24/02/2025 lúc 17:03 (GMT+7)
Breaking News

Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS.BS Tô Thanh Phương: Người chữa lành những niềm đau tâm thần

Triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về chân dung, điển hình thầy thuốc, nhà khoa học tiêu biểu ngành y tế, tôi có cơ duyên tìm hiểu, thực hiện một bài viết ý nghĩa về Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS.BS Tô Thanh Phương – nguyên Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Rất nhiều bác sĩ trong ngành y và người bệnh đều trân trọng, khâm phục ông với hình ảnh người thầy thuốc gương mẫu, tận tâm trong công việc và luôn hết lòng với bệnh nhân.

Đặc biệt, TTND.PGS.TS.BS Tô Thanh Phương đã ghi dấu ấn nổi bật trong ngành y tế nước nhà khi là Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về chuyên ngành trầm cảm. Ông chính là người tạo bước tiến đột phá trong nghiên cứu tìm ra phương pháp điều trị trầm cảm và được xem là vị cứu tinh của bệnh nhân tâm thần trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS.BS Tô Thanh Phương - nguyên Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1

Được biết, TTND. PGS.TS.BS Tô Thanh Phương là một trong những thầy thuốc, chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực Tâm thần tại Việt Nam. Suốt chiều dài sự nghiệp y khoa với hơn 35 năm công tác, ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị, có đóng góp to lớn đối với sự phát triển của chuyên ngành Tâm thần học. Đặc biệt, TTND, PGS.TS Tô Thanh Phương được xem là một trong những người tạo bước tiến đột phá cho ngành Tâm thần nước ta, và là bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực khám và điều trị các bệnh lý trầm cảm, căng thẳng - stress, và các rối loạn tâm thần khác. Với mong muốn nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân trầm cảm, PGS.TS Tô Thanh Phương luôn không ngừng say mê tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng những phương pháp điều trị mới. Ông là bác sĩ chuyên khoa Tâm thần được nhiều cơ quan báo chí, truyền hình viết và ca ngợi rất nhiều về y đức cũng như những cống hiến cho y học nước nhà. Suốt chặng đường dài hơn 35 năm gắn bó với nghề y cao quý, PGS.TS Tô Thanh Phương đã trực tiếp khám chữa cho hàng nghìn bệnh nhân, từ những bệnh như căng thẳng, lo âu; đau đầu, mất ngủ kéo dài; đến các rối loạn tâm thần, trầm cảm, tâm thần phân liệt, hoang tưởng…

TTND.PGS.TS Tô Thanh Phương thăm hỏi bệnh nhân người nước ngoài mắc bệnh trầm cảm do ông và các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 điều trị thành công.

Đạt được những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp y khoa, PGS.TS Tô Thanh Phương đã trải qua một quá trình học tập, rèn luyện và nghiên cứu bài bản, chuyên sâu. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1982, chàng bác sĩ trẻ Tô Thanh Phương hăng hái tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, là bác sĩ quân y của Trường Sĩ quan Tên lửa - Ra đa (nay là Học viện Phòng không – Không quân). Từ tháng 1/1986 đến nay, ông chuyển ngành về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Nói về sự nghiệp của PGS.TS Tô Thanh Phương, có lẽ việc gắn bó cống hiến với chuyên ngành Trầm cảm của ông như một cơ duyên tất yếu của cuộc đời. Đó là thời điểm năm 1989 khi ông đang là Phó trưởng Khoa 5 của Bệnh viện Thần kinh. Ngày đó, có một bệnh nhân tên Chử Văn T, người Lai Châu, đang được điều trị tại Khoa. Mặc dù đã được bác sĩ trưởng khoa tiêm liều thuốc khá cao trong 1 tuần là Aminazine 25 mg ngày 6 ống, Haloperidol 5 mg ngày 4 ống, bệnh nhân T vẫn kích động dữ dội. Thấy vậy, bác sĩ Tô Thanh Phương đã dành nhiều ngày theo dõi và thấy bệnh nhân có biểu hiện mắt đỏ, vẻ mặt u buồn, có lúc sụt sùi khóc, ngồi ở xó buồng. Nhận định trường hợp này là trầm cảm, ông đã mạnh dạn xin nhận điều trị cho bệnh nhân. PGS.TS Tô Thanh Phương cho biết: “Cũng may trưởng khoa đồng ý và bảo tôi viết đơn chịu trách nhiệm. Sau khi giám đốc ký đồng ý thì tôi điều trị bằng công thức riêng của mình. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đã thấy dễ chịu ngay. Sau 1 tuần, bệnh nhân T chuyển biến tốt. Từ đó tôi quyết tâm đi theo hướng điều trị trầm cảm.” Năm 1995, khi sang Pháp nghiên cứu lần 1, Bs. Phương nhận thấy các bác sĩ Pháp chỉ dùng thuốc chống trầm cảm đơn thuần cho bệnh nhân và họ nặng về liệu pháp tâm lý nên ít hiệu quả. Từ góc độ quan sát nhìn nhận trên, ông đã mua nhiều sách đem về nghiên cứu. Đến năm 2000, ông bắt đầu làm luận án điều trị trầm cảm bằng thuốc an thần kinh phối hợp với thuốc chống trầm cảm. Thời điểm đó, an thần kinh là chống chỉ định điều trị trầm cảm. Năm 2002, Bs. Phương sang Pháp lần 2 và hỏi ý kiến các giáo sư. Nhận thấy tính khả thi của đề tài trên, các thầy đã động viên để ông dốc sức hoàn thành luận án Tiến sĩ. Trái ngọt đã đến khi Bs. Tô Thanh Phương đã báo cáo thành công luận án Tiến sĩ điều trị trầm cảm bằng an thần kinh phối hợp với chống trầm cảm đã đem lại hiệu quả rất cao. Hiện nay, biện pháp chữa bệnh này của PGS.TS.BS Tô Thanh Phương đã thành phổ biến, được áp dụng sâu rộng, hiệu quả tại nhiều Bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh tâm thần trên khắp cả nước và từ đó rất nhiều bệnh nhân trầm cảm đã khỏi bệnh. Tổng kết các hoạt động chuyên môn về bệnh lý trầm cảm trong suốt chiều dài quá trình công tác , TTND.PGS.TS Tô Thanh Phương đã viết một cuốn sách về các phương pháp chữa một số bệnh trầm cảm rất đặc hiệu mà nhiều bác sĩ hiện nay còn lúng túng và còn gặp nhiều vướng mắc, trở ngại khi điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, PGS.TS.BS Tô Thanh Phương còn tham gia nghiên cứu phương pháp trắc nghiệm về tâm lý cho kết quả nhanh, chính xác, áp dụng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Đồng thời, ông cũng đã viết nhiều bài báo nghiên cứu khoa học giá trị, là chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm nhiều đề tài cấp cơ sở và cấp Bộ... mang lại hiệu quả cao khi áp dụng trong thực tiễn. Với công tác đào tạo, PGS.TS.BS Tô Thanh Phương là một nhà giáo tận tâm, trách nhiệm và mẫu mực, luôn hết lòng truyền thụ tri thức cho đội ngũ y bác sĩ kế cận trong chuyên ngành Tâm thần. Nhiều năm qua, ông đã tham gia giảng dạy cho nhiều thế hệ bác sĩ học chuyên ngành Tâm thần, hướng dẫn cao học, BSCK I, BSCK II… Trong số những học trò của ông, nhiều người nay đã thành đạt và đang đảm trách những vai trò, vị trí quan trọng tại các Bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa Tâm thần tại Trung ương và các địa phương trên khắp cả nước. Nhưng dù có đi đâu, làm gì, họ vẫn luôn nhớ và tri ân về người thầy đáng kính năm xưa - PGS. TS. Nhà giáo Tô Thanh Phương.

TTND.PGS.TS Tô Thanh Phương ân cần, tân tâm thăm khám, vui vẻ hỏi chuyện người bệnh tâm thần.

Khi tham gia điều trị trầm cảm cho bệnh nhân, công việc của PGS.TS. Tô Thanh Phương gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là việc chẩn đoán bệnh bởi nếu chẩn đoán không đúng thì điều trị không hiệu quả. “Việc tiếp xúc với bệnh nhân trầm cảm không dễ dàng và đòi hỏi người bác sĩ phải có chuyên môn, sự kiên nhẫn, tâm huyết với công việc, thấu hiểu, chia sẻ với người bệnh. Nhiều khi để làm được tốt công tác tư tưởng, những bác sĩ như tôi phải ngồi trò chuyện với bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân hàng giờ liền. Đôi khi chỉ nghe họ kể những câu chuyện vụn vặt không đầu không cuối và phải tự chắp vá lại để phán đoán hướng điều trị và động viên họ.” - PGS.TS Tô Thanh Phương chia sẻ.

Ông luôn tâm niệm rằng, là bác sĩ thì quan trọng nhất phải có cái tâm với nghề. Bác sĩ chữa trầm cảm thì càng quan trọng phải có cái Tâm. Khi đặt chữ Tâm lên hàng đầu, nghĩa là bác sĩ mới thực sự thương người bệnh. Khi đó, bác sĩ sẽ thăm khám cho người bệnh bằng cả trái tim và khối óc mới ra được bệnh. Bởi rất nhiều người bệnh mà các triệu chứng không điển hình, rất khó để xác định 1 ca trầm cảm. Ngược lại, phải khám tỉ mỉ, khám lâu, hỏi kỹ và đồng cảm với người bệnh mới được. Nếu như nhiều bác sĩ khám cho bệnh nhân qua loa, thậm chí quát nạt thì không bao giờ chữa được trầm cảm. Với mong muốn nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân trầm cảm, PGS.TS Tô Thanh Phương không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, áp dụng những phương pháp điều trị mới. Ông chính là người đem Kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ - kỹ thuật mới nhất trong điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt từ Pháp về áp dụng ở Việt Nam. Hiện nay nhiều bệnh viện tâm thần trong cả nước đã sử dụng kỹ thuật này trong điều trị bệnh trầm cảm và quy trình Kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ này đã được Bộ Y tế nghiệm thu và cho áp dụng rộng rãi trong ngành y tế.

TTND.PGS.TS Tô Thanh Phương và các đại biểu tham dự Hội nghị Ứng dụng kích thích từ xuyên sọ trong điều trị các rối loạn tâm thần và giảm đau do nguyên nhân thần kinh tổ chức tại Trường Đại học Y Dược, ĐH Huế, Tp. Huế năm 2022.

Theo đó, PGS.TS Tô Thanh Phương đã nghiên cứu đề tài dùng kích thích từ xuyên sọ điều trị chứng ảo thanh kéo dài đạt hiệu quả cao, 63,33% hết ảo thanh. (Ảo thanh là chứng bệnh nguy hiểm, đó là những tiếng nói trong đầu xui người bệnh tự tử, xui đánh hoặc giết người, xui bỏ nhà đi có khi không biết đường về. Nếu ảo thanh tồn tại trên 6 tháng thì không có loại thuốc nào chữa được). Hơn 35 năm gắn bó với nghề, PGS.TS Tô Thanh Phương không nhớ hết mình đã điều trị cho bao nhiều người bệnh, chỉ biết rằng, ông chưa từng bó tay trước bất kỳ bệnh nhân trầm cảm nào. Sự nhiệt tình, tận tâm, thấu hiểu và kiên nhẫn đã giúp ông mở được cánh cửa bí mật riêng biệt trong mỗi người bệnh, từ đó có được sự phối hợp tốt giữa bệnh nhân, gia đình trong quá trình điều trị. Vẫn với cách làm đó, nhiệt huyết đó, PGS.TS Tô Thanh Phương tiếp tục âm thầm xoa dịu nỗi đau tâm hồn cho bệnh nhân của mình để giúp họ có được cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Niềm vui bình dị mà trân quý nhất trong công việc mỗi ngày với ông chẳng phải điều gì lớn lao, mà đó chính là cảm nhận được hạnh phúc được khỏe mạnh, bình thường của người bệnh do mình khám chữa và điều trị.

Trong bối cảnh đất nước ngày một phát triển và hội nhập, giữa cuộc sống bộn bề lo toan và áp lực khiến nhiều người rơi vào tình trạng stress, trầm cảm như hiện nay, công việc của những bác sĩ chuyên khoa tâm thần như PGS.TS Tô Thanh Phương cũng áp lực và căng thẳng hơn nhưng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách họ vẫn là điểm tựa tin cậy của những người không may mắc phải bệnh lý trầm cảm.

Với những đóng góp, cống hiến đáng trân trọng và dấu ấn đậm sâu với ngành y tế nước nhà, đặc biệt là trong chuyên ngành Tâm thần, PGS.TS Tô Thanh Phương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1, cùng lãnh đạo các cơ quan ban ngành, địa phương trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba; Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân; được ghi danh vào Bảng vàng Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám; Cá nhân ưu tú trong Lễ vinh danh “Nhân tài đất Việt”… cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen ý nghĩa khác…

Tiến Đức