Đền Đô ở phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, là dấu tích một triều đại phong kiến kéo dài hơn 200 trăm.
Đặt vấn đề
Từ Sơn là một trong hai trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh. Với lịch sử gần 1000 năm hình thành và phát triển, con người Từ Sơn đã kiến tạo nên một hệ thống giá trị văn hóa truyền thống quý báu tiêu biểu của văn hóa Kinh Bắc, được kết tinh trong hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là “nguồn vốn” quan trọng, làm hành trang trong quá trình xây dựng và phát triển của Từ Sơn. Đánh giá cao vai trò của giá trị văn hóa đối với sự phát triển của địa phương, trong thời gian qua, Thành phố đã chú trọng đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội địa phương và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên cũng còn những hạn chế nhất định. Với định hướng phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: “văn hóa – sinh thái- tri thức”, việc tìm ra những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội có ý nghĩa quan trọng cả lý luận và thực tiễn với Từ Sơn hiện nay.
1. Giá trị văn hóa truyền thống – “nguồn vốn” quan trọng để xây dựng thành phố Từ Sơn giàu đẹp, hiện đại, văn minh
Theo GS. Ngô Đức Thịnh – một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam xuất sắc, “giá trị là những gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, hay chính là những giá trị chân, thiện, mỹ giúp khẳng định và nâng cao bản chất người”[1]. Giá trị văn hóa (cultural value) do con người ở mỗi xã hội nhất định sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng một khi hệ giá trị văn hóa đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội ấy. Nó cũng chính là một thứ vốn xã hội (social capital)[2]. Theo ông, giá trị văn hóa chính là yếu tố cốt lõi của văn hóa, có vai trò định hướng nhận thức, tư tưởng và hành vi của con người trong cộng đồng hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ, và đó còn là “nguồn vốn” phát triển quan trọng cho các chủ thể văn hóa. Vì vậy, mỗi quốc gia, dân tộc, vùng, miền hay những cộng đồng người trong quá trình hình thành và phát triển đều chú trọng hình thành, sáng tạo nên các giá trị văn hóa nhằm tạo nên sự thống nhất, đoàn kết trong cộng đồng. Những giá trị văn hóa được tạo ra trong cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người và được kết tinh và chứa đựng trong hệ thống di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể (lâu đài, thanh quách, đình, chùa, miếu, phủ, bảo vật, cổ vật…) và di sản văn hóa phi vật thể (nghệ thuật, văn chương, tri thức, kỹ năng, phong tục, tập quán, tin ngưỡng…) và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Từ Sơn là một vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, được hình thành từ thời nhà Trần, là quê hương của các vị vua Triều Lý. Từ thời phong kiến cho đến nay, tỉnh Bắc Ninh nói chung và Từ Sơn nói riêng luôn là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh hàng đầu của vùng Bắc Bộ, cũng như của cả nước. Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân rất phong phú đã dạng, đây là nơi giao thoa và du nhập của nhiều yếu tố văn hóa trong và ngoài nước. Trong quá trình phát triển, con người Từ Sơn đã sáng tạo và lưu truyền nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu như truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng; truyền thống yêu nước, đánh giặc; truyền thống giao thương, buôn bán; truyền thống sáng tạo văn hóa nghệ thuật, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng nghĩa tình… Những truyền thống văn hóa đó được kết tinh và lưu truyền cho đến ngay nay, được biểu hiện qua hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng giàu giá trị. Về di sản văn hóa vật thể, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 203 điểm di tích[3]. Cụ thể, đình làng: 31, chùa: 41, lăng miếu: 24, nhà thờ công giáo 1 còn lại là Đền thờ và nhà thờ cổ dân gian. Có 6 di tích[4] lịch sử cách mạng là khu lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Chùa Đồng Kỵ, chùa Đồng Hương, nhà cụ Đám Thi và nhà cụ Tú Ba. Tính đến nay (tháng 02/2024) nhà nước đã công nhận xếp hạng 103 di tích[5], trong đó có 59 di tích cấp tỉnh, 43 di tích cấp quốc gia và 01 quần thể di tích quốc gia đặc biệt là Đền Đô và hệ thống lăng mộ các vua triều Lý (gồm 12 điểm di tích)[6]. Về di sản văn hóa phi vật thể, đời sống văn hóa tinh thần của người dân Từ Sơn phong phú, đa dạng với nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc như hát quan họ, chèo, tuồng… thành phố tự hào có 02/44 làng Quan họ gốc của tỉnh Bắc Ninh[7]; có 09 làng quan họ thực hành; có khoảng gần 50 lễ hội truyền thống[8], lễ hội rước pháo Đồng Kỵ được công nhân di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ Sơn còn được biết đến với các nghề truyền thống nối tiếng như: sắt thép Đa Hội; mỹ nghệ Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc; dệt Hồi Quan…,; nhiều đặc sản nổi tiếng như bánh phu thê Đình Bảng, bánh dày Tân Hồng… những sản vật ẩm thực nổi tiếng khác. Từ Sơn là vùng đất cổ còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán truyền thống sắc; đời sống tôn giáo, tín ngưỡng phong phú, đa dạng với nhiều tín ngưỡng dân gian như thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ, phật giáo, thiên chúa giáo… Con người Từ Sơn được biết đến với những phẩm chất tốt đẹp như hào hoa, lãng mạn; thông minh, sáng tạo, năng động, nhạy bén… với nhiều tên tuổi nổi tiếng trong lịch sử ở hầu khắp các lĩnh vực của cuộc sống.
Truyền thống văn hóa và hệ thống di sản văn hóa không chỉ thể hiện bản sắc, niềm tự hào của người dân Từ Sơn, người dân Kinh Bắc, mà còn là động lực, nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng và phát triển thành phố Từ Sơn giàu đẹp, văn minh, hiện đại ngày nay.
2. Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn thành phố Từ Sơn thời gian qua
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của văn hóa và di sản văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta khẳng định ‘‘văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, trong đó, di sản văn hóa được coi trọng: “ là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa.[9]. Chính vì vậy, Đảng ta luôn khẳng định bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản, Nghị quyết của Đảng: như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và nghị quyết các kì Đại hội của Đảng… Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa và đóng góp của ngành này vào kinh tế xã hội quốc gia, văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng được xem là nguồn lực trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội, biến “di sản” thành “tài sản” đang là một định hướng quan trọng trong phát triển văn hóa, con người ở Việt Nam và các địa phương hiện nay. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021) nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.[10] Quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được cụ thể hóa thành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản luật đưa vào thực hiện trong cuộc sống như: các chiến lược phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Hiến pháp, Luật Di sản…
Đối với tỉnh Bắc Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được xác định là một trong những mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững: “…Bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc, phù hợp với xu thế thời đại…” [11]
Xác định các giá trị văn hóa có vai trò lớn trong phát triển thành phố Từ Sơn, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện:
Thành ủy Từ Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tình Bắc Ninh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp có tính khả thi cao, sát hợp với tình hình thực tiễn, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; xác định các khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã đề ra.
Chính quyền các cấp sát sao và quyết liệt chỉ đạo quảng bá hình ảnh về thành phố, bảo tồn và phát huy tốt giá trị đặc sắc các di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội truyền thống và nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá và lễ hội, đặc biệt đối với những di sản đã được Nhà nước xếp hạng. Thành phố luôn tập trung các nguồn lực, xã hội hóa, phối hợp với tỉnh, hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị di tích để trở thành các điểm thu hút khách du lịch. Lãnh đạo cấp trên sát sao chỉ đạo việc khảo sát, lập danh mục các di tích xuống cấp trong đó ưu tiên di tích xuống cấp nghiêm trọng để đề nghị tỉnh tu bổ kịp thời. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm, bằng nguồn vốn xã hội hóa và một phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các di tích được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Chú trọng phối hợp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các quy hoạch, thực hiện dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi cụm di tích lịch sử văn hóa đình Trang Liệt (phường Trang Hạ); dự án trùng tu, tôn tạo và quy hoạch tổng thể di tích đình, chùa Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ); dự án trùng tu, tôn tạo đình Hồi Quang (phường Tương Giang) ...
Thành phố cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng, nhân dân chủ động làm chủ việc bảo tồn, giữ gìn và lưu truyền các di sản văn hóa, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động thực hành, trình diễn di sản thông qua hoạt động lễ hội, liên hoan, hội thi, hội diễn... góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; tạo điều kiện để gắn kết phát triển văn hóa với phát triển du lịch theo hướng bền vững, góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố.
Ngày càng hoàn thiện về cơ bản hệ thống các thiết chế văn hoá từ thành phố đến cơ sở; củng cố và tăng cường hiệu quả khai thác một số thiết chế văn hoá, công trình văn hóa công cộng trọng điểm trên địa bàn thành phố như: Trung tâm Văn hóa, Thể thao thành phố, công viên đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, công viên Nguyễn Văn Cừ, công viên Ngô Gia Tự, Nhà chứa Quan họ... Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch có quy mô, hình thức đa dạng, phong phú để phục vụ nhân dân, đồng thời quảng bá hình ảnh và con người thành phố Từ Sơn thông qua các hoạt động như: Giao lưu hát quan họ trên thuyền; các hoạt động sân khấu như tuồng, chèo …
Nhiều địa phương thành lập Ban Quản lý di tích hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu như ở Đình Bảng, Đồng Kỵ... Nhận thức của nhân dân và chính quyền các địa phương về giá trị của di tích lịch sử văn hóa ngày một nâng cao. Chính quyền các cấp cũng dành nhiều sự quan tâm đầu tư kinh phí, tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh nghiên cứu phát huy giá trị, đưa các di tích trở thành nguồn lực tài nguyên quan trọng và là những trung tâm cố kết cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp kinh phí để sửa chữa, trùng tu và bổ sung hiện vật đồng thời nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn phát huy giá trị di tích.
Công tác tuyên truyền quảng bá luôn được chú trọng, tại một số di tích thành lập tổ thuyết minh tuyên truyền như Đền Đô, di tích lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự, khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ… Thị xã cũng thường xuyên phối hợp giới thiệu những di tích tiêu biểu trên các phương tiên thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; xây dựng bảng biển chỉ dẫn di tích; xuất bản các loại sách, tài liệu, tổ chức hội thảo khoa học về các di tích trên địa bàn nhằm giới thiệu, quảng bá tới đông đảo du khách trong và ngoài nước góp phần thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố Từ Sơn cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề được đặt ra trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.
Thứ nhất, một số cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ ngành văn hóa năng lực vẫn còn hạn chế nhất định.
Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hoá còn thiếu, thiết chế văn hoá trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân; ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hoá hằng năm còn chưa tương xứng, chưa đảm bảo để thực hiện công tác tuyên truyền cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hoá tinh thần ngày càng cao của người dân.
Thứ ba, công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đã được triển khai thực hiện nhưng chưa mang lại nhiều hiệu quả.
Thứ tư, việc khai thác, phát huy tiềm năng, giá trị các di sản văn hoá vào phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp văn hoá và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Thứ năm, thực hiện quản lý về văn hóa tại thành phố chưa có bước đột phá rõ rệt và mang tính sáng tạo. Chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người có lúc chưa kịp thời. Cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hoá, cụ thể trong các nội dung về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa chưa đồng bộ, kinh phí đầu tư còn dàn trải, chưa tương xứng với nhiệm vụ phát triển văn hoá.
Những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề còn tồn tại trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của thành phố Từ Sơn có thể xem xét từ 2 mặt chủ quan và khách quan:
Về mặt khách quan: Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường làm cho một bộ phận nhân dân chạy theo giá trị vật chất, dần dần các giá trị văn hoá truyền thống bị thất truyền theo thời gian. Quá trình hội nhập đã tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hoá độc hại xâm nhập vào đời sống người dân làm cho một bộ phận nhân dân lãng quên bản sắc văn hoá truyền thống, đặc biệt là trong tầng lớp thanh thiếu niên. Sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội, âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch đã tác động làm cho bản sắc văn hoá truyền thống bị xói mòn, mờ nhạt, ảnh hưởng của những sản phẩm văn hoá xấu lưu hành trong xã hội đã tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân.
Về mặt chủ quan: Một vài cấp uỷ Đảng, chính quyền ở cơ sở còn chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của các giá trị văn hóa trong phát triển kinh cũng như phát triển chung của thành phố nên chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hoá ở cơ sở. Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hoá vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển văn hoá trong tình hình mới, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá từ thành phố đến cơ sở còn thiếu nên ảnh hưởng đến công tác phát triển văn hóa của thành phố trong giai đoạn mới.
Thành phố Từ Sơn vẫn đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, bám sát và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chủ đề của tỉnh, chủ đề của thành phố. Trong đó, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa quê hương, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển văn hóa.
3. Một số giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng thành phố Từ Sơn giàu đẹp, hiện đại, văn minh
Trước những thời cơ và thách thức đặt ra trong bối cảnh hiện nay của thành phố Từ Sơn, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại cũng như tạo động lực thực hiện các mục tiêu phát triển chung của tỉnh, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý cũng như các cán bộ cơ sở về phương pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trước hết, phải làm cho cán bộ hiểu rõ khái niệm văn hóa với tính lý thuyết cũng như tính thực hành của một nghi thức văn hóa, xác định được các thành tố của văn hóa, các hình thái vật thể và phi vật thể của văn hóa, các hình thái dân gian cổ truyền và đương đại của văn hóa. Thận trọng trong những hoạt động thực hành hay tu bổ tôn tạo các di sản văn hóa.
Hai là, tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư, tu bổ, tôn tạo nhằm khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các di tích tiêu biểu, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được coi như thương hiệu của tỉnh Bắc Ninh và thành phố Từ Sơn. Đầu tư phương tiện, thiết bị công nghệ nhằm tăng hiệu ứng của di sản văn hóa, nhất là các di tích lịch sử, kiến trúc. Tập trung nguồn lực xây dựng các điểm du lịch có tiềm năng du lịch văn hóa hấp dẫn gắn với các di tích tiêu biểu của thành phố theo Quy hoạch đã được phê duyệt… Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình giao thông công cộng và điểm dừng chân đến các điểm di tích. Chú trọng kịp thời và đúng mức việc chống xuống cấp di tích và phục hồi các di sản phi vật thể có nguy cơ bị mai một.
Ba là, tạo không gian để khai thác, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc riêng của Từ Sơn. Giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa và ẩm thực truyền thống của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước, tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí, quà lưu niệm đặc trưng tại các khu, điểm du lịch có di tích. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc của thành phố, từng bước tạo dựng hình ảnh du lịch của Kinh Bắc – Từ Sơn – Bắc Ninh trong và ngoài nước.
Bốn là, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh, chú trọng sáng tạo nội dung quảng bá giá trị di sản văn hóa trên các nền tảng công nghệ số nhằm lan tỏa, đưa di sản văn hóa Từ Sơn, Bắc Ninh đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế. Có chiến lược, kế hoạch dài hạn để tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa ở phạm vi quy mô lớn với chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Năm là, huy động sức mạnh của toàn xã hội trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó cần đảm bảo sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Phát huy các giá trị văn hóa trước hết trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Kết luận
Bằng những giải pháp, chiến lược đúng đắn, cộng với tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, trong tương lai thành phố Từ Sơn sẽ phát triển bền vững, trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, vươn lên là thành phố trực thuộc Trung ương.
ThS. Đặng Thu Hường
Học viện Chính trị khu vực I
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo Tình hình Kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo điều hành của UBND thành phố năm 2023; Kế hoạch phát triển năm 2024 (tháng 10/2023).
2. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" (tháng 3/2024).
3. Ngô Đức Thịnh (2019), Hệ giá trị văn hóa Việt Nam, Nxb. Tri thức.
4. Ngô Đức Thịnh: Tiếp cận nghiên cứu nông thôn Việt Nam từ mạng lưới xã hội và vốn xã hội, Tạp chí Dân tộc học, số 4 – 2008.
5. Đảng ủy Bắc Ninh: Nghị quyết số 71-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ngày 29/8/2022.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
[1] Ngô Đức Thịnh: Hệ giá trị văn hóa Việt Nam, Nxb. Tri thức, H, 2019, tr.25.
[2] Xem: Ngô Đức Thịnh: Tiếp cận nghiên cứu nông thôn Việt Nam từ mạng lưới xã hội và vốn xã hội, Tạp chí Dân tộc học, số 4 – 2008
3,4,5,6,7,8 UBND Thành phố Từ Sơn: Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" (Báo cáo trong tháng 03/2024)
[9] . Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.56
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. 1, tr. 145.