyết định mức học phí của sinh viên; Tự quyền quyết định mức lương cho giảng viên theo thành tích nghiên cứu và giảng dạy; Tự quyền quyết định phân bổ ngân sách cho các tổ chức thành viên; Tự quyền quyết định việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy - học; Tự quyền quyết định sở hữu bất động sản, tài sản, tài chính của trường theo đúng quy định của pháp luật.
Tự chủ về học thuật
Đây là nội dung tối quan trọng của giáo dục đại học liên quan đến uy tín và cuộc sống nội sinh của các đại học. Giá trị đích thực, thương hiệu của các đại học phụ thuộc vào thực hiện tự chủ về học thuật ở mức độ nào. Các nhà trường đại học nếu không được khích lệ để có thể phát triển khía cạnh tự chủ về học thuật thì các trường đại học khác nào như một cái máy chỉ biết nhai lại những điều cũ rích mà người đời sinh đã làm ra để rồi lại đẻ ra những những con người chỉ biết tuân theo những cái đã có, không cần hoài bão tìm kiếm, sáng tạo ra cái mới cho đời. Không có tự chủ về học thuật, trường đại học sẽ chẳng khác như một cỗ máy, rập khuôn theo một mẫu định sẵn , đào tạo ra các lớp người chỉ biết vâng lời, không còn sáng tạo, kiểu nhà trường ấy và cả cái xã hội đẻ ra kiểu nhà trường này trước sau sẽ bị guồng sống sôi động của xã hội đào thải.
Tự chủ về học thuật thể hiện ở các nội dung: Tự quyền quyết định sứ mệnh định hướng đào tạo, mục tiêu đào tạo của trường; Tự quyền quyết định mở ngành học; Tự quyền bàn luận, khuyến khích tự do tư tưởng, phát triển óc sáng tạo để tìm kiếm chân lý; Tự quyền quyết định lựa chọn ngôn ngữ giảng dạy; Tự quyền quyết định nội dung giảng dạy theo những quy định khung (Quy định chương trình khung là cần thiết nhưng không nên quá ngặt nghèo về thời gian để còn có chỗ cho các trường tự xác định các điểm nhấn của mình theo sứ mệnh nhà trường đã đặt ra); Tự quyền quyết dịnh phương pháp dạy, phương pháp học.
Bốn nội dung quan trọng của tự chủ đại học đã nêu trên đều có thể tìm thấy ít nhiều từ các quy định trong Luật Giáo dục đại học nhưng trong Luật đã đề cập ít, không thể hiện rõ quyền tự chủ, tự quyền quyết định của các cơ sở giáo dục đại học, mà bao trùm lên là quyền của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chính phủ, đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành có liên quan, các chính quyền cấp tỉnh, thành địa phương tham gia giám sát hoạt động giáo dục. Có điều là nhiều điều khoản lại không cụ thể, nhiều điều khoản vướng mắc mâu thuẫn nhau gây khó khăn trong việc thực hiện Luật Giáo dục Đại học. Điều này cũng tự lý giải tại sao cho đến nay, qua 5 năm thực thi Luật mà chỉ có 14 trường Đại học trong tổng số hơn 500 trường trong cả nước tự ngyện tham gia thí điểm tự chủ đại học, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà./.
Lê Hồng, Ban Truyền thông và phổ biến kiến thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam