23/01/2025 lúc 01:22 (GMT+7)
Breaking News

Tự chủ chiến lược và những giải pháp cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh mới

Đặc điểm cơ bản nhất của thế giới đương đại là các nước lớn nhỏ khác nhau, giàu - nghèo khác nhau, thể chế chính trị - xã hội khác nhau cùng chung sống trong môi trường vừa hợp tác vừa đấu tranh, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trật tự thế giới bất ổn với nhiều biến động khó lường.

Trong điều kiện phức tạp như thế, mỗi nước muốn giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mình, nhất định phải có đủ thế và lực với quyết tâm và bản lĩnh cao, kiên trì theo đuổi và thực hiện lý tưởng. Tất cả điều đó đòi hỏi phải xây dựng đường lối phát triển rõ ràng, trong đó tự chủ chiến lược là nội dung căn cốt.

1.Để hiểu rõ tự chủ chiến lược, trước hết cần có khái niệm về tự chủ. Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về “tự chủ”. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam thì tự chủ là loại quyền đặc biệt để có thể kiểm soát được một khu vực về quyền cai trị, con người hoặc bản thân một ai đó. Có ý kiến cho rằng: Tự chủ là việc không phân chia và không ngăn cản quyền lực để hình thành và củng cố luật pháp và đặc điểm này xác định đặc tính của một quốc gia. Tương tự như vậy, có người nhận định: Một quốc gia tự chủ khi có một bộ máy nội bộ điều khiển xã hội một cách hiệu quả và không bị chỉ huy hoặc điều hành bởi bất cứ một lực lượng bên ngoài nào.

Xét từ khía cạnh điều hành, quản lý, tự chủ là tự giải quyết mọi công việc của một chủ thể: từ suy nghĩ đến hành động, từ lựa chọn cho đến việc thực hiện mục đích của một chủ thể đều tự quyết định, không lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào bên ngoài. Trong bản thân chủ thể, sự tử chủ được thể hiện ở việc tự quyết, tự làm chủ tình cảm, ý chí, hành vi, không bị hoàn cảnh, môi trường chi phối.

Trong chính trị, tự chủ là khả năng kiểm soát, làm chủ, tự quyết định mọi hoạt động của quốc gia theo ý chí, nguyện vọng, lợi ích của quốc gia, của nhân dân. Tự chủ là quyền tối cao của quốc gia, dân tộc liên quan đến các quan hệ quốc tế.

Như vậy, có thể hiểu tự chủ là quyền tự quyết định mọi hoạt động của quốc gia, dân tộc theo lợi ích cao nhất của quốc gia và ý chí của người dân; là việc nắm chắc thực lực tổng hợp của quốc gia, năng lực huy động tổng hợp và sử dụng mọi sức mạnh để thực hiện chủ quyền hợp pháp, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Tính tự chủ của quốc gia được xác định một cách nhất quán, nhưng cũng có lúc trong ứng xử có sự mềm dẻo, thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể và tình hình của thời cuộc.

“Tự chủ” có mối quan hệ mật thiết với “độc lập”. Nếu “độc lập” là trạng thái không phụ thuộc vào bất cứ thế lực nào từ bên ngoài, thì tự chủ là năng lực kiểm soát, chủ động đưa ra các quyết định nhằm thực hiện mục đích của chủ thể. Dưới góc độ chính trị, độc lập và tự chủ đóng vai trò cốt lõi trong tư tưởng chính trị, nhà nước, pháp luật, kể cả quan hệ quốc tế. Độc lập chứa đựng nội hàm quan hệ bên trong với bên ngoài (giữa chủ thể và đối tượng quan hệ); tự chủ chứa đựng chủ yếu là nội hàm bên trong của quốc gia (tự quyết định những vấn đề của quốc gia).

2.Từ quan niệm về tự chủ, có thể làm rõ quan niệm về tự chủ chiến lược. Nếu như hiểu chiến lược là “phương châm và kế hoạch, mưu lược toàn cục cho một thời kỳ đấu tranh và xây dựng xã hội” (Đại Từ điển Tiếng Việt), thì tự chủ chiến lược là quyền tự quyết định mọi phương châm, kế hoạch và hoạt động của quốc gia, dân tộc trong cả một thời kỳ nhất định. Tự chủ chiến lược ở nước ta là quyền tự quyết định mọi đường lối, chủ trương, chính sách và các hoạt động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trong nhiệm kỳ 2021-2025 và những năm tiếp theo, mục tiêu phát triển tổng quát của chúng ta là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cần cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.[1]

3. Tự chủ chiến lược là vấn đề cốt lõi, trọng yếu, xuyên suốt trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng ta, thường xuyên được thực hiện trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều chuyển biến phức tạp, khó đoán định. Bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang bị thách thức. Trật tự thế giới vốn đã bất ổn nay càng bị xáo trộn nghiêm trọng hơn qua cuộc xung đột vũ trang với mức độ khốc liệt chưa từng có tại Ukraine. Chạy đua vũ trang và chiến tranh lạnh kiểu mới, chiến tranh thương mại đang ngày càng phức tạp giữa các nước lớn lại bị cộng hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine làm cho quá trình toàn cầu hóa và kinh tế thế giới đang gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy gia tăng. Vấn đề chủ quyền, quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực. Trong khi đại dịch Covid-19 vừa gây đảo lộn nghiêm trọng về kinh tế, xã hội toàn cầu, cần nhiều thời gian để hồi phục, thì những thách thức ngày càng gay gắt về biến đổi khí hậu, khủng hoảng môi trường, an ninh mạng, an ninh con người có chiều hướng gia tăng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, đồng thời đưa tới cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.

Ở trong nước, với đường lối độc lập, tự chủ chiến lược của Đảng ta, sau 36 năm đổi mới, chúng ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chúng ta trở thành quốc gia rất thành công trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19 và kinh tế tăng trưởng ở mức cao. Tuy nhiên nền kinh tế phát triển chưa thật bền vững; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về đạo đức, lối sống, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cùng với những tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Bảo vệ độc lập chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là những thách thức lớn tác động đến nước ta trong thời gian tới.

4. Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đạt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới đối với việc thực hiện tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, nhãn quan khoa học, dự báo chính xác kịp thời diễn biến của tình hình, nhất định Đảng, Nhà nước ta vững vàng, kiên định tự chủ chiến lược. Để bảo đảm tự chủ chiến lược trong bối cảnh mới, cần có những giải pháp chính yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia cả về kinh tế, chính trị - đối ngoại, văn hóa – xã hội và quốc phòng, an ninh, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong quá trình thực hiện tự chủ chiến lược.

Thứ hai, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của công dân trong quá trình thực hiện tự chủ chiến lược.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại với bảo đảm quốc phòng, an sinh, phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng đất nước hùng mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, triển khai đồng bộ, sáng tạo hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, không lệ thuộc, không ngả về bên nào, hợp tác càng có lợi.

Thứ năm, chủ động phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ.

Thứ sáu, xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn, không bị cuốn vào trò chơi quyền lực của các nước đó, không chọn bên , khẳng định mạnh mẽ độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng thực lực kinh tế - xã hội đủ mạnh, thực hiện các đối sách, phương án hợp lý, nhất định chúng ta sẽ bảo đảm tự chủ chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới, nhất định đưa nước ta thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

GS.TS Vũ Văn Hiền

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tr.35.36.

...