Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm công tác hàng năm của Bộ, ngành Tư pháp, qua đó kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý các văn bản trái pháp luật, ngăn ngừa hậu quả tác động tiêu cực đến xã hội.
Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9, Khóa XIV. Ảnh: Quốc hội
Từ năm 2016 đến tháng 5/2021: Phát hiện và kết luận 660 văn bản trái pháp luật
Bộ Tư pháp cho biết: Trong nhiệm kỳ, từ năm 2016 đến ngày 15/5/2021, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền được 25.193 văn bản (gồm 3.277 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, 21.916 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh). Kết quả đã phát hiện và kết luận 660 văn bản có quy định trái pháp luật (gồm 108 văn bản của cơ quan cấp bộ và 552 văn bản của chính quyền cấp tỉnh); đã xử lý được 575/660 văn bản (chiếm 87.12%); còn 85/660 văn bản đang trong quá trình xử lý.
Riêng năm 2020, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 5.161 văn bản (gồm 459 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, 4.702 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh); đã phát hiện và kết luận 68 văn bản có quy định trái pháp luật (06 văn bản của cơ quan cấp bộ và 62 văn bản của chính quyền cấp tỉnh).
Từ đầu năm 2021 đến 15/5/2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 708 văn bản (gồm 56 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 652 văn bản của chính quyền cấp tỉnh), phát hiện và kết luận, kiến nghị xử lý 02 văn bản trái pháp luật (01văn bản cơ quan cấp bộ và 01 văn bản của chính quyền cấp tỉnh) trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ; ngoài ra, trên cơ sở kết quả kiểm tra văn bản về lĩnh vực Giá do cơ quan cấp bộ và chính quyền địa phương ban hành (thực hiện kiểm tra trong năm 2020) và kết quả kiểm tra của các Đoàn công tác liên ngành trong năm 2020, Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp đã ban hành kết luận, kiến nghị xử lý 60 văn bản của các địa phương trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.
Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật
Đối với công tác rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL ngày càng được các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp tổ chức quan tâm thực hiện thực hiện tích cực, qua đó đã phát hiện và kịp thời xử lý nhiều văn bản quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp, giúp “làm sạch”, minh bạch hoá hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho việc tiếp cận, sử dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức, công dân và công tác quản lý của cơ quan nhà nước.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát văn bản QPPL theo nhiều chuyên đề, lĩnh vực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, năm 2020, với sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và vai trò đầu mối, tham mưu tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tích cực, chủ động triển khai có chất lượng, hiệu quả cao nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành (với 8.779 văn bản được rà soát), trong đó trọng tâm là quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đây là đợt rà soát có tính toàn diện, hệ thống, chuyên sâu nhất từ trước đến nay đối với văn bản QPPL của các cơ quan trung ương.
Qua đó đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản QPPL do các cơ quan trung ương ban hành, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ và Tổ công tác, Bộ Tư pháp đã chủ trì tổng hợp, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Báo cáo số 442/BC-CP ngày 01/10/2020 của Chính phủ trình Quốc hội về kết quả rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước (trong đó xác định 60 nội dung quy định trong 76 văn bản được nhận định là có bất cập, không còn phù hợp thực tiễn; 15 nội dung quy định trong 27 văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo).