VNHNO - Tự chủ đại học đang được xem như là cánh cửa mở rộng để các trường phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, tự chủ sẽ gắn với trách nhiệm giải trình xã hội mà ở đó khâu kiểm định chất lượng giáo dục được xem là yếu tố quan trọng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân
GS có nhận xét như thế nào về cơ chế tự chủ của các trường đại học. Hiện nay, khó khăn nhất của tự chủ đại học là gì thưa thầy?
- Thực tế cho thấy, việc thực hiện tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học theo Nghị quyết 77 bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng. Đó là tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của trường đại học. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, có những kết quả nhất định và được xã hội công nhận.
Tuy nhiên, tự chủ đại học đang có một số hạn chế, bất cập vì tính chất thí điểm. Trước hết là do có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau về những nội dung cơ bản của tự chủ, cũng như sự thiếu nhất quán, đồng bộ trong cơ chế chính sách của Nhà nước, sự vào cuộc chưa thật sự quyết liệt của các bộ, ban ngành có liên quan.
Có thể thấy, để thực hiện được tự chủ đại học thì cần phải có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên sự chồng chéo trong quy định về tự chủ của các luật có liên quan, chẳng hạn như: Luật quản lí sử dụng tài sản công, Luật đầu tư công, Luật viên chức... đang gây nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai các nội dung thí điểm liên quan đến nhân sự, quản lý tài chính và tài sản trong các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ.
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) đề cập đậm nét về tự chủ đại học. Theo thầy, điều đó có tạo cơ chế và hành lang pháp lý để các trường thực hiện quyền tự chủ?
- Dự thảo lần này đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn và rào cản vừa cơ bản, vừa cấp thiết trong phát triển giáo dục đại học nói chung và tự chủ đại học nói riêng. Một đại học muốn thực sự tự chủ thì phải tự chủ về các nội dung: nhân sự, học thuật và tài chính. Các nội dung dự kiến điều chỉnh trong dự thảo Luật về quản lý tài sản, về thực hiện các hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục đại học đã khá mở, theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về tự chủ tổ chức bộ máy và nhân sự, dự thảo có nhiều điều khoản được sửa đổi, bổ sung theo hướng thông thoáng và cởi mở hơn, trong đó có những quy định tạo hành lang pháp lý để Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về bộ máy tổ chức, phân định rõ chức năng giữa quản trị và quản lý trường đại học, tạo quyền thực chất hơn cho Hội đồng trường đại học công lập nhằm thực hiện tự chủ về quản trị đại học.
Đây là một điểm sửa đổi khá quan trọng của Luật giáo dục đại học, góp phần đổi mới quản lý giáo dục đại học. Theo đó, chức năng quản trị trường đại học là thuộc về Hội đồng trường, chức năng quản lý thì thuộc về hệ thống quản lý của nhà trường, đứng đầu là hiệu trưởng.
Các sửa đổi bổ sung về vấn đề tự chủ về tài chính cũng là những nội dung quan trọng được đề xuất, kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc về tài chính, tài sản trong các trường đại học công lập tự chủ.
Từ thực tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, theo GS trong tự chủ đại học, yếu tố quan trọng nhất là gì?
- Có một số yếu tố quan trọng: trước hết là hành lang pháp lý phải rõ ràng, nhất quán, thứ hai là quyết tâm và kiên định của đội ngũ lãnh đạo và thứ ba là sự đồng thuận của cán bộ, giảng viên và người học trong các cơ sở giáo dục đại học.
Các chuyên gia cho rằng, khi tự chủ, mọi thông tin về nhà trường đều phải công khai, minh bạch và phải có trách nhiệm giải trình với xã hội. Do đó khi thực hiện quyền tự chủ, các trường đại học càng cần phải thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục? Vậy quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?
- Có một xu hướng dễ nhận thấy của tự chủ đại học trong thời gian qua là các trường đại học muốn được tự chủ nhiều hơn về các hoạt động, nhưng có một nội dung hết sức quan trọng là trách nhiệm giải trình của nhà trường trước các cơ quan quản lý nhà nước, người học và xã hội về các hoạt động của mình thì ít được đề cập đến và đang được nhìn nhận và thực hiện rất khác nhau giữa các trường đại học, do khái niệm“trách nhiệm giải trình” của cơ sở giáo dục đại học chưa được hiểu thống nhất, đặc biệt là giữa các trường công lập và tư thục.
Các nội dung cơ bản của trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học nhất thiết phải bao gồm (nhưng không giới hạn bởi) việc công khai về sứ mạng, mục tiêu giáo dục và các giá trị cốt lõi của nhà trường, việc thực hiện các văn bản quản trị và quản lý nội bộ đối với mọi lĩnh vực hoạt động của trường, việc công khai chỉ số đầu ra cơ bản, kiểm định chất lượng trường và chương trình đào tạo, kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán, báo cáo các cơ quan quản lý trường đại học, cơ quan giám sát.../.
Xin cảm ơn GS!
“Theo Luật Giáo dục đại học hiện hành, việc chi từ các nguồn thu từ học phí, lệ phí đang bị giới hạn do quy định của Luật ngân sách. Dự thảo Luật mới cho phép đối với những nguồn vốn do trường đại học tự huy động được thì sẽ được tự quyết định chi, giúp tăng quyền tự chủ về mặt tài chính”. GS.TS Trần Thọ Đạt |