23/12/2024 lúc 12:52 (GMT+7)
Breaking News

Quan điểm Hồ Chí Minh về đối tượng của báo chí cách mạng

Bài học về tính đại chúng, tính nhân dân và tính đặc thù khi xác định đối tượng phục vụ của báo chí cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa thời sự đối với nền báo chí hiện đại trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay.

Ảnh tư liệu

Tóm tắt: Bàn về báo chí cách mạng, vấn đề đầu tiên được nhà báo Hồ Chí Minh quan tâm đó là “viết cho ai”, tức là tìm câu trả lời về đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ của báo chí cách mạng, bởi vấn đề này sẽ quy định toàn bộ mục đích viết, nội dung và hình thức viết, quy định phẩm chất, đạo đức, tư cách của những người làm báo cách mạng. Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: báo chí cách mạng phải hướng tới phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân; đồng thời, mỗi tờ báo lại có những đối tượng phục vụ riêng. Tính đại chúng và tính đặc thù này không những không đối lập, mâu thuẫn nhau mà kết hợp hài hòa và bổ sung cho nhau, làm nên nét đặc sắc trong quan điểm Hồ Chí Minh về đối tượng của báo chí cách mạng.

Từ khóa: Báo chí; cách mạng; đối tượng; Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG

Là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, là cây bút chuyên nghiệp với tròn nửa thế kỷ làm báo và khoảng 2000 bài viết, vấn đề đầu tiên được nhà báo Hồ Chí Minh xác định trước khi cầm bút là vấn đề đối tượng phản ánh và phục vụ. Khác với các nhà yêu nước thế hệ trước và cả những người viết báo hợp pháp dưới chính quyền thuộc địa là viết cho tầng lớp có học, những người thuộc tầng lớp trên thì Hồ Chí Minh khẳng định, báo chí cách mạng phải hướng tới phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân. Là học trò của C.Mác, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu sắc quan điểm quần chúng là chủ thể của cách mạng, là người sáng tạo ra lịch sử; do vậy, sứ mạng của báo chí cách mạng là thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn hành động của quần chúng. Trong bài giảng tại lớp chỉnh đảng Trung ương ngày 17/8/1953, nói về cách viết, Hồ Chí Minh yêu cầu người làm báo chí cách mạng trước hết phải tự hỏi:

“- Vì ai mà mình viết?

Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?

- Viết cho đại đa số: công - nông - binh

Viết để làm gì?

- Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng” (1). Nghĩa là mục đích của viết báo, làm báo phải là viết cho quần chúng nhân dân, phục vụ quần chúng nhân dân.

Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Hồ Chí Minh đặt ra và trả lời câu hỏi: “Báo chí phải phục vụ ai” và luận giải bằng cách so sánh báo chí tư sản và báo chí của ta. Người phản bác lại quan điểm cho rằng “ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp” khi khẳng định: có những tờ báo Pháp “một mặt ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất khí chí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp; mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư sản… Lại còn những tờ báo “giật gân”, báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền,...” (2), tức là những tờ báo đó phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột. Đồng thời Người nêu ra thực trạng không có tự do báo chí ở Pháp vì tờ Nhân đạo “thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá: nào phạt tiền, nào bọn du côn phá phách, nào làm khó khăn về giấy in, nhiều khi báo bị tịch thu…” (3). Từ đó, Người kết luận: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới” (4); “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà đề phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” (5). Tương tự như vậy, tháng 6/1969, trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Người khẳng định: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số quần chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo” (6).

Có thể thấy, quần chúng nhân dân là đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí cách mạng. Điều này cũng có nghĩa những gì có lợi cho nhân dân, phục vụ nhân dân thì báo chí cách mạng cần quan tâm, khai thác đề cập để phục vụ nhân dân. Vì đối tượng phục vụ của báo chí cách mạng là quần chúng nhân dân nên mọi hoạt động của báo chí cách mạng phải hướng tới quần chúng nhân dân, lấy nhân dân làm trung tâm; viết sao cho quần chúng dễ hiểu, dễ đọc và dễ làm theo những việc tốt, xa lánh những cái xấu.

Hồ Chí Minh xác định đối tượng phục vụ của báo chí cách mạng là quảng đại quần chúng nhân dân trước hết là bởi quần chúng nhân dân là nguồn cảm hứng bất tận cho báo chí cách mạng. Khi coi quần chúng nhân dân là đối tượng chủ yếu, là mục tiêu phục vụ của báo chí cách mạng thì sự cần cù lao động, sáng tạo, những sáng kiến, ước vọng chân chính, những việc làm hay, những gương người tốt việc tốt… của quần chúng nhân dân luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo của các nhà báo. Các chủ đề của báo chí cách mạng xét đến cùng phải xuất phát từ chính cuộc sống, thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu, học tập của quần chúng nhân dân. Do vậy, báo chí cách mạng phải ca ngợi những cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ trong nhân dân, từ nhân dân, nhân rộng những điển hình đó để nhân dân biết, học theo và làm theo. Đồng thời, báo chí cách mạng phải kiên quyết đấu tranh với những cái xấu, cái chưa đẹp, cái không thiện, cái đi ngược lại thuần phong, mỹ tục, văn hóa dân tộc, đi ngược lại lợi ích của quần chúng nhân dân. Báo chí cách mạng phải hướng dẫn, gợi mở, giới thiệu những cách làm mới, những gương điển hình sản xuất, lao động giỏi, những tấm gương nhân hậu, vị tha, sẵn lòng giúp đỡ người khác… để mọi người dân đều biết mà học hỏi làm theo, nhân rộng. Báo chí cách mạng cũng phải biết khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng, tầm nhìn, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị của người Việt Nam. Bên cạnh đó, nhân dân còn là kho tư liệu quý, là nguồn “thư viện” phong phú, là những nhân chứng “sống” cho phóng viên, nhà báo. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại căn dặn rằng “nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết” (7) và phải “hỏi nhân dân”.

Trong quan điểm Hồ Chí Minh, quần chúng không chỉ là nguồn cảm hứng, đề tài bất tận cho các nhà báo sáng tạo, là đối tượng thụ hưởng, mục tiêu phục vụ của báo chí cách mạng mà quần chúng còn trực tiếp tham gia hoạt động báo chí, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí cách mạng không thể tồn tại, phát triển nếu không gắn bó với quần chúng, không phục vụ quần chúng, không lấy nguồn cảm hứng từ quần chúng và không có những “nhà báo” từ nhân dân mà trưởng thành. Sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân đã làm cho báo chí cách mạng thực sự trở thành diễn đàn dân chủ của đông đảo quần chúng nhân dân. Thông qua đó, báo chí cách mạng cũng thu hút được trí tuệ, tài năng sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân, để nâng cao tính hấp dẫn, tính trí tuệ, tính văn hóa của báo chí cách mạng.

Xuất phát từ việc xác định đối tượng phản ánh và phục vụ là quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu, báo chí cách mạng cần có nội dung và hình thức diễn đạt cho phù hợp với đối tượng đó.

Về nội dung, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, báo chí phục vụ quần chúng nhân dân thì nhất định phải lựa chọn, ca ngợi, nhân rộng và lan toả những gì có lợi cho quần chúng, đồng thời có lợi cho cách mạng, cho Tổ quốc, dân tộc; xa lánh cái xấu, cái có hại, không tốt cho quần chúng nhân dân. Người căn dặn các nhà báo: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra” (8)

Về hình thức, Người yêu cầu người làm báo phải biết lắng nghe quần chúng và học cách nghĩ, cách nói, các diễn đạt của quần chúng. Người căn dặn: “Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem” (9), “viết phải thiết thực”. Ngôn ngữ báo chí cách mạng phải rõ ràng, trong sáng, dễ hiểu, “chớ ham dùng chữ”, hạn chế dùng từ nước ngoài.

Người làm báo bắt buộc phải “học cách nói, tiếng nói của quần chúng” (10), bởi có học cách nói của quần chúng thì mới được người đọc là quần chúng chấp nhận. Hồ Chí Minh là một mẫu mực của phong cách diễn đạt này. Mặc dù là người uyên bác, am hiểu văn hóa phương Đông, phương Tây, biết nhiều ngoại ngữ nhưng nhà báo Hồ Chí Minh thường sử dụng những từ ngữ đơn giản, thông dụng mà lại phản ánh đúng bản chất sự vật, có sức thuyết phục cao. Chính bởi vậy, nhiều câu, nhiều ý trong các bài viết của Người đã đi vào đời sống và trở thành khẩu hiệu, phương châm hành động như: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”…

Khẳng định đối tượng phục vụ của báo chí cách mạng là quần chúng nhân dân nên Hồ Chí Minh coi sự đánh giá của nhân dân nhân dân chính là tiêu chí, thước đo để xác định giá trị của tác phẩm báo chí. Người căn dặn: “Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu” (11); hoặc có lúc Người nói cụ thể: “Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh, đọc lại” (12). Trong quá trình làm báo và lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh thực hành nghiêm túc yêu cầu đó. Khi viết xong một bài báo, Người thường đưa cho đồng chí lái xe, nấu bếp, phục vụ, tức là những người trình độ dân trí thấp đọc, rồi hỏi: có dễ hiểu không? Chỗ nào họ bảo khó hiểu, “ngúc ngắc” thì Người sẽ sửa lại diễn đạt, bởi chỉ khi quần chúng hiểu thì mới có thể làm theo những điều mà Người tuyên truyền, vận động. Vẫn với phong cách ấy, trong khi giảng bài, Người thường ngừng lại hỏi người nghe: các đồng chí hiểu rõ chưa. Và câu chuyện khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Người dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” cũng thể hiện sự quan tâm của người tới mức độ tiếp nhận của người đọc, người nghe như vậy.

Bên cạnh khẳng định tính đại chúng, tính nhân dân của nền báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh căn dặn mỗi tờ báo lại có những đối tượng đặc thù riêng. Đây là dấu ấn rõ nét trong những tờ báo mà Hồ Chí Minh sáng lập, bởi chỉ khi xác định được đối tượng đặc thù thì tờ báo mới đi đúng đường lối chính trị, có nội dung và hình thức viết phù hợp. Người xác định, cùng là tuyên truyền, cổ động cách mạng nhưng viết cho trí thức phải khác viết cho công nông, viết cho người lớn phải khác viết cho thiếu niên nhi đồng, viết cho người ở trong nước phải khác viết cho kiều bào, viết cho đảng viên phải khác người ngoài Đảng, viết cho đồng bào miền núi phải khác miền xuôi… Chính sự tỉ mỉ, chi tiết đó khiến cho những tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh phát huy được tối đa tác dụng trong quá trình tuyên truyền.

Sự ra đời của tờ báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - vào tháng tháng 6/1925 đã mở đầu cuộc cách mạng báo chí ở Việt Nam. Tờ báo này viết cho tầng lớp thanh niên trí thức lúc bấy giờ. Họ chuyền tay nhau đọc và đọc cho công nhân, nông dân mù chữ, giúp họ hiểu và hưởng ứng những ý tưởng lớn của cách mạng. Nếu như một thời gian ngắn trước đó, năm 1922, Người sáng lập báo Người cùng khổ (Le Paria) tại Paris, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa - là tờ báo đấu tranh cho những người cùng khổ khắp năm châu, “dẫn dắt mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm để trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột” (13); và năm 1924, thành lập báo Quốc tế nông dân, hướng tới đối tượng là giai cấp nông dân trên toàn thế giới; thì tờ Thanh niên lại hướng về tương lai thế hệ trẻ của nước Việt Nam còn đang sống trong vòng nô lệ. Ngay từ thời điểm đó, Người đã xác định đối tượng chính để tờ báo hướng tới là thanh niên Việt Nam và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ - lực lượng nòng cốt có thể đưa cách mạng Việt Nam tới thành công, xóa bỏ gông xiềng áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Việc xuất bản tờ báo được tiến hành song song với việc mở những lớp huấn luyện các thanh niên ưu tú để làm nòng cốt cho cách mạng sau này chính là sự chuẩn bị quan trọng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Thông qua vai trò của báo Thanh niên, nhiều thanh niên đã nhanh chóng giác ngộ lý luận Mác - Lênin, có người sau này trở thành những lãnh tụ của Đảng, những nhà báo cách mạng.

Tiếp sau đó, tháng 12/1926, Người sáng lập báo Công nông, hướng tới đối tượng là hai giai cấp giữ vai trò là “chủ”, là “gốc”, là động lực của cách mạng Việt Nam. Báo Lính kách mệnh (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay) ra đời tháng 2/1927 là dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng. Năm 1928, Người bí mật đến Thái Lan, góp ý tên báo Đồng Thanh của Việt kiều trở thành tờ Thân Ái, tức là tờ báo hướng tới đối tượng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Thái Lan. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Người sáng lập tạp chí Đỏ, hướng tới đối tượng là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đầu năm 1941, sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh và sáng lập báo Việt Nam độc lập ở căn cứ địa Việt Bắc. Báo Việt Nam độc lập và sau đó không lâu là báo Cứu quốc đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền cổ động, tổ chức nhân dân vào các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Trong báo Việt Nam độc lập, Người viết nhiều bài ca về dân cày, trẻ em, phụ nữ, công nhân, binh lính, “10 điều nên”, “Ca đội tự vệ”, “Nên học sử ta”, “Ca sợi chỉ”, “Nhóm lửa”, “Hòn đá”… nhằm cổ động, thu hút quần chúng tham gia cách mạng với những ngôn từ rất mộc mạc, giản dị, dễ nhớ, phù hợp với văn hóa của đồng bào miền núi. Sau cách mạng Tháng Tám, báo Việt Nam độc lập trở thành tiếng nói của Đảng bộ Việt Minh Cao Bằng, rồi thành tiếng nói cơ quan Việt Minh Liên Việt Cao - Bắc - Lạng. Đến năm 1956, tờ báo trở thành tiếng nói của Đảng Lao động Việt Nam khu tự trị Việt Bắc.

Có thể thấy, ra đời ở những thời điểm khác nhau, không gian khác nhau, mỗi tờ báo mà Hồ Chí Minh sáng lập đều chú trọng hướng tới những đối tượng đặc thù; nhưng tựu trung lại đều nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức chính trị của quần chúng, phát động các phong trào đấu tranh để giành lại độc lập độc lập, đập tan xiềng xích nô lệ, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu quan điểm xác định đối tượng phản ánh và phục vụ của báo chí cách mạng là quảng đại quần chúng nhân dân được coi như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh thì tính đặc thù về đối tượng của từng tờ báo lại càng làm cho quan điểm thống nhất đó thêm đặc sắc, phong phú.

***

Cuộc đời 79 mùa xuân nói chung và sự nghiệp làm báo nửa thế kỷ nói riêng của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh để lại một thông điệp sâu sắc về triết lý nhân sinh của Người, đó là: dù ở bất kỳ thời điểm nào, ở bất cứ nơi nào, cũng luôn hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Sự xác định chuẩn xác về đối tượng phục vụ đó là cơ sở để phân biệt báo chí cách mạng và báo chí phản động của chính quyền thực dân; qua đó khẳng định giá trị, sức sống lâu bền của tư tưởng và sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh, bởi bất kỳ giá trị nào sinh sôi từ thực tiễn đời sống, được nhân dân đón nhận và thừa nhận thì giá trị đó sẽ sống mãi với dân tộc, với thời đại. Bài học về tính đại chúng, tính nhân dân và tính đặc thù khi xác định đối tượng phục vụ của báo chí cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa thời sự đối với nền báo chí hiện đại trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay./.

TS Lê Thị Thúy Bình - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

TS Đoàn Mạnh Hùng - Học viện Chính trị khu vực I

CHÚ THÍCH

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.205

(2) (3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.12, tr.166

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.12, tr.167

(6) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.102, tr.103

(7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.8, tr.206

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.8, tr.207

(10) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.8, tr.208

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.1, tr.496.

...