23/12/2024 lúc 12:50 (GMT+7)
Breaking News

Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh

Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một khái niệm bao quát và sâu sắc, gắn liền với tư tưởng, đạo đức, và phong cách lãnh đạo của Người.

Tóm tắt: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một khái niệm bao quát và sâu sắc, gắn liền với tư tưởng, đạo đức, và phong cách lãnh đạo của Người. Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến như một nhà lãnh đạo cách mạng lỗi lạc mà còn là một biểu tượng văn hóa chính trị mang tầm vóc toàn cầu. Bài viết không chỉ đi sâu vào các nội dung cốt lõi của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh mà còn khẳng định giá trị và tính bền vững của những tư tưởng này trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Từ khóa: văn hóa chính trị, Hồ Chí Minh

ĐẶT VẤN ĐỀ

Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, mặc dù người đã đi xa, nhưng di sản tư tưởng mà Người đã để lại là tài sản tinh thần vô cùng quý giá soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi đến thắng lợi, trong đó văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một phần quan trọng trong di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là những giá trị, nguyên tắc, tư tưởng, và chuẩn mực về chính trị, đạo đức, và lối sống mà Hồ Chí Minh đã xây dựng và thể hiện qua quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nó không chỉ đơn thuần là cách thức quản lý nhà nước mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng yêu nước, tinh thần dân chủ, đạo đức cách mạng, và sự quan tâm sâu sắc đến hạnh phúc của nhân dân. Những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa chính trị cần được quán triệt trong hệ tư tưởng chính trị, đường lối chính sách, cũng như trong sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, trong hoạt động thực tiễn của các cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị hiện nay.

NỘI DUNG

Dựa trên việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xác định rõ mục tiêu chính trị cao nhất mà cách mạng cần hướng đến là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong vai trò là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn nhất quán với mục tiêu chính trị này. Đây cũng chính là “ham muốn tột bậc” mà suốt đời Người kiên trì, phấn đấu để thực hiện. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã chi phối toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước cho đến lúc rời xa cõi đời. Tính cách mạng triệt để trong tư tưởng và văn hóa chính trị của Người được thể hiện qua những lời khẳng định mạnh mẽ như “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”[3];“Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[3]. Với quyết tâm giành lại độc lập cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã khơi dậy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cả một dân tộc, cùng nhau đứng lên đánh bại mọi kẻ thù để bảo vệ nền độc lập. Hoạt động chính trị của Người không chỉ hướng đến mục tiêu giành độc lập mà còn đạt đến một chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, tôn vinh giá trị con người, vì con người và đặt con người ở vị trí trung tâm trong mọi hoạt động chính trị của mình. Hồ Chí Minh hiện thân cho nền văn hóa hòa bình, Người đau nỗi đau của tất cả mọi người, mọi dân tộc bị áp bức. Người tiêu biểu cho lý tưởng và khát vọng chung của mọi dân tộc dù mầu da, tiếng nói, tôn giáo… khác nhau, đó là độc lập, tự do, hạnh phúc cho con người, hòa bình trên trái đất. Theo quan điểm của Người, độc lập dân tộc phải đi đôi với tự do cho nhân dân, bởi vì “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Hồ Chí Minh luôn kiên định với con đường gắn kết giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng, chỉ có con đường xã hội chủ nghĩa mới mang lại độc lập hoàn toàn và hạnh phúc cho nhân dân. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tuyên bố mục tiêu “phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1], thể hiện tinh thần kết hợp giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh đã đề ra

Tư tưởng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là xây dựng nền văn hóa chính trị đặt “dân làm gốc” làm trọng tâm. Theo tư tưởng của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền nhưng nhân dân mới là chủ của đất nước; Đảng lãnh đạo để nhân dân được làm chủ. Nước phải dựa vào nhân dân, sự nghiệp đấu tranh cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; có dân là có tất cả; dù việc dễ trăm lần nhưng không có dân cũng không làm được, việc khó vạn lần nhưng có dân cũng sẽ thành công. Khi đất nước đã giành lại được độc lập, nhân dân phải là chủ và được làm chủ; mọi quyền lực và sức mạnh trong nhà nước đều thuộc về nhân dân, tất cả đều bắt nguồn từ nhân dân.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước quản lý xã hội, nhưng mục đích của sự lãnh đạo và quản lý là để cho nhân dân được thực sự phát huy làm chủ. Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước nhằm định hướng, chỉ đường, tổ chức và giáo dục nhân dân, nhằm huy động mọi tài năng và sức mạnh của nhân dân vì lợi ích của chính họ. Chiều sâu văn hóa trong tư tưởng chính trị về “Đảng của dân tộc Việt Nam” của Hồ Chí Minh là ở chỗ Đảng không xa rời tính tiên phong, tính giai cấp, nhưng lại luôn thấm nhuần quan điểm quần chúng. Nền tảng xã hội của Đảng là toàn thể dân tộc; Đảng nỗ lực vì lợi ích chung của nhân dân, theo Người, “hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ” [6].

Sức mạnh to lớn của Đảng bắt nguồn từ chỗ Đảng có sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Do đó, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng cán bộ, đảng viên cần phải đi sâu, đi sát, gần gũi và phải luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, thấu hiểu mọi tâm tư nguyện vọng của họ, và đặc biệt phải biết tôn trọng nhân dân cũng như học hỏi từ họ. Từ đó, Người yêu cầu phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, ỷ thế cậy quyền, xa rời dân, coi thường dân, lợi dụng chức quyền để tham ô, hối lộ, ăn cắp của dân… “Quan cách mạng” là khái niệm mới được Hồ Chí Minh đưa ra để cảnh tỉnh những cán bộ, đảng viên xa rời nhân dân, đục khoét của dân, đè đầu cưỡi cổ nhân nhân… ở mọi cương vị trong bất cứ thời kỳ nào. Người luôn khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân trong việc xây dựng và quản lý đất nước. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân"[4]. Người cho rằng sức mạnh của nhà nước phải được bắt nguồn từ nhân dân và nhằm phục vụ lợi ích của dân. Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội XIII là “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân”[1]. Khẳng định này là sự kế thừa tư tưởng của Hồ Chí Minh của Đảng ta hiện nay về vai trò của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước. Đảng chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi của nhân dân và tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân trong quản lý xã hội.

Tư tưởng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh đó là trở thành Đảng cầm quyền thì Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”. Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền. Từ đây, Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng văn hóa của một Đảng cầm quyền với ý nghĩa là tiêu biểu cho nền văn hóa chính trị Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhìn một cách tổng quát, nội dung văn hóa Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền được thể hiện ở đạo đức và văn minh. Đảng “là đạo đức, là văn minh” theo Hồ Chí Minh các giá trị văn hóa sẽ được lan tỏa và thấm sâu vào các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức của Đảng và mục đích của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu của Đảng là lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Đó là sự nghiệp cách mạng theo chủ nghĩa Mác – Lê nin, nhằm đạt được độc lập cho đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với các dân tộc trên toàn thế giới. Vì thế cho nên mọi chủ trương, đường lối và hoạt động thực tiễn của Đảng đều phải hướng vào mục têu đó. Đảng phải luôn kiên định với lợi ích của dân tộc, vì Đảng không có mục tiêu riêng; sự ra đời và phát triển của Đảng đều nhằm mục đích xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh, tiến lên chủ nghĩa xã hội và mang lại lợi ích cho nhân dân. Để Đảng là đạo đức, Người luôn nhấn mạnh và yêu cầu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[7]; rằng, Đảng phải “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân” [5]. Việc xây dựng Đảng là đạo đức cũng chính là xây dựng để Đảng ta trở thành Đảng văn minh. Một Đảng văn minh theo Người Đảng đó phải tiêu biểu cho lương tâm, trí tuệ và danh dự của dân tộc. Xây dựng để Đảng là đạo đức, là văn minh thì Đảng mới thật sự trong sạch, vững mạnh, đội ngũ đảng viên của Đảng mới thực sự là người lãnh đạo, là ngươi đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người đã từng cảnh báo về sự suy thoái đạo đức, tham nhũng, lãng phí và mất lòng tin từ nhân dân nếu Đảng không chú ý đến việc tự chỉnh đốn, rèn luyện cán bộ. Vì vậy, nội dung “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”[2] nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, nâng cao đạo đức cho cán bộ, đảng viên tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh tại Đại hội XIII. Đây là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một Đảng Cộng sản chân chính, trong sạch và vững mạnh, phục vụ lợi ích của nhân dân và đất nước.

Những tư tưởng chính trị trên của Hồ Chí Minh đã thấm đượm tinh thần văn hóa. Đó vừa là một nền chính trị dân chủ, lại vừa là văn hóa dân chủ, được kết hợp chặt chẽ trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh.

KẾT LUẬN

Việt Nam đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế, nhân loại đang bước vào nền kinh tế tri thức với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ thì việc phải xây dựng một nền văn hóa chính trị trong bộ máy cầm quyền ở nước ta hiện nay dựa trên nền tảng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là vô cùng cần thiết. Sau gần 40 năm chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước với nhiều bài học kinh nghiệm thành công và hạn chế cần được xem xét một cách nghiêm túc. Những bài học mà Đại hội XIII của Đảng rút ra trong đó có những bài học về công tác xây dựng Đảng; về “lấy dân làm gốc”… xét đến cùng đó cũng chính là những bài học về văn hóa chính trị trong bộ máy cầm quyền ở Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong những năm qua đã cho chúng ta thấy rằng, việc kiên định mục tiêu gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những bài học quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, khi nói tới văn hóa chính trị ở nước ta mà hạt nhân là văn hóa Đảng cầm quyền chúng ta cần nuôi dưỡng và phát huy các giá trị: đạo đức, trí tuệ; kiên định mục tiêu; gắn bó mật thiết với dân; đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn. Đây chính là sức mạnh to lớn góp phần đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của chúng ta đi đến thành công.

TS. Lê Cao Vinh

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.112, 174.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.2, tr.228.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.14, tr.280, 534.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.16, 232

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.50.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.402.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.611-612.


Bài báo này được hỗ trợ bởi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên trong đề tài mã số UTEHY.L.2024.43.

...