23/11/2024 lúc 12:41 (GMT+7)
Breaking News

Trường Sơn nơi tôi trở lại - Kỳ 3: Du lịch sinh thái ASEAN giữa lòng đất Vũ Quang

Với đặc điểm đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa của thành lũy Phan Đình Phùng khởi nghĩa cuối thế kỷ thứ XIX, Vườn quốc gia Vũ Quang không chỉ là khu bảo tồn đa mục đích, mà còn là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái bền vững của dãy Bắc Trường Sơn, của Vườn di sản ASEAN.

Phong cảnh hữu tình trên hồ Ngàn Trươi Vũ Quang

Bức tranh thủy mặc Bắc Trường Sơn

Một ngày tháng tư trước thềm đón đợi mùa du lịch 30/4/2022, chúng tôi cùng cán bộ BQL Vườn quốc gia Vũ Quang thị sát vùng lòng hồ Ngàn Trươi - điểm nhấn của quần thể du lịch sinh thái Vườn quốc gia Vũ Quang. Xuất phát từ bến thuyền ngay chân đập dâng Ngàn Trươi, chiếc xuồng máy chuyên dụng của lực lượng bảo vệ Vườn dẫn chúng tôi lướt qua hơn 30 hòn đảo lớn, nhỏ rãi rác trên diện tích 4.000 ha mặt nước lòng hồ. Toàn cảnh hồ như một bức tranh thuỷ mặc. Mặt hồ trong xanh phẳng lặng như tấm gương khổng lồ phản chiếu núi non, hùng vĩ.

“Nằm cạnh đường Hồ Chí Minh Bắc Nam, nơi trung tâm huyện lỵ miền núi Vũ Quang, hồ Ngàn Trươi có tổng diện tích lưu vực 408 km2, dung tích chứa 775 triệu m3. Đây là hồ chứa lớn thứ 3 trong cả nước, chỉ sau hồ Dầu Tiếng và hồ Cửa Đạt. Vườn quốc gia Vũ Quang là sự hài hòa giữa núi, rừng và sông nước, do vậy khí hậu quanh năm ở đây luôn mát mẻ, ôn hòa.” - Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ giới thiệu với chúng tôi.

Du ngoạn trên lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang không thể bỏ qua những thắng cảnh đẹp mê hồn như suối Đầu Rồng bắt nguồn từ các dãy núi cao chót vót nơi phân chia biên giới Việt – Lào đổ về; rừng Cảnh Tiên quanh năm bạc đầu bởi lớp mây trắng phủ; thác Thang Đày nét đẹp kỳ vĩ thơ mộng, chảy qua nhiều cung bậc như bản nhạc rừng ngân nga giữa đại ngàn, tạo nên nhiều âm bậc say đắm lòng người. Bên dòng suối trong xanh có nhiều tảng đá thiên tạo, mặt phẳng lỳ như những bộ kệ đón đợi du khách đến chiêm ngưỡng uống trà, đánh cờ tướng. Thảm thực vật Vườn rất đa dạng, phong phú…Chắn ngang lối đi là những gốc cây cổ thụ mấy người ôm không xuể. Tầng thấp hơn là chằng chịt cây dây leo đan kín. Phía bên phải lối đi là vách đá dựng đứng đen sì hàng ngàn năm tuổi, là một trong hai dãy núi mà Chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng cùng tướng quân Cao Thắng đã chọn nơi đây để xây dựng Khu căn cứ địa Vụ Quang. Tất cả tạo nên phong cảnh  hoang giã, kỳ thú. Đặc biệt, nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn đa dạng hệ thực vật của rừng nguyên sinh với khoảng 1.612 loài thực vật bậc cao, 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm. Mặt khác, Vườn quốc gia Vũ Quang còn có 36 loài thú đặc hữu như: Voọc vá chân nâu, vượn má vàng, sao la, mang lớn, có cả đàn voi hàng chục con thi thoảng xuất hiện ra thăm bản…

Cán bộ chiến sỹ kiểm lâm vườn quốc gia Vũ Quang luôn gắn bó bảo vệ rừng vàng

Đánh thức tiềm năng

Mặc dù Vườn quốc gia Vũ Quang đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên của dãi Bắc Trường Sơn, nhân văn phong phú và đa dạng, nhưng cho tới nay chưa có quy hoạch nào và đầu tư nào đưa vào khai thác tương xứng với tiềm năng thiên nhiên ban tặng này. Theo nhiều chuyên gia trên lĩnh vực du lịch, sinh thái, môi trường, VQG Vũ Quang có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với những ưu thế của thiên nhiên nhiệt đới ẩm, địa hình, cảnh quan đa dạng với nhiều hệ sinh thái điển hình khác nhau từ vùng núi cao đến vùng đồng bằng.

Bí thư huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Hà Tân cho rằng, nếu các nhà đầu tư tìm đến để đầu tư, phát triển thì khu du lịch sinh thái VQG Vũ Quang sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với nghề rừng trong việc mở mang ngành nghề, sản xuất ra các sản phẩm từ rừng, kinh doanh môi trường rừng, tăng thêm nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu du khách đến tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đồng thời, công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng sẽ được đầu tư đúng tầm của một Vườn quốc gia, góp phần phục hồi và phát triển rừng phong phú đa dạng hơn.

Du lịch sinh thái rừng là hoạt động du lịch mới được phát triển từ một vài thập kỷ lại đây và đang trở thành một xu hướng tích cực để đảm bảo sự phát triển du lịch sinh thái bền vững, gắn liền với việc bảo tồn giá trị thiên nhiên và môi trường rừng, với các giá trị nhân văn giàu bản sắc văn hóa của dân tộc. Nếu điều kiện hạ tầng được đầu tư thỏa đáng, VQG Vũ Quang sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương trong các tour du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn của Vườn Quốc gia Vũ Quang có một không hai của cả khu vực ASEAN này.

Ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang đón nhận bằng công nhận “Vườn di sản ASEAN” tại thủ đô Viêng Chăn Lào

Vườn di sản ASEAN giữa phố thị miền núi Vũ Quang

VQG Vũ Quang là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, do lưu giữ được nhiều nguồn gene rất quý hiếm giá trị cho công tác bảo tồn. Do nằm trong một vùng sinh quyển có mức độ ưu tiên toàn cầu, khu vực này được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.

Bởi thế, tháng 10/2019, tại Hội nghị Vườn di sản ASEAN lần thứ 6 được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn Lào, Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang chính thức được công nhận là “Vườn di sản ASEAN” cùng với 3 đại diện khác của Việt Nam, gồm: VQG Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Khu bảo tồn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum). Đây đều là các khu vực có giá trị về đa dạng sinh học và giữ vai trò to lớn trong công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học rừng bền vững trên dãy Trường Sơn bao la, hùng vĩ.

Ông Nguyễn Danh Kỳ Giám đốc vườn quốc gia Vũ Quang cho biết, với tính toàn vẹn của hệ sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính độc đáo và các sinh cảnh đặc trưng cùng các loài quý hiếm, tính hợp pháp và hợp lý, tính xuyên biên giới, kế hoạch quản lý, tầm quan trọng cho bảo tồn, VQG Vũ Quang được Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN đánh giá rất cao thông qua các chương trình làm việc cũng như khảo sát thực tế tại khu vực và công nhận là Vườn di sản ASEAN. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối cả nước, tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt đối với những người gác rừng Vũ Quang như chúng tôi lại càng tự hào đối với việc làm của lực lượng quản lý rừng, đối với tài nguyên đất nước.

Cũng theo Ông Nguyễn Danh Kỳ: Để dự được một Vườn quốc gia Vũ Quang như ngày nay, có biết bao lớp người những cán bộ, chiến sỹ Kiểm lâm, bảo vệ rừng, công nhân lâm nghiệp đổ mồ hôi, nước mắt, kể cả máu xương nữa. Nói về sự khó khăn thiếu thốn của Vườn quốc gia như Vũ Quang thì không sao kể hết như lực lượng bảo vệ rừng thiếu hụt chưa tương xứng với số diện tích rất lớn. Cũng theo ông Kỳ, do địa bàn hoạt động sâu, xa, anh em hàng tháng phải mang vác hành trang gạo, mì tôm, lương khô lội rừng cả chuyến, có khi đi đến hơn chục ngày mới về lại đơn vị, nhìn anh em ai nấy thất thần, quần áo ướt sủng, sên vắt đeo bám đầy người. Nhưng với ý chí và nghị lực của người gác rừng Vũ Quang, có hi sinh vất vã để có  một Vườn quốc gia Vũ Quang như ngày nay.

Anh Bình