Quả đúng những gì đồng nghiệp và các thế hệ học trò nói về TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung. Khi ông dành cả cuộc đời gắn bó với ngành Y, với suy nghĩ giản đơn “luôn trăn trở và còn sức khỏe sẽ cống hiến với nghề” nên khi đã thôi quản lý, ông vẫn tiếp tục cống hiến trí tuệ cho công việc tại Tổng hội, hội và giảng dạy. Ông là một bác sĩ tâm, tài, tình, một nhà khoa học tràn đầy nhiệt huyết, một nhà giáo mẫn cán. Để rồi chúng tôi có duyên gặp lại ông vào một chiều mùa Thu để viết tiếp câu chuyện nghề Y cao quý!
TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung – Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Phó chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam_ Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược - ĐHQG Hà Nội hôm nay.
Nghề chọn người.
TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung luôn nêu cao y đức lẫn y thuật trong công tác quản lý, khám, chữa bệnh, phòng chống lao. Ông cho rằng y đức luôn phải song hành, nếu đặt y thuật lên trên hết mà không có y đức thì không được mà nếu có y đức mà không có y thuật thì cũng không thể cứu chữa cho người bệnh được. Phải biết vui với những cái mình làm được và phải biết trăn trở với những cái mà mình chưa làm được thì mới khá, mới tiến bộ được, người bác sĩ phải là chỗ dựa tinh thần để người bệnh trao gửi niềm tin.
Ông sinh năm 1962 trong gia đình truyền thống ngành Y, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay từ nhỏ ông đã chứng kiến cha khám chữa bệnh cho người dân, không kể ngày đêm sớm tối, không phân biệt người giàu hay nghèo. Từ việc kê đơn bốc thuốc, tiêm truyền, đỡ đẻ, cấp cứu đến việc tuyên truyền bà con 3 sạch, 4 diệt, vệ sinh phòng bệnh và cả chứng kiến những người bệnh hiểm nghèo mà thầy thuốc phải bó tay trước lưỡi hái của tử thần. Tất cả những điều đó đã hun đúc ước mơ tuổi thơ của Nguyễn Viết Nhung tiếp bước cha ông học nghề y, yêu nghề y, làm nghề y. Vậy nên, tốt nghiệp cấp 3, ông thi đỗ học trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1985 tốt nghiệp BSĐK, ông tiếp tục thi đỗ học bác sĩ nội trú. Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú chuyên ngành Lao và bệnh Phổi năm 1988, ông trở thành bác sĩ điều trị tại Viện Lao và bệnh Phổi (nay là Bệnh viện Phổi Trung ương) và sau đó là Trưởng Bộ môn Lao và Bệnh Phổi của Trường Đại học Y Hà Nội (2015-2022).
Từ năm 1991, ông đảm nhiệm vai trò Thư ký của Chương trình Ung thư Phổi Quốc gia. Đến năm 1996, ông sang Cộng hòa Séc và bắt đầu làm nghiên cứu sinh của Đại học Charles tại Praha. Năm 2000, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đề tài: “Vai trò hoá mô miễn dịch trong phân loại và tiên lượng ung thư phổi” và về nước tiếp tục công tác điều trị tại Viện Lao và bệnh Phổi.
Năm 2007, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương kiêm Phó chủ nhiệm thường trực Chương trình Chống lao Quốc gia. Năm 2013, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương kiêm Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia. Cũng trong năm này, ông được bổ nhiệm Phó Giáo sư ngành Y của Trường Đại học Y Hà Nội. Bên cạnh công tác quản lý, năm 2017, ông trở thành Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam. Năm 2021 ông được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam. Ông kiêm đảm nhiệm Trưởng Bộ môn Phổi của Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2019.
Tiếp nối hành trình phát triển của Bệnh viện, những năm tháng giữ vai trò Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung đã cùng với BGĐ bệnh viện đoàn kết luôn hết lòng vì người bệnh. Bệnh viện được đầu tư xây dựng khang trang, các khoa, trung tâm có đầy đủ trang thiết bị khám, chữa bệnh. Ông là người xây dựng và triển khai quy trình phối hợp liên hoàn các đơn vị trong bệnh viện nhằm cung cấp các gói dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tiêu chuẩn, tiên tiến, tiện lợi và dễ tiếp cận cho người bệnh tại Bệnh viện Phổi Trung ương; Xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp giữa Bệnh viện Phổi Trung ương, các Bệnh viện chuyên khoa ung thư và các Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh Phổi các tuyến và các tổ chức xã hội thành một mạng lưới chuyên sâu để cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị ung thư phổi tiêu chuẩn cho nhân dân; Thực hiện vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội cho công tác phòng chống ung thư phổi ở Việt Nam. Đặc biệt, năm 2020, cùng với BV Trung ương Quân đội 108, ông và đồng nghiệp BV Phổi Trung ương đã triển khai thành công ca bệnh ghép phổi, sau 4 năm người bệnh được ghép phổi đến nay vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh và được đánh giá là ca ghép phổi thành công toàn diện tại Việt Nam.
Những năm gắn bó với Bệnh viện Phổi Trung ương, TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung luôn hết mình với công việc, với mong muốn thúc đẩy tiến trình chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam càng nhanh càng tốt. Nên ông đã thành công trong việc kết nối tổng hợp sức mạnh của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế vào cụm Công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam"; có ý nghĩa rất lớn cho chuyên ngành, đặc biệt là con đường chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam. Năm 2022, công trình này đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá về khoa học và công nghệ đợt 6.
Nhâm nhi chén trà ấm, ông thân tình chia sẻ với chúng tôi: “Chuyên ngành Lao là một chuyên ngành khó khăn thậm chí đâu đó còn có sự kỳ thị nhưng chắc có lẽ cơ duyên từ vũ trụ đã chọn tôi theo học và gắn bó với căn bệnh mà dư âm “tứ chứng nan y” vẫn còn sâu đậm trong suy nghĩ của người dân nhất là cách đây 40 năm khi tôi bắt đầu vào học chuyên ngành này….”. Để rồi ông quyết tâm dành cả cuộc đời của mình gắn bó với công tác phòng chống lao, vừa là bác sĩ điều trị, vừa tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Ông không chỉ là tác giả, chủ biên và tham gia biên soạn nhiều cuốn sách chuyên khảo, sách tham khảo hay, hướng dẫn về việc quản lý, điều trị bệnh về phổi ở Việt Nam mà còn tham gia nhóm biên soạn nhiều sách hướng dẫn phòng chống lao của WHO. Bên cạnh biên soạn sách, cùng với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, ông còn cho ra đời hàng trăm bài nghiên cứu về các đề tài liên quan đến lao và bệnh phổi, rất nhiều trong số đó được công bố trên các tạp chí Khoa học, Y học hàng đầu thế giới.
Và ông vẫn nhớ như in trong tâm trí, dịp ông cùng đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Đại Hội đồng Y tế Thế giới khoảng 10 người tại Geneva, Thụy Sĩ, do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu. Kết thúc ngày khai mạc đầu tiên, đoàn có mời ngài Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương là Tiến sĩ Shin Young-Soo và cấp phó của ông cùng tham dự tiệc tối chào mừng. Theo thói quen, tôi luôn tranh thủ vận động các đối tác các cấp ủng hộ cho công tác chống lao của Việt Nam vốn vô cùng khó khăn. Vì vậy mà ngay trong khi chờ đồ ăn tôi cứ “thao thao bất tuyệt” về những vấn đề, giải pháp, về cam kết của Chính phủ và Bộ Y tế, về kế hoạch hành động dự kiến và những khó khăn cần được hỗ trợ quốc tế cho công tác chống lao ở Việt Nam đến mức tôi đoán là các vị khách cũng thấy bị quá liều. Tôi nghe ông cấp phó của Dr Shin nói nhỏ là: ông này họp đã nói về lao, đi cũng lao, ngồi cũng lao, bây giờ ăn cũng lao mọi nơi mọi lúc. Ông Shin nói lại là TB Man nào cũng thế đấy, lúc đó Bộ trưởng tán đồng gán luôn cho tôi là “Nhung lao”, và gọi tôi là “TB Man - ông chống lao”. Kể từ đó, từ các thành viên ở Bộ Y tế tới các đồng nghiệp trong bệnh viện và sau này trong chuyên ngành cũng gọi ông như thế, kể cả trong một số cuộc họp ở Bộ nữa. Ông cũng vui vẻ đón nhận và cảm thấy tự hào, nhưng thực sự đó cũng là trách nhiệm gắn mãi với cuộc đời mình, lúc nào cũng đau đáu với công cuộc chấm dứt bệnh lao”. Rất nhiều hội nghị quốc tế hàng năm tổ chức tại các nước, ông tham gia và đều có những bài tham luận giá trị cao, thiết thực cho công cuộc chống lao.
Luôn trăn trở với khó khăn của người bệnh lao, cá nhân ông và Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thành phố HCM, Bệnh viện Phổi Hải Dương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam đã đề xuất sáng lập ra “Quỹ quốc gia hỗ trợ người bệnh chấm dứt bệnh lao” viết tắt theo tiếng Anh là “PASTB” từ năm 2018. Quỹ PASTB là một cơ chế hữu ích giúp được nhiều bệnh nhân lao vượt qua giai đoạn hiểm nghèo trở về cuộc sống bình an.
Với kiến thức và kinh nghiệm của chuyên ngành Lao và Bệnh phổi, COVID 19 có nhiều điểm tương đồng cả về tính chất lây truyền cộng đồng cũng như tổn thương bệnh lý chủ yếu đường hô hấp, ông đã có nhiều đóng góp trong công cuộc khống chế và đẩy lùi đại dịch Covid 19 vừa qua. Ông nhớ lại, Bệnh viện Phổi Trung ương được giao nhiệm vụ tổ chức Trung tâm Hồi sức Cấp cứu Covid 19 tại Tỉnh Đồng Nai, một mặt Bệnh viện hỗ trợ năng lực Hồi sức cấp cứu tại trưng tâm nhưng mặt khác đó là làm sao quản lý tốt Covid 19 tại cộng đồng, ở các tuyến bệnh viện dã chiến để không chuyển đến trung tâm hồi sức cấp cứu quá muộn hoặc khi không cần thiết gây quá tải cho trưng tâm. Mặt khác, ông đã chỉ đạo và tiếp nhận nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị Covid 19 Molnupiravir giai đoạn II/III và đánh giá áp dụng mở rộng tại cộng đồng, lúc cấp thiết nhất với giá “0 đồng” hết sức có ý nghĩa. Nghiên cứu này đã giúp cho Đồng Nai, Bình Dương và Long An tiếp cận sớm với Molnupiravir và sau đó là hơn 40 tỉnh thành trong cả nước áp dụng. Rất may mắn, tỉnh Đồng Nai đã áp dụng triệt để hướng dẫn của Bệnh viện Phổi Trung ương, Hội phổi Việt Nam và đã thu được kết quả tốt, tỷ lệ tử vong do Covid 19 cao nhất thời điểm đó (năm 2021) là 0,7%. Bài học đó đã góp phần quan trọng vào xây dựng mô hình quản lý dịch tại Phường Vĩnh Phúc, sau đó là Quận Ba Đình và áp dụng cho 10 Quận tại Thủ đô Hà Nội dịp dịch bùng phát tết nguyên đán cuối năm 2021 đầu năm 2022. Ông cũng là người đề xuất khá sớm việc quản lý F1 và sau đó là F0 tại cộng đồng, trao quyền cho người dân làm xét nghiệm phát hiện nhanh Covid 19 cũng như góp phần vào xây dựng chiến lược “bình thường mới” với Covid 19 năm 2022.
Ở TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung hội tụ đủ các yếu tố Tâm, Tài, Đức của một bác sĩ, nhà khoa học, nhà giáo mẫn cán. Sau khi kết thúc vai trò Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương 2022, ông đã chuyển công tác sang Trường Đại học Y Dược, ĐHQG Hà Nội và được bổ nhiệm trở thành Trưởng Khoa Y của Trường từ năm 2023.
TTND, PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung (đứng giữa) nhận Quyết định thành lập khoa Y, Trường Đại học Y Dược-ĐHQG Hà Nội (2023).
Song hành trên vai nhiệm vụ “Thầy thuốc, thầy giáo, nhà khoa học” – TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp trong ngành Y. Nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: TTƯT (2010), TTND (2020); nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, CSTĐ cấp Bộ, CSTĐ Toàn quốc; nhiều Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bằng khen của UBND các tỉnh thành phố, huân chương lao động hạng 3 (2012), Huân chương Lao động hạng Nhì (2017), Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch (2017) và nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất ở ông hiện nay vẫn là nhiệt tình tham gia công tác các Hội, là Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam; tham gia giảng dạy - Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông lấy đó làm niềm động viên trong cuộc sống thường ngày, tiếp tục đam mê công việc khi còn sức khỏe để cống hiến.
Những dấu ấn khó quên trong ký ức.
Nhắc đến TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung là người ta nhắc đến hàng loạt cái tên đặc biệt gắn bó với bệnh lao như “ông chống lao” hay “Nhung lao”. Đó cũng là dấu ấn khiến thầy Nhung tự hào và không ngừng nỗ lực để xứng đáng với tên gọi này. Khi đạt được những thành công, cũng là lúc ông thôi quản lý, chuyên tâm vào làm chuyên môn, chuyên sâu, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tình yêu nghề trong ông vẫn luôn cháy bỏng và khát khao.
TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung luôn nêu cao y đức với tinh thần “Lương y phải như như từ mẫu” để làm việc. Xuất phát từ cách nhìn nhận và những quan điểm đúng đắn ấy nên ông luôn đã chiếm được những tình cảm đặc biệt từ phía người bệnh, học trò, được người bệnh tin tưởng gửi gắm tâm tư, tình cảm, sức khỏe và nhiều thế hệ học trò quý trọng. Rất nhiều bài báo đã viết về ông, chúng tôi chỉ thêm đôi nét dấu ấn với chuyên ngành Lao, Phổi đã gắn bó với ông cả cuộc đời ở cương vị “Thầy giáo, thầy thuốc”.
Ở vai trò Nhà giáo ở Trường ĐH Y Hà Nội trước đây, hay là Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược, ĐHQG Hà Nội hiện nay, TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung luôn là tấm gương sáng để các thế hệ học trò noi theo. Ông nhiệt tình giúp đỡ các thế hệ học trò theo học chuyên ngành Lao và bệnh Phổi.
Ông còn là người thầy tận tình giúp đỡ các học viên NCS, BSCKI, II, Cao học, Nội trú. Đến nay có nhiều học viên bảo vệ thành công luận văn cao học, BSNT, NCS bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Bên cạnh đó, ông đã thực hiện và tham gia nhiều nghiên cứu khoa học chuyên ngành Lao và bệnh Phổi tầm vóc quốc tế, với hàng trăm bài báo công bố trên các tạp chí y học chuyên ngành trong nước và quốc tế.
Những năm tháng gắn mình với ngành Y nói chung, Bệnh viện Phổi Trung ương, hay tham gia giảng dạy các trường Đại học nói riêng, TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung thấu hiểu hơn ai hết những vất vả, gian nan của một nghề cao quý - nghề chữa bệnh cứu người, đối diện hàng ngày, hàng giờ với yêu cầu khám chữa bệnh, không ít trường hợp bệnh nhân nặng khó chữa, nhưng nhờ bản lĩnh nghề nghiệp, sự quyết đoán và đặc biệt là lòng yêu thương con người nơi ông và các y bác sĩ đã giúp nhiều bệnh nhân vượt qua nỗi đau, “vỡ òa” niềm hạnh phúc của người bệnh và người thân của họ. Ông quan niệm, y đức phải được thể hiện ở thái độ, tinh thần trách nhiệm với công việc, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh. Xuất phát từ cách nhìn nhận và những quan điểm đúng đắn ấy, ông đã chiếm được những tình cảm đặc biệt từ phía người bệnh, được người bệnh tin tưởng gửi gắm tâm tư, tình cảm, sức khỏe của mình.
Màu thời gian cứ dần trôi, gần 40 năm làm việc, với TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung “còn sức khỏe, còn tận hiến cùng nghề”. Vậy nên, thời gian biểu của ông gần như dành trọn cho công việc chuyên môn, người bệnh và đọc sách viết bài thâu đêm. Người thầy giáo, thầy thuốc mẫu mực, tận tâm và đáng kính ấy còn rất nhiều tâm huyết muốn gửi gắm đến các thế hệ đồng nghiệp, các học trò với một mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của chuyên ngành Lao và bệnh Phổi
TTND, PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung cùng các tác giả và đồng nghiệp phấn khởi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đường hô hấp
Những gì TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung đã và đang làm rất đáng được ghi nhận và trân trọng! Một TTND, PGS, BSCC luôn mang trong mình niềm khát khao được cống hiến và sẻ chia với nỗi đau bệnh tật cùng cộng đồng. Ông luôn đặt cái tâm lên hàng đầu để phục vụ bệnh nhân, đó chính là lấy “y đức làm nền”, “lấy y thuật” để phục vụ ngày càng tốt hơn với mong muốn chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.
Hình ảnh TTND, PGS.TS.BSCC Nguyễn Viết Nhung giản dị, cần mẫn yêu nghề, hết lòng vì người bệnh và nhiều học trò mãi là hình ảnh đẹp của một thế hệ bác sĩ, nhà giáo kỳ cựu, giàu kinh nghiệm, như “đôi cánh chim bay không mỏi” ông tiếp tục đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển chuyên ngành Lao và bệnh Phổi nói riêng và sự nghiệp đào tạo khối ngành khoa học sức khoẻ trên chặng đường mới./.