27/01/2025 lúc 11:17 (GMT+7)
Breaking News

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên và Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai: Tin yêu chuyên ngành đã chọn

Câu chuyện về chặng đường sự nghiệp của TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai hôm nay nổi bật phương châm: “Tất cả vì bệnh nhân, vì người dân, làm gì thì làm miễn sao bệnh nhân mau khỏi bệnh, đồng thời liên tục chủ động phát hiện và loại bỏ các nguy cơ gây ngộ độc để cuộc sống người dân ngày càng trở nên an toàn hơn”.

Duyên nghề.

Hai từ “y đức” với TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên không gì khác chính là coi bệnh nhân như những người thân quen, bà con lối xóm, từ đó thì việc tiếp xúc giao tiếp sẽ trở nên thoải mái, tự nhiên, quan tâm tới bệnh tật và cố gắng chẩn đoán và chữa bệnh có kết quả tốt nhất với kinh phí thấp nhất, tuyệt đối tránh xa gian dối hay lợi dụng bệnh nhân, dù họ giàu hay nghèo, hay có điều kiện đến đâu.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Anh ở thế hệ 7X, anh sinh ra và lớn lên trong gia đình vốn truyền thống giáo dục. Bố anh vốn là một giáo viên dạy hóa học ở trường Đại học Sư phạm, bản thân anh cũng đam mê và yêu thích môn Hóa. Ngay khi đang chờ kết quả thi vào đại học y, anh đã từng tham gia phụ giúp mẹ kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật. Ngay khi còn đang là sinh viên đại học, anh cũng đã có đề tài nghiên cứu về ngộ độc. Khi bước vào thực hành tại Khoa Hồi sức cấp cứu A9, anh đã ngày đêm “bám” ngay vào Khoa Chống độc, để rồi từ đó anh ăn ngủ tại khoa để được tiếp xúc với các ca ngộ độc, mải mê tìm hiểu các mẫu chất độc gây bệnh ở các bệnh nhân, ngày đêm tra cứu tìm kiếm các thông tin liên quan,… có những lúc rảnh dỗi anh chạy về quê để xin gia đình các mẫu chai lọ, gói thuốc trừ sâu, trừ cỏ, diệt chuột, đi về các địa phương thu thập mẫu để xây dựng nên phòng trưng bày độc chất tại khoa. Bên cạnh công tác lâm sàng, anh còn tự làm các thí nghiệm về ngộ độc ngay tại khoa, như đi mua chuột nhắt trắng về khoa làm thực nghiệm gây ngộ độc thuốc diệt chuột, ngộ độc nước lá ngón, rồi làm các công việc khác thường như ghi điện tim chuột nhắt khi bị ngộ độc xem đặc điểm điện tim,…Thế rồi, khi đã hoàn thành khóa học bác sỹ nội trú, trong khi các bạn cùng trang lứa lo đi xin việc ở các đơn vị có “độ hot” cao thì anh vẫn mải mê với các bệnh nhân ngộ độc và lo giải quyết các vấn đề ngộ độc. Rõ ràng với bác sỹ Nguyên, nghề chống độc đã chọn anh từ lâu rồi, và anh về công tác tại khoa Chống độc (nay là Trung tâm Chống độc) Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên không ngừng học tập kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên khoa đi trước và học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Anh được khoa cho đi học hỏi từ các đồng nghiệp và nhiều trung tâm chống độc khác nhau trên thế giới. Cuối cùng, nhờ có sự quan tâm của các thày cô, các giáo sư đầu ngành và bệnh viện, anh được đi học tại Trung tâm thông tin thuốc và độc học Rocky Mountain tại Denver, Colorado, Hoa Kỳ, một trong các trung tâm chống độc lớn nhất và phát triển nhất trên thế giới. Các thông tin và kiến thức anh học được chắc chắn đã và đang phát huy rất nhiều trong công tác phòng chống ngộ độc.

Với sự tận tâm cống hiến, hết lòng với người bệnh, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên được Ban Giám đốc bệnh viện bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm, Phụ trách Trung tâm, hiện nay là Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Những năm tháng công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, anh đã góp phần tạo dựng được hình ảnh của Trung tâm chống độc, là một trong các thương hiệu uy tín của Bệnh viện Bạch Mai, là một nơi có chuyên môn cao nhất, luôn sẵn sàng đương đầu với các khó khăn, thách thức mới nhất về ngộ độc để bảo vệ sức khỏe của người dân. Với phương châm của Trung tâm chống độc là "Cứu chữa ngộ độc được một người nhưng phòng tránh được ngộ độc cho 10 người".

Luôn đem tới người bệnh sự hài lòng.

Đúng như những lời chia sẻ thân tình của PGS.TS.BSCC Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai với chúng tôi: “Trung tâm Chống độc ngày một uy tín và phát triển, khoa đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, học tập bài bản. Ở đó có tấm gương TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên tận tâm với nghề, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, cùng với đồng nghiệp xây dựng Trung tâm ngày một phát triển, tạo niềm tin trong lòng mọi người…”.

Được sự quan tâm của Đảng ủy, BGĐ Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Chống độc không ngừng nỗ lực phát triển về lượng và chất, trở thành một tập thể đoàn kết “hết lòng với người bệnh”. Đó là mục tiêu của tập thể lãnh đạo, bác sỹ và nhân viên cố gắng hoàn thành. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, không thể thiếu sự quan tâm, động viên, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, BGĐ và sự giúp đỡ của các Trung tâm, khoa, phòng trong bệnh viện, cũng như sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể lãnh đạo, đội ngũ bác sỹ, cán bộ, nhân viên của Trung tâm, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, làm tốt hơn trong công tác chăm sóc, điều trị, phục vụ người bệnh.

Nhiều bệnh nhân sau khi đến khám, phẫu thuật và điều trị tại Trung tâm có chung một nhận xét: Đội ngũ lãnh đạo, bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên Trung tâm luôn hết lòng chăm sóc, phục vụ bệnh nhân chu đáo. Đôi khi, người bệnh trong lúc mặc cảm, thường có những cảm xúc, biểu hiện, thái độ thất thường, khó chịu, nhưng đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên trong Trung tâm vẫn ân cần, nhẹ nhàng, niềm nở và tận tình chăm sóc.

Người bệnh yên tâm đến với Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Trung tâm được trang bị nhiều máy hiện đại để xét nghiệm độc chất định tính được phần lớn các trường hợp ngộ độc thuốc, hoá chất bảo vệ thực vật, ma tuý, thực vật độc thường gặp; Xét nghiệm định lượng với paracetamol, phenobarbital; Các phương pháp xét nghiệm: xét nghiệm nhanh, sắc ký lớp mỏng, sắc ký lỏng cao áp. Kịp thời chẩn đoán, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân ngộ độc/năm với nhiều loại ngộ độc đặc biệt, phức tạp: các hoá chất bảo vệ thực vật, rắn độc cắn, ong đốt, nấm độc, thực vật độc,…Phần lớn các bệnh nhân ngộ độc nặng. Thành công lớn nhất của Trung tâm là đã xây dựng thành công nhiều phác đồ chẩn đoán điều trị các loại ngộ độc đặc trưng của Việt Nam, đặc biệt phospho hữu cơ, nereistoxin, ong đốt, rắn cắn,…; Ứng dụng các thuốc giải độc và kỹ thuật giải độc: than hoạt Antipois-Bmai, huyết thanh kháng nọc rắn Việt Nam, bộ rửa dạ dày hệ thống kín Việt Nam, lọc huyết tương và lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất. Những năm qua, Trung tâm liên tục chủ động phát hiện các lý do gây ngộ độc, các nguy cơ gây ngộ độc, để từ đó tuyên truyền giáo dục cho người dân, đề xuất các cơ quan quản lý các biện pháp giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ngộ độc, ví dụ phát hiện các loại thực phẩm chức năng bị pha trộn chất cấm, các loại ma túy mới, thuốc lá điện tử,...

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên tận tình khám, điều trị cho bệnh nhân.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ: Tính chất đặc thù của nguyên ngành chống độc ở Việt Nam là có hàng triệu chất độc thì nghĩa là có hàng triệu bệnh ngộ độc. Các bệnh ngộ độc này luôn luôn thay đổi, xuất hiện mới khi hóa chất mới xuất hiện. Do đó, anh cùng đơn vị thường xuyên chẩn đoán, phát hiện ra các ngộ độc mới, ngộ độc lần đầu tiên có ở Việt Nam như Ngộ độc thực phẩm do botulinum, ngộ độc thiếc, các loại ma túy mới,…Rồi những sự vụ ngộ độc phức tạp xảy ra ở các địa phương khác nhau, bác sỹ Nguyên lại cùng các đồng nghiệp trong bệnh viện lên đường bất cứ lúc nào, không kẻ ngày đêm, xuất hành khi còn chưa có công văn giấy tờ, miễn sao mau chóng tới nơi xảy ra sự việc để giúp Bộ Y tế, giúp địa phương và người dân, như vụ Ngộ độc flo do hệ thống nước RO tại Hòa Bình, vụ ngộ độ paraquat ở hai bản tại Sơn La, vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Ishool Nha Trang,…Cứ mỗi khi tới nơi, điều chúng  tôi thấy mình có ích cho mọi người đó là nghe thấy tiếng nói lao xao của người dân trong các đám đông “Bác sỹ Bạch Mai đến rồi, Bác sỹ Bạch Mai đến rồi,…”, “điều tôi thấy không chỉ đơn giản là cảm động với niềm tin của người dân, mà còn thấy mình phải càng cố gắng phục vụ hết mình cho người dân được tốt hơn””.

Thời gian chờ anh sau khi cùng đồng nghiệp thực hiện cấp cứu ngộ độc kịp thời cho một bệnh nhân ở Quốc Oai, Hà Nội bị rắn độc cắn, tôi đã được nghe lời tâm sự thân tình của người nhà bệnh nhân Nguyễn Hồng Hà ở Thái Nguyên: “Chồng tôi ăn phải nấm rừng độc, bị ngộ độc nặng, đã chuyển viện xuống Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai kịp thời, tại đây được đích thân bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cùng ekip trực tối hôm đó xử trí kịp thời cứu sống. Bác sĩ Nguyên thân tình và nhẹ nhàng lắm, giúp đỡ người bệnh hết mức có thể. Chiều nay sau 5 ngày điều trị, chồng tôi đã được ra viện….”.

Có thể nói Trung tâm Chống độc trở thành một trong những Trung tâm kiểu mẫu của Bệnh viện Bạch Mai, ở đó có những bác sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn:  TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, PGS.TS.BS. Hà Trần Hưng, ThS.Bs. Lê Quang Thuận,…và nhiều bác sĩ, điều dưỡng khác là những bông hoa tươi thắm cho ngành Y.

Cảm nhận nhẹ nhàng về những việc TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên và tập thể Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đang làm, tôi và người bệnh đều có chung cảm nhận quý mến các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây.

Việt Hùng