VNHN - Với trí tuệ uyên bác và phương pháp tư duy biện chứng duy vật, trong quá trình tiếp thu những tinh hoa của kho tàng tư tưởng nhân loại, Hồ Chí Minh đã gạn lọc những yếu tố tích cực, có giá trị của Nho giáo để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, những khái niệm, mệnh đề của Nho giáo mà Người sử dụng đã có sự khác biệt về chất. Nho giáo từng coi "dân là gốc nước", nhưng nó mới chỉ dừng lại ở quan niệm "dân bản" mà chưa phải là "dân chủ". Trong quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ, vấn đề dân tâm, dân ý, dân sinh, dân trí, dân quyền thống nhất gắn bó hữu cơ với nhau. Thực hành dân chủ tức là phải hiện thực hóa toàn bộ các vấn đề đó trong thực tế đời sống xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu niên nhi đồng. Ảnh: TL
Từ khóa: “dân bản”, Nho giáo, “dân chủ”, Hồ Chí Minh.
1. “Dân bản” của Nho giáo
Theo Nho giáo, “dân” vốn được dùng để chỉ tất cả những người được sinh ra ở một nước, thuộc quyền cai trị của một ông vua nào đó. Khi đề cập đến dân trong mối quan hệ với vua, “dân” thường đi liền với “thần” thành “thần dân” - được hiểu theo nghĩa là bề tôi của vua, chịu ân huệ của vua và do đó cũng phải có nghĩa vụ trung thành với vua. Để tỏ lòng thương yêu của những người tài đức ở địa vị trên cao đối với dân chúng bên dưới, người ta gọi dân là “trăm họ” (bách tính), “dân đen” (lê dân), “con đỏ” (xích tử)...
Bàn về vai trò của dân, trong kinh điển Nho giáo có sự coi trọng, đề cao ý nghĩa và vai trò của dân. Nó yêu cầu người trị nước phải có trách nhiệm chăm lo cuộc sống của dân, làm cho dân được sung túc, khiến cho họ “ngẩng lên đủ thờ cha mẹ, cúi xuống đủ nuôi vợ con” thì mới có thể sai khiến họ. Do đó mà trong thiên hạ ai cũng muốn đứng trong triều của nhà vua, kẻ cày ruộng muốn cày trên đất của nhà vua, kẻ buôn bán muốn buôn bán ở chợ của nhà vua... Sau đó phải đặt nhà tường nhà tự, lập nhà học nhà hiệu mà dạy dỗ dân để họ biết rõ nhân luân, không làm điều xấu.
Về quan hệ giữa dân với nước, Nho giáo khẳng định “Dân là gốc nước” (Dân vi bang bản). Về vai trò của dân trong quan hệ với vua và triều đình phong kiến, Nho giáo coi “Vua là thuyền, thứ dân là nước, nước có thể chở thuyền, nước chở thuyền nhưng nước lại đánh đắm thuyền” (Quân giả chu dã, thứ nhân giả thủy dã; thủy tắc tải chu, thủy tắc phúc chu)(1). Điều đó không chỉ nói rõ vai trò của dân là “gốc nước” mà còn khẳng định sức mạnh to lớn của dân đối với các thế lực trị nước, trị dân. Nếu trước kia, so sánh giữa vua và dân trong ý thức xã hội thì uy thế của vua như sấm sét, thân phận người dân như rơm như cỏ thì đến Mạnh Tử, ông tỏ ra rất dũng cảm khi đánh giá và sắp xếp: “Dân là quý nhất, rồi đến xã tắc (tức là đất đai, lúa gạo), vua là khinh, cho nên được lòng dân rồi mới làm thiên tử” (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh, thị cố đắc hồ dân nhi vi thiên tử)(2). Nhưng như vậy không có nghĩa là ông có tư tưởng đấu tranh cho nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Dân là quý bởi vì dân như nước, vừa có thể chở thuyền, vừa có thể lật úp thuyền nên người nào biết tranh thủ dân và nắm được dân sẽ làm thiên tử. Ý nghĩa của “dân vi quý” đã được Mạnh Tử giải thích: “Tranh thủ được dân thì làm thiên tử, tranh thủ được thiên tử thì làm chư hầu, tranh thủ được chư hầu thì làm quan đại phu”(3). Điều kiện xã hội đương thời chưa thể cho phép nảy sinh trong suy nghĩ của các Thánh hiền đạo Nho ý thức về vai trò của người dân làm chủ đất nước, được định đoạt tương lai của đất nước và vận mệnh của mình mà Nho giáo chỉ nhắc nhở cho các vua chúa, từ thiên tử đến chư hầu - những kẻ “có nước có nhà” không được lìa bỏ dân nếu không muốn mất quyền sở hữu đó. Nho giáo khuyên các vua chúa phải biết nắm lấy dân, tranh thủ được dân, phải làm cho dân tin mình để dễ sai khiến thần dân. Đạo lý ấy của Nho giáo đã tác động mạnh mẽ và lâu dài trong ý thức của người dân lao động, khiến họ cũng tin rằng việc nước chỉ là việc của vua quan - những con người tiêu biểu cho các “cự thất”, “thế gia”. Người “dân đen” ngu dốt đâu biết gì về việc nước, việc thiên hạ mà luận bàn. Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử nói: “dân khả sử do tri, bất khả sử tri chi” (đối với dân thì không nên giảng giải những điều vi diệu, cao siêu mà nên dạy những điều để dễ sai khiến), và “Thiên hạ hữu đạo, tắc thứ nhân bất nghị” (Thiên hạ có đạo thì người dân không bàn việc chính sự). Trong sách Mạnh Tử thiên “Vạn chương”, ông khẳng định: “Ở ngôi vị thấp mà bàn những việc của người ngôi vị cao là có tội” (Vị ti nhi ngôn cao, tội dã). Nghĩa vụ và bổn phận của người dân chỉ là làm thế nào trở nên dễ sai khiến là được. Nước thịnh hay suy, hưng hay vong, vận mệnh của nước gắn với nhà này hay nhà khác do mệnh trời quyết định. Nhân dân lao động chỉ có số phận và nghĩa vụ phục tùng, phụng sự và bảo vệ gia tộc đang trị vì cả nước, trị vì thiên hạ. Suốt cuộc đời của người dân, rồi từ đời này sang đời khác, người “dân đen” cứ phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi những kẻ cai trị, bóc lột mình. Những thành quả lao động của người dân không chỉ bị chiếm hữu bởi các cự thất, thế gia ở địa phương mà còn bị chiếm hữu bởi những gia tộc đang thao túng ngai vàng. Người dân lao động dù suốt đời lao động cần cù, cực khổ và cũng đầy sáng tạo nhưng thành quả của họ chủ yếu là cung phụng cho những kẻ đang thống trị mình. Quyền của dân cũng chỉ là được hưởng ân huệ của vua chứ không có quyền tham gia công việc chính sự, càng không thể là người chủ đất nước mà tất cả điều đó thuộc về thế lực cầm quyền cai trị.
Điều đó cho thấy, mặc dù Nho giáo đã từng coi “dân là gốc nước”, “vua lấy dân làm trời”, coi trọng việc dưỡng dân, giáo dân, dân tín... nhưng không có nghĩa là trong Nho giáo có tư tưởng dân chủ, đấu tranh cho dân chủ. Nho giáo không bao giờ rời bỏ đạo lý “quân thần”, không hề nghĩ đến một xã hội mà lại không có vua để người dân làm chủ. Nghĩa là, trong Nho giáo chỉ có quan niệm “dân bản” chứ không có tư tưởng “dân chủ”. Quan niệm “dân bản” ấy xuất phát từ ý thức đạo đức. Trong cơ cấu chính trị, dân hoàn toàn bị động, dân có được làm “gốc” hay không còn tùy thuộc vào vua, do đạo đức của vua, mà vua thì không cần chịu trách nhiệm trước dân. Còn “dân chủ” thì khác hẳn, bởi điều căn bản nhất của dân chủ là những người nắm chính quyền do dân bầu ra, họ phải chịu trách nhiệm trước dân và dân có quyền bãi miễn họ. Dân có quyền quyết định vận mệnh của mình chứ không phải thụ động ngồi chờ sự ban ơn của kẻ thống trị. Tức là, trong tư tưởng “dân bản” thì quyền lực vẫn thuộc về vua, còn “dân chủ” là quyền lực phải thuộc về dân. Với Nho giáo thì người dân chỉ là người được sai khiến và dân phải dễ sai khiến mới là hợp đạo. Nhân dân, nhất là những người mà Nho giáo gọi là người dân “lao lực” chỉ có nghĩa vụ “nuôi người” và “bị người trị” mà thôi.
Trong quá trình Nho giáo du nhập nước ta, các nhà nho Việt Nam trong lịch sử cũng tiếp thu quan niệm “dân bản” của Nho giáo, song những nội dung của nó phần nào đã được “Việt hóa” bởi sự kế thừa, tiếp biến gắn với yêu cầu thực tiễn của đất nước đương thời và sự kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân. Tất cả những chiến công hiển hách chống ngoại xâm trong lịch sử có được là bởi các lực lượng giữ vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã tin vào dân, biết dựa vào dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân. Nhờ tin vào dân, biết dựa vào sức mạnh của dân mà các triều đại phong kiến mới có thể giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Nhận thức đúng vai trò của nhân dân, quy tụ được lòng dân, tin vào sức mạnh của nhân dân là điều có ý nghĩa quyết định cho sự thắng lợi đó.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, các triều đại phong kiến Việt Nam chỉ có thể thành công trong việc giải quyết các nhiệm vụ lịch sử trên cơ sở tập hợp, động viên được sức mạnh của toàn dân. Chỉ khi giai cấp cầm quyền, lực lượng lãnh đạo đất nước tin dân, trọng dân, dựa vào nhân dân, huy động được sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của toàn dân thì công cuộc dựng nước và giữ nước mới thành công. Ngược lại, nếu triều đại nào chỉ biết vơ vét làm cho dân tình đói khổ, đi ngược lại với quyền lợi của nhân dân, làm trái lòng dân thì triều đại đó sẽ phải suy vong, không chỉ thất bại trước các cuộc xâm lăng của kẻ thù bên ngoài mà họ còn bị chính nhân dân vùng lên lật đổ. Vì thế, khi còn đại diện cho lợi ích và xu hướng phát triển của dân tộc, các chính sách của triều đình và các nhân vật tiêu biểu của nó đều thể hiện sự quan tâm đến đời sống của dân, coi trọng lòng dân, ý dân, quan tâm đến vấn đề dân sinh ở những mức độ nhất định. Những quan niệm về “khoan thư sức dân”, “chúng chí thành thành”, “yêu nuôi nhân dân, làm cho khắp hang cùng xóm vắng không có tiếng oán giận, than sầu”... là những quan niệm được khái quát từ thực tiễn lịch sử, đồng thời cũng là phương châm trị nước được nhiều triều đại coi trọng. Tuy có những nội dung mới được được bổ sung bằng văn hóa truyền thống và từ sự khái quát thực tiễn ở mỗi thời kỳ, nghĩa là cũng đã được “Việt hóa” ở mức độ nhất định, song những quan niệm về dân, vai trò của dân của các nhà tư tưởng cũng như các triều đại trong lịch sử Việt Nam, về cơ bản vẫn chưa vượt ra khỏi khuôn khổ của hệ tư tưởng phong kiến.
2. Dân chủ của Hồ Chí Minh
Xuất thân từ gia đình khoa bảng, từ nhỏ đã được tiếp cận với những tư tưởng Nho giáo, song với tư duy độc lập, biện chứng và sáng tạo, Hồ Chí Minh đã không sao chép, tiếp thu giáo điều mà có sự bổ sung, phát triển. Các khái niệm, mệnh đề được Người sử dụng đều mang những nội dung và tính chất mới - đó là tính cách mạng và sáng tạo. “Dân chủ” trong tư tưởng Hồ Chí Minh không đồng nhất với quan niệm “dân bản” của Nho giáo mà là một sự “cách mạng hóa”, ở đó vừa chứa đựng những giá trị trong lịch sử tư tưởng truyền thống phương Đông, vừa mang hơi thở của thực tiễn đất nước trong bối cảnh thời đại mới.
Trước hết, dân trong quan niệm của Hồ Chí Minh là tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo hay đảng phái, tôn giáo, dân tộc; cũng không phân biệt là người sống trong nước hay ở nước ngoài, tất cả đều là đồng bào một nước, là con Lạc cháu Hồng. Tuy nhiên, Người cũng nhận định: “dân chúng không nhất loạt như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau...”(4). Đó chính là tính đa dạng, khác biệt trong sự thống nhất.
Nói về vai trò của dân, Người quan niệm: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(5), do đó “Nước lấy dân làm gốc... Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(6). Song, điều quan trọng ở chỗ, không dừng lại ở việc khẳng định “dân là gốc”, nước phải “lấy dân làm gốc” mà tiến xa hơn, Người nêu quan niệm về “dân chủ”, yêu cầu phải thực hành dân chủ... với những nội dung sâu sắc và độc đáo của riêng mình.
Giải thích về “dân chủ”, Người khái quát bằng mệnh đề ngắn gọn nhưng nội dung bao quát, sâu sắc và thiết thực - “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Đó là điều chưa hề có trong các kinh điển của thánh hiền đạo Nho. Trong quan niệm về dân chủ của Hồ Chí Minh, vấn đề “dân là chủ” và “dân làm chủ” thống nhất biện chứng với nhau, làm tiền đề cho nhau: dân có là chủ mới có thể thực hiện quyền làm chủ và ngược lại, thực hiện quyền làm chủ chính là khẳng định vai trò, vị thế của người là chủ. Khác với quan niệm “dân bản” của Nho giáo, dân không phải là chủ mà người chủ thực sự là vua và đội ngũ quan lại. Trái lại, trong cách hiểu về dân chủ của Hồ Chí Minh, “dân là chủ”, nghĩa là dân không phải nô lệ của bất cứ cá nhân, dòng họ, triều đại nào, cũng không phải nô lệ của giai cấp thống trị ngoại bang nào, mà họ chính là chủ nhân thực sự của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Do đó, khi đất nước còn nằm dưới ách cai trị của chủ nghĩa thực dân, nhân dân còn trong cảnh lầm than nô lệ thì trước hết phải giải phóng dân tộc để đưa nhân dân Việt Nam thoát khỏi cảnh vong quốc, bị nô dịch, trở thành “chủ nhân ông”(7) của đất nước. Khi dân đã là chủ nhân của một đất nước độc lập thì điều quan trọng tiếp theo của sự nghiệp cách mạng là phải thực hiện quá trình kiến thiết đất nước. Đây cũng chính là quá trình “dân làm chủ”, làm chủ bản thân mình, làm chủ vận mệnh của quốc gia dân tộc mình, làm chủ công cuộc xây dựng xã hội mới của chính mình. Vì thế, độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH, là điều kiện tiên quyết cho việc hiện thực hóa dân chủ. Bởi lẽ, để “dân là chủ” thì phải có độc lập dân tộc, và đồng thời cũng chính “dân làm chủ” trong quá trình xây dựng CNXH.
Với Hồ Chí Minh, vấn đề dân chủ không chỉ nằm trong quan niệm, trong nhận thức mà điều quan trọng cốt yếu là phải hiện thực hóa nó, nghĩa là phải thực hành dân chủ. Thực hành dân chủ trong cách hiểu của Người cũng mang một nội dung toàn diện, sâu sắc, ở đó có sự thống nhất biện chứng giữa dân tâm, dân ý với dân sinh, dân trí, dân quyền:
Trước hết, phải xuất phát từ dân tâm, dân ý để xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người căn dặn, mọi chủ trương, đường lối, quyết sách đều phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của dân, dựa vào ý kiến, kinh nghiệm của dân, đưa ra cho dân thảo luận, bàn bạc để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận, từ đó tìm ra những cách làm hay và hiệu quả: “mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”(8) vì “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(9).
Về vấn đề dân sinh, xuất phát từ việc nhận rõ sức mạnh to lớn của dân nên sau khi miền Bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng xã hội mới, Người rất coi trọng việc bồi dưỡng sức dân để phát triển đất nước: “Kiên quyết nâng cao dần mức sống của nhân dân... đồng thời giảm nhẹ sự đóng góp của nông dân”(10). Người từng nhắc nhở, nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng cuộc sống hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Vì thế, phải làm cho dân “có ăn, có mặc, có chỗ ở, có học hành”, bởi dân chỉ hiểu hết giá trị của độc lập, tự do khi họ được ăn no, mặc đủ.
Về vấn đề dân trí, xuất phát từ tình hình thực tiễn đất nước khi đó - “hầu hết người Việt Nam mù chữ”, Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với việc diệt giặc đói là phải diệt giặc dốt, bởi dốt nát cũng là kẻ địch to, dốt nát thì không thể thực hiện quyền làm chủ và cũng không xứng đáng với vai trò là chủ. Do đó, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trên báo Cứu quốc, ngày 4 - 10 - 1945, Người kêu gọi chống nạn thất học: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí” vì “phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”(11).
Về vấn đề dân quyền, trong bài “Dân vận” đăng trên báo Sự thật cách đây tròn 70 năm (tháng 10 - 1949), Người khái quát một cách đầy đủ, toàn diện:
“NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(12).
Điều đó thể hiện tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh về vấn đề “dân làm chủ”, nói lên quyền và nội dung thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong một chế độ xã hội mới. Đương nhiên, trong quan niệm của Người, quyền không tách rời với trách nhiệm và nghĩa vụ: “Nhân dân lao động là những người chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hóa, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ... Đã là người chủ Nhà nước thì phải chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà... Đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ. Mỗi người phải ra sức góp công, góp của để xây dựng nước nhà”(13).
Những nội dung trên cho thấy, trong quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ, vấn đề dân tâm, dân ý, dân sinh, dân trí, dân quyền thống nhất, gắn bó hữu cơ với nhau. Thực hành dân chủ tức là phải hiện thực hóa toàn bộ các vấn đề đó trong thực tế đời sống xã hội. Mặt khác, lãng quên, bỏ sót hay vi phạm bất cứ nội dung nào trong đó đều chưa thực sự là thực hành dân chủ. Rõ ràng, bất chấp dân tâm, không coi trọng dân ý mà độc đoán, chuyên quyền, đó không phải dân chủ. Không quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, không bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo Hiến định cũng không phải là thực hành dân chủ theo đúng nghĩa của nó. Vì vậy, để đảm bảo dân chủ thực sự, phải xuất phát từ “dân ý” (thông qua dư luận xã hội, trưng cầu ý dân) để nắm được và hiểu rõ “dân tâm” (nhu cầu, khát vọng chính đáng của nhân dân), từ đó mới có thể xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng dân, tạo nên sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, sự đồng thuận của toàn xã hội. Trong hoạt động thực tiễn, trên cơ sở nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân (dân sinh), phát triển giáo dục đào tạo để không ngừng nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo các quyền về kinh tế, chính trị... của nhân dân được hiện thực hóa. Đó là những nội dung nhất quán trong quan niệm về dân chủ và thực hành dân chủ của Hồ Chí Minh. Thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước đã chứng minh, bảo đảm “dân chủ” một cách thực sự theo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta khai thác và phát huy mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, phát huy sức mạnh vô tận của nhân dân, là chìa khóa để giải quyết những khó khăn, thử thách trong sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tóm lại, Nho giáo mới chỉ dừng lại ở quan niệm “dân bản” mà chưa có tư tưởng về “dân chủ”, chưa hình dung đến một xã hội mà ở đó dân là người làm chủ xã tắc. Tuy nhiên, quan niệm “dân bản” của Nho giáo bên cạnh những hạn chế mang tính lịch sử cũng chứa đựng những nội dung có giá trị nhất định khi bàn đến dân, nhận thấy vai trò quan trọng của dân đối với sự yên bình, thịnh trị của đất nước và triều đại. Khi được du nhập Việt Nam, các triều đại phong kiến nước ta những giai đoạn thịnh trị và các đại biểu tư tưởng tiến bộ của nó đã “Việt hóa” những nội dung ấy, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đất nước và kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc. Đến Hồ Chí Minh, với tư duy độc lập, biện chứng, sáng tạo, những quan niệm về dân, vai trò của quần chúng nhân dân đã được “cách mạng hóa”. Do đó, “dân chủ” trong tư tưởng của Người vừa có sự kế thừa trên tinh thần phê phán những giá trị trong lịch sử tư tưởng nhân loại và dân tộc, song đồng thời cũng cho thấy một sự khác biệt căn bản
về chất.
__________________
(1), (2) Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê: Đại cương triết học Trung Quốc, t.2, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2004, tr. 667, 635.
(3) Đoàn Trung Còn (dịch giả) (1950), Mạnh Tử - Quyển hạ , Trí đức tòng thơ, tr.262.
(4), (6), (8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.336, 501 - 502, 333, 335.
(5), (10) Sđd, t.10, tr.453, 117.
(7) Sđd, t.8, tr.300.
(11) Sđd, t.4, tr.40.
(12) Sđd, t.6, tr.232.
(13) Sđd, t.13, tr.66-67.
TS Phan Mạnh Toàn
Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh